Vấn đề nhà nước Lâm Ấp trong lịch sử

Đổng Thành Danh *

0 191

Dẫn luận

Lâm ấp (Linyi) là một quốc gia thường được nhắc đến trong các văn bản của Trung Hoa để chỉ chính thể đầu tiên là tiền thân của vương quốc Chiêm Thành, tức là Champa sau này. Trong hầu hết các mô tả ấy, Lâm Ấp hiện lên như một quốc gia độc lập thoát khỏi sự bành trướng của Hán triều, sau sự kiện Khu Liên lãnh đạo nhân dân huyện Tượng Lâm nổi dậy giết chết huyện lệnh, những ghi chép sau đó cho thấy, Khu Liên và con cháu của ông đã nối tiếp nhau xây dựng các triều đại vừ cống nạp Thiên triều, nhưng cũng liên tục là mối de dọa cho vùng biên viễn phương Nam của Trung Hoa. Những ghi chép của Trung Hoa cũng cho thấy rằng các ông vua của lâm Ấp đã không ngừng mở rộng cương vực lãnh thổ của mình về mọi hướng có thể, kể cả xung đột với phương Bắc, thỉnh thoảng các bậc Thiên tử phương Bắc phải cử quân trừng phạt Lâm Ấp. Theo đó những ghi chép về cương vực, về dân cư, bức tranh kinh tế – xã hội của quốc gia phương Nam này không ngừng được thu thập trong các văn khố của Trung Hoa cho dù đó chỉ là những ghi chép tản mạn, ít nhiều mang tính chủ quan (của người viết sử)[1].

Chính những thông tin tản mạn, tam sao thất bản, về Lâm Ấp trong các nguồn sử liệu Trung Hoa đã không ngừng tạo nên những ý kiến, quan điểm và tranh luận trái chiều của nhiều học giả liên quan đến vấn đề Lâm Ấp. G. Maspero là người đầu tiên sử dụng các tài liệu Trung Hoa để “vẽ lại” lịch sử Champa trong đó có các vấn đề liên quan đến Lâm Ấp[2], nhưng phải đến P. Stein, thì người ta mới có một công trình chuyên khảo toàn diện về Lâm Ấp[3], các quan điểm về Lâm Ấp của Stein đã có ảnh hưởng rất lớn đến các học giả sau này như G. Coedes, Dohamine, Dorohime, Po Dharma, P-B. Lafont và gần đây nhất là Anne. V. Schweyer[4]. Các nhận thức về Lâm Ấp của Maspero và Stein chỉ bị đặt những nghi vấn, lần đầu tiên, bởi Đào Duy Anh và sau đó, bởi W.A Southworth và M. Vickery[5]. Tuy nhiên, cho đến tận khi mà những khám phá mới nhất về khảo cổ học Champa được công bố trong những năm gần đây, quan điểm và nhận thức về Lâm Ấp của các học giả người Pháp mới thật sự bị thách thức[6].

Bài viết này, là một nghiên cứu mang tính đánh giá tổng hợp về các di sản trước đó, đồng thời gợi mở các quan điểm mới, các vấn đề mang tính khái quát về Lâm Ấp trong diễn trình lịch sử. Do đó nghiên cứu này sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến: (1) Thời điểm ra đời, (2) trung tâm hay vị trí ban đầu, (3) Mối quan hệ hay sự tiếp nối của Nhà nước Lâm Ấp trong lịch sử. Cách tiếp cận này, đòi hỏi chúng tôi phải vượt ra khỏi những nguồn tư liệu mang tính truyền thống là thư tịch Trung Hoa, tham khảo các nguồn khám phá mới của ngành khảo cổ học.

Thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp

Trong hầu hết các nghiên cứu về Lâm Ấp và Champa, năm 192 là niên đại đánh dấu sự thành lập của Nhà nước Lâm Ấp. Niên đại năm 192 này được đưa ra lần đầu tiên bởi Maspero trong công trình về vương quốc Champa xuất bản vào năm 1928 dựa vào thông tin được ghi chép trong Thủy Kinh Chú[7]. Gần 20 năm sau trong các nghiên cứu của mình cả Coedes và Stein cũng đều sử dụng niên đại 192 cho thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp mà chắc hẳn là đã có tham khảo công trình của Maspero trước đó. Niên đại này đã sau đó được hiển nhiên chấp nhận mà không hề có sự nghi ngờ hay phê phán gì trong hầu hết các bài viết, công trình nghiên cứu cho đến tận thời điểm gần đây.

Cho dù hầu hết các nghiên cứu về Lâm Ấp đều ghi nhận niên đại 192 là thời điểm xuất hiện của Lâm Ấp, tuy nhiên không phải là không có những dị biệt. Trong tác phẩm Chiêm Thành lược khảo, bà Vương Khả Lâm, không hề nhắc đến niên đại 192, mà thay vào đó bà ghi nhận rằng nhà nước Lâm Ấp ra đời vào năm 137 Dương lịch sau sự kiện Khu Liên nổi loạn giết huyện lệnh tự xưng làm vua tuy nhiên bà không hề có một chú thích nào cho biết tại sao có niên đại này[8]. Niên đại mà Maspero đưa ra chỉ thật sự bị đặt nghi vấn bởi Đào Duy Anh, ông cho rằng Maspero đã không nhận thấy sự lầm lẫn về thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp được ghi trong Thủy Kinh Chú nên vội vàng kết luận thời điểm ấy là vào năm 192. Theo phân tích của Đào Duy Anh, thời điểm ra đời của nhà nước Lâm Ấp thực ra là vào năm 137 tức là năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Hòa đời Hán, trong thời điểm này có một cuộc khởi loạn chống lại nhà Hán. Do đó ông cũng cho rằng việc Thủy Kinh chú chép sự kiện Lâm Ấp ra đời vào thời niên hiệu Sơ Bình (190 – 193) là chép lầm giữa chữ Sơ Bình và Vĩnh Hòa, tức là chỉ ghi chép lại sự kiện đã diễn ra trước đó vào đời Vĩnh Hòa, vì vậy nước Lâm Ấp thật sự đã ra đời từ năm 137 chứ không phải 192. Đào Duy Anh cũng đề cập đến hai cuốn sách biên khảo thời Nguyễn là Đại Việt địa dư toàn biên và Việt sử cương giám lược khảo là hai biên khảo ghi nhận rằng nước Lâm Ấp thành lập vào năm Vĩnh Hòa thứ 2 tức năm 137[9].

Trong các nguồn tư liệu Trung Hoa, sự thành lập của nước Lâm Ấp đều được mô tả là kết quả của cuộc khởi loạn cuối đời Hán của do một nhân vật cầm đầu, tuy nhiên các nguồn tư liệu đều không thống nhất về tên gọi của nhân vật này, trong khi nhiều tư liệu như Thủy Kinh Chú, Tấn thư, Tùy thư gọi nhân vật này là Khu Liên[10], thì Nam sử ghi tên ông là Khu Vương[11], còn Lương thư lại ghi tên người này là Khu Đạt[12]. Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào có thể lý giải về sự khác biệt này, chính vì nhiều nguồn tư liệu ghi tên nhân vật này là Khu Liên nên các nghiên cứu về sau đều sử dụng tên gọi Khu Liên mà không hề sử dụng các tên gọi kia. Dù vậy, một số các nghiên cứu cho rằng Khu Liên không phải là tên người mà là một từ được chuyển nghĩa từ tiếng bản địa ám chỉ tộc trưởng, thủ lĩnh hay vua[13].

