Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ và “Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng”

Huỳnh Duy Lộc

0 984

Không phải là đệ tử của thầy Tuệ Sỹ, suốt bao năm qua chỉ đọc vài cuốn sách của thầy, trong đó có tác phẩm “Tô Đông Pha và những phương trời viễn mộng” do nhà xuất bản Ca Dao ấn hành tại Sài gòn năm 1973.

Nhà thơ Tô Thức (蘇軾), tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ, người đời thường gọi là Tô Đông Pha (蘇東坡), sinh năm 1036 ở My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là những nhà thơ lớn, người đương thời gọi là Tam Tô. Mới 15, 16 tuổi, ông đã thông kinh sử, thích đọc sách của Giả Nghị và Lục Chí, năm 21 tuổi đậu tiến sĩ nhờ bài văn “Hình thưởng trung hậu chi chí luận”. Giám khảo là nhà thơ Âu Dương Tu thấy bài văn của ông hay, nhưng ngờ là do Tăng Củng làm nên không chấm ông đậu khôi nguyên, mà hạ xuống thành á nguyên. Ông lãnh chức chủ bạ Phúc Xương rồi làm quan suốt 30 năm, nhưng cuộc đời có nhiều thăng trầm vì đứng về phe Cựu đảng của Tư Mã Quang, khi Tân đảng của Vương An Thạch lên cầm quyền, ông bị biếm ra những châu quận ở xa kinh đô. Ông làm thông phán ở Hàng Châu, rồi chuyển qua Mật Châu, Từ Châu, Hồ Châu; có lần vì chê bai tân pháp của Vương An Thạch mà bị giam vào ngục rồi biếm đi Hoàng Châu, làm chức Đoàn luyện phó sứ. Ở Hoàng Châu, ông cùng các ông lão nhà quê ngao du sơn thuỷ, cất nhà trên một sườn núi phía Đông (Đông pha), rồi lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ nên hậu thế gọi ông là Tô Đông Pha.

Năm 1085, vua Triết Tôn lên ngôi, thái hoàng thái hậu nhiếp chính, bỏ chính sách của Vương An Thạch, dùng Cựu đảng nên ông được gọi về kinh nhận chức Trung thư xá nhân rồi chức Hàn lâm học sĩ kiêm Thị độc học sĩ, nhưng không được lâu, lại bị đổi ra Hàng Châu, Dĩnh Châu, Định Châu vì tính hay châm biếm. Năm 1093, vua Triết Tôn mới thực sự cầm quyền, lại dùng Tân đảng và hoạn lộ của ông càng trắc trở, ông bị biếm 2, 3 lần, có lần tới Quỳnh Châu (nay là đảo Hải Nam). Năm 1100, vua Huy Tôn lên ngôi, ông được ân xá, trở về lục địa rồi mất ở Thường Châu vào năm 1101.

Năm 59 tuổi (1094), đang giữ chức Đoan minh điện kiêm Thị độc học sĩ ở Định Châu, ông bị giáng chức, đày đi đảo Hải Nam. Theo lời ông kể, người thiếp duy nhất đi theo ông là nàng Triêu Vân nhỏ hơn ông 27 tuổi: “Nhà tôi có vài thị thiếp; 4, 5 năm đã nối nhau bỏ đi; chỉ một mình Triêu Vân theo tôi đày sang Nam. Nhân đọc thơ Lạc Thiên, làm bài thơ đùa nàng. Triêu Vân họ Vương, người Tiền Đường, có con tên Cán, chưa đầy năm đã yểu”.

Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ đã viết về “cuộc giao tình dồn lại rồi chia phôi” này: “Một ngày nhàn hạ, ông ngồi với Triêu Vân. Lá ngô đồng vừa bắt rơi vài ngọn, gió heo may vừa trỗi và sương thu lạnh. Ông bảo Triêu Vân cầm cốc rượu làm phách đánh nhịp, hát bài từ của ông theo điệu Điệp luyến hoa:

Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu.
Yến tử phi thời,
Lục thủy nhân gia nhiễu.
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu.
Thiên nha hà xứ vô phương thảo
Tường lý thiên thu tường ngoại đạo,
Tướng ngoại hành nhân,
Tường lý giai nhân tiếu.
Tiếu tiệm bất văn thanh tiệm tiểu,
Đà tình khước bị vô tình não.

Trong khi hát thì Triêu Vân sụt sùi khóc, nước mắt đẫm áo. Ông hỏi tại sao khóc. Nàng chỉ vào bài từ, chính là ở chỗ

“Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu.
Thiên nha hà xứ vô phương thảo”.

