Rừng nguyên sinh đang dần biến mất trên toàn cầu, Việt Nam chỉ còn 0,25%

0 773

Rừng nguyên sinh đang dần biến mất, theo số liệu khảo sát năm 2022 của Tạp chí thế giới về rừng (Global Forest Review) được công bố vào hôm qua 27/06/2023. Tổng cộng 4,1 triệu hecta rừng nguyên sinh bị phá hủy vào năm ngoái, tương đương với diện tích nước Thụy Sĩ.

Theo trang mạng The Huffington Post (Mỹ), diện tích rừng bị phá nói trên dẫn đến việc phát thải 2,7 gigaton CO2 vào năm 2022, tương đương với lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch hàng năm của Ấn Độ. Có nghĩa là diện tích rừng nguyên sinh bị phá hủy vào năm 2022 nhiều hơn 10% so với năm 2021. Hiện tượng này đi ngược với các thỏa thuận quốc tế.

Tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức ở Glasgow, Scotland vào năm 2021, 145 quốc gia đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng từ nay đến năm 2030 thông qua “Tuyên bố Glasgow”. Nhưng dữ liệu mới nhất của Global Forest Review cho thấy rằng không có biện pháp đủ tầm mức nào được đưa ra, khiến không thể đạt được mục tiêu này.

Bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng phá rừng là Brazil, nơi diện tích rừng nguyên sinh bị phá đã tăng 15% từ năm 2021 đến năm 2022. Do đó, rừng Amazon rất được quan tâm bảo tồn. Và nếu hỏa hoạn là nguyên nhân gây ra 19,2% nạn phá rừng ở Brazil, thì thủ phạm chính vẫn là con người.

Cộng hòa Dân chủ Congo (RDC) và Bolivia là hai nước khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn phá rừng. Bất chấp những cam kết về bảo vệ rừng, lợi ích kinh tế vẫn được các nhà lãnh đạo đặt lên hàng đầu. RDC tích cực cấp phép khai thác dầu khí, trong khi Bolivia tích cực sản xuất cacao và khai thác vàng.

Theo các nhà khoa học, cứ mỗi phút, diện tích rừng tương đương với 30 sân bóng đá bị mất đi. Đáng lo ngại, khoảng 1/3 diện tích rừng bị phá hủy là rừng nhiệt đới nguyên sinh – nơi có nhiều loài động vật hoang dã phong phú nhất hành tinh và là nơi hấp thụ nhiều khí CO2 vốn là “thủ phạm” của tình trạng Trái đất nóng lên. William Laurance, một nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (STRI) ở Panama cho biết, các khu rừng nhiệt đới bị tàn phá đem đến cho con người nhiều mối lo, trong đó quan ngại lớn nhất là biến đổi khí hậu. Những loài động thực vật sống tại các khu vực có nền nhiệt độ ổn định không thể chịu được việc Trái đất đang ấm dần lên và chỉ cần tăng thêm 2°C nữa, một số loài có khả năng biến mất. Một chuyên gia khác của STRI, Joseph Wright cũng đồng tình với quan điểm rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề lớn với đa dạng sinh học tại các khu vực nhiệt đới. Ông Wright cho biết, đa phần các khu rừng nhiệt đới chỉ có thể tồn tại và phát triển ở nền nhiệt độ trung bình 25°C-26°C. Nhiều khả năng đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ tại các khu vực nhiệt đới sẽ tăng thêm tới 3°C. Sự diệt vong của các khu rừng nhiệt đới sẽ là một “bản án tử cho con người” vì thống kê cho thấy, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, với trên 11 tỷ tấn CO2 mỗi năm.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của các nhà khoa học, tốc độ tàn phá rừng vẫn không hề thuyên giảm vì nạn buôn lậu, ý thức và nhận thức yếu kém của nhiều người về môi trường. Trong khi đó, với mỗi héc ta rừng mất đi, con người lại tiến gần hơn tới viễn cảnh khủng khiếp của biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái. Đã đến lúc, tất cả các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển, vào cuộc một cách nghiêm túc để nâng cao nhận thức cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, giữ gìn “lá phổi” của nhân loại.

Riêng tại Việt Nam, một đất nước từng có nhiều rừng, theo báo cáo trên toàn lãnh thổ Việt Nam, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ có 0,25%.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020 tổ chức tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trong hai ngày 11 và 12.11, ông Oemar Idoe, Trưởng nhóm các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp về hội nhập kinh tế khu vực (Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ), nhận định: “Năm 2019, Việt Nam đã đạt 14,6 triệu ha đất có rừng với độ che phủ ước đạt gần 42%. Song trên toàn lãnh thổ quốc gia, những khu rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ 0,25%”.

Nguồn tổng hợp

Leave A Reply

Your email address will not be published.