Chợ Noel Trung cổ Provins, Pháp: Du hành về thời Trung cổ

TVN

0 173

Sau hai năm vắng bóng vì dịch Covid-19, chợ Noel Trung cổ ở Provins, Pháp, quay trở lại với những người yêu thích hóa trang thành những nhân vật lịch sử hoặc những người thời xưa.

Kỵ binh, chiến binh Viking, hay hải tặc, người dân của thành phố Provins, cách thủ đô Paris khoảng 100 km, dường như không quá xa lạ với những người hóa trang thành những nhân vật thời Trung cổ đi lại trong thành phố. Người mặc áo lính, vác khiên vác giáo, người thì đội mũ hải tặc, hay chỉ đơn giản là mặc những trang phục cổ xưa, hoà vào không khí lễ hội hóa trang, trong thời tiết giá lạnh của những ngày Giáng Sinh đang đến gần.

Provins thường được biết đến với lễ hội Trung cổ được tổ chức vào mùa xuân và mùa hè, thu hút hơn 90 000 khách du lịch đến chỉ trong hai ngày cuối tuần. Vào năm 2009, chợ Noel Trung cổ vào mùa đông được tổ chức, khiến thành phố có niên đại từ thế kỷ XI như đi ngược dòng thời gian, trở về quá khứ.

Chuyến du hành về thời Trung cổ
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ cách đây 2 năm, đây là lần đầu tiên chợ Noel Trung cổ mở cửa trở lại đón du khách trong hai ngày 10-11/12. Bên cạnh những gian hàng bày bán như ở các chợ Noel truyền thống, trong dịp này, khoảng 60 gian hàng được mở ra, bày bán hoặc giới thiệu những nét văn hoá Trung cổ, đưa khách vào một cuộc du hành thời gian. Các hoạt động giải trí bên lề cũng được tổ chức, như bắn cung, các tiết mục biểu diễn nhảy, phun lửa, đánh trận giả và kể chuyện cổ tích cho trẻ nhỏ.

Chợ Noel Trung cổ ở Provins không chỉ đặc sắc bởi cách hóa trang của những người đến xem, mà còn nhờ vào chính những chủ gian hàng nhập vai, kể lại một câu chuyện về thời xưa, kể về nhân vật mà họ thủ vai. Ông Gael Kossa cho biết:

“Hiện tôi là một người Scandinave, vào thế kỷ thứ IX ở Đan Mạch, chính xác là vào năm 870, sau cuộc viễn chinh vĩ đại của quân đội Viking. Tôi đang mặc quần áo dân sự, nên có thể thấy tôi không phải là một quý tộc, ngay cả tôi nghĩ tôi đang mặc rất nhiều đồ có màu đỏ.”

Ông Gael thuộc hiệp hội Germanicus, chuyên tổ chức các trò chơi cổ xưa, chủ yếu là trò chơi chiến tranh. Tổ chức của ông có mặt tại nhiều lễ hội Trung cổ để giới thiệu về hoạt động của hội cũng như các trò chơi mà họ thiết kế. Chủ tịch hiệp hội Germanicus, cũng là người sáng tạo các trò chơi, ông Jérémie Torton cho biết :

“Trò chơi mà chúng tôi thiết kế giống như một loại Escape game – trò chơi tìm cách trốn thoát. Nhưng phải cần khoảng 60 người chơi, họ sẽ lựa chọn đội chơi của mình cũng như nhân vật. Chúng tôi chuẩn bị trang phục cho họ hoàn toàn, từ quần áo, vũ khí, áo giáp. Chúng tôi đưa ra những câu đố cần phải giải mã để tìm được vàng, nhưng cũng có thể tìm vàng bằng cách khác, đó là kết liễu những đối thủ.”

“Đặc sản” Trung cổ tại chợ Noel

Tại trung tâm quảng trường Saint Quiriace, các thương nhân bắc bếp lửa, nấu rượu vang nóng, thoang thoảng mùi quế hồi. Rượu được múc từ các nồi bắc trên bếp củi, chứ không phải từ bình như tại các chợ Noel truyền thống. Các gian hàng bán đồ tại chợ cũng rất khác lạ. Thay vì bán đồ trang sức hay các loại bánh ngọt thường ăn vào dịp năm mới, các gian hàng ở chợ Noel Trung cổ bày bán cung tên, đồ hoá trang, áo choàng, hay những vật dụng trang trí thủ công. Đôi khi, du khách sẽ bắt gặp một nhóm nhạc chơi những điệu nhạc xưa cổ, hay một nhóm người mặc đồ truyền thống từ vùng Bretagne, kéo các du khách vào nhảy cùng họ. Đối với những người thích phong cách Trung cổ châu Âu, đây là dịp để diện những bộ trang phục theo chủ đề. Như trường hợp của bà Laetitia, cùng chồng hoá trang thành cướp biển đến chợ Noel.

“Chúng tôi đến chợ, vì đây là sự kiện dành cho những người thích hoá trang thời Trung cổ là chính, nhưng vì đây là dịp Noel nên làm được cả hai thì càng tốt. Chúng tôi có rất nhiều trang phục theo kiểu Trung cổ, có khi là cần cả một gian phòng mới có thể cất hết các trang phục cổ của chúng tôi.”

