Oliver William Wolters và các “mandala” ở Đông Nam Á

Huỳnh Duy Lộc

0 1,107

Vào năm 1982, O. W. Wolters, giáo sư sử học giảng dạy tại Đại học Cornell của Hoa Kỳ, đã đưa ra khái niệm “mandala” để lý giải cơ cấu tổ chức của những vương quốc và quốc gia ở Đông Nam Á vào thế kỷ 15. Theo ông, “bản đồ Đông Nam Á buổi ban đầu phác họa từ việc khảo cứu các di tích thời tiền sử và các tài liệu lịch sử cho thấy sự chồng chéo của những mandala”. Mandala là mô hình trong đó quyền lực chính trị phân tán. Khái niệm này đối nghịch với khái niệm quyền lực chính trị thống nhất trong lịch sử ở những giai đoạn sau này khi quyền lực chính trị nằm trong tay chính quyền trung ương. Trong lịch sử ban đầu của khu vực Đông Nam Á, quyền lực của địa phương lại quan trọng hơn.

O. W. Wolters đã dùng từ “mandala” để chỉ liên minh các vương quốc hay các quốc gia thần thuộc bị khống chế bởi một cường quốc giữ vị trí trung tâm như Bagan, Ayutthaya, Champa, Angkor, Srivijaya và Majapahit. Mandala giống lãnh thổ dưới chế độ phong kiến ở châu Âu thời Trung cổ, trong đó có mối quan hệ thần thuộc giữa chúa tể và các chư hầu.

O. W. Wolters, giáo sư sử học giảng dạy tại Đại học Cornell, Hoa Kỳ

Ông viết: “Nguồn gốc thần thánh của vương quyền phản bác quan điểm theo đó tất cả các vị vua đều bình đẳng như nhau. Mỗi vị chúa tể được coi như người duy nhất có quyền hành “phổ quát” ở xứ sở của mình; quyền hành này bắt nguồn từ một thần quyền độc tôn và bất khả phân chia.

Bản đồ của Đông Nam Á buổi ban đầu phác họa từ việc khảo cứu các di tích thời tiền sử và các tài liệu lịch sử cho thấy sự chồng chéo của những mandala, hay còn gọi là “vòng tròn của những vị vua” (circle of kings). Trong mỗi mandala, một vị chúa tể đồng nhất với một quyền lực thần thánh và phổ quát sẽ khống chế những vị vua khác trong mandala của mình mà trên lý thuyết là những đồng minh ngoan ngoãn và những chư hầu. Vì vậy, một vị vua Khmer vào đầu thế kỷ 17 có thể được xưng tụng là “chúa tể quang vinh của 3 vị vua” và chính thể của vị vua ở Angkor có thể được mô tả như “một vòng tròn đơn thuần của những vị vua và những người Bà la môn”. Nhà thơ Java Prapanka vào thế kỷ 14 đã mô tả một vương quốc vào buổi đầu ở Đông Nam Á: “Tất cả những vị vua và hoàng hậu Java quang vinh được biết đến qua các tiểu quốc (nagara) đều có cho riêng mình một tiểu quốc”.

“Mandala” (một từ Sanskrit được dùng trong các sách nói về thuật cầm quyền ở Ấn Độ) chỉ một tình hình chính trị đặc biệt thường là bất ổn ở một khu vực địa lý mơ hồ, không có ranh giới rõ ràng, trong đó những trung tâm nhỏ nhìn về mọi hướng để cầu tìm sự an toàn. Các mandala thường mở rộng và chồng chéo lên nhau. Mỗi mandala đều có nhiều chư hầu, một số chư hầu sẽ dứt bỏ thân phận lệ thuộc của mình mỗi khi có cơ hội và tìm cách xây dựng mạng lưới chư hầu của chính mình. Chỉ có vị chúa tể của mandala mới có quyền nhận các cống vật của các sứ bộ và sai phái đi khắp nơi những kẻ đại diện cho quyền uy tối thượng của mình.

Đôi khi một mandala chỉ bao gồm vài huyện như đảo Java, nhưng nhiều lúc nó có thể rất rộng, có cư dân thuộc nhiều thế hệ sống trong những thị quốc. Các vị vua Mã Lai ở Sriwijaya có quyền hành ở Sumatra và bán đảo Mã Lai từ thế kỷ 7 tới thế kỷ 11. Các vị vua ở Angkor vào thế kỷ 11 và thế kỷ 12 có quyền hành tương tự ở lưu vực Chao Phraya, ở bán đảo Mã Lai và cả ở những phần đất của miền Nam Việt Nam ngày nay mà trước kia được gọi là Champa. Tổ chức của mandala không phải bao giờ cũng là một thực tại khắc nghiệt ở Đông Nam Á, dù các nhà chép sử đã ghi nhận một vài cuộc chiến. Các chiến thắng hiếm khi làm chao đảo những trung tâm qua việc thuộc địa hóa hay dưới ảnh hưởng của những định chế của chính quyền trung ương. Các ngoại vi của mandala vẫn tiếp tục lặp lại những tình huống của cung đình ở trung tâm. Các trung tâm quyền lực tinh thần và quyền lực chính trị biến đổi không ngừng. Vì những lý do đó, người lãnh đạo cần phải có 2 kỹ năng thuộc về truyền thống của đời sống chính trị ở nhiều địa phương trên thế giới.

Kỹ năng thứ nhất là cái mà ngày nay chúng ta gọi là “trí khôn chính trị” (political intelligence), nghĩa là sự am hiểu những điều đang xảy ra ở ngoại vi của mandala. Điều này có tầm quan trọng tối hậu vì nhờ đó, người ta có thể dự báo những nguy cơ. Vì vậy, những gì xảy ra ở ngoại vi của mandala cũng quan trọng như những gì xảy ra ở trung tâm của mandala, và những vị vua kết nối được với những vùng đất xa xôi sẽ có được nhãn quan sâu sắc thật dễ dàng…

Kỹ năng thứ hai mà một vị chúa tể mandala thành công cần phải có là kỹ năng ngoại giao. Vị chúa tể phải có khả năng vô hiệu hóa các đối thủ của mình, đặt họ dưới ảnh hưởng của mình và ràng buộc họ bằng những hành động thể hiện lòng trung thành…

Phong cách quản lý của mandala cho thấy các chư hầu ở gần kinh đô cũng như các chư hầu ở xa đều được đối xử như nhau nếu họ giúp sức cho vị chúa tể trong các cuộc chiến và nếu họ không bị nghi ngờ là tìm kiếm sự bảo hộ ở một vị chúa tể khác.

Các mandala nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á là Bagan, Ayutthaya, Champa, Angkor, Srivijaya và Majapahit” (Historical patterns in intra-regional relations, O.W. Wolters)

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: GS O. W. Wolters và tác phẩm “History, culture, and region in SouthEast Asian perspectives”

Leave A Reply

Your email address will not be published.