Năm 1885, khai trương tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương

TVN

0 234

Ngày 20/7/1885 chuyến tàu đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn, vượt sông Vàm Cỏ Đông đến ga cuối cùng tại trung tâm thành phố Mỹ Tho, đánh dấu sự ra đời của ngành đường sắt Việt Nam. Tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho được đánh giá là giúp thay đổi hẳn tư duy giao thông của người Việt vào cuối thế kỷ 19 khi chỉ có hai phương tiện là ngựa và ghe thuyền.

Tuyến xe lửa này được nhà thầu Joret xây dựng từ năm 1881 với khoảng 11.000 lao động tham gia, chủ yếu là nhân công người Việt và có mặt nhiều sĩ quan công binh cùng nhiều kỹ sư từ Pháp sang.

Theo các tài liệu được lưu giữ, phần lớn tuyến đường sắt này xuyên qua những cánh đồng và đường dân cư. Trong đó, một số đoạn đất thấp và bùn lầy phải mất thêm thời gian gia cố nền đường.

Ban đầu do chưa xây dựng xong cầu Bến Lức và Tân An (địa bàn Long An) nên khi đến đây xe lửa phải tháo rời đưa lên phà qua sông rồi mới chạy tiếp về Mỹ Tho.

Đến tháng 5-1886, xe lửa từ Sài Gòn mới chạy thẳng một mạch tới Mỹ Tho và ngược lại. Thời gian đầu chạy bằng hơi nước nên khá chậm.

Sau đó đến năm 1896 chạy bằng máy mới, thời gian rút ngắn còn dưới hai giờ. Và từ khoảng thập niên 1930 thì chạy bằng dầu diesel, còn gọi là autorail.

Trạm xe lửa đi Chợ Lớn phía trước Chợ Cũ trên đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay).

Tuyến đường sắt có tổng cộng 15 ga. Xe lửa xuất phát từ ga Sài Gòn (công viên 23/9 ngày nay) đi qua An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền. Trên Quốc lộ 1, xe lửa dừng lại ở các ga: Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Cầu Voi, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương và kết thúc tại ga Mỹ Tho nằm sát sông Tiền – chỗ tượng đài Thủ Khoa Huân ngày nay.

Thời gian đi hết tuyến khoảng 2 tiếng rưỡi, về sau được rút ngắn chưa tới 2 tiếng, tức khoảng 37 km/h. Đây là tốc độ rất nhanh so với phương tiện phổ thông của người Việt lúc bấy giờ.

Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa đã miêu tả hài hước về đoàn tàu: “Mỗi lần chạy đầu xe lửa Le Myre de Villers vừa ho vừa khạc ra khói vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức, trèo lên tụt xuống, lên dốc không nổi… trối kể, xe cặp bến cũng còi, cũng ‘xả hơi’ ồn ào oai vệ khiếp”.

Xe lửa đã giúp người Sài Gòn về miền Tây lúc ấy nhanh chóng hơn, bằng cách ngồi xe lửa tới Mỹ Tho, rồi đi tiếp bằng tàu ghe đến những nơi cần đến. Ngược lại, bà con miền sông nước muốn đi Sài Gòn thay vì lênh đênh trên ghe tàu chậm chạp, chỉ cần đi tàu ghe đến Mỹ Tho, rồi chuyển qua đi xe lửa vừa nhanh vừa đẹp. Nhờ có tàu lửa, người ở Sài Gòn có thể sáng đi xe lửa xuống Mỹ Tho rong chơi đồng ruộng, ăn uống thoải mái, rồi chiều vẫn kịp đón xe về ngủ ở Sài Gòn. Những người đi buôn hàng có thể xoay hai ba chuyến mỗi ngày.

Ga Mỹ Tho năm 1905.

Vé xe lửa hồi đó được làm bằng loại giấy dày và cứng. Sau khi thu tiền, người bán vé đưa vé vào máy đục lỗ. Khi hành khách lên xe, người soát vé còn bấm một lần nữa.

Tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho xưa mỗi ngày có 4-5 chuyến. Chuyến đầu tiên từ Mỹ Tho đi Sài Gòn khởi hành khoảng 4h sáng, phục vụ công chức sống ở Mỹ Tho nhưng làm việc ở Sài Gòn.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ý muốn ban đầu của Pháp là xây tuyến đường sắt đến Vĩnh Long, sau đó nối tiếp đến Phnom Penh (Campuchia). Song, do cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của họ gặp khó khăn nên kế hoạch chỉ xây đến Mỹ Tho mà thôi.

Tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho chấm dứt hoạt động năm 1958, tức tồn tại được 73 năm và giờ chỉ còn lại trong ký ức những người lớn tuổi.

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.