Nguyễn Phúc Nguyên, vị chúa có công đưa Hội An thành thương cảng quốc tế phồn thịnh

Huỳnh Duy Lộc

0 230

Khi xác lập chủ quyền trên vùng đất Thuận Quảng vào cuối thế kỷ 16, các chúa Nguyễn đã sớm nhận ra và khai thác được tiềm năng của hải cảng Faifo (HộI An) của người Chiêm Thành trên sông Thu Bồn, có được nguồn thu lớn lao từ việc đánh thuế tàu thuyền của nước ngoài để chinh phục và khai phá vùng đất phương Nam. Dinh trấn của các chúa Nguyễn ở Thanh Chiêm (ngày nay là Điện Bàn) là kinh đô thứ hai của triều Nguyễn, là nơi hoàng tử kế vị (con trai thứ sáu của Nguyễn Hoàng) tập sự cầm quyền và cũng là nơi các nhà truyền giáo của Dòng Tên sáng chế chữ quốc ngữ.

Sử gia K.W.Taylor viết về chúa Nguyễn Phúc Nguyên, vị chúa có công đưa Hội An thành thương cảng quốc tế phồn thịnh: “Thời trẻ, Nguyễn Phúc Nguyên đã tỏ ra là một người dũng cảm và có tài lãnh đạo. Vào năm 1585, khi 22 tuổi, ông đã được cha khen ngợi vì đã đem 10 chiến thuyền ra biển, đánh đắm 2 trong 5 chiếc thuyền của bọn hải tặc Nhật Bản thường hay cướp phá ở bờ biển. Khi ra Bắc vào năm 1592, Nguyễn Hoàng đã dẫn theo 3 trong số 5 người con trai lớn cùa ông hãy còn sống, để Nguyễn Phúc Nguyên ở lại cai quản phương Nam trong thời gian ông vắng mặt. 8 năm sau, khi Nguyễn Hoàng trở lại phương Nam, không có người con trai nào đi theo ông, 2 người đã chết ngoài trận tiền, một người ở lại làm con tin để tỏ rõ thiện chí với Trịnh Tùng. Nguyễn Phúc Nguyên đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc lãnh đạo suốt thời gian cha ông vắng mặt…”

Chúa Trịnh Tráng ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn Phúc Chu có quan điểm rất khác biệt về giao thương hàng hải.
K. W. Taylor đã viết về giao thương hàng hải và vai trò của cảng thị Hội An dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên: “Chính sách của Đàng Ngoài và Đàng Trong đối với các thương nhân ngoại quốc rất khác nhau. Ở Đàng Ngoài, ngoại thương trước hết là độc quyền của chính quyền nên các thương nhân phải thương thảo với một loạt quan chức và hoạn quan, những người áp đặt thuế khóa, lệ phí và những khoản hối lộ để làm giàu cho bản thân họ và những vị chúa của họ. Hơn nữa, khác với Hội An vốn gần biển ở một nơi các tàu thuyền đi và đến có thể neo đậu và cho phép phát triển kinh tế mà không có sự can thiệp thái quá của chính quyền, kinh doanh ở Đàng Ngoài có nghĩa là phải tới Đông Kinh (Thăng Long sau này), nơi đặt cơ sở của chính quyền và điều này tự nó đã là một công việc khó khăn. Tàu thuyền không thể đi ngược lên những nhánh sông Hồng vì dòng nước chảy rất xiết. Thay vì đi ngược những nhánh sông Hồng, tàu thuyền đến đồng bằng gần cửa biển Thái Bình, ở nơi có huyện sau này là Tiên Lãng. Từ đây, hàng hóa được chuyển sang những chiếc thuyền đi trên sông để đi ngược dòng sông. Ở giao điểm của Thái Bình và sông Hồng là Phố Hiến, thành phố cận đại của Hưng Yên. Nơi đây có một trạm thu thuế kiểm soát tất cả những tàu thuyền đi trên sông. Nhiều thương nhân ngoại quốc sống và lập những kho chứa hàng ở Phố Hiến, chỉ đến Đông Kinh khi có giao dịch. Cộng đồng thương nhân Trung Hoa đặc biệt đông đảo ở Phố Hiến. Các thương nhân châu Âu cũng ở tại đây vì phải có đặc ân của các chúa Trịnh mới được phép ở tại Đông Kinh…

