Một vài chính sách của vua Gia Long đối với Tây Sơn và Nhà Trịnh

Tôn Thất Thọ

0 327

Sách Đại Nam thực lục (gọi tắt là Thực lục) đã ghi chép khá chi tiết những việc làm của Nguyễn Ánh, (về sau là vua Gia Long) đối với chỉ huy và binh lính của nhà Tây Sơn sau khi ông chiếm Phú Xuân (1801) và sau đó lên ngôi năm 1802.

Qua những điều ghi chép, ta thấy thời gian sau khi chiếm Phú Xuân (13-6-1801), Nguyễn Ánh đã tập trung để thi hành chính sách chiêu an đối với một số chỉ huy và binh sĩ Tây Sơn. Việc trước tiên là ông nhanh chóng sử dụng đội ngũ binh lính, quan lại của bộ khung quan tướng Tây Sơn cùng chỉ huy các cấp vào công việc quân sự trị an, dưới sự quản lý chặt chẻ, có hiệu quả của quân nhà Nguyễn. Cũng trong thời gian nà, quân chúa Nguyễn liên tục thắng lớn trên các mặt trận, quân Tây Sơn tan rã nhiều nơi. Vì vậy, Nguyễn Ánh đã nhanh chóng quyết định cho tù binh và hàng binh Tây Sơn gia nhập quân đội triều Nguyễn. Cụ thể là:

“Biên bổ tàn binh và hàng binh ở Thuận Hóa làm năm vệ: Thiện Võ, Kham Võ, Trang Võ, Túc Uy và Kiệu Uy thuộc Trung quân” (TL T2, tr. 401).

“1000 binh Thuận Hóa và Bắc Hà bị bắt thì cho phân lệ vào quân ngũ, thẳng tiến đi Quảng Nam đánh giặc”(TL, tr. 406).

“Quân bọn Tống Viết Phúc, Lê Văn Duyệt và Lê Chất đến Quảng Ngải đánh bắt được đảng giặc là bọn Nguyễn Văn Khôn, Hồ Văn Tự ở biển Trà Khúc, bắt được quân giặc hơn 3000 người…Cho giải bọn tướng giặc là Khôn và Tự về kinh, còn binh lính bị bắt thì chia cho lệ về các vệ để thêm quân số”. (TL T2, tr. 412).

“Nhà vua sai ba đội Tả vệ, Hữu vệ, Hoàng kiếm kén (chọn) hàng binh Thuận Hóa và Bắc Hà những người tinh tráng để bổ sung cho mỗi đội đủ số 120 người hoặc 150 người”. (TL T2, tr. 416).

“Liền bổ tù binh ở Quy Nhơn làm bốn vệ Quang Uy, Minh Uy, Nhuệ Uy và Tuyên Uy (TL, tr. 417); chi bổ sáu vệ quân mới hàng là Chánh võ nhất, Chánh võ nhị, Thanh võ, Tường võ, Trinh võ nhanh vào tả đồn quân Ngự Lâm”. (TL T2, tr. 427).

“Năm Tân Dậu, năm thứ 22 (1801) mùa thu, tháng 8, bổ quân mới hàng ở Bình Định làm vệ Trấn võ Tiền quân (TL T2, tr. 430).

“Những người ở xa mới đến theo các hàng tướng có danh sắc thì đặt riêng làm Nghĩa Dũng Đoàn”. (TL T2, tr. 433).

“Sai các đình thần Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi chiêu tập tàn quân của giặc Tây Sơn và mộ dân ngoại tịch để làm quân của dinh”. (TL T2, tr. 456).

Với những việc làm trên, Nguyễn Ánh đã nhanh chóng ổn định tình hình trong những ngày đầu chiếm đóng được Phú Xuân. Ngoài ra một số quan lại và tướng sĩ Tây Sơn đang ở Kinh thành đến trình diện, Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục sử dụng như:

“Nội hầu giặc là Lê Văn Lợi, thiếu úy Văn Tiến Thể , Phụng chính Trung thư Trần Văn Kỷ, Thượng thư Lại bộ Hồ Công Diệu và quan văn thì bọn Thị lang phụng nghị, quan võ thì bọn Đô đốc ty đua nhau đến quy thuận. Vua thấy đại thể mới định, sử dụng còn thiếu người, bèn cho được sai phái ” (TL, sđd, tr. 403);.

“Lấy cựu đô đốc Nguyễn Văn Xuân làm Úy vệ Toàn võ Tả dinh Quân thân sách” (TL T2, tr.436).

“Đại đô đốc giặc là Lê Đình Chính đem hơn quân cơ thủng thẳng đến quân thứ Thanh Hảo đầu hàng. Lê Văn Duyệt sai đóng gông giải về kinh, vua tha tội” (TL, sdd, tr. 451).