Tuy nhiên, cho dù hầu hết các sử liệu đều ghi nhận lại sự kiện lập nước Lâm Ấp thì cũng phần lớn các nguồn tư liệu ấy đều không ghi chép gì về thời gian chính xác dẫn đến sự ra đời của nước Lâm Ấp mà chỉ ghi đại khái là ở thời Hán mạt tức cuối đời Hán. Duy chỉ có Thủy Kinh chú ghi sự kiện này chính xác xảy ra vào thời Sơ Bình (một niên hiệu của vua Hán), tức là khoảng vào năm 190 – 193[14]. Dựa vào chi tiết này trong Thủy Kinh chú mà Maspero đã phán đoán về thời điểm ra đời của Lâm Ấp trong khoảng thời gian này, nhưng việc đưa ra niên đại chính xác của sự kiện này là vào năm 192 thì không có căn cứ và ông cũng không hề giải thích tại sao ông lại đưa ra niên đại như vậy[15]. Dù vậy, hầu hết các nghiên cứu về sau cũng theo nhận định này mà không hề có một phê phán hay bất kỳ lưu ý nào, hiển nhiên xem quan điểm của ông là đúng cho dù không hề có bất cứ tư liệu nào đưa ra một thời điểm xuất hiện của Lâm Ấp chính xác như Maspero đưa ra.

Còn về năm 137 mà Vương Khả Lâm và Đào Duy Anh, dựa theo các tư liệu thời Nguyễn, quy cho thời điểm ra đời của nước Lâm Ấp theo chúng tôi có thể bắt nguồn từ các sự kiện diễn ra trước năm 192 mà Hậu Hán thư đã ghi nhận được. Theo Hậu Hán thư – và được dẫn lại bởi nhiều nghiên cứu về sau, trong thời điểm những năm 100, 137, 144, 157, 178… liên tiếp xảy ra các cuộc nổi dậy của cư dân bản địa ở Tượng Lâm, họ tấn công khắp quận Nhật Nam, thậm chí còn liên kết với cư dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân để lật đổ sử cai trị của nhà Hán, giết quan lại người Hán[16]. Trong đó, cuộc nổi loạn năm 137 có tầm quan trọng nhất kể cả về tính chất và quy mô, cuộc nổi dậy này được ghi nhận như là một cuộc nổi dậy với lực lượng đông đảo và thời gian kéo dài. Cuộc nổi loạn này cũng có hai chi tiết quan trọng khác, đầu tiên là cuộc nổi loạn lần này do các cư dân ngoài biên giới huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam phát động họ vượt qua biên giới để tấn công vào lãnh thổ của Nhà Hán. Chi tiết thứ hai là nhóm người phát động cuộc khởi loạn lần này được gọi chung là bọn Khu Liên, trùng âm với nhân vật Khu Liên người lập nước Lâm Ấp, có thể dựa vào đây mà Đào Duy Anh cho rằng sự kiện năm 192 chính là sự kiện năm 137 mà Thủy Kinh chú đã chép nhầm[17].

Ở chi tiết thứ nhất, hầu hết các học giả đều xem cuộc nổi loạn năm 137 là do một thế lực bên ngoài biên giới phát động tấn công vào huyện Tượng Lâm, bấy giờ thuộc sự thống trị của nhà Hán[18]. Tuy nhiên, Đào Duy Anh thì cho rằng hai chữ “Khiếu Ngoại” (ở ngoài cõi) trong Hậu Hán thư chưa chắc chỉ vùng đất ở ngoài biên giới mà chỉ miền đất ở xa phía biên giới, tức là vẫn thuộc huyện Tượng Lâm, do vậy cuộc khởi nghĩa này vẫn do cư dân trong huyện phát động[19]. Ở đây theo tôi cả hai khả năng này đều nên được lưu ý, chúng ta chưa thể đưa ra một kết luận nào khả dĩ rằng cuộc nổi dậy này do người dân Tượng Lâm phát động hay do người ngoài biên giới gây ra?

Ở chi tiết thứ hai, hai chữ “Liên” chép ở năm 137 và 192 dù đồng âm nhưng khi viết ra thì là hai chữ có hai nghĩa khác[20], Đào Duy Anh cũng đã lưu ý về điểm dị biệt trong hai chữ “Liên” chép trong Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú, nhưng vì ông vẫn cho rằng tác giả Thủy Kinh chú đã lẫn lộn giữa sự kiện năm 192 và 137, nên ông xem sai biệt này là tất yếu, cả hai chữ đều ám chỉ một nhân vật hoặc một nhóm người, ở đoạn sau ông vẫn cho rằng sự kiện Khu Liên khởi nghĩa năm 192 và năm 137 là một, Thủy Kinh chú chỉ ghi lại sự kiện năm 137 của Hậu Hán thư nhưng lại chép nhầm năm, do đó ông kết luận nước Lâm Ấp đã ra đời từ năm 137[21]. Theo tôi lập luận của Đào Duy Anh về chi tiết này chưa thỏa đáng, vì lập luận cho rằng tác giả Thủy Kinh chú đã chép lầm sự kiện năm 137 trong Hậu Hán thư là chưa có căn cứ hoàn toàn là phán đoán chủ quan. Mặt khác, hai chữ “Liên” trong Hậu Hán thư và Thủy Kinh chú không chỉ khác nhau về nghĩa, mà còn ám chỉ hai chủ thể khác nhau, chữ “Liên” của Hậu Hán thư ám chỉ một tập thể người, trong khi chữ “Liên” trong Thủy Kinh chú ám chỉ một nhân vật cụ thể[22].

Như vậy, cho đến nay, hầu hết các quan điểm đưa ra về thời điểm ra đời của Nhà nước Lâm Ấp đều nên được xem xét lại, ta có thể tạm chấp nhận một niên đại ước chừng là khoảng năm 190 – 193 cho thời điểm ra đời của Lâm Ấp như trong ghi nhận của Thủy Kinh chú, dù phần lớn các nguồn sử liệu sau đó chỉ ghi rằng Lâm Ấp lập quốc thời Hán mạt chứ không chỉ đích xác là thời Sơ Bình. Nhưng sỡ dĩ tôi chỉ e dè xem đây là một niên đại tạm thời là vì chỉ có sách Thủy Kinh chú ghi chính xác thời điểm ra đời của Lâm Ấp, cũng rất có thể nước Lâm Ấp đã ra đời từ trước đó, sự kiện Khu Liên giết huyện lệnh có thể chỉ ám chỉ vị thủ lĩnh của nước Lâm Ấp (đã ra đời trước đó) tấn công một vùng nào đó ở Nhật Nam giết quan cai trị người Hán để rồi từ đó tác giả Thủy Kinh chú ghi nhận sự kiện này như là sự ra đời của Nhà nước Lâm Ấp. Trong thực tế rất có thể Lâm Ấp đã được ra đời từ trước thời điểm 190 – 193, mọi khả năng đều có thể diễn ra cho đến khi có một minh chứng rõ ràng, cho đến trước khi đó những dữ liệu về một niên đại ra đời của Lâm Ấp đều cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và toàn diện.

