Hermann Oldenberg và “Đức Phật, cuộc đời, học thuyết và tăng đoàn”

Huỳnh Duy Lộc

0 1,562

Hermann Oldenberg (sinh năm 1854 tại Hamburg – mất năm 1920 tại Göttingen, Đức) là một học giả chuyên nghiên cứu Ấn Độ học, từng dạy ở Đại học Kiel (1898) và Đại học Göttingen (1908). Tác phẩm khảo cứu “Buddha: Sein Leben, seine Lehre, seine Gemeinde” (Đức Phật, cuộc đời, học thuyết và tăng đoàn) dựa trên các kinh văn Pali xuất bản năm 1881 đã được tái bản rất nhiều lần từ cuối thế kỷ 19 đến nay.

Ông đã hợp tác với nữ học giả T. W. Rhys Davids chuyên về Phật giáo Tây Tạng dịch ra tiếng Anh 3 tập Luật tạng của Thượng tọa bộ, 2 tập Grhyasutras của kinh Veda và tự mình dịch 2 tập tụng ca của kinh Veda. Ông còn cho xuất bản tác phẩm “Prolegomena” (1888) đặt nền tảng cho việc nghiên cứu kinh Rigveda. Năm 1919, ông được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn lâm Nghệ thuật & Khoa học Hà Lan.

Bản pdf tác phẩm “Đức Phật, cuộc đời, học thuyết và tăng đoàn“: https://www.scribd.com/…/Buddha-His-life-His-doctrine…
Hermann Oldenberg đã viết về giây phút giác ngộ của Đức Phật: “Ngồi dưới gốc cây, từ ấy về sau được gọi là cây Tri thức (cây Bồ đề – Bodhi tree), Ngài trải qua nhiều trạng thái ý thức cho đến khi đạt được sự giác ngộ trọn vẹn. Bằng một trực cảm sâu sắc, Ngài đã nhận biết được những cuộc phiêu bạt của những linh hồn trong sự chuyển kiếp, tìm tới cội nguồn của khổ đau ở thế gian này và tìm được con đường diệt khổ. Kinh văn đã chép lại lời của Ngài khi ấy: “Khi tôi thấu hiểu được điều ấy, tâm hồn tôi đã thoát khỏi sự ràng buộc của dục vọng, thoát khỏi sự ràng buộc của kiếp sống ở trần gian, thoát khỏi sự mê lầm và vô minh. Tri thức về giải thoát phát sinh từ sự giải thoát: sẽ không còn tái sinh, sẽ không còn chuyến du hành thiêng liêng và tôi biết là mình sẽ không còn trở lại thế gian này”. Những người theo đạo Phật đã coi giây phút này như bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời của thái tử Tất Đạt Đa, trong cuộc đời của các thần linh và của loài người: vị tu sĩ khổ hạnh Gotama đã thành Phật, thành người đã tỉnh thức, thành đấng Giác ngộ. Đêm Đức Phật đã trải qua dưới gốc cây bồ đề, bên bờ sông Neranjarâ, được coi là đêm thiêng liêng của những người theo đạo Phật…

Ngài nấn ná suốt 7 ngày gần cây Bồ đề, “tận hưởng niềm vui của sự giải thoát”. Cuộc gặp gỡ với một người Bà la môn kiêu căng làm cho chúng ta liên tưởng tới một cuộc đấu tranh để thu phục Bà la môn giáo. Ông ta hỏi Ngài: “Hỡi Cồ Đàm, bản chất của Brahman là ở đâu và những phẩm chất gì làm nên một người Bà la môn?” Đức Phật đáp: “Một người Bà la môn thật sự là người đã lánh xa mọi điều ác, không còn dục vọng, không còn biết đến sự ô uế nữa, đã hoàn toàn làm chủ bản thân”. Sự tấn công của con người chẳng những không ảnh hưởng tới Ngài, mà cả những thiên tai cũng không làm suy suyển sự bình an Ngài đã có được. Bão giông nổi lên, mưa rơi tầm tã suốt 7 ngày, chảy thành thác lũ, bóng tối lạnh lẽo phủ trùm mọi vật quanh Ngài. Vua Rắn Mucalinda rời chỗ ẩn nấp, cuộn mình 7 vòng để che cho Ngài tránh mưa sa bão táp. “Và sau 7 ngày, khi thấy trời quang mây tạnh, Vua Rắn Mucalinda không cuộn mình nữa, vứt bỏ lớp rắn để mang hình hài một chàng trai trẻ đến trước mặt đấng Toàn giác, chắp tay lạy Ngài. Khi nhìn thấy chàng, Đức Phật đã nói:

“Phước hạnh thay là sự cô đơn của người đã có được an lạc, đã nhận biết và thủ đắc chân lý;
Phước hạnh thay là người đứng vững, không bị lay chuyển, luôn tự tra vấn chính mình.
Phước hạnh thay là người không còn phiền muộn và ham muốn
Việc chinh phục sự thiển cận của bản ngã là niềm hạnh phúc đích thực”.

Và sau đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên với những người gọi Ngài là Phật. Hai thương nhân đang đi trên đường được một vị thần cho hay Đức Phật đang ở gần họ, sai họ mang thức ăn đến cho Ngài. Các vị thần cai quản ¾ của thế giới đã mang đến một cái bát cho Ngài – bởi lẽ các vị Phật đích thực chỉ nhận thức ăn đựng trong một cái bát – và Ngài đã nhận thức ăn hai thương nhân dâng cho Ngài sau một thời gian dài nhịn ăn. “Khi thấy Ngài đã ăn xong, rửa tay và rửa bát sạch sẽ, hai thương nhân Tapussa và Bhallica phủ phục dưới chân Ngài và nói: “Chúng con ở đây muốn nương náu nơi Ngài và giáo pháp của Ngài. Kính mong Ngài hãy nhận chúng con làm đệ tử từ hôm nay cho đến hết đời”. Đó là hai người đầu tiên trên thế giới đã tuyên xưng niềm tin đặt ở Phật và Pháp. Lúc ấy, yếu tố thứ ba của Tam bảo là Tăng (Sangha) vẫn chưa định hình…” (Đức Phật, cuộc đời, học thuyết và tăng đoàn, tr. 107, 119).

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.