15/01/1831: Victor Hugo hoàn thành “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà”

TVN

0 129

Vào ngày này năm 1831, Victor Hugo đã hoàn thành cuốn Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), hay còn gọi là “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà”. Bị phân tâm bởi các dự án khác, Hugo đã liên tục trì hoãn thời hạn giao cuốn sách cho nhà xuất bản của mình, nhưng một khi bắt tay vào sáng tác, ông đã hoàn thành tiểu thuyết chỉ trong bốn tháng.

Khi còn là một thiếu niên, Hugo, con trai của một trong những sĩ quan của Napoléon, đã quyết định trở thành một nhà văn. Dù theo học ngành luật, nhưng ông cũng thành lập một tạp chí văn học để bản thân và các nhà văn mới nổi khác có thể xuất bản tác phẩm của mình. Năm 1822, Hugo kết hôn với người yêu thời thơ ấu, Adele Foucher, và xuất bản tập thơ đầu tiên, giúp ông nhận được tiền trợ cấp từ Vua Louis XVIII.

Năm 1823, Hugo xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay, Han d’Islande. Vở kịch ra đời năm 1827 của ông, Cromwell, đã thể hiện các nguyên lý của chủ nghĩa lãng mạn mà ông đã trình bày trong lời nói đầu của vở kịch. Một năm sau đó, dù đã ký hợp đồng viết một tiểu thuyết có tên Notre Dame de Paris, Hugo vẫn bắt tay vào thực hiện hai vở kịch. Tác phẩm đầu tiên, Marion de Lorme (1829), bị kiểm duyệt vì đã miêu tả một kỹ nữ quá chân thực. Tác phẩm thứ hai, Hernani, đã trở thành chủ đề cho một cuộc tranh luận gay gắt và kéo dài giữa những người theo chủ nghĩa cổ điển và những người theo chủ nghĩa lãng mạn ở Pháp. Năm 1831, cuối cùng ông cũng hoàn thành Notre Dame de Paris. Ngoài việc thúc đẩy thẩm mỹ lãng mạn, vốn khoan dung với những gì không hoàn hảo và lạ thường, cuốn sách còn nhằm một mục đích đơn giản hơn: kêu gọi sự quan tâm đến các tòa nhà Gothic cũ, mà khi đó đã trở thành đối tượng bị phá hoại và bỏ bê.

Trong những năm 1830, Hugo đã viết hàng loạt vở kịch, nhiều trong số được sáng tác cho nữ diễn viên Juliette Drouet, người mà Hugo có quan hệ tình cảm kể từ năm 1833. Năm 1841, Hugo được bầu vào Viện hàn lâm Pháp danh tiếng, nhưng hai năm sau, con gái và con rể của ông không may qua đời vì chết đuối trong một vụ tai nạn. Ông bày tỏ sự đau buồn sâu sắc của mình trong tập thơ có tên Les Contemplations (1856).

Hugo buộc phải trốn khỏi nước Pháp khi Napoléon III lên nắm quyền: Ông đã không hồi hương trong suốt 20 năm. Trong thời gian sống lưu vong, ông đã hoàn thành Les Miserables (Những người khốn khổ, 1862), một tác phẩm ăn khách ở cả Pháp và nước ngoài. Ông trở lại Paris trong thời Chiến tranh Pháp-Phổ và được ca ngợi là anh hùng dân tộc. Sự nghiệp sáng tác của Hugo đã trải dài hơn sáu thập niên, ông được tổ chức quốc tang và chôn cất tại Điện Panthéon sau khi qua đời vào năm 1885.

Nguồn: “The Hunchback of Notre Dame” is finishedHistory.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Đăng lại từ: https://nghiencuuquocte.org/2023/01/15/victor-hugo-hoan-thanh-thang-gu-o-nha-tho-duc-ba/

Leave A Reply

Your email address will not be published.