George Orwell và “Animal farm”, ẩn dụ về chủ nghĩa xã hội không tưởng

Huỳnh Duy Lộc

0 887

“Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác” (George Orwell).

Eric Arthur Blair, nổi tiếng với bút danh George Orwell, sinh ngày 25 tháng 6 năm 1903 tại Motihari, Bengal (hiện nay là bang Bihar của Ấn Độ), khi nó còn là một phần của Đế chế Anh. Richard Walmesley, cha ông, làm việc cho Ty Nha phiến thuộc Sở Dân sự. Bà Ida Mabel Blair, mẹ ông, đã đem ông về Anh khi ông mới lên 1 tuổi. Ông không được gặp cha cho đến năm 1907, khi ông Richard về thăm Anh trong 3 tháng trước khi quay trở lại Ấn Độ. Lên 5 tuổi, ông được gửi vào một trường giáo xứ nhỏ của Giáo hội Anh giáo tại Henley-on-Thames rồi vào học ở trường trung học Eton danh tiếng. Sau khi ông học xong tại Eton, gia đình ông không có tiền cho ông học đại học và ông cũng không có hy vọng giành được một học bổng nên vào năm 1922 ông gia nhập lực lượng cảnh sát hoàng gia Ấn Độ (Indian Imperial Police), phục vụ tại Katha và Moulmein ở Miến Điện. Ông chán ghét chủ nghĩa đế quốc và khi trở về Anh vào mùa hè năm 1927, ông quyết định ra khỏi lực lượng cảnh sát để bắt đầu viết văn. Về sau, ông đã sử dụng những kinh nghiệm có được tại Miến Điện cho tiểu thuyết “Burmese Days” (1934) và trong những tiểu luận như “A Hanging” (1931) và “Shooting an Elephant” (1936).

George Orwell

Mùa xuân năm 1928, ông tới Paris, thủ đô của nước Pháp, hy vọng kiếm sống như một nhà văn tự do. Nhưng ông phải làm công việc chân tay như rửa chén trong một khách sạn hạng sang là Hotel X trên đường Rivoli, trải nghiệm sau này ông đã kể lại trong cuốn sách đầu tiên có nhan đề “Down and Out in Paris and London”. Đau ốm và thất vọng, ông quay trở lại Anh vào năm 1929, ở ngôi nhà của cha mẹ tại Southwold, Suffolk, hoàn thành tác phẩm “Down and Out in Paris and London” (1932). Sau khi tác phẩm đầu tay được xuất bản, ông dạy học một thời gian ở Frays College gần Hayes, Middlesex. Đầu năm 1936, Victor Gollancz ở nhà sách Left Book Club đặt hàng ông viết bài về sự nghèo khổ của tầng lớp lao động trong các khu phố cùng khổ ở phía Bắc nước Anh, và những bài viết này được xuất bản năm 1937 với nhan đề “The Road to Wigan Pier”. Không lâu sau khi hoàn thành cuốn sách này, Orwell cưới nàng thiếu nữ tên Eileen O’Shaughnessy.

Tháng 12 năm 1936, Orwell đến Tây Ban Nha để chiến đấu cho phe Cộng hòa chống lại phe Bảo hoàng của tướng Franco. Ông đi một mình, vợ ông đến sau. Ông gia nhập đảng Lao động Độc Lập, một nhóm 25 người Anh liên kết với lực lượng dân quân của Đảng Công nhân Liên minh Marxist (Partido Obrero de Unificación Marxista – POUM), một đảng của những người Cộng sản Tây Ban Nha. Lực lượng POUM, cùng với nhóm cấp tiến vô chính phủ-nghiệp đoàn CNT (lực lượng cánh tả chủ đạo ở Catalonia), tin tưởng rằng tướng Franco chỉ có thể bị đánh bại nếu tầng lớp lao động của nước Cộng hòa lật đổ chủ nghĩa tư bản, một chủ trương về cơ bản đi ngược lại chủ trương của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha và đồng minh. Theo lời kể của ông, nhờ đã may mắn gia nhập POUM chứ không phải Lữ đoàn Quốc tế do những người Cộng sản chỉ đạo, vợ chồng ông đã thoát khỏi cuộc thanh trừng Cộng sản ở Barcelona vào tháng 6 năm 1937. Tình cảm ông dành cho Đảng Công nhân Liên minh Marxist (Partido Obrero de Unificación Marxista – POUM) khiến ông trở thành người chống Stalin suốt cả cuộc đời và tin tưởng vững chắc vào cái ông gọi là “Dân chủ chủ nghĩa Xã hội”, chủ nghĩa xã hội kết hợp với tự do tranh luận và tự do bầu cử. Orwell từ trần tại London vào ngày 21 tháng 1 năm 1950 ở tuổi 46 vì bệnh lao.

