Kính tiễn anh, nhà văn Đặng Chí Bình

Trần Trung Đạo

0 226

Nghe tin nhà văn Đặng Chí Bình qua đời, bốn câu thơ của nhà thơ Hoài Khanh trong bài Xin Chào Đà Lạt chợt vọng về:

Rồi thôi hết đất sẽ là vĩnh viễn
Bông hoa kia nở trên xứ điêu tàn
Tay yếu đuối ta sẽ còn nắm lại
Những lời gì xưa đã hết âm vang.

Nhà thơ Hoài Khanh cùng tuổi với nhà văn Đặng Chí Bình.

Buổi chiều mùa Đông ở Boston năm nay thật buồn. Nghĩ tới nhà văn Đặng Chí Bình, nghĩ tới những bậc đàn anh, đàn chị cùng thế hệ với anh lần lượt qua đời. Các anh, các chị từ giới âm nhạc đến văn thơ, ra đi nhanh quá. Chưa kịp vơi nỗi buồn khi một anh vừa về nơi miên viễn đã nhận tin một anh khác ra đi. Mỗi khi mở trang Facebook thấy ai đó đăng tấm hình một văn nghệ sĩ, chưa đọc nội dung nhưng trong lòng đã cảm thấy lo lo. Các anh ra đi hết, còn lại đây một mùa đông quạnh vắng, thưa người.

Hôm anh Tô Thùy Yên trở lại Boston, tôi mời tác giả Thép Đen đứng cạnh tác giả Ta Về để chụp một bức hình kỷ niệm. Tôi không linh tính điều gì cả nhưng biết sẽ còn khá lâu các anh mới gặp lại nhau. “Khá lâu” đó có thể vài năm nữa và cũng có thể không bao giờ.

Thời gian sau tuổi 70 được thu ngắn dần. Tiếng tích tắc của cây kim đồng hồ được thay bằng nhịp tim và hơi thở. Một năm không tính bằng mười hai tháng mà được tính bằng mùa. Hẹn nhau mùa xuân đến, chờ nhau tới thu sang, rất ít ai hẹn nhau vài năm nữa.

Nghe tin anh bệnh nhưng hỏi quanh không ai biết trầm trọng đến mức nào. Tôi không lo lắm và tự nghĩ có lẽ cảm cúm gì đó thôi, rồi anh sẽ khỏe. Mùa này ai cũng cúm. Anh sắp 90 tuổi nhưng sức khỏe như ở tuổi 60. Có một thời gian tôi thành thật nghĩ có thể tôi đi trước anh. Không phải vì tuổi tác hay bi quan mà vì sức khỏe. Anh rất khỏe, ít ra là khỏe hơn tôi. Trước kia mỗi khi gặp nhau anh thường siết chặt tay tôi. Một phần vì vui mừng gặp lại và phần khác chắc để chứng tỏ cho đứa em biết ông anh còn mạnh khỏe. Tôi nói vui mai mốt chỉ “hug” anh cái chứ không bắt tay nữa. Anh hỏi tại sao, tôi trả lời bắt tay anh đau tay quá. Anh cười và từ đó về sau bắt tay nhẹ nhàng.

Nhà văn Đặng Chí Bình, tác giả của bộ hồi ký Thép Đen, được hàng triệu người Việt Nam trên khắp thế giới mến mộ. Nhưng chúng tôi có một điểm may mắn hơn hàng triệu người đó là được sống gần anh, được sinh hoạt chung với anh trong một cộng đồng, trong gia đình văn nghệ Boston. Ngoài hình ảnh một điệp viên, một nhà văn, một người có trí nhớ siêu phàm, cộng đồng chúng tôi có một anh Đặng Chí Bình, một bác Đặng Chí Bình, một chú Đặng Chí Bình khiêm tốn, giản dị, hiền hòa và gần gũi.

Tác giả Thép Đen là thành viên gương mẫu của cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts. Anh và gia đình có mặt trong hầu hết các sinh hoạt lớn nhỏ của cộng đồng suốt mấy chục năm nay.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh chị và các con đứng trong cơn mưa lớn để tham dự chương trình văn nghệ Thắp Sáng Niềm Tin được thực hiện ngoài trời do thanh niên sinh viên Boston tổ chức vào khoảng cuối thập niên 1990.

Dù trời đang mưa to và không ít đồng hương đã phải ra về, anh và gia đình vẫn ở lại. Anh ở lại không phải vì thích nghe hát nhưng để góp phần với các em, các cháu giữ ngọn lửa niềm tin đừng tắt. Hôm đó chúng tôi cùng nhau thắp sáng niềm tin tự do dân chủ chắc chắn một ngày sẽ đến trên quê hương Việt Nam. Mưa trong lòng phố nhưng nắng trong lòng người.

Mười tám năm trước khi in Thép Đen tập thứ tư, anh gọi tôi đến nhà để anh ký tặng. Tôi năn nỉ anh để anh em văn nghệ Boston đứng ra tổ chức một buổi giới thiệu cuộc đời và công trình sáng tác của anh. Anh rất vui nhưng tiếc là không còn sách. Thép Đen có lẽ là tác phẩm được phát hành nhanh nhất tại hải ngoại. Anh chỉ có vài cuốn để tặng người quen thân.

Tôi biết ơn anh và các anh chị nhà văn, nhà thơ cùng thế hệ với anh. Không có Thép Đen và các tác phẩm tương tự ra đời tại hải ngoại một quảng lịch sử đầy đau thương và chịu đựng của dân tộc sẽ bị lãng quên.

Trong đoản văn Tìm Sông đăng trên talawas năm 2004 tôi viết: “Văn học miền Nam, đã theo chân những người cầm bút, ra biển. Nhờ đó mà chúng ta có Tháng ba gãy súng, Đại học máu, Thép đen, Ra biển gọi thầm, Lò cừ, Tôi phải sống và