“Lê Văn Duyệt dâng sớ nói bọn ngụy Tri huyện ba huyện Bình Sơn, Khương Nghĩa, Mộ Hoa thuộc Quảng Ngãi đem nhau đến quân thứ xin hàng, xin theo họ giữ chức như cũ. Vua chuẩn y lời tâu “(TLT2, tr. 457).

“Lê Văn Duyệt bắt được Đô đốc giặc là Trần Đại Cựu giải về kinh. Vua tha”. (TL T3, tr. 14).

“Vua ra lệnh thả Cao-La-Hàn-Sâm về nước, cho 30 lạng vàng, 300 lạng bạc. 3000 quan tiền. Trước kia Sâm đi theo đánh giặc, ngầm gởi thư cho tướng giặc là Trần Quang Diệu, vua bắt được để đấy mà cấp cho thêm hậu, để cho yên lòng. Đến đây an ủi cho về”. (TL T3, tr. 29).

“Vua thấy nước mới yên định, sổ sách tản mát, tô dung thuế khóa chưa có định chuẩn, nghe Tư mã giặc là Nguyễn Văn Dạng từng coi việc hộ, bèn sai tường kê các ngạch thuế, do bộ Hộ dâng lên từng điều để tham trước thi hành”. (TL T3, tr 45)

“Trấn thủ Quảng Yên là Nguyễn Hữu Đạo bắt được Tư lệ giặc là Đinh Công Tuyết ở châu Vân Đồn đóng cũi đưa về nhà trạm. Tuyết là tôi yêu của Tây Sơn. Vua cho là tướng giặc vô danh nên không nỡ giết mà tha cho (TL T3, tr. 62).

“Bắc Thành đóng gông giải sứ thần của giặc Tây Sơn là bọn Lê Đức Thận, Nguyễn Đăng Sở và Vũ Duy Nghi về Kinh. Trước kia, Quang Toản sai bọn Đức Thận đi sứ sang nước Thanh, chưa tới Yên Kinh, người Thanh nghe tin Quang Toản đã bị diệt, cho sứ trở về. Thành thần phái người giải về Kinh. Vua tha tội và cho về. Vợ lẽ của ngụy Nhạc, và người họ hàng tên Đại, tên Vạn cũng bị bắt đến bộ Hình. Tâu xin định đoạt. Vua nói: “Vợ lẽ Nhạc là một người đàn bà thôi. Bọn Đại tuy là thân đảng của Nhạc mà không dự binh quyền, nay Nhạc chết rồi, giết đi thì có ích gì”. (TL T3, tr. 544).

Những điều mà Gia Long đã làm khiến cho một số tướng sĩ lo ngại, họ đã dâng một tờ biểu can gián vua, Gia Long đã nói một cách rõ ràng:

“Bọn khanh trình bày, cố nhiên là có ý phòng ngừa từ trước, nhưng từ khi ta lấy lại Phú Xuân, bọn tướng giặc đều hàng có, bắt được cũng có, ta đã tùy nghi xếp đặt, quân của chúng xen lẫn với quân ta, dưới quyền ta cai quản. Bọn chúng bất quá cai quản năm ba tên thuộc binh mà lệ theo súy phủ, phỏng có mang lòng phản trắc cũng không thi hành vào đâu. Bọn khanh ở quân thứ xa, chưa rõ sự cơ nên đặt dụ cho biết”. (TL T2, tr. 404)

Chính sách chiêu an, chiêu hàng của Nguyễn Ánh đối với tướng lĩnh Tây Sơn rất rõ ràng, luôn ở thế chủ động, như trường hợp Đại đô đốc đạo Tả bật Lê Doanh Phong đem hơn 300 quân của cơ Thiên Cán đến quân thứ Thanh Hảo đầu hàng, vua sai dẫn về kinh bái yết. Nguyễn Đức Xuyên sinh lòng nghi ngờ, dâng mật sớ:

“Phong đối với giặc, cũng như thần cùng Nguyễn Văn Thành đối với nước vậy. Thành với thần không phản thì Phong về với ta chưa chắc đã thành thực…Việc dùng người không phải là nhỏ, xin chú ý cho”. Nguyễn Ánh đã trả lời rằng:

“Lòng trung ái của ngươi ta đã rõ. Phong không đủ tin, ta đã riêng có cách ngăn ngừa”. (TL T2, tr. 425).

