100 năm ngày mất của kỹ sư Gustave Eiffel

TVN

0 187

Ngày 27/12/2023 là ngày kỷ niệm 100 năm ngày mất của kỹ sư tài ba Gustave Eiffel, người đã tạo ra biểu tượng của nước Pháp – Tháp Eiffel, hay còn được gọi là “Người đàn bà thép”. Tại Việt Nam, ông cũng để lại nhiều dấu ấn với các cầu thép tại miền Nam.

Cuộc đời và Sự nghiệp của Gustave Eiffel

Gustave Eiffel sinh ra ở Dijon, Pháp, vào năm 1832. Ông tốt nghiệp từ trường Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Sản xuất (Ecole Centrale des Arts et Manufactures) ở Paris vào năm 1855. Sau khi tốt nghiệp, ông đã tham gia giám sát việc xây dựng một cây cầu sắt ở Bordeaux, Pháp. Trong khoảng thời gian đầu của sự nghiệp, Eiffel đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng kết cấu kim loại đề giúp tìm ra cách xây tiết kiệm và bền hơn.

Ông đã thành lập công ty riêng của mình năm 1866 chủ yếu tập trung vào thiết kế và xây dựng cầu. Eiffel đã thiết kế Cầu Ponte Maria Pia bắc qua sông Douro ở Oporto, Bồ Đào Nha. Gần 20 năm sau, ông đã sử dụng cùng một thiết kế, để xây dựng cầu cạn Garabit nổi tiếng ở Truyère, Pháp. Cây cầu này đã giữ danh hiệu cây cầu cao nhất thế giới trong nhiều năm sau đó.

Khi sự nghiệp phát triển, Eiffel chuyển từ chuyên môn xây cầu sang các loại kết cấu khác, chẳng hạn như vào năm 1879, ông tạo ra mái vòm co thể di chuyên được cho đài quan sát thiên văn Nice ở Nice, Pháp. Ngoài ra ông còn thiết kế phần khung kim loại cho bức tượng Nữ Thần Tự Do dựa vào cấu trúc xương.

Tháp Eiffel là một địa danh biểu tượng ở Paris, Pháp, và là một trong những công trình được nhận biết nhiều nhất trên thế giới. Tháp ban đầu chỉ được dự định là một công trình tạm thời, nhưng nó được yêu thích đến nỗi được phép giữ lại sau khi triển lãm kết thúc. Ngày nay, Tháp Eiffel là một trong những địa điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới, với hàng triệu lượt khách mỗi năm.

Các công trình tại Việt Nam

Công trình đầu tiên của Eiffel là cầu Vận tải Hải dương (lấy theo tên của Hãng vận chuyển hàng hải lúc bấy giờ), được xây dựng vào năm 1881 tại Sài Gòn. Về sau, do hình dáng thiết kế của cây cầu như một cầu vồng nên cầu được đổi tên thành cầu Mống, là một trong những cây cầu bằng sắt hiện đại ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Ngày 19-11-2015, TP. Hồ Chí Minh đã xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di sản kiến trúc Cầu Mống.

Cũng tại Sài Gòn, Bình Lợi là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ, và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. Nhịp giữa quay được cho tàu qua, xây dựng bởi công ty Lavelois Perret do Gustave Eiffel sáng lập.

Theo tài liệu do tác giả Hoàng Hằng (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) sưu tầm từ Tạp chí Đông Dương số 164 – 165 (năm 1943), Eiffel còn thiết kế nhiều công trình khác.

Tại Sài Gòn, Công ty Eiffel còn thực hiện các công trình: Bến cảng Sài Gòn (1901-1915), Bến Nhà Rồng (1927-1929), các nhà kho bến cảng, cầu Kinh Tẻ, hệ thống thu dẫn nước Tân Sơn Nhất, các bể chứa nước trên phố Pellerin. Riêng tại Chợ Lớn, công ty đã làm các công trình như: các bể chứa nước, cầu Malabars, cầu Cần Giuộc. Công ty này cũng xây dựng hệ thống cầu đường sắt trên tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, Sài Gòn – Phan Thiết – Phan Rang.

Tại Hải Phòng, Eiffel để lại dấu ấn qua các công trình cầu Joffre (cầu Lạc Long), cầu Hạ Lý.
Tại miền Trung, Công ty Eiffel thực hiện các công trình: Trùng tu cầu Trường Tiền, xây móng và lắp ráp những cây cầu lớn trên tuyến đường Đà Nẵng – Nha Trang, cầu Gò Dầu Hạ, cầu trên sông Srépok tại Ban Mê Thuột…

Ngoài ra, đối với các nước khác trong khối Đông Dương, Công ty Eiffel còn thực hiện việc xây móng chiếc cầu mới trên sông Stung-Slot (tuyến đường Sài Gòn – Phnôm Pênh); các cây cầu trên tuyến đường thuộc địa số 23 từ Muongphine đến Saravane (Lào); các cây cầu trên đường số 13 từ Paksé đến Viêng Chăn. Tại Phnôm pênh, Công ty Eiffel cũng thiết kế các bể chứa nước; cầu trên sông Bassac; các cầu tàu, bến cảng; lắp đặt xi-phông tại hồ Tonlé-Sap để cung cấp nước cho thành phố.

Leave A Reply

Your email address will not be published.