234 năm trước, vua Quang Trung làm nên chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa

TVN

0 171

Đánh cho nó chích luân bất phản,

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.

– QUANG TRUNG – Lời hiểu dụ tướng sĩ

Trận Ngọc Hồi – Đống Đa (hay Chiến thắng Kỷ Dậu) là tên gọi do các nhà sử học Việt Nam dành cho loạt trận đánh chống ngoại xâm thắng lợi của nước Đại Việt thời Tây Sơn do vua Quang Trung lãnh đạo vào đầu năm Kỷ Dậu 1789, đánh tan hàng vạn quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy – kéo sang do sự cầu viện của vua Chiêu Thống nhà Lê Trung Hưng.

Trận Ngọc Hồi – Khương Thượng là chiến thắng quân sự tiêu biểu thể hiện tài năng của hoàng đế Quang Trung nhà Tây Sơn, khi chỉ trong 5 ngày, ông đã hành quân thần tốc và đánh tan lực lượng quân Thanh, chiếm lại được kinh đô Thăng Long. Chiến thắng này khẳng định sự tồn tại của nước Đại Việt trước họa xâm lược, chấm dứt sự tồn tại của nhà Hậu Lê, đồng thời đánh dấu việc nhà Tây Sơn chính thức thay thế nhà Hậu Lê trong việc cai quản đất Bắc Hà và trong quan hệ với nhà Thanh.

Lúc bấy giờ, nhà Thanh lợi dụng tình hình nước ta rối ren, biến loạn, đã phái Tôn Sĩ Nghị dẫn 29 vạn quân sang xâm lược. Theo sử sách lược ghi, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, rồi lập tức cùng nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc nhằm đập tan dã tâm của giặc. Chọn khu vực Thăng Long làm mục tiêu tiến công chủ yếu, nhà vua chia quân làm năm đạo, đích thân chỉ huy hướng chính diện cùng tiến. Giữa ba quân, lời hịch vang động, ý chí ngút ngàn: “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Đêm 30 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu – đạo quân chủ lực của Quang Trung vượt sông Gián, mở màn chiến dịch đại phá quân Thanh. Quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của địch ở Gián Khẩu. Quân địch hoảng sợ, tan vỡ và bỏ chạy ngay từ đầu. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến lên, nhanh chóng tiêu diệt luôn các đồn địch ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết và Nhật Tảo. Quang Trung ra lệnh truy kích ráo riết, quân Tây Sơn đuổi đến Phú Xuyên thì bắt gọn được toàn bộ tàn quân và bọn lính do thám của địch. Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu (28/1/1789), quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn Hà Hồi. Đây là một đồn quan trọng của quân Thanh cách Thăng Long khoảng 20km. Chỉ trong chốc lát, quân Tây Sơn đã diệt gọn đồn quan trọng của địch, thu được rất nhiều vũ khí, lương thực.

Sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30/1/1789), quân Tây Sơn tiến công mãnh liệt vào mặt nam đồn Ngọc Hồi. Mở đầu cuộc tiến công, Quang Trung tung tượng binh gồm hơn 100 voi chiến ra trận. Đây là một binh chủng xung phong, đột phá rất lợi hại. Ngoài cung, nỏ, giáo, lao, quân Tây Sơn còn được trang bị thêm nhiều thứ hỏa khí như súng tay, hỏa hổ và đặc biệt đặt cả đại bác trên mình voi. Theo lệnh của Quang Trung, đội voi chiến chia ra làm hai cánh đánh vòng về hai phía tả và hữu để mở đường cho đội xung kích lao lên. Quân chủ lực Tây Sơn dưới sự đốc chiến trực tiếp của Quang Trung lập tức xung phong vào đồn lũy của địch. Bộ binh, kỵ binh và tượng binh ào ạt xông vào các cửa lũy đã mở. Thế xung trận của quân Tây Sơn mạnh như triều dâng bão cuốn. Trước sức tấn công vũ bão của quân Tây Sơn, các chiến lũy và toàn bộ trận địa phòng thủ mặt nam đồn Ngọc Hồi bị phá hủy tan tành. Quân ta tràn vào bên trong đồn lũy như những dòng thác đổ, nhiều doanh trại của địch bị đốt cháy, đồn Ngọc Hồi chìm ngập trong khói lửa. Quân địch không chống cự nổi, bỏ chạy tán loạn. Chỉ trong sáng mồng 5 tháng Giêng, quân Tây Sơn đã phá tan đồn lũy Ngọc Hồi, tiêu diệt toàn bộ quân địch khoảng 3 vạn tên ở Ngọc Hồi – một cứ điểm then chốt nhất của địch, đập nát hệ thống phòng thủ của chúng ở phía nam Thăng Long, mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long.

Cũng trong sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, một đạo quân Tây Sơn vượt qua sông Tô Lịch, tiến đánh đồn Khương Thượng. Đạo quân gồm kỵ binh và tượng binh, tuy không nhiều nhưng có sức cơ động nhanh và đột phá mạnh. Bằng khí thế áp đảo quân thù, quân ta xông thẳng vào đồn trại của địch. Sầm Nghi Đống cố đốc thúc quân lính chống cự nhưng không thể chống đỡ nổi sức tiến công mãnh liệt của quân Tây Sơn. Chỉ trong chốc lát, số quân Thanh bị chết và bị thương đã lên đến 5.000 người. Sầm Nghi Đống phải bỏ các doanh trại bên ngoài, rút về bảo vệ sở chỉ huy trên Loa Sơn để chờ quân cứu viện. Cũng lúc đó, xung quanh đồn trại của địch xuất hiện một hàng rào lửa dày đặc của nhân dân địa phương góp sức cùng với đội quân Tây Sơn diệt giặc. Quân địch đang choáng váng vì đòn tiến công bất ngờ của quân Tây Sơn, lại khiếp đảm trước lưới lửa bao vây trùng điệp của nhân dân. Đồn trại của địch tan vỡ nhanh chóng. Sầm Nghi Đống lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt nên thắt cổ chết ngay tại sở chỉ huy. Quân Tây Sơn thừa thắng nhanh chóng tràn vào cửa ô tây nam thành Thăng Long, lao thẳng về đại bản doanh của Tôn Sỹ Nghị ở cung Tây Long.

Với khí thế tấn công thần tốc, táo bạo và bất ngờ như vũ bão của quân Tây Sơn, Tôn Sỹ Nghị phải vất bỏ tất cả mọi thứ, kể cả sắc thư, kỳ bài, quân ấn chủ soái do vua Thanh ban để chạy thoát thân về nước. Cuộc chiến chống quân Thanh xâm lược kết thúc với chiến thắng có ý nghĩa quyết định của trận Ngọc Hồi – Đống Đa (Khương Thượng).

Trưa mồng 5 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung mang đại quân vào thành Thăng Long với chiếc áo chiến bào còn đen sạm khói súng. Quân Tây Sơn hân hoan ăn Tết khai hạ tại thành Thăng Long, đúng như lời Quang Trung đã hứa với quân sỹ trước đó tại Tam Điệp.

Leave A Reply

Your email address will not be published.