Trung tâm và vị trí hình thành của Nhà nước Lâm Ấp

Dựa vào thư tịch Trung Hoa và việc tham chiếu các di tích, vết tích khảo cổ hiện còn quan sát được trên mặt đất các nhà nghiên cứu về Champa đã đưa ra nhiều giả thuyết về vị trí hình thành cũng như kinh đô của Nhà nước Lâm Ấp. Pelliot là người đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng Lâm Ấp ở miền Quảng Nam ngày nay, nhưng đó chỉ hoàn toàn là phỏng đoán, chưa có cứ liệu khảo chứng, của ông[23]. Tiếp theo, R. Stein đưa ra một quan điểm khác, dựa vào việc khảo cứu các tài liệu Trung Hoa, rằng Lâm Ấp ban đầu ở phía Bắc đèo Hải Vân, và sau khi mở rộng lãnh thổ vào khoảng thế kỷ thứ IV họ lại chuyển đô về Nam đèo Hải Vân thuộc Quảng Nam hiện nay[24]. Quan điểm của Stein đã có sự ảnh hưởng rất lớn đến các nhà Champa học về sau như Dohamine, Dorohiem, Lafont, Po Dharma…Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại của mình, giả thuyết này cũng vấp phải nhiều sự nghi vấn, Đào Duy Anh là học giả người Việt đầu tiên nêu ra một vị trí khác về vùng hình thành và trung tâm của Lâm Ấp, dựa vào những dữ liệu trong sử liệu Trung Hoa và các ghi chép của người Pháp về các di tích Chăm tại Quảng Nam, ông cho rằng vị trí hình thành Lâm Ấp phải là ở vùng đất Quảng Nam[25].

Cuộc tranh luận về vị trí địa lý và trung tâm chính trị ban đầu của Lâm Ấp không dừng lại ở đó, phát triển ý tưởng của Stein, Southworth, dẫn một nguồn tư liệu Trung Hoa mamg tên Thông Điển, cho rằng về phía Nam Lâm Ấp (mà ông tin là ở Bắc Hải Vân) có một nước tên là Tây Đồ mà ông xác định là ở khu vực sông Thu Bồn[26]. Chính từ giả thuyết này, ngược với quan điểm của Stein, Southworth tin rằng Tây Đồ là chính thể đã vượt đèo Hải Vân và hấp thụ Lâm Ấp để khiến các sử liệu Trung Hoa luôn ngộ nhận và thậm chí có lúc đồng nhất hai chính thể này[27], quan điểm này sau đó được chia sẽ bởi Schweyer[28]. Gần đây, quan điểm cho rằng trung tâm ban đầu của Lâm Ấp là ở Bắc Hải Vân lại bị thách thức khi các phát hiện về khảo cổ chỉ tìm ra các vết tích kinh thành, đô thị trong khoảng giai đoạn này ở phía Nam đèo Hải Vân trong khi không hề có phát hiện đáng kể nào cho thấy ở phía Bắc Hải Vân đã từng có dấu vết một đô thành hay một trung tâm quyền lực quy mô lớn[29].

Theo các nguồn sử liệu Trung Hoa, thế kỷ 3, Lâm Ấp có 2 trung tâm (thành) lớn là Khu Túc và Điển Xung, Khu Túc là thành lũy phía Bắc, nơi mà quân Trung Hoa chinh phạt phải tiến vào đầu tiên, sau đó mới tiến vào Điển Xung bắt vua Lâm Ấp[30]. Vậy Khu Túc là thành lũy phòng thủ ở Phương Bắc, trong khi kinh đô chính lại ở về phía Nam. Học giả Đào Duy Anh là người có khảo cứu chi tiết về thành Khu Túc, ông cho rằng thành Khu Túc trong lịch sử chính là dấu vết còn lại ngày nay thuộc Thành Cao Lao Hạ tại Quảng Bình[31]. Về vị trí thành Điển Xung, có một chi tiết quan trọng là trong khoảng năm 1927 – 1928, Jean-Yves Claeys, đã tiến hành một đợt khai quật tổng thể ban đầu toàn bộ thành Trà Kiệu và vẽ ra sơ đồ tổng quát của kinh thành này trong quá khứ, dựa vào những gì phát hiện được, ông khẳng định Trà Kiệu chính là kinh thành của Lâm Ấp được mô tả trong sử liệu Trung Hoa và cũng là thành Simhapura trong bia ký Champa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây, Yamagata Mariko chỉ ra rằng những gì mà Claeys phát hiện chỉ là dấu vết kinh thành có niên đại muộn hơn khoảng thế kỷ 9 và do đó không hề cho thấy rằng đó là kinh dô của Lâm Ấp vào buổi ban đầu[32].

Những phát hiện khảo cổ học gần đây đã tạo ra một thách thức rất lớn đối với các giả thuyết cho rằng nguồn gốc ban đầu của Lâm Ấp là ở Bắc đèo Hải Vân, cho dù quan điểm đó được chấp nhận rộng rãi trong học giới. Các phát hiện khảo cổ chỉ ra rằng, ngay từ rất sớm (khoảng thế kỷ I TCN), ở khu vực Quảng Nam, nhất là vùng quanh lưu vực sông Thu Bồn, đã có rất nhiều di chỉ cư trú, thành lũy với quy mô lớn, các trung tâm này có một sự tiếp nối với các vùng lãnh địa Sa Huỳnh trong quá khứ và kéo dài liên tục cho đến tận thế kỷ X SCN. Quy mô, mật độ phủ rộng, tính kết nối của các trung tâm (nhất là các trung tâm gần sông Thu Bồn và ven biển) cũng như tính kế thừa (từ Sa Huỳnh) và tính liên tục của các trung tâm này, cho thấy Quảng Nam, nhất là Trà kiệu là những trung tâm quyền lực của các chính thể tiền Nhà nước và Nhà nước, thậm chí có dấu vết của một kinh thành lớn thuộc một quốc gia hoàn chỉnh về thể chế. Ngược lại các cứ liệu khảo cổ hiện nay tại vùng Huế không cho phép chúng ta đưa ra một nhận định khả dĩ nào về sự tồn tại của một đô thành hay ít nhất một trung tâm định cư ở Huế trong thời điểm sử liệu Trung Hoa nhắc đến Lâm Ấp[33].

Sự mập mờ và tính mâu thuẫn giữa các nguồn sử liệu không cho phép chúng ta đưa ra một quan điểm nào thật sự khả dĩ về vấn đề vị trí ban đầu của Nhà nước Lâm Ấp mà sử liệu Trung Hoa nhắc đến. Dựa vào khảo cổ học trung tâm của chính thể Lâm Ấp, được Trung Hoa mô tả, có thể là ở Nam đèo Hải Vân, mà nhiều giả thuyết nghĩ là Trà Kiệu, điều này có khả năng cao vì Trà Kiệu là nơi tập trung các trung tâm cư trú, thành lũy, đô thị với mật độ đông, quy mô lớn, trung tâm này có sự tiếp nối từ các trung tâm của nền văn hóa Sa Huỳnh và được tiếp nối bởi Champa sau này. Vậy, nếu kinh đô của Lâm Ấp là Trà Kiệu như Trung Hoa mô tả về thành Điển Xung (thế kỷ 5 – 7) thì có phải vùng dựng nước ban đầu của nhà nước này cũng là ở quanh Lưu vực sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam, nơi mà từ thế kỷ thứ IV đã hình thành những đô thành và trung tâm tôn giáo lớn tại Mỹ Sơn[34], hay không? Có tất cả 2 khả năng:

(1) Kinh đô hay trung tâm ban đầu của Lâm Ấp là phía Bắc đèo Hải Vân như Stein giả định;

(2) Kinh đô hay trung tâm ban đầu của Lâm Ấp thuộc Quảng Nam như Pelliot và Đào Duy Anh đưa ra.