Các chúa Nguyễn ở Đàng Trong phụ thuộc nhiều hơn vào ngoại thương và cởi mở đón nhận ngoại thương hơn các chúa Trịnh. Cảng Hội An dễ tiếp cận bằng những đường hàng hải hơn Đàng Ngoài, có nhiều hàng hóa hơn và chủ yếu là một cảng không có đánh thuế trên hàng hóa, được các chúa Nguyễn lãnh đạo với một ý thức về trật tự trị an dựa trên những nguyên tắc của thương mại. Chúa Nguyễn Hoàng tích cực khích lệ các thương nhân đến làm ăn, buôn bán. Chẳng hạn vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XVII, ông liên tiếp gởi những bức thư cho Mạc phủ Tokugawa của Nhật Bản để khuyến khích người Nhật đầu tư vào ngoại thương ở Đàng Trong. Ông thậm chí còn nhận một phái viên đặc biệt của Nhật làm con nuôi để cho sự giao tiếp với nhà lãnh đạo của Nhật Bản có được sự thân mật của tình gia đình. Vào thời kỳ này, Mạc phủ Tokugawa tìm cách phân biệt tàu thuyền của bọn hải tặc với tàu thuyền của các thương nhân bằng cách cấp phép thông hành châu ấn thuyền (red seal) cho tàu thuyền của các thương nhân sẽ được chính thức bảo vệ. Các châu ấn thuyền hoạt động hết sức sôi nổi dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hơn 32% châu ấn thuyền đến các cảng ở Đông Nam Á đã cập bến ở Hội An: 60 chiếc trên tổng số 185 chiếc. Để so sánh, có thể nêu những con số: chỉ có 28 châu ấn thuyền đến Đàng Ngoài, 31 chiếc tới Xiêm (Thái Lan), 31 chiếc tới Philippines, 24 chiếc tới Cambodia và 1 chiếc tới Champa. Giao thương với Hội An chiếm ¼ giao thương của Nhật Bản vào thời kỳ này. Nguyễn Phúc Nguyên không những không giành độc quyền giao thương như các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, mà còn gả một trong những người con gái của ông cho một thương nhân Nhật Bản. Cảng Hội An là nơi tập kết hàng hóa đưa về những vùng núi, những bờ biển và từ những hòn đảo và bờ biển ở phương xa. Trong khi ngoại thương chỉ có ảnh hưởng tới một bộ phận rất nhỏ cư dân ở Đàng Ngoài, ở Đàng Trong, kinh tế của các địa phương và thậm chí kinh tế ở bên ngoài lãnh địa của chúa Nguyễn được huy động để đáp ứng những yêu cầu của cảng thị Hội An…

Trong những năm các viên chức ở phương Bắc than vãn về sự lãnh đạo kém cỏi và nỗi khổ của người dân, Nguyễn Phúc Nguyên chỉ lo việc đề ra một hệ thống chính quyền đơn giản nhưng cũng linh hoạt trên một vùng đất có nhiều dị biệt về địa phương và cư dân. Nguyễn Phúc Kỳ (mất năm 1632), con trai ông và là người thừa kế ngôi chúa, được cử làm trấn thủ ở Điện Bàn, Quảng Nam. Các thuyền buôn của Bồ Đào Nha trên đường đến Goa, Malacca, Macau và Nhật thường đến giao thương ở cảng Hội An gần đó, nơi đã có sẵn cộng đồng thương nhân Trung Hoa và Nhật Bản. Hội An nổi tiếng là một hải cảng được điều hành tốt, có mức thuế vừa phải, với những quan hệ dễ dàng với cư dân bản địa và nơi người ta có thể tìm thấy những sản phẩm của Nhật, Trung Quốc, Chân Lạp, Xiêm, các đảo ở ở Đông Nam Á và của địa phương. Các giáo sĩ Dòng Tên tại Macau đã lập ra phái bộ truyền giáo đầu tiên cho người Việt tại Quảng Nam vào năm 1615 và vào năm 1618, họ lập ra trú sở truyền giáo thứ hai tại Bình Định. Nguyễn Phúc Nguyên thi hành chính sách hữu hảo với người nước ngoài vì hiểu rõ rằng giao thương sẽ làm cho Thuận Quảng giàu mạnh. Ông cũng đặc biệt quan tâm đến việc giữ quan hệ tốt đẹp với người Bồ Đào Nha vì mối quan hệ này tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận với công nghệ quân sự của phương Tây, đặc biệt là đại bác và súng hỏa mai…

2 vùng Thuận Hóa và Quảng Nam, thường gọi là Thuận Quảng, là trung tâm của vùng đất ông cai trị. Các vùng đất xa hơn ở phương Nam được giao cho những viên chức địa phương trong chừng mực an ninh ở biên cương vẫn còn được đảm bảo và tài nguyên, nhân lực vẫn còn có được nhờ việc đánh thuế và bắt thanh niên tòng quân. Dù lúc ban đầu, tất cả những vùng đất ở phía Nam Thuận Hóa đều thuộc Quảng Nam, tổ chức chính quyền ở Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên đã dần dần biến những vùng đất này thành những đơn vị hành chánh độc lập…” (A History of the Vietnamese, tr. 268, 269, 270, 291, 292)

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Cảng thị Hội An hiện nay, vào thế kỷ XVII và châu ấn thuyền của Nhật Bản

Leave A Reply

Your email address will not be published.