George Orwell nổi danh với 2 cuốn tiểu thuyết bài xích chế độ toàn trị và chủ nghĩa Stalin được viết và xuất bản vào những năm cuối đời: “Animal Farm” (Trại súc vật) ra mắt vào năm 1945 và “Nineteen Eighty-Four” (1984) ra mắt vào năm 1949.

“Animal Farm” (Trại súc vật) là ẩn dụ về việc xây dựng xứ thiên đường cho loài vật giống như thiên đường Cộng sản mà Karl Marx gọi là “xã hội không giai cấp”. Câu chuyện của “Animal Farm” được kể như sau:

Nông trang được điều hành bởi ông Jones, một trại chủ độc ác hay say xỉn. Một ngày kia, tất cả những con vật ở nông trang tụ họp để nghe Ông Cả (Old Major), một con heo già khôn ngoan, thuyết trình để kêu gọi loài vật nổi dậy chống lại trại chủ. Những con vật rất hào hứng với lời kêu gọi của Ông Cả, nhưng chỉ vài ngày sau Ông Cả chết. Mấy con heo khác, vốn là loài vật thông minh nhất, đã lên kế hoạch cho một cuộc nổi dậy và để cho hai con heo Snowball và Napoleon đứng ra lãnh đạo. 3 tháng sau, những con vật nổi dậy thành công, giành được nông trang từ tay ông Jones, đổi tên nông trang thành “Trại súc vật”, quyết định từ nay nông trại sẽ hoàn toàn do loài vật cai quản, gọi thể chế này là “chủ nghĩa loài vật” (animalism). Chúng soạn ra 7 điều răn, trong đó điều răn thứ bảy là: “Mọi loài vật đều bình đẳng”. Câu hát trên cửa miệng của những con cừu là: “Hai chân thì tốt, nhưng bốn chân còn tốt hơn!”.

Ông Jones và những người bạn của ông tấn công để chiếm lại nông trang, nhưng trong một trận chiến gọi là “trận chiến Cowshed” (trận chiến Chuồng Bò), những con vật đã đuổi ông Jones và những người bạn chạy dài. Tuy nhiên sau đó, Snowball và Napoleon bất đồng ý kiến sâu sắc về cách thức và đường lối lãnh đạo nông trang. Snowball có kế hoạch lập ra một cối xay gió, nhưng Napoleon không đồng ý. Napoleon nuôi và huấn luyện 9 con chó con, và khi lớn lên, chúng trở thành những con chó hung dữ nghe theo mọi mệnh lệnh của nó. 9 con chó đã theo lệnh của Napoleon đuổi Snowball ra khỏi nông trang. Napoleon trở thành một nhà độc tài cai trị nông trang, và con vật nào tỏ ý chống đối đều bị lũ chó dữ xé xác. Một con heo khác tên Squealer (có thể gọi là heo Tuyên giáo) làm nhiệm vụ rêu rao với mọi con vật rằng mọi chuyện đều tốt đẹp và các con vật ở nông trang phải hết lòng ủng hộ Napoleon.

Một ngày kia, Napoleon chợt thay đổi ý kiến và muốn lập ra một cối xay gió, cho rằng việc dựng lên cối xay gió là sáng kiến của mình. Nhưng cối xay gió đầu tiên vừa xây xong đã sụp đổ tan tành. Napoleon quy hết trách nhiệm cho Snowball, cho là cối xay gió bị sụp đổ do Snowball phá hoại và con vật nào tiếp xúc với Snowball đều bị giết chết. Napoleon lại hợp tác với những con người – điều đi ngược lại nguyên tắc lâu nay ở nông trang – và một người láng giềng tên Frederick đã dẫn nhiều người vào nông trang phá huỷ cối xay gió thứ hai mới vừa xây xong. Các con vật phải vất vả chống lại ông Frederick và những người bạn của ông trong “trận chiến Cối xay gió” và giành chiến thắng nhưng phải chịu nhiều tổn thất.

Trong khi xây dựng cối xay gió thứ ba, con ngựa mạnh nhất ở nông trang tên Boxer đã ngã quỵ vì tuổi già và vì kiệt sức. Napoleon sai đem Boxer đi giết dù bao lâu nay Boxer là bạn thân thiết của nó. Các con heo vẫn tiếp tục làm việc với những con người và dần dần bắt chước con người, đi bằng hai chân, sửa lại câu hát cho loài cừu thành: “Bốn chân là tốt, nhưng hai chân còn tốt hơn!”. 7 điều răn được sửa đổi và điều răn thứ bảy được sửa thành: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác”. Cuối cùng, các con vật nghe những con heo nói chuyện với những con người và thấy rất hoang mang, không còn biết ai là người, ai là heo!

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.