Với khả năng thứ nhất cứ liệu duy nhất mà chúng ta có được là các phân tích từ sử liệu Trung Hoa, mà phần lớn các ghi chép của sử liệu này chỉ xuất hiện về sau và nó thường là các mô tả hời hợt mà việc khai thác các chi tiết lịch sử chính xác trong đó là không tưởng. Ngược lại, các phát hiện khảo cổ học mới nhất khiến chúng ta tin chắc rằng kinh đô hay vị trí ban đầu của Lâm Ấp phải là ở Quảng Nam nơi phát hiện được nhiều lớp khảo cổ quan trọng cho thấy dấu vết tồn tại của các trung tâm chính trị – quân sự – tôn giáo liên tục từ Sa Huỳnh cho đến tận thời Champa. Như vậy, nếu tạm gác vấn đề Lâm Ấp (và sử liệu Trung Hoa) sang một bên, thì theo các phát hiện khảo cổ, Quảng Nam (kể cả Quảng Ngãi) đã sớm hình thành nên các trung tâm có thể cho thấy dấu hiệu xuất hiện của các chính thể mang tính Nhà nước. Trong đó, Trà Kiệu một trung tâm ở lưu vực sông Thu Bồn có thể nói là trung tâm lớn về quy mô, có tính liên tục và tiếp nối, có sự phân hóa xã hội sâu sắc và hoàn toàn có khả năng hình thành một chính thể kiểu Nhà nước và từ đó lan tỏa ảnh hưởng của mình đến các trung tâm lân cận.

Như vậy, khoảng thế kỷ 2 – 3 SCN, thậm chí sớm hơn (thế kỷ I SCN), vùng đất phía Nam đèo Hải Vân đã phải hình thành những chính thể dù không phải là Nhà nước nhưng ít nhất cũng là một Nhà nước dạng sơ khai, đủ sức đối chọi với chính quyền Trung Hoa đang cường tỏa phương Bắc. Thông qua dấu vết ảnh hưởng Trung Hoa trên các hiện vật khảo cổ có thể thấy khu vực này có thể thuộc Trung Hoa hoặc phần nào đó độc lập nhưng có sự tiếp xúc với Trung Hoa[35]. Những chính thể này có thể là nước ở ngoài cõi Nhật Nam (vùng cực Nam của Trung Hoa) thường quấy phá cũng như triều cống mà sách Hậu Hán Thư nhắc đến[36]. Cứ liệu Trung Hoa sớm và cứ liệu khảo cổ gần đây, như vậy là đã trùng khớp, một quốc gia sớm có thể đã hình thành ở phía Nam đèo Hải Vân, một chính thể độc lập với Đại Hán thời bấy giờ. Tuy nhiên, như Đào Duy Anh khẳng định, quốc gia này không phải là Lâm Ấp, vì các nguồn sử liệu sau Hậu Hán Thư, như Tấn Thư, Thủy Kinh Chú khẳng định rằng Lâm Ấp là tên chính thể hình thành vào thời Hán Mạt (khoảng thế kỷ II) không liên quan đến quốc gia trên[37].

Quốc gia Lâm Ấp, như vậy, chỉ hình thành từ khoảng thế kỷ II, sau cuộc nổi dậy của Khu Liên, mà Maspero cho là năm 192, Đào Duy Anh cho là 137, điểm đáng chú ý là cả 2 mốc niên đại này đều nói một danh từ Khu Liên (chỉ người và nhóm người), những nhà Hán học uyên thâm phân biệt 2 thuật ngữ này là khác nhau về chữ “Liên” trong ký tự nhưng đều xuất phát từ một cách phát âm chung của người bản địa: Ku-rung – danh xưng chỉ chung những sắc tộc bản địa. Điều này cho thấy cuộc nổi dậy của người Khu Liên năm 137 và của nhân vật Khu Liên năm 190 – 193 đều có liên hệ mật thiết, những người bên ngoài ở Nam Hải Vân và người Khu Liên ở Bắc Hải Vân đều có mối liên hệ, mà do đó có khả năng đánh phá liên tục và với quy mô lớn, như tính chất mà các sử liệu mô tả, các huyện phương Nam của Trung Hoa, thậm chí có hàng ngàn quân, nổi dậy giết hại quan lại cai trị gốc Hoa. Sự kiện mà các tài liệu này ghi nhận về thời điểm hình thành Lâm Ấp, có thể chỉ là một biến cố đầu tiên, trong các cuộc tấn công từ phương Nam, kết hợp với cuộc nổi dậy của cư dân địa phương, mà lãnh thổ phương Nam của Trung Hoa hoàn toàn bị các sắc dân này chiếm đóng.

Như vậy, các chính thể ở phía Nam đèo Hải Vân đã tác động không nhỏ đến sự hình thành của cái Nhà nước Lâm Ấp. Một là chính họ đã đem quân phối hợp với dân địa phương chiếm khu vực Bắc Hải Vân, hai là họ đã giúp cư dân phía Bắc nổi dậy thành lập một nhà nước riêng. Cả 2 khả năng này đều đưa đến sự xuất hiện của nhà nước Lâm Ấp, vì các sử liệu ghi về Lâm Ấp đều xuất hiện sau này khoảng 2 – 3 thế kỷ, những tường thuật đến mức chi tiết, tính xác thực đến mức cụ thể của nó là không có, các sử gia này chỉ ghi phóng đại và đại khái. Tuy nhiên, giả thuyết thứ nhất có khả năng xác thực hơn, vì như đã nói đến các cứ liệu khảo cổ, hoàn toàn không có gì khẳng định một kinh đô, thậm chí dấu vết một trung tâm chính trị – quân sự đủ khả năng hình thành một chính thể dạng Nhà nước sớm đã có mặt ở Thừa Thiên Huế vào thời gian này, và càng không đủ sức để trở thành trung tâm của quốc gia Lâm Ấp.

Lúc này một vấn đề khác đặt ra là nếu Lâm Ấp được định vị ở Quảng Nam, cụ thể là Trà Kiệu, thì vị trí của Tây Đồ, mà Southworth, Schweyer định vị là ở Thu Bồn phải được giải thích thế nào. Trên thực tế, tên gọi và vị trí của nước Tây Đồ, mà Southworth nêu ra, hoàn toàn chỉ dựa vào một bộ sử Trung Hoa được viết từ khoảng thế kỷ VIII –IX, mọi thước đo địa lý của nó hoàn toàn mang tính ước chừng, không hoàn toàn chính xác. Mặt khác, cũng như Southworth lưu ý, dường như đã có sự lẫn lộn giữa các bộ sử lớn là Nam sử và Lương thư (2 bộ sử trước Thông Điển khoảng hơn 100 năm) về vị trí các vị vua thuộc chính thể Lâm Ấp điều này cho thấy các nhà viết sử đã chép nhầm các sự kiện của 2 chính thể khác nhau là Lâm Ấp và Tây Đồ. Câu hỏi của Southworth đưa ra một khả năng rằng, rất có thể người Trung Hoa đến khoảng thế kỷ 5 đã không còn những ghi chép chính xác về các quốc gia ở phương Nam kể cả vùng mà họ gọi là Lâm Ấp, do đó sự tồn tại đích xác của một nước Tây Đồ hay vị trí của nước này lại hoàn toàn không thể đứng vững trước những cứ liệu lịch sử mới, hay cũng có thể Lâm Ấp và Tây Đồ chỉ là một hoặc cũng có thể Tây Đồ là nước ở phía nam Lâm Ấp nhưng nó không nằm ở lưu vực sông Thu Bồn hiện nay, vì đó đã là vị trí của Lâm Ấp?