Trên cành liễu, bông liễu đã kết trái, trên hạt của nó có những sợi lông như lông tơ của cái kén, gọi là liễu miên, hay bụi bông liễu. Ngọn gió muộn của mùa thu thổi qua, bông liễu bay đi; ngoài kia bông liễu tản mạn triền miên, tản mạn bay đi, ngoài kia ven trời vạn nẻo, đâu không là cỏ non!

Nàng khóc là ở chỗ đó. Ông cười lớn: Chính là chỗ ta ngậm ngùi mùa thu, mà nàng khóc với mùa xuân.

Mùa xuân và mùa thu, cùng trong một tình thơ đó. Tình đạm bạc như bông liễu; và cũng tình đó, triền miên như bụi bông liễu. Mịn như tơ trời và lây lất triền miên theo gió thổi; trên cành liễu và ngoài kia mấy vạn ven trời diệu vợi.

Càng đơn bạc, càng nồng nàn.

Tình vương vấn như sợi tơ trời, triền miên và thắm thiết. Triền miên và triền miên, một thứ triền miên kỳ lạ.

Triền miên đó là cái bịn rịn, cái dây dưa, cái vương vấn, cái quyến luyến, của bụi bông liễu như tơ trời. Lồ lộ trong cơn gió thanh xuân, mà e ấp trong một tình thơ sầu vạn đại.

Cuộc giao tình dồn lại rồi chia phôi:

Tường lý thu thiên tường ngoại đạo
Tường ngoại hành nhân,
Tường lý giai nhân tiếu.
Tiếu tiệm bất văn thanh tiệm tiểu
Đa tình khước bị vô tình não”.

(Bên trong tường là cái xích đu và bên ngoài tường là con đường cái. Bên ngoài tường là lữ khách đi và bên trong tường là người đẹp đang cười. Cười càng lúc càng nhỏ và tiếng cười càng lúc càng ngậm ngùi. Cái đa tình đã thường bị cái vô tình làm ray rứt).

Chẳng bao lâu, Triêu Vân bệnh và mất. Nàng mất lúc tuổi mới 34, và ông đã 61 tuổi. Từ đó trở đi, ông không bao giờ còn nghe lại:

Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu
….
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo.

Ông viết “Mộ chí minh”:

“Thị thiếp của Đông Pha tiên sinh là Triêu Vân, tự Tử Hà, họ Vương thị; người Tiền Đường. Thông minh và thích việc nghĩa, thờ tiên sinh 23 năm, một mực trung và kính. Năm Thiệu thánh thứ 3 (1096), tháng 7, ngày Nhâm Thìn, mất ở Huệ Châu, 34 tuổi. Tháng 8, ngày Canh Thân, táng trên Phong hồ, phía Đông Nam chùa Thê hiều. Sinh con tên Độn, chưa đầy năm đã yểu. Nàng thường theo tì khưu ni Nghĩa xung học Phật pháp, cũng hiểu biết sơ qua đại ý. Lúc chết, tụng 4 câu kệ trong kinh Kim cương rồi tuyệt. Bài minh rằng:

Phù đồ thị chiêm
Già lam thị y
Như nhữ túc tâm
Duy Phật chi quy
浮 屠 是 瞻
伽 藍 是 依
如 汝 宿 心
唯 佛 之 歸
(Hướng về Đức Phật. Nương về cửa chùa. Theo tâm nguyện đó. Nay Phật đón đi).

Ông làm bài thơ truy điệu và tự viết lời dẫn:

“Thiệu thánh nguyên tiêu (1094), tháng 11, làm bài thơ đùa Triêu Vân. Năm Thiệu thánh thứ 3, tháng 7, ngày 5, Triêu Vân mất vì bịnh ở Huệ Châu, táng phía Đông Nam trong rừng thông chùa Thê hiền, kề tháp Đại thánh. Tôi làm bài Minh khắc lên mộ nàng; nay làm bài thơ học vận bài trước.

“Ban đầu, Triêu Vân không biết chữ. Lớn tuổi, bỗng học viết; viết hơi có ngay ngắn. Lại thường theo bà tì khưu ni Nghĩa Xung ở Tứ thượng học Phật pháp, cũng có biết sơ qua đại nghĩa. Lúc chết, tụng 4 câu kệ trong kinh Kim cương rồi tuyệt”

Triêu Vân mất tháng 7. Tháng 10 năm đó, hoa mai nở rộ nơi đất Huệ Châu, ông làm bài từ theo điệu Tây giang nguyệt như âm thầm hoài vọng Triêu Vân. Nàng tiên nữ từ cõi Bồng lai đến…” (Tô Đông Pha  những phương trời viễn mộng – Tuệ Sỹ).

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ vả tác phẩm “Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng”

Leave A Reply

Your email address will not be published.