Còn cô Suzan, khoác áo choàng lông màu trắng, tự hào khoe bộ trang phục mà mẹ cô đã tự tay may cho cô. Cô chọn vải và chọn mẫu, còn mẹ cô thì vốn thích may vá và làm những trang phục cổ xưa. Bà đã dành 3 tháng để hoàn thành chúng. Cô Suzan cho biết : “Có lần tôi đã phát hiện ra là có một chợ Noel với chủ đề Trung cổ. Thông thường thì các lễ hội hoá trang Trung cổ thường là vào mùa hè nóng nực. Do vậy, đây chính là dịp để mặc áo choàng và bộ đồ này, vì đúng là trời không nóng mà còn rất lạnh”.

Lưu giữ kỹ nghệ của người thầy của lửa

Tại một gian hàng bày bán các đồ trang trí kim khí, hai người thợ rèn đang quạt lửa, cầm búa gõ vào miếng kim loại đã được đốt nóng chảy để tạo hình. Từ búa cho đến máy quạt lửa, tất cả đều là những công cụ thô sơ thời xưa. Khăn trùm đầu, trong bộ trang phục màu xám, phong cách Trung cổ, một người thợ rèn giải thích với những người đứng xem quá trình tạo ra một mũi tên :

“Tôi vừa cho miếng sắt này vào lửa và hiện vẫn còn nóng, miếng kim loại này càng được tinh luyện thì càng nóng. Bây giờ tôi sẽ đập bẹp xuống, và kéo dài phía trên, sau đó cuộn tròn đầu mũi tên lại, để làm giá đỡ, gắn đầu gỗ vào.”

Những người thợ rèn này làm việc cho hiệp hội “La Forge du Berry”, thường có mặt tại nhiều lễ hội khác nhau, để giới thiệu các kỹ nghệ rèn sắt từ thời Trung cổ cho công chúng. Chủ tịch của hiệp hội, ông Cyril De Ballegon, cho biết “làm nghề rèn sắt, giống như là thực hiện một giấc mơ của trẻ thơ”, qua những câu chuyện cổ tích. Ông Cyril cho rằng việc bảo tồn và duy trì nghề này rất quan trọng. Hiệp hội của ông gồm dưới 10 người, và ông tự hào nói đã thành công truyền nghề, truyền đam mê rèn sắt cho những người trẻ. Đó chính là những người hiện đang rèn sắt, giới thiệu kỹ nghệ này cho công chúng ở Provins. Ông Cyril cho biết thêm :

“Chúng tôi đã chứng kiến nhiều lễ hội biến mất, những nơi mà chúng tôi đã từng tham gia. Thật đáng buồn. Nhưng cũng có những lễ hội vẫn tồn tại như ở Provins. Sau Covid, chúng tôi dần dần quay trở lại công việc của mình và chúng tôi hy vọng rằng có thể tiếp tục phát triển, truyền bá kiến thức của chúng tôi. Tôi cho rằng việc bảo tồn những kiến thức kỹ nghệ cổ xưa này rất quan trọng bởi chúng ta luôn có nguy cơ phải quay trở lại quá khứ, và phải rèn sắt như tổ tiên của chúng ta. Lỡ có một ngày không còn máy tính hoặc các thứ khác thì sao. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, ai có bàn tay khéo kéo đều có thể xoay sở tốt hơn trong tình trạng này hơn là những người chỉ biết đến công nghệ.”

Không chỉ bởi âm thanh búa đập vào sắt kêu inh ỏi, mà còn cả những ngọn lửa bắt mắt, sưởi ấm tiết trời lạnh 0 độ ở Provins, gian hàng rèn sắt của ông Cyril có lẽ là khu vực thu hút đông khách nhất, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Một du khách nói: “Tôi rất thích những đồ vật mà có một câu chuyện đằng sau, nhất là khi chúng được chế tạo bởi một người đặt niềm đam mê tình yêu và tài năng vào trong đó.”

Trong đám đông đứng trước “xưởng rèn” của ông Cyril, bà Dominique và chồng cũng có mặt. Bà cho rằng : “Chợ Noel Trung cổ sống động hơn và thú vị hơn. Chợ Noel hiện nay thì chỉ có tiền và vì tiền. Trong khi ở đây, thì mọi người ai cũng vui vẻ. Tôi thấy gian hàng của ông thợ rèn là rất thú vị, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian ở đó. Bởi vì ngày xưa, thợ rèn là một người có vai trò quan trọng, một người có địa vị trong làng, là người thầy của lửa.”

Provins – trung tâm thương mại của châu Âu thời Trung cổ

Cách đây hơn chục thế kỷ, Provins được cho là nằm ở ngã tư của các tuyến đường thương mại kết nối châu Âu. Vào thế kỷ 12 và 13, Provins là một trung tâm thương mại bậc nhất, có tiền tệ riêng và nổi tiếng với những hội chợ Champagne. Thành phố Trung cổ được quy hoạch để phục vụ nhiều thương nhân : đường được mở rộng cho các đoàn xe đi qua, nhiều kho hàng được xây dựng để cho thuê. Khi đó, Provins có vài chục nghìn cư dân và cũng nổi tiếng với nghề sản xuất rèm cửa và buôn bán đồ da, sắt và dao kéo.

Nay Provins không còn là một trung tâm kinh tế, mà chỉ là một thành phố nhỏ với khoảng 12 000 dân. Tuy nhiên, nhà thờ và những nơi sinh hoạt tôn giáo cũng như các hầm rượu từ hàng chục thế kỷ trước và đặc biệt là lễ hội Trung cổ vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn.

Vào năm 2001, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận Provins là một trong những di sản của thế giới cần được bảo vệ.

Theo RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.