Như vậy, khái niệm quốc gia Lâm Ấp nên cần được định nghĩa lại, rất có thể nó chỉ là cách người Trung Hoa dùng để chỉ một quốc gia ngoại biên đã hình thành trước đó và niên đại 190 – 193 (Sơ Bình) mà họ đưa ra để đánh dấu sự ra đời của Nhà nước này cũng mơ hồ như cách họ định vị Nhà nước ấy. Kỳ thực, Lâm Ấp là cách gọi của một quốc gia tiền Champa, một Nhà nước sớm hình thành trên cơ tầng bản địa ở phía Nam, đó là quốc gia hình thành trên sự liên minh hay thu phục của các trung tâm quyền lực trong khu vực Nam đèo Hải Vân, hay gần hơn là lưu vực sông Thu Bồn. Sự kiện nhóm Khu Liên nổi dậy năm 137, hay một nhân vật tên Khu Liên lập quốc năm 190 – 193, chỉ là một phần trong nổ lực chinh phục, mở rộng lãnh thổ của Nhà nước phương Nam này mà thôi. Vùng đất ban đầu của Lâm Ấp là Quảng Nam và vẫn là Quảng Nam cho đến sau này, chứ không phải là Huế Stein, Lafont hay Po Dharma tin tưởng, và do đó sẽ không có một cuộc chuyển dời kinh đô nào đến Trà kiệu, trung tâm của chính thể ấy vẫn luôn là Trà Kiệu. Ý tưởng của Đào Duy Anh về vùng đất khởi đầu của Lâm Ấp có thể đúng với giả thuyết của tôi, nhưng niên đại mà ông cố gượng ép là năm 137 lại không làm nổi bât lên một vấn đề là Nhà nước Lâm Ấp và các niên đại lập quốc được đưa ra theo nó hoàn toàn là sáng tác của các sử gia Trung Hoa, thực tế nó lại không đúng với những cứ liệu mới chúng ta đang có.

Vai trò và tính kế thừa của Nhà nước Lâm Ấp trong lịch sử

Khi đã định hình một Nhà nước Lâm Ấp ở Nam đèo Hải Vân và cột mốc 190 – 193 chỉ là niên đại đánh dấu mội trong các chuỗi sự kiện chinh phạt phương Bắc của quốc gia này. Giờ đây ta cũng cần tại định vị lại Lâm Ấp trong vị trí lịch sử Champa nói chung: Lâm Ấp có phải chính là tiền thân của Champa? Hay Lâm Ấp có phải chỉ là một phần trong liên bang Champa sau này? Hay đơn giản Lâm Ấp chỉ là một cái tên do sử liệu Trung Hoa “vẽ ra” nó hoàn toàn vô nghĩa trong việc định hình lịch sử Champa? Lịch sử Champa luôn luôn mở đầu bằng việc nói đến Lâm Ấp nhưng chưa bao giờ các câu hỏi này được đặt ra và trả lời một cách nghiêm túc, khiến cho ngành Champa học luôn thăng trầm như chính những nguồn sử liệu nhọc nhằn viết về nó.

Năm 756/757, sử liệu Trung Hoa nhắc đến tên của một quốc gia mới ở phương Nam Trung Hoa: Hoàn Vương[38], sự xuất hiện của cái tên này đã thay thế hoàn toàn tên gọi Lâm Ấp bởi vì kể từ đó các sử liệu không hề nhắc đến Lâm Ấp nữa. Không ai chắc chắn rằng tại sao là có một sự thay đổi đột ngột như vậy, nhưng sự thay đổi danh xưng này thể hiện một cách nhìn khác của Trung Hoa về quốc gia phương Nam biên giới của họ, hay chính quốc gia đó đã trải qua các biến động mạnh mẽ để tự thay đổi mình? Tuy nhiên, thời điểm này không còn là lúc “thống trị” của sử liệu Trung Hoa nửa, các bia ký Champa xuất hiện mở ra những “trang sử” tự sự mới của chính đất nước này. Năm 658, một bia ký ở Mỹ Sơn (C96) lần đầu tiên nhắc đến danh xưng Champa và sau đó lại được nhắc đến trên một bia ký ở Cambodia vào năm 668 (K.54)[39]. Thời điểm mà bia ký nhắc đến danh xưng Champa là thời điểm trị vì của Vikrantavarman I (653 – ?)[40], tuy nhiên bia ký C96 thì nhắc đến nhiều vị vua trước đó như Sambhuvarman (?-629), trước đó nữa là Rudravarman I (530 – ?)… và kết thúc ở đầu bảng bằng một vị vua Gaigaraja (vị vua đầu tiên trong phả hệ), danh sách phả hệ này còn được xác nhận bởi các minh văn C73A và C81 ở Mỹ Sơn[41].

Phả hệ trên cho thấy, Vikrantavarman I, vị vua trị vì gắn với danh xưng Champa, là hậu duệ của Gangaraja, mà trong bia ký C73 A là Gaigesa, bia C81 là Gaigesvara. Nhưng điểm đáng chú ý là tiểu sử của Gangaraja (C96) lại trùng hợp với vị vua Lâm Ấp tên Địch Chân, cả 2 cùng được mô tả là bỏ ngai vàng sang Ấn Độ tu hành. Sự trùng hợp này không hề là ngẫu nhiên, chính điều này đã khiến Maspero đồng nhất Gangaraja với Địch Chân, và dù e dè hơn, Southworth cũng xem sự trùng hợp này là một căn cứ để dưa ra giả định đồng nhất vua Lâm Ấp và vua ở vùng Quảng Nam – những người Chủ của Mỹ Sơn và Trà Kiệu[42]. Cho dù, M. Vickery cho rằng Gangaraja chỉ là một vị vua huyền sử và người Trung Hoa chỉ ghi lại tích truyện huyền thoại về một Địch Chân ở vùng sông Thu Bồn, ông cũng thừa nhận sự đồng nhất này là có cơ sở[43]. Điều đó cho tôi tin vào một giả định khả dĩ rằng vua của Champa Vikrantavarman I, hậu duệ của Gangaraja, chính là vua của thực thể Lâm Ấp được tiếp nối từ Phạm Văn, Phạm Phật, Phạm Hồ Đạt, Địch Chân, Phạm Dương Mại (tiếp nối trực hệ)… Dữ kiện không cho phép ta đồng nhất một vị vua nào trong bia ký với trong tư liệu Trung Hoa với nhau (trừ Gangaraja và Địch Chân) một cách chính xác, nhưng ít ra ta biết họ thuộc cùng một chính thể ở Quảng Nam.

Một vấn đề khác xoay quanh bản phả hệ các vua Champa, ở trên, là sự lẫn lộn của từng ngôi thứ phải hệ ở các minh văn khác nhau. Cụ thể trong bia ký C81 có cái tên Bhadravarman đứng sau tên Gaigesvara (tức Gangaraja trong C96), điều này mâu thuẫn với việc Maspero xếp Bhadravarman lên trước Gangaraja (Địch Chân) và đồng nhất với Phạm Hồ Đạt (vua Lâm Ấp trong sử liệu Trung Hoa). Southworth xem đây là một sự nhầm lẫn, và xếp Gangaraja lên trước Bhadravarman, ông cho rằng Bhadravarman đã bị đặt sai mốc[44]. Trong thực tế, ở đây Maspero không nhầm lẫn, bia ký C96, mà ông sử dụng làm cứ liệu không hề nhắc đến Bhadravarman, ngược lại Bhadravarman mà Maspero đồng nhất với Pham Hồ Đạt và đặt lên trước Gangaraja/ Địch Chân là một vị vua khác với Bhadravarman trong bia C81 (mà Southworth đánh đồng)[45]. Bhardravarman mà Maspero đồng nhất với Phạm Hồ Đạt, là vị vua vĩ đại với nhiều chiến công lớn ở Quảng Nam – người lập đền thờ ở Mỹ Sơn – được nhắc đến trong nhiều bia ký Champa sớm (TK V) như C72 ở Mỹ Sơn, C105 ở hòn Cụt, C 147 ở Chiêm Sơn hay còn gọi bia Đông Yên Châu (Quảng Nam) và cuối cùng bia C.41 ở Phú Yên[46]. Điều đó củng cố thêm nhận định ở đoạn trên của tôi, về sự đồng nhất các vị vua Lâm Ấp với các vị vua Champa ở Quảng Nam (kể cả Bhadravarman/ Phạm Hồ Đạt mà Maspero nhắc đến). Tuy vậy, tôi vẫn khuyến cáo các khả năng đồng nhất một vị vua Lâm Ấp nào với các vị vua trên bia ký Champa đơn giản vì 2 nguồn sử liệu này dù nhìn tổng quát là hợp nhau nhưng những chi tiết cụ thể sẽ ít nhiều mâu thuẫn nhau.

