Bàn Ông Thiên, nghĩa là bàn thờ Ông Trời, cũng có người gọi là Bàn Thông Thiên với ý nghĩa thông thiên triệt địa, là lời cầu nguyện của người thông đến trời, thấu cả đất. Nhưng đa số người dân Nam Bộ từ miền Đông tới miền Tây gọi gọn lại là Bàn Thiên.
Một vùng châu thổ rộng lớn do phù sa hai sông Mê Kông và Đồng Nai bồi đắp tạo thành một màu xanh bạt ngàn, gần như ba mặt trông ra đại dương bao la bát ngát, đất phương nam quả là “rừng vàng biển bạc”, một món quà vô giá mà thiên nhiên ưu đãi cho lưu dân người Việt mặc sức khai khẩn. Lợi dụng thực vật đa loại sẵn có như tre, mây, cây lá… ông cha ta chỉ dựng lều trại đơn sơ để giải quyết cho việc tạm cư, tạm canh trong buổi đầu lập nghiệp.
Những người đầu tiên đến bới đất lật cỏ mà hậu thế rất mực sùng kính và tôn xưng là “Tiền hiền khai khẩn” luôn mang tín ngưỡng truyền thống của quê hương bản quán từ vùng Thuận Quảng xa xôi, khi “Đến nơi xứ sở lạ lùng, chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê” này, họ cảm thấy mình quá cô đơn nhỏ bé trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chỉ còn biết đặt hết niềm tin vào đấng thiêng liêng tối cao, đó là Ông Trời. Phải, chỉ có Ông Trời là đấng quyền năng tuyệt đối ở rất xa mà cũng rất gần loài người, ngửa mặt là thấy trời, cúi đầu là thấy đất (Ngưỡng diện kiến thiên, đê đầu thị địa). Trời là niềm tin, đất là hi vọng. Chỉ có Ông Trời mới có thể cứu khổ, cứu nạn cho người “chơn ướt chơn ráo” sống giữa bốn bề “Cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy!”. Thế là khái niệm Ông Trời đã thực sự hình thành trong tư duy của người đi mở cõi. Nhưng thờ Ông Trời bằng cơ ngơi nào cho phải lẽ? Thôi thì trong thời kỳ tạm cư, tạm canh âu cũng phải “tạm thờ” miễn thể hiện được câu “Hữu thành tắc linh”.
Thế là cái Bàn Thiên được… chào đời từ đó.
Với vật thể này có người gọi là Bàn Thông Thiên, nghĩa là bàn thờ Ông Trời, cũng có người gọi là Bàn Thông Thiên với ý nghĩa thông thiên triệt địa, là lời cầu nguyện của người thông đến trời, thấu cả đất. Nhưng đa số người dân Nam Bộ từ miền Đông tới miền Tây gọi gọn lại là Bàn Thiên, ý nghĩa cũng như nhau. Người xưa quan niệm “Trời tròn đất vuông”, Trời cao rộng vô biên, cao khong nóc, rộng không vách, nên việc thực hiện một Bàn Thiên rất đơn giản: một cây cột tròn dài cỡ ngang đầu người, một tấm ván hình vuông mỗi cạnh khoảng 4-5 tấc, giữa tấm ván đóng dính chắc vào đầu cột, thêm vài cây chỏi xéo ngắn cho tấm ván không lúc lắc, đầu cột còn lại vạt hơi nhọn, cắm xuống đất. Thế là xong Bàn Thiên. Còn vị trí cắm ở đâu, chúng ta cần làm cho rõ ý nghĩa.
Người xưa lấy thân mình làm chủ thể để suy ra nguyên tắc: Đông vi tả, Tây vi hữu, Nam vi tiền, Bắc vi hậu (hướng Đông bên trái, hương Tây bên phải, Nam phía trước, Bắc phía sau) mà định hướng tiến thủ và định vị cho ngôi nhà. Theo nguyên tắc này, những ngôi nhà đầu tiên cất trên vùng đất mới (Kể cả những ngôi đình đầu tiên) luôn quay mặt về phương Nam là hướng tiến thủ (Nam vi tiền), đối kháng là phương Bắc (Bắc vi hậu) để mỗi khi bái tế, người ta phải quay mặt vô bàn thờ, tức hướng về hướng Bắc mà hoài niệm, tri ân tổ tiên, thể hiện rõ nét đạo lí “uống nước nhớ nguồn”. Bởi thế mà vị trí đặt Bàn Thiên cũng tuân thủ theo nguyên tắc đó: từ ngạch của nhà trước đo ra một trượng (khoảng 4 mét), cắm cột Bàn Thiên giữa sân nhà nơi trống trải để bàn ngó thẳng lên trời (ngưỡng diện kiến thiên), lư hương để phía trước, hướng về phương Nam. Tùy theo diện tích của sân mà cự li thay đổi chút ít.
Vật cúng cũng đạm bạc đơn sơ như cơ ngơi của nó: gạo và muối. Ông cha ta rất quý trọng gạo muối, coi đó là “hạt ngọc của trời, hạt châu của biển” vì nó là thành quả của quá trình lao động gian khổ. Đến ngày Sóc Vọng (mùng 1 và Rằm âm lịch) lễ phẩm có khá hơn: nhang đèn, bông trái, nước sạch và gạo muối mà gọi theo người xưa là hương đăng, hoa quả, bạch thủy, mễ diêm. Đến khuya ba mươi tết cúng giao thừa, Bàn Thiên cũng là nơi thiết lễ tống cựu nghinh tân các ông Hành binh Hành khiển, vật cúng có khá hơn nhưng cũng không ngoài sản phẩm nông nghiệp.
Theo các vị kỳ lão thì lời khấn trước Bàn Thiên cũng rất giản dị, nhằm cầu nguyện gia đình bình yên khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi, làm ruộng trúng mùa, làm ăn phát đạt mà đối tượng cầu nguyện là Trời Đất và “ai đó” mà mắt trần không thấy được: “Vái van Hoàng thiên Hậu thổ, Đất nước ông bà…” hoặc “Khấn vái Trời Đất và những vị khuất mặt khuất mày…”
Ngày nay trong tiến trình đô thị hóa, cái Bàn Thiên đã dần dần vắng mặt trên những đường phố đất hẹp người đông. Tuy nhiên, ở nông thôn, nhất là miền Tây nam bộ dấu ấn này vẫn còn rất đậm nét. Ngay cả những thành phố lớn là nơi đất đai được coi là tấc đất tấc vàng – theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen – ta được thấy một số nơi vẫn còn lưu giữ cái bàn thiên trên bao lơn của những tầng lầu 3, 4… Chứng cứ đó đã khẳng định rằng, ngoài lòng sùng kính thiêng liêng theo tín ngưỡng truyền thống, vật thể này biểu hiện rõ nét đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của người dân Nam Bộ ngày nay.