Cách mạng hát hùng ca
Trần Trung Đạo
Lịch sử thế giới cận đại đã diễn ra nhiều cuộc cách mạng dân chủ đầy màu sắc: Cách mạng Nhung (Velvet Revolution) do Giáo sư Rita Klimova đặt tên ở Tiệp Khắc, Cách mạng Hoa Hồng (Rose Revolution) ở Georgia phát xuất từ những bó hoa hồng lãnh tụ đối lập Saakashvili mang đến quốc hội, Cách mạng Cam (Orange Revolution) tại Ukraine dựa theo màu chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Tổng thống Viktor Yushchenko, Cách mạng Hoa Lài ở Tunisia đặt tên từ loại hoa quốc gia của Tunisia nhằm lật đổ nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali v.v…
Thế nhưng, có một cuộc cách mạng đóng vai trò tiên phong mà ít được viết về là Cách mạng Hát hùng ca (Singing Revolution) diễn ra tại Estonia, một quốc gia vùng Baltic, trong thời gian 1987-1988.
Cách mạng Hát hùng ca thật sự đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ CS tại Estonia và chính phủ dân chủ đầu tiên được thành lập vào ngày 20 tháng 8 năm 1991.
Estonia là một nước nhỏ có diện tích 45,226 kilômét vuông, nằm bên bờ biển Baltic trong vùng Đông Bắc Âu và có một lịch sử rất dài bắt đầu từ nhiều ngàn năm trước Công Nguyên. Dân số Estonia theo thống kê 2014 cũng chỉ 1 triệu 200 ngàn người nhưng dân tộc này đã trải qua những chặng đường lịch sử đầy bi tráng.
Vì giữ vị trí chiến lược nên suốt dòng lịch sử lãnh thổ Estonia đã là bãi chiến trường giữa các nước lớn trong vùng như Đan Mạch, Đức, Nga, Thụy Điển, Ba Lan. Estonia bị xâm lăng, chiếm đoạt và sang tay nhiều đế quốc. Đan Mạch cai trị Estonia suốt thế kỷ 13. Thế kỷ 14 Estonia trở nên một phần của Liên Bang Livonia. Thế kỷ 16 Estonia rơi vào tay Thụy Điển. Thế kỷ 17 Estonia bị nhượng cho đế quốc Nga sau chiến tranh Nga-Thụy Điển. Dù chịu đựng âm mưu đồng hóa, sang nhượng, lệ thuộc, dân tộc nhỏ nhoi vùng Baltic này vẫn không mất gốc.
Estonia độc lập
Vào thế kỷ 18, tinh thần dân tộc Estonia thức tỉnh và gần cuối Thế Chiến thứ Nhất, Estonia tuyên bố độc lập vào ngày 24 tháng 2 năm 1918.
Mười tháng sau, ngày 12 tháng 12 năm 1918 là ngày trọng đại đối với dân tộc Estonia sau nhiều thế kỷ bị xâm lăng. Hôm đó nhân dân Estonia chính thức được chào quốc kỳ ba màu xanh, đen, trắng đại diện cho Cộng Hòa Estonia và hát quốc ca “Mu isamaa, mu õnn ja rõõm” (Quê hương, niềm kiêu hãnh và vui mừng).
Một điểm đặc biệt, quốc ca Estonia cùng giai điệu với quốc ca Phần Lan được nhạc sĩ Fredrik Pacius phổ từ bài thơ Đất nước tôi (Our Land) của nhà thơ Johan Ludvig Runeberg. Vì Estonia và Phần Lan chia sẻ nhiều yếu tố văn hóa chung nên Cộng Hòa Estonia khi thành lập 1918 cũng đã dùng bản nhạc này làm quốc ca.
Estonia dưới chế độ CS
Độc lập hòa bình không được bao lâu. Tháng 8 năm 1939, Stalin và Hitler ký thỏa ước bất can thiệp Molotov-Ribbentrop Pact với những điều khoản bí mật trong đó Hitler đồng ý để Liên Xô chiếm Estonia cùng với Lithuania và Latvia. Sau khi hiệp ước được hai tên độc tài ký kết, Stalin đưa quân đội và xe tăng chiếm đóng Estonia. Như kết quả, quốc kỳ ba màu xanh, đen, trắng cùng với quốc ca Cộng Hòa Estonia bị nghiêm cấm. Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Estonia được dựng lên ngày 21 tháng Bảy năm 1940 và đặt dưới sự cai trị trực tiếp bởi đảng CS Estonia, một chư hầu của Liên Xô.
Hitler xé bỏ hiệp ước Molotov-Ribbentrop qua việc phát động mặt trận miền Đông tấn công Liên Xô ngày 22 tháng 6 năm 1941 và chiếm đóng Estonia từ tháng 7 năm 1941.
Cuối Thế Chiến thứ Hai, niềm hy vọng phục hồi nền độc lập vừa sáng lên một thời gian rất ngắn đã vụt tắt khi Estonia lần nữa bị Liên Xô chiếm với sự làm ngơ của Mỹ và Anh tại hội nghị Yalta. “Cờ tổ quốc” Estonia khi trở thành một tiểu quốc trong Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết được thêm một ngôi sao vàng lòng đỏ bên cạnh búa liềm có sẵn từ lá cờ dưới chế độ CS Estonia 1940.
Tại sao các nước CS đều dùng cờ nền đỏ?