Một khi đã đồng nhất Lâm Ấp và chính thể Champa ở Quảng Nam, ta sẽ dành lại chổ cho lịch sử tự sự của Champa được ghi nhận bởi bia ký. Vikrantavarman I, và trước đó là những vị vua Champa đầu tiên, đã xây dựng một thể chế rộng lớn, kết giao với Cambodia, mở rộng và phát triển nhiều đền đài ở Mỹ Sơn và lần đầu tiền để lại các bia ký của mình ở phía Bắc Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay[47]. Tầm ảnh hưởng của các vị vua ở Quảng Nam, tiếp nối Bhadravarman, như vậy đã vượt ra khỏi vùng lãnh thổ truyền thống đến các khu vực phương Nam. Khoảng 1 thế kỷ sau, năm 757, vị vua cuối cùng của vùng đất Quảng Nam qua đời, một vị vua gốc phương Nam lên ngôi: Prithivindravarman, ông quyết định chuyển thủ phủ của mình về phương Nam thuộc Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), từ đây các đền đài, các bia ký và cả một đô thành Virapura (mà ngày nay không thể xác định vị) được dựng lên rất nhiều ở phương Nam để chứng tỏ quyền uy của đế chế này. Sự thay đổi này, trả lời cho câu hỏi ở trên, rằng tại sao các nhà viết sử Trung Hoa lại thay thế tên gọi Lâm Ấp thành Hoàn Vương một cách đột ngột như vậy – từ đây tên gọi Lâm Ấp cũng chính thức chấm đứt vai trò lịch sử của nó[48].

Tuy vậy, Lâm Ấp, dù chỉ là sản phẩm của người Trung Hoa, nhưng nó là tên gọi đầu tiên để chúng ta có thể định dạng một chính thể Nhà nước tiền Champa được thành lập ở vùng đồng bằng ven sông Thu bồn. Chính thể này, sau đó, mở rộng tầm ảnh hưởng, bằng quân sự hay chính trị, lên cả vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi trở thành tiểu quốc Amarawati và mở rộng về phương Bắc vượt qua đèo Hải Vân để tạo không ít sự tranh luận trong giới sử học, về phương Nam chính thể này “lan tỏa” về đến tận Kauthara hay kể cả Panduranga[49]. Nói cách khác, Lâm Ấp là tên mà người Trung Hoa chỉ một chính thể Nhà nước ở Quảng Nam thời tiền Champa, chính thể này ban đầu là một tiểu quốc, như mọi tiểu quốc ở miền Trung Việt Nam giai đoạn cổ đại, chính thể này sau đó tự đồng nhất mình với Champa, Vikrantavarman và các vị vua tiếp nối… đều tự xưng mình là vua của Champa[50]. Những dữ kiện trên cho thấy chính thể ở Quảng Nam (Lâm Ấp) chính là tiền thân của Champa, họ không chỉ đóng vai trò là một tiểu quốc của Champa mà còn là thực thể góp phần quan trọng vào sự hình thành của liên bang Champa (Mandala Champa) với vai trò trung tâm trong suốt nhiều thế kỷ.

Tiếp nối vai trò của chính thể Quảng Nam, khi trung tâm của liên minh chuyển về phương Nam, các vị vua phương Nam như Prithivindravarman, Indravarman và Harivarman… đều thừa nhận mình cai trị toàn bộ Champa mà các bia ký ở Khánh Hòa và Ninh Thuận không ngừng nhắc đến[51]. Điều này cho thấy rằng, các vị vua ở phương Nam dù đóng thủ phủ của mình ở Pandaranga nhưng luôn khẳng định quyền lực của mình đối với toàn bộ liên minh Champa, lúc này đây dù quyền lực của họ chỉ tập trung ở phương Nam, nhưng họ lại thể hiện ảnh hưởng của mình đối với toàn bộ liên minh (mandala), họ khẳng định được sức mạnh của mình như là trung tâm của cả Champa, như các vị vua ở Quảng Nam đã từng thể hiện trước đó. Sự lên ngôi của Panduranga, không phải là một sự chuyển dời kinh đô theo nghĩa thông thường ở các thể chế tập quyền, đó là sự chuyển dời trung tâm quyền lực từ miền Bắc xuống miền Nam, khi sức mạnh và tầm ảnh hưởng của tiểu quốc phương Nam đủ tầm lớn mạnh để giữ vai trò thống trị toàn bộ liên minh Champa.

Tuy nhiên, M. Vickery nhìn nhận những tuyên bố trên là mơ hồ, đối với ông dù khẳng định mình cai trị toàn bộ Champa, nhưng các vị vua Panduranga thực chất không đủ khả năng để làm việc đó, thực chất tuyên bố trên thể hiện họ chỉ thừa nhận mình là một phần của Champa chứ không phải là kẻ thống trị Champa[52]. Lập luận trên theo tôi có nhiều mâu thuẫn, vì rằng trong khi thừa nhận, từ thời điểm các thủ lĩnh phương Nam lên làm vua Champa, mọi di tích, đền đài, bia ký đều xuất hiện tập trung ở phương Nam, trong khi ở phía Bắc không hề có các yếu tố này, Vickery không chấp nhận rằng như vậy trung tâm quyền lực do đó đã thuộc về các vị vua Panduranga và chỉ khi là trung tâm của toàn liên minh, họ mới có được khả năng tạo dựng các đền đài, kinh đô và bia ký trên vùng đất trung tâm của mình mà các địa phương khác không thể làm được. Mặt khác, ở đoạn cuối của lập luận này Vickery lại thừa nhận có một sự chuyển dịch về hệ thống thương mại từ khu vực Thu Bồn đang suy yếu đến vùng Panduranga đang hưng thịnh[53]. Theo quy tắt thông thường mà nói, khi vị trí kiểm soát thương mại và quyền lực chuyển dịch từ một chính thể này sang chính thể khác trong liên minh rõ ràng trung tâm của chính thể sẽ chuyển dịch theo và trung tâm đó sẽ giữ vai trò kiểm soát và có tầm ảnh hưởng lớn lên các chính thể còn lại, bỏ qua các logic thông thường này, tôi nghĩ giả định của Vickery sẽ không còn đứng vững.

Tôi sẽ kết thúc phần này bằng một dữ kiện trong sử liệu Trung Hoa dù nó không liên quan đến chủ đề này và lịch sử tự sự của Champa nói chung, nhưng sẽ có nhiều tính gợi mở cho việc nghiên cứu giai đoạn về sau. Năm 809, người Trung Hoa lại sử dụng một tên gọi khác để chỉ Champa: Chiêm Thành, thuật ngữ này là từ phiên âm gần nghĩa nhất với Champa (Campa = Chiêm và Pura = thành phố) cho phép ta đồng nhất 2 từ này cùng chỉ về 1 quốc gia Champa/ Chiêm Thành[54]. Điều đó cho thấy thuật ngữ Champa đã trở thành một danh xưng chung được các tiểu quốc thừa nhận và được Trung Hoa công nhận, hay giới viết sử Trung Hoa đã “cập nhật” trễ tên gọi xuất hiện từ gần 200 năm trước? Một sự thay đổi khác cũng đáng chú ý là trong khoảng 20 mươi năm từ 854 dến 875, quyền lực thống trị của liên minh Champa đã chuyển từ Panduranga về lại Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam)[55]. Do đó, vấn đề giờ đây còn để ngỏ một câu hỏi liên quan đến bài viết này, có sự liên hệ nào giữa chính thể mới này với chính thể Quảng Nam/Lâm Ấp đã nghiên cứu ở trên hay chăng?

