Cộng đồng phụ nữ “độc thân độc lập – làm chủ cuộc sống” tại Ấn Độ
TVN
Trong một quán bar nhỏ ở phía nam thủ đô Delhi (Ấn Độ), hơn 20 người phụ nữ đang cười nói vui vẻ. Họ đều là thành viên của Status Single – cộng đồng dành cho những phụ nữ độc thân thành thị.
Sreemoyee Piu Kundu, người sáng lập cộng đồng phụ nữ độc thân phát biểu: “Chúng ta nên ngừng mô tả bản thân là góa phụ, đã ly hôn hoặc chưa lập gia đình. Hãy tự hào nói rằng mình là người độc thân”. Tiếng vỗ tay và cổ vũ vang lên không ngớt.
Ở Ấn Độ, hôn nhân và gia đình vẫn rất được coi trọng nên chuyện phụ nữ “trốn tránh nghĩa vụ” để sống độc thân là điều khó chấp nhận. Phụ nữ độc thân ở nông thôn thường bị coi là gánh nặng. Nhóm người chưa kết hôn có rất ít quyền tự quyết.
Kundu và những phụ nữ trong cộng đồng của cô thì khác. Họ hầu hết xuất thân từ tầng lớp trung lưu, đã ly thân, ly dị, góa bụa hay chưa bao giờ kết hôn, hiện là giáo viên, bác sĩ, luật sư, chuyên gia, doanh nhân, nhà hoạt động, nhà văn và nhà báo.
Ngày nay, phụ nữ độc thân giàu có ở thành thị dần được công nhận là nhóm tiêu dùng tiềm năng. Họ được các ngân hàng, nhà sản xuất trang sức, công ty hàng tiêu dùng và đại lý du lịch săn đón. Hình ảnh phụ nữ độc thân cũng hiện diện trong văn hóa đại chúng. Nhiều bộ phim Bollywood xuất hiện nhân vật nữ chính là nữ giới độc thân, rất thành thành công về mặt thương mại.
Vào tháng 10, Tòa án tối cao Ấn Độ ra phán quyết tất cả phụ nữ, kể cả người chưa kết hôn đều có quyền tự do phá thai. Đây được ca ngợi là sự công nhận quyền của phụ nữ độc thân bởi tòa án cấp cao nhất. Nhưng bất chấp những thay đổi tích cực này, định kiến xã hội vẫn cứng nhắc.
Ấn Độ vẫn là xã hội chủ yếu theo chế độ gia trưởng, nơi có hơn 90% cuộc hôn nhân được sắp đặt bởi gia đình và phụ nữ có ít quyền quyết định kết hôn. Kundu thừa nhận việc độc thân không hề dễ dàng ngay cả với người giàu, vì chính họ cũng luôn bị phán xét.
Cô từng gặp các bác sĩ phụ khoa giống như “những người hàng xóm tọc mạch”, dò hỏi những câu hỏi rất riêng tư, tế nhị, chẳng liên quan gì đến việc khám bệnh. Cô cũng từng hỏi những câu như “có uống rượu không”, “có quan hệ tình dục không” khi đi thuê nhà hay một người đàn ông được mai mối không ngại đề cập đến vấn đề trinh tiết.
“Đó là câu hỏi mà phụ nữ độc thân thường bị chất vấn. Chúng như một sự sỉ nhục rõ ràng nhất”, Kundu nói thêm.
Theo điều tra dân số năm 2011, Ấn Độ có hơn 71 triệu phụ nữ độc thân, tăng 39% từ 51 triệu năm 2001. Cuộc điều tra dân số năm 2021 bị trì hoãn do đại dịch, nhưng Kundu nói rằng hiện số phụ nữ độc thân đã vượt qua 100 triệu.
Nguyên nhân một phần là do độ tuổi kết hôn tăng lên ở Ấn Độ. Con số này cũng bao gồm số lượng lớn góa phụ, được cho là do tuổi thọ của nữ giới cao hơn nam. Bên cạnh đó, nhiều người trẻ nói họ độc thân do lựa chọn. Họ tẩy chay hôn nhân vì cho rằng đó là thể chế gia trưởng, bất công với phụ nữ và bị áp bức.
Với Kundu, đấu tranh giành quyền lợi cho người độc thân bắt nguồn từ việc thấy mẹ cô bị coi thường, không được chào đón trong lễ tắm trẻ sơ sinh, thậm chí bị yêu cầu tránh xa cô dâu trong đám cưới của một người họ hàng vì là góa phụ ở tuổi 29, sau lại hứng chịu sự phẫn nộ của xã hội khi tái hôn ở tuổi 44.
Từng tin vào những câu chuyện cổ tích rằng hôn nhân sẽ mang lại hạnh phúc, nhưng sau hai mối tình đổ vỡ, bị bạo hành cả về thể xác, tinh thần và kết hôn chóng vánh ở tuổi 26, Kundu nhận ra kết hôn truyền thống ở Ấn Độ là nơi nữ giới phải phục tùng chồng và hoàn toàn không có tiếng nói.
Cô cho rằng mối quan hệ lý tưởng không bắt nguồn từ tôn giáo hay cộng đồng mà dựa trên sự tôn trọng. Đó là yêu cầu hợp lý và được nhiều phụ nữ độc thân đồng tình.
Chưa từng kết hôn nhưng Bhawana Dahiya, 44 tuổi, ở Gurugram nói rằng mọi thứ đang dần thay đổi. Số lượng phụ nữ độc thân ngày càng gia tăng là lý do đáng để ăn mừng.
“Sự cố gắng của chúng tôi chỉ giống như giọt nước trong đại dương, nhưng ít nhất vẫn là một giọt nước. Theo truyền thống tất cả các cuộc trò chuyện trong gia đình đều xoay quanh sự nghiệp của chồng, trường học của con cái và ít nghĩ đến sự lựa chọn của phụ nữ, nhưng giờ đây các cuộc trò chuyện đó đang thay đổi. Và chính chúng tôi đang dần tạo ra sự khác biệt đó”, Bhawana nói.
Theo VNE, BBC