“Hắc Hổ” Nguyễn Hữu Cảnh và xứ Đồng Nai

Huỳnh Duy Lộc

0 235

Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm 1650 ở vùng đất nay là thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, là con trai thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật và là cháu 9 đời của Nguyễn Trãi. Ông nội của ông là Nguyễn Triều Văn ở làng Gia Miêu, tỉnh Thanh Hóa, đã theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam… Lớn lên vào thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh và chuyên tâm luyện tập võ nghệ nên còn trẻ nhưng ông đã lập được nhiều chiến công và đã được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức cai cơ (một chức võ quan thuộc bậc cao) ở tuổi 20, được người đương thời tôn xưng là “Hắc Hổ” (vì ông sinh năm Dần và vì có nước da ngăm đen) và về sau được chúa Nguyễn phong tước Lễ thành hầu.

Vào những năm 1690-1691, vua Chămpa là Kế Bà Tranh thường đem quân vượt biên giới, giết hại dân Việt ở Diên Ninh, Diên Khánh. Đầu năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu phái Nguyễn Hữu Cảnh làm thống binh cùng với tham mưu Nguyễn Đình Quang đem quân bình định biên cương, thành lập trấn Thuận Thành (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay). Bình định vừa xong, một nhóm người Thanh, đứng đầu là A Bân xúi giục bè đảng dấy loạn, Nguyễn Hữu Cảnh lại nhận lệnh dẹp loạn rồi được cử làm trấn thủ dinh Bình Khương (còn gọi là Bình Khang, nay là vùng Khánh Hòa – Bình Thuận).

Theo “Đại Nam thực lục tiền biên”, vào tháng 2 năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho trấn thủ Bình Khương là Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, vào Nam kinh lược. Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Thu (Ang Saur) đem quân tiến công Đại Việt, chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Nguyễn Hữu Cảnh làm thống binh, cùng với phó tướng Phạm Cẩm Long, tham tướng Nguyễn Hữu Khánh đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng Đô đốc Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Thủy binh của Nguyễn Hữu Cảnh đã tiến thẳng đến thành La Bích (Pnom Penh), đánh tan quân của Nặc Thu. Sau khi vua Chân Lạp quy hàng, “Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyển ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Miên, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tin thần thân thiện”.

Tháng 4 năm Canh Thìn (1700), Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao (Cù lao Sao Mộc hay Tiêu Mộc hoặc châu Sao Mộc). Về sau, dân địa phương nhớ ơn ông nên gọi là Cù lao Ông Chưởng, nay thuộc Chợ Mới, An Giang) và báo tin thắng trận về kinh. Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức thì “ở đây một thời gian, ông bị “nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ, rồi bị trúng phong và thổ huyết, bệnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14, ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho) thì mất. Khi ấy, chở quan tài về dinh Trấn Biên, rồi đem việc tâu lên, chúa Nguyễn Phúc Chu rất thương tiếc, sắc tặng là Hiệp tán Công thần, thụy là Trung Cần, hưởng dương 51 tuổi. Người Cao Miên lập miếu thờ ông ở đầu châu Nam Vang. Nơi cù lao ông nghỉ bệnh, nhân dân cũng lập đền thờ, được mệnh danh là Cù lao ông Lễ. Còn chỗ dinh Trấn Biên cũng lập miếu thờ”.

Nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu cho biết: “Tỉnh Biên Hòa là một trong những tỉnh đã khai lập sau khi chúa Nguyễn chiếm được đất của Chiêm Thành và Chân Lạp. Hai chủng tộc Phù Nam và Chân Lạp đã gieo và lưu truyền ít nhiều ảnh hưởng ở miền Đông Nam phần. Từ Ba Lỵ và Chu Nại của Phù Nam, vùng này được Thủy Chân Lạp đổi lại và gọi bằng thổ âm “Nông Nại”. Năm 1618, vua nước Chân Lạp là Chey Cheta II đã dời đô từ Lvéa Em về Oudong, liên lạc với Đại Việt, thôn tính lần hồi nước Chiêm Thành và đến năm 1620 cưới công nữ Ngọc Vạn, ái nữ của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cuộc hôn nhân Chân Lạp – Việt này đưa đến việc thiết lập các cơ sở đầu tiên của chúa Nguyễn tại xứ Nông Nại…

Từ năm Mậu Tuất 1658, Nguyễn Phúc Yến, phó tướng dinh Trấn Biên, vào đánh Môi Xuy (Phước Tuy), bắt vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân, Lạp Vương bắt đầu thần phục Phủ Chúa. Ở vùng đất Quảng, dân Bắc hà bị đói khổ vì chiến nạn, được Chúa Hiền đưa đi theo ven biển xuống phía Nam khai khẩn đất làm ruộng, lập nghiệp, sinh sống ở Môi Xuy và Đồng Nai là 2 nhượng địa.

Con sông lớn chảy ngang qua Đồng Nai được đặt tên là Phước Long giang hay là sông Hòa Quý, sông Sa Hà (nghĩa là sông có nhiều cát, ngày nay gọi là sông Đồng Nai). Sau năm Kỷ Dậu 1678, với những tập đoàn di dân của Trần Thượng Xuyên, đất Đồng Nai bắt đầu được khai thác và mở mang về thương mại, tuy trên pháp lý là đất của Chân Lạp, nhưng trên thực tế đã chịu ảnh hưởng của Phủ Chúa. Năm Mậu Dần 1698, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh chính thức sát nhập huyện Phước Long (Biên Hòa) và phủ Gia Định vào bản đồ Đại Việt, thiết lập xã, thôn, huyện, trấn, đặt quan cai trị…” (Biên Hòa sử lược toàn biên, Lương Văn Lựu, tr. 20, 21).

Ảnh: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.