Kết luận

Bài viết này vừa điểm lại một vấn đề lịch sử đã cũ nhưng chưa bao giờ ngừng gây ra những tranh luận, nhất là trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của những dữ liệu khảo cổ học hiện nay. Vấn đề Lấm Ấp dù được xem là quan trọng trong việc phác dựng lại lịch sử Champa vào thuở ban đầu, chưa bao giờ trở thành một vấn đề được xem xét một cách tỉ mỉ cho đến tận những năm gần đầy. Những vấn đề về niên đại và vị trí hình thành của Lâm Ấp trong quá khứ vẫn luôn sẽ được bàn cãi trong suốt nhiều năm nữa vì mỗi ngày nhiều nguồn dữ liệu lại càng cho thấy những kết luận trước là có vấn đề. Do đó, những lưu ý trên của tôi về niên đại hay vị trí hình thành nhà nước Lấm Ấp luôn được đưa ra trong một giải thuyết dè dặt được đặt trong bối cảnh của các nguồn tư liệu hiện thời và rất có thể sẽ bị thách thức trong tương lai. Cũng cần phải lưu ý thêm rằng, dù đưa ra những thông tin quý giá về Lâm Ấp, chúng ta vẫn nên từ bỏ một ảo tưởng rằng có thể sử dụng sử liệu Trung Hoa để viết ra một bộ sử dù là giản lược nhất về quốc gia này.

Chúng ta chỉ nên xem Lâm Ấp như là một trong nhiều thực thể dạng Nhà nước tiền Champa khác được hình thành trên các cơ tầng bản địa, mang một vài ảnh hưởng Trung Hoa sau đó hấp thụ dần ảnh hưởng Ấn Độ, tại miền Trung Việt Nam trong những thể kỷ đầu Công nguyên, được người Trung Quốc đặt tên là Lâm Ấp. Ngay khi đặt tên như vậy, bản thân những nhà viết sử “thiên triều” có lẽ cũng chưa hình dung tính phức tạp của quốc gia/chính thể hay liên quốc gia/chính thể mà họ đang nói đến, cách gọi đó có thể chỉ một chính thể hay Nhà nước, nhưng cũng có thể chỉ chung một dạng nhiều chính thể, Nhà nước (mà họ không hay biết). Thậm chí cách gọi Lâm Ấp trong bối cảnh này có thể chỉ một chính thể khác, trong một bối cảnh thời gian khác lại nói về một chính thể khác mà họ nhầm lẫn, khi mà chuyện về các nước phương Nam thường chỉ được các sứ đoàn tường thuật lại, được hồi cố lại và thậm chí được tưởng tượng và huyền thoại hóa thêm.

Những dữ kiện được cung cấp bởi bia ký Champa và các phát hiện quan trọng về khảo cổ học gần đây cũng như nhiều năm sắp đến, cho chúng ta một cách nhìn khác về vấn đề này. Điều duy nhất mà chúng ta có thể tạm đưa ra lúc này, với những dữ kiện hiện có, là sự hình thành, tồn tại và phát triển của một chính thể mà ta tạm gọi là chính thể Trà Kiệu hay Quảng Nam, một chính thể hình thành dựa trên sự liên kết các bộ tộc, các lãnh địa, các trung tâm chính trị – quân sự quanh lưu vực sông Thu Bồn rổi mở rộng ảnh hưởng của mình để trở thành một tiểu quốc sau này là Amaravati. Khi tầm ảnh hưởng của chính thể này vươn xa hơn về phương Nam họ thần phục và hấp thụ nhiều trung tâm hay tiểu quốc khác, đồng nhất mình với Champa – tên gọi chỉ chung cho liên minh các tiểu quốc ấy – điều này đóng góp một phần quan trọng vào tiến trình lịch sử của quốc gia này. Và cuối cùng, có thể Lâm Ấp là cách người Trung Hoa gọi tên cái chính thể mà chúng ta đang nói đến cho dù họ chỉ nhận thức về nó một cách mơ hồ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Aurousseau, L (1914), “Georges Maspero: Le Royaume de Champa”, trong Bulletin de l’Ecolefrançaised’Extrême-Orient (BEFEO), Tome 14, pp. 8 – 43.
Đào Duy Anh (1998), Lịch sử Cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Coedes G (2011), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
Dohamide – Dorohiem (1965), Dân tộc Chàm lược sử, Saigon.
Lâm thị Mỹ Dung và cộng sự (2008), “Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học”, Phần 3. Lâm Ấp qua những nghiên cứu ở Duy Xuyên II. Trà Kiệu (cư trú) và Trà Kiệu (thành), Trích từ Đề tài Nghiên cứu Trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội – Mã số QGTĐ.06.07, Hà Nội.
Lâm Thị Mỹ Dung (2017), Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Champa, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
Finot, L (1903), “Stéle de Cambhuvarman au Mi-son”, BEFEO III, 206 – 213
Finot, L (1903), “Notes D’Epigraphie: V Panduranga”, BEFEO, III, pp. 630 – 648.
Vương Khả Lâm (1936), Chiêm Thành lược khảo, Nhà sách Đông Tây, Hà Nội.
Lafont, P-B (1999), “Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC –Champa, San Jose, tr. 39 – 54.
Lafont, P-B (2011), Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose.
Maspero, G (1928), Le Royaume de Campa, G.Van Oest, Paris.
Mariko, Yamagata (2011), “Trà Kiệu during the Second and Third Centuries CE: The Formation of Linyi from an Archaeological ”, in trong Trần Kỳ Phương, Bruce McFarland Lockhart, The Cham of Vietnam: History, Society and Art, NUS Press, p 81 – 101.
Lê Thị Mai – Zhang Zhuoqing (2019), Đô Thành Điển Xung của Vương quốc Lâm Ấp trong sách Thủy Kinh Chú, scv.udn.vn, truy cập ngày 30/05/2019.
Lương Ninh (2006), Lịch sử Vương quốc Champa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Lịch Đạo Nguyên (2005), Thủy Kinh Chú sớ, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
Pilliot, P (1904), “Deux Itineraes de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle”, BEFEO, V, pp. 131 – 413.
Po Dharma (1999), “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC –Champa, San Jose, tr. 9 – 36.
Reilly, Dougald J.W.O. (2007), Early Civilizations of Southeast Asia, Chapter 6: Champa, Altamira Press: Lanham, New York, Toronto, Plymouth, 127-144.
Stein, R (1947),“Le Lin-Yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champaetsesliensavec la Chine”, trong Han-Hiue II-1-3.
Southworth, W (2001), “The Origins of Campā in Central Vietnam, A Preliminary Review”, Ph.D. thesis, Archaeology, SOAS, University of London.
Michael Vickery (2005),“Champa revised”, in ARI Working Paper No 36, Asia Research Institute, Singapore.
Schweyer, A.V (2010), “The birth of Champa”, trong Conneting Empiresand States, Volume 2, NUS Press, Singapore, 2010, tr. 102 – 117.
Vickery, M (2005),“Champa revised”, in ARI Working Paper No 36, Asia Research Institute, Singapore.

* Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (Ninh Thuận).