Màu đỏ là màu máu của những người CS. Nền đỏ có một lịch sử khá dài từ những thành viên cánh tả trong cách mạng Pháp 1789. Trong Cách mạng Pháp 1848, nhà thơ và nhà chính trị Pháp nổi tiếng Alphonse de Lamartine chống lại việc dùng cờ đỏ vì đó là biểu tượng của bạo động đã gây ra máu đổ trong ba năm từ 1791 đến 1793. Trong cuộc nổi dậy Công Xã Paris từ 18 tháng Ba năm 1870 tới 28 tháng năm 1871, lá cờ đỏ là biểu tượng của phong trào. Các đơn vị quân tình nguyện của phe Công Xã dưới sự lãnh đạo của Louis Charles Delescluze dùng cờ nền đỏ để phân biệt với cờ ba màu của Cộng Hòa Pháp.
Từ đó về sau, nền đỏ luôn được dùng làm màu cờ đại diện cho nhà nước CS. Trung Cộng còn đi xa hơn khi đặt tên cho công ty chế tạo xe sang của họ là Cờ Đỏ (Hồng Kỳ).
Estonia hồi sinh
Hai chính sách Glasnost (Cởi mở) và Perestroika (Cải tổ) do Mikhail Gorbachev giới thiệu vào năm 1985 đã tạo cơ hội cho nhân dân Estonia đứng lên đòi độc lập. Nhiều chương trình văn nghệ ngoài trời được tổ chức tại thủ đô Tallinn trong đó bài quốc ca bị cấm cũng đã được nhân dân tự động hát.
Trong cuộc biểu tình vào tháng 10, 1987 tại Voru, Estonia, quốc kỳ ba màu xanh đen trắng của Cộng Hòa Estonia lần đầu tiên xuất hiện sau 69 năm vắng bóng.
Trong chương trình văn nghệ được gọi là “Các ca khúc Estonia” quy tụ một phần tư dân số Estonia tham dự, được tổ chức ngày 11 tháng Chín, 1988 và kéo dài 6 đêm liên tục. Nhiều nhạc phẩm yêu nước, trong có cả quốc ca của Cộng Hòa Estonia đã được hát. Rừng cờ Cộng Hòa Estonia ra đời 70 năm trước được giương cao. Các lãnh đạo độc lập Estonia chính thức công bố lời kêu gọi độc lập Estonia khỏi ách thống trị của Liên Xô.
Cách mạng Hát hùng ca được phát động từ những ngày đêm lịch sử đó.
Gorbachev cố gắng xoa dịu phong trào độc lập và dân chủ Estonia bằng cách thay đổi thành phần CS lãnh đạo ngoan cố, cứng rắn bằng một thành phần lãnh đạo ôn hòa nhưng đã quá trễ, Cách mạng Hát hùng ca đã trở thành cơn sóng lớn đánh sập lâu đài CS xây trên bờ cát phía đông biển Baltic.
Thời gian từ khi quốc kỳ ba màu xanh, đen, trắng của Cộng Hòa Estonia chính thức ra đời 1918 cho đến ngày lá cờ này lần nữa được phất lên ở thủ đô Tallinn đúng 70 năm. Một đời người trôi qua. Tất cả các bậc cha ông khai sáng nền Cộng Hòa và chọn lá quốc kỳ thiêng liêng đó làm đại diện đều đã chết theo tuổi già hay chết trong các cuộc chiến tranh phục hồi lá quốc kỳ đầy hy sinh gian khổ.
Hầu hết thanh niên, sinh viên, học sinh Estonia ở tuổi hai mươi trong các cuộc biểu tình vào những năm 1987, 1988 chưa bao giờ thấy lá cờ thiêng liêng của dân tộc Estonia trước đó lần nào.
Các em sinh ra và lớn lên dưới lá cờ đỏ CS và bị nhồi sọ rằng lá cờ ba màu xanh, đen, trắng ngày xưa là sản phẩm của thực dân, đế quốc.
Sinh viên học sinh Estonia được dạy chỉ có đảng CS Estonia mới là những người yêu nước và lãnh đạo chiến tranh chống phát xít Đức, còn tất cả đều theo chân phát xít và sau đó là đế quốc Mỹ, ám chỉ chính phủ Estonia lưu vong.
Nhưng dù mưa sa, bão tố suốt 70 năm, lá cờ Cộng Hòa Estonia không chìm khuất trong góc tối lãng quên của con người và lịch sử. Khát vọng độc lập tự do mà lá cờ Cộng Hòa chuyên chở như ánh mặt trời soi sáng, xua đi bóng đen dối trá và lọc lừa. Một dân tộc chỉ hơn một triệu dân đã đứng lên đương đầu với một đế quốc CS Liên Xô mạnh gấp trăm lần ngay cả trước khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, và cuối cùng đã chiến thắng.
Chiến thắng của văn hóa và lịch sử dân tộc
Chiến thắng của dân tộc Estonia là chiến thắng của niềm tin sâu xa vào lịch sử và văn hóa dân tộc. Chiến thắng đó là bài học vô giá cho những quốc gia nhỏ có nền văn hóa lâu đời nhưng phải chịu đựng âm mưu đồng hóa của đế quốc cùng biên giới và chủ nghĩa CS độc tài.
Dòng lịch sử không phải chỉ chảy qua những năm tháng con người đang sống hôm nay nhưng đã bắt nguồn từ hàng ngàn năm trước và sẽ chảy cho hàng ngàn năm sau. Giống như Phạm Hồng Thái của Việt Nam, August Sabbe của Estonia cũng nhảy xuống sông tuẫn tiết sau khi thất bại trong cuộc kháng chiến chống Liên Xô. Hành động của họ không phát xuất tự sự sợ hãi, cũng không phải vì họ can đảm hơn người khác mà chỉ vì họ mang một niềm tin quá lớn vào sự trường tồn của dân tộc họ.
TRẦN TRUNG ĐẠO
(Ảnh ‘Singing Revolution’ sưu tập từ internet)
Nguồn: Chính Luận Trần Trung Đạo