Tuần vừa qua, những vấn đề về giáo dục tại Việt Nam lại được công luận chú ý như một vấn nạn chưa có lời giải. Những sự cố nghiêm trọng và đau lòng liên tục xảy ra trong các nhà trường phổ thông như một chỉ dấu không thể chối cãi về một sự suy thoái đã được nhìn thấy nhiều năm trước, có chăng nó đang đến giai đoạn cùng cực.
Sự việc chấn động nhất là vụ một nam học sinh lớp 10 nhảy lầu tự tử tại trường Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP HCM), một truờng tư thục được nhiều gia đình khá giả tại các tỉnh gửi con em vào học nội trú. Trả lời báo chí, ông hiệu trưởng trường này cho biết, trước khi nam sinh này tự tử, em có để lại 2 bức thư tuyệt mệnh, một bức gửi cho gia đình, một bức gửi cho lớp. Nội dung trong bức thư nói do áp lực trong việc học và từ gia đình muốn có điểm số tốt hơn để đạt điểm giỏi.
Áp lực không chỉ đè nặng lên học sinh, mà còn đè nặng lên chính giáo viên do chạy theo “thành tích thi đua”. Dư luận đang xôn xao khi xuất hiện thông tin một giáo viên mầm non tố bà hiệu trưởng bắt mình phá thai vì không muốn ảnh hưởng đến thành tích của trường. Giáo viên này đã cung cấp cho báo chí một đoạn ghi âm cho thấy bà hiệu trưởng đã dùng lời lẽ nặng nề, xúc phạm cô giáo vì đã để xảy ra chuyện sinh con thứ ba và không biết cách phá thai, và ra điều kiện hoặc là cô giáo phải phá thai, hoặc là chuyển trường để không làm ảnh hưởng đến phong trào thi đua.
Trong nhiều trường hợp khác, áp lực và thành tích tại nhà trường, gia đình đã bùng phát mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh, khiến một cô giáo 3 tháng đứng trên bục giảng mà không nói tiếng nào vì sợ học sinh ghi âm, và một học sinh lớp 12 đã dùng dao đâm gục một thầy giáo chỉ vì ông thầy này đã nhắc nhở một hình xăm trên cơ thể học sinh.
Những năm gần đây Việt Nam luôn thực hành chính sách “cải cách giáo dục”. Ở bất kỳ đời Bộ trưởng Bộ Giáo dục nào cũng đề ra những phương cách thay đổi về dạy, học và các kỳ thi nhưng chưa bao giờ đạt những hiệu quả tốt hơn mà chỉ làm cho môi trường giáo dục thêm rối ren, các nhân tố giáo dục thêm suy đồi và chính họ, những người trong cuộc cũng cảm thấy bế tắc.
Trên báo chí của nhà nước, trong hội trường, và cả tại Quốc hội Việt Nam, những bất cập của nền giáo dục vẫn được nêu ra nhưng chưa ai dám nói cái nguyên nhân chính gây sức ì và suy thoái là do thể chế chính trị. Bởi tại một thể chế chính trị độc đảng, người dân không có quyền lực, kinh tế phát triển chậm vì tham những tràn lan, làm thế nào để có một nền giáo dục tiến bộ, khai phóng là nan giải, nếu không nói là không thể, khi mà điều kiện đầu tiên- dân chủ- chưa có thực chất.