Tuy nhiên, Nguyễn Ánh cũng không quên nhắc các tướng thần cần phải lưu ý việc xây dựng hàng tướng Tây Sơn. Đại đô đốc Tả bật Nguyễn Văn Xuân ra hàng được giao cho Lê Văn Duyệt sai phái với mật dụ rằng:

“Lòng người thật khó lường, khó hơn lường việc trời. Từ khi ta dấy quân khôi phục đén nay, những hàng tướng giặc ta đều suy lòng đặt dạ, lấy thành tín đãi họ, nhưng bọn họ ít người lấy thành thực để thờ. Nay Nguyễn Văn Xuân theo quân thứ của khanh, nên cẩn thận xem xét ý tứ/. Phàm các bọn hàng tướng đều như thế, chẳng những một người này mà thôi. Nên cẩn thận” (TL T2, tr. 418).

Cũng trong thời gian này, đối với các binh lính thuộc quyền, Nguyễn Ánh biết được trong các dinh quân có nhiều kẻ chỉ huy tỏ ra hống hách, gây xôn xao bất ổn cho đời sống xã hội, bèn ban sắc chỉ:

“Phàm quan quân giặc đã quy thuận, hoặc còn ở Quy Nhơn hay Bắc Thành, thì nhà cửa, vườn tược của họ phải để cho vợ con họ hàng ở, không được lấn cướp. Ruộng vườn cây cối của dân thì không được đốn chặt. Làm trái thì xử tnghiêm theo quân pháp”. (TL T2, tr. 432).

Riêng trường hợp La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, ông được coi như một Gia Cát Lượng của vua Quang Trung, một cố vấn tối cao, được vua quan trên dưới đều kính nể (4 lần vua khẩn khoản mời ra giúp, cuối cùng nhận chức Viện trưởng Viện Sùng Chính năm 1790, giúp vua chấn chỉnh việc giáo dục, văn hóa, giúp vua chọn đất Nghệ An làm Phượng Hoàng trung đô…). Khi Nguyễn Ánh tái chiếm Phú Xuân, ông đang ở Huế giúp vua Cảnh Thịnh nhưng không chạy theo khi vua đào thoát (hay chạy theo không kịp?). Ông không bị bắt mà chỉ quản thúc tại gia, sau đó Nguyễn Vương đã ra lệnh:

“Thả xử sĩ ở Nghệ An là Nguyễn Thiếp về. Thiếp là người xã Nguyệt Áo huyện La Sơn, đậu Hương tiến đời Lê, làm quan huyện Thanh Chương, bỏ quan về nhà. Khi nhà Lê mất, theo lời mời của Nguyễn Quang Toản mà ở lại Phú Xuân. Tới nay vào yết kiến, xin trở về làng. Vua dụ rằng ‘Khanh là người tuổi tác, đạo đức, rất được người ta trông cậy. Sau khi trở về núi nên khéo léo đào tạo lấy nhiều học trò để ra sức phò giúp thịnh triều, khỏi phụ tấm lòng rất mực mến lão kính hiền của ta.’. Bèn sai quan quân đưa về (Thực lục I, tr.445).

Đặc biệt, đối với họ Trịnh, lịch sử đã ghi lại hai bên Trịnh-Nguyễn giao chiến ròng rã hơn 45 năm trời, nhưng sau khi làm chủ Bắc hà, vua Gia Long đã :

“Sai chọn người dòng dõi họ Trịnh để giữ việc thờ cúng họ Trịnh. Trước là khi đại giá Bắc phạt, người họ Trịnh ai ai cũng sợ bị giết. Vua thấu rõ tâm tình, xuống chiếu dụ rằng: ‘Tiên đế ta với họ Trịnh vốn là nghĩa thông gia. Trung gian Nam Bắc chia đôi, dần nên ngăn cách, đó là việc đã qua của người trước, không nên nói nữa. Ngày nay, trong ngoài một nhà, nghĩ lại mối tình thích thuộc bao đời, thương người còn sống, nhớ người đã mất, nên lấy tình hậu mà đối xử. Vậy nên cùng báo cho nhau, họp chọn lấy một người trưởng họ, giữ việc thờ cúng để giữ tình nghĩa đời đời.” (Thực lục I, tr.508) .

Vậy là Trịnh Tư được giao lo việc thờ cúng, họ Trịnh được cấp 500 mẫu ruộng để lấy huê lợi cúng tế hàng năm, 247 người họ Trịnh được xét tha thuế dinh và miễn binh dao (đi lính và chịu sưu dịch)…

TÔN THẤT THỌ

————————

Tài liệu tham khảo:

– Đại Nam Thực Lục T2; T3 , Nxb Sử Học, Hà Nội, 1962.

Nguồn: Chim Việt Cành Nam

Leave A Reply

Your email address will not be published.