[1]Các nguồn sử liệu của Trung Hoa ghi nhận về Lâm Ấp bao gồm Lâm Ấp Ký, Thủy Kinh chú, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Tùy thư, Nam sử, Đường thư, Lĩnh Ngoại đại đáp,…Các nguồn sử liệu này được dẫn lại từ các bản dịch của các nguồn thứ cấp như: Léonard Aurousseau (1914),“Georges Maspero: Le Royaume de Champa”, trong Bulletin de l’Ecolefrançaised’Extrême-Orient (BEFEO), Tome 14, pp. 8 – 43; Đào Duy Anh (1998), Lịch sử Cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội; Lịch Đạo Nguyên (2005), Thủy Kinh Chú sớ, Nxb. Thuận Hóa, Huế; Lương Ninh (2006), Lịch sử Vương quốc Champa, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.

[2] G. Maspero (1928), Le Royaume de Campa, G.Van Oest, Paris.

[3] R. Stein (1947),“Le Lin-Yi, sa localisation, sa contribution à la formation du Champaetsesliensavec la Chine”, trong Han-Hiue II-1-3.

[4] G. Coedes (2011), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, Nxb. Thế giới, Hà Nội; Dohamide – Dorohiem (1965), Dân tộc Chàm lược sử, Saigon; Po Dharma (1999), “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC –Champa, San Jose, tr. 9 – 36; P-B. Lafont (1999), “Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa”, trong Champaka 1, IOC –Champa, San Jose, tr. 39 – 54; (2011), Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose; Dougald J.W. O. Reilly (2007), Early Civilizations of Southeast Asia, Chapter 6: Champa, Altamira Press: Lanham, New York, Toronto, Plymouth, pp. 127-144; A.V. Schweyer (2010), “The birth of Champa”, trong Conneting Empiresand States, Volume 2, NUS Press, Singapore, 2010, tr. 102 – 117.

[5] Đào Duy Anh (1998), sđd; W. Southworth (2001), “The Origins of Campā in Central Vietnam, A Preliminary Review”, Ph.D. thesis, Archaeology, SOAS, University of London; Michael Vickery (2005), “Champa revised”, in ARI Working Paper No 36, Asia Research Institute, Singapore.

[6] Lâm thị Mỹ Dung và cộng sự (2008), “Lâm Ấp qua những tài liệu khảo cổ học”, Phần 3. Lâm Ấp qua những nghiên cứu ở Duy Xuyên II. Trà Kiệu (cư trú) và Trà Kiệu (thành), Trích từ Đề tài Nghiên cứu Trọng điểm cấp ĐHQG Hà Nội – Mã số QGTĐ.06.07, Hà Nội.

[7] G. Maspero (1928), sđd, pp. 50 – 51.

[8]Vương Khả Lâm (1936), Chiêm Thành lược khảo, Nhà sách Đông Tây, Hà Nội, tr. 8.

[9]Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 155, 505 – 506.

[10]Lịch Đạo Nguyên (2005), sđd, tr. 377; Phòng Huyền Linh, Tấn thư, Quyển 97; Tùy thư, Quyển 82 dẫn theo: Lương Ninh (2006), sđd, tr. 351, 376.

[11]Lý Diên Thọ, Nam sử, Quyển 78 dẫn theo: Lương Ninh (2006), sđd, tr. 371.

[12]Lương thư, Quyển 54 dẫn theo: Lương Ninh (2006), sđd, tr. 364.

[13] Đào Duy Anh (2002), Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 121; Lương Ninh (2006), sđd, tr.19.

[14] Lịch Đạo Nguyên (2005), sđd, tr. 377.

[15]G. Maspero (1928), sđd, pp. 50 – 51.

[16] Phạm Việp, Hậu Hán Thư, Quyển 116 dẫn theo: Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 153 – 154, 504; Lương Ninh (2006), sđd, tr. 349 – 351.

[17] Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 505.

[18]G. Maspero (1928), sđd, p. 49; Coedes (2011), sđd, tr. 93 – 94.

[19]Đào Duy Anh (2002), sđd, 2002, tr. 157.

[20]L. Aurousseau (1914), sđd, p. 28; Lịch Đạo Nguyên (2005), sđd, tr. 377.

[21] Đào Duy Anh (2002), sđd, tr. 155, 505.

[22]L. Aurousseau (1914), sđd, p. 28; Đào Duy Anh (2002), sđd, tr. 121; Lịch Đạo Nguyên (2005), sđd, tr. 377; Lương Ninh (2006), sđd, tr. 19.

[23] P. Pilliot (1904), “Deux Itineraes de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle”, BEFEO, V, pp. 184 – 186.

[24] R. Stein (1947, sđd, pp. 241 – 245.

[25] Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 186 – 189.

[26] W. Southworth (2001), sđd, pp. 291 – 294.

[27] Như trên, p. 318.

[28] A.N. Schweyer (2010), sđd, pp. 102 – 117.

[29] Lâm Thị Mỹ Dung (2017), Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Champa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 217 – 220.

[30] Xem các nguồn Hán Thư đã dẫn ở trên.

[31] Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 169 – 172.

[32] Yamagata Mariko (2011), “Trà Kiệu during the Second and Third Centuries CE: The Formation of Linyi from an Archaeological ”, in trong Trần Kỳ Phương, Bruce McFarland Lockhart, The Cham of Vietnam: History, Society and Art, NUS Press, pp.81-102, p.82. Xem thêm: Lê Thị Mai – Zhang Zhuoqing (2019), Đô Thành Điển Xung của Vương quốc Lâm Ấp trong sách Thủy Kinh Chú, scv.udn.vn, truy cập ngày 30/05/2019.

[33] Lâm Thị Mỹ Dung, sđd, tr. 218 – 260.

[34] G. Maspero, sđd, pp. 63.

[35] Lâm Thị Mỹ Dung (2017), sđd, tr. 254.

[36] Đào Duy Anh (1998), sđd, tr. 153 – 154.

[37] Như trên, tr. 154.

[38] G. Maspero (1928), sđd, p. 95; P-B. Lafont (1999), sđd, tr. 44.

[39] L. Finot (1903), “Stéle de Cambhuvarman au Mi-son”, BEFEO III, pp. 209-210 xem thêm: Po Dharma (1999), sđd, tr. 12; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 141.

[40] G. Maspero (1928), sđd, p. 91; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 143.

[41] L. Finot (1903), sđd, p. 207;

[42] G. Maspero (1928), sđd, pp. 64 – 65; W. Southworth (2001), sđd, pp. 302 – 304.

[43] M. Vickery (2005), sđd, p. 20.

[44] Dẫn theo M. Vickery (2005), sđd, p. 26 – 27.

[45] G. Maspero (1928), sđd, p. 63 – 64.

[46] A.V. Schweyer (2010), sđd, p. 109 – 111.

[47] P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 142 – 144.

[48] G. Maspero (1928), sđd, pp. 96 – 97; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 144 – 145.

[49] Về các tên gọi các vùng, tiểu quốc của Champa xem: G. Maspero (1928), sđd, pp. 24 – 25; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 29 – 35.

[50] G. Maspero (1928), sđd, p. 89.

[51] G. Maspero (1928), sđd, p.97, pp. 104 – 105; L. Finot (1903), “Notes D’Epigraphie: V Panduranga”, BEFEO, III, pp. 630 – 648.

[52] M. Vickery (2005), sđd, pp 29 – 30.

[53] Như trên, p. 382.

[54] Po Dharma (1999), sđd, tr. 12; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 40.

[55] G. Maspero (1928), sđd, pp. 109 – 111; P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 150.

Nguồn: NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Leave A Reply

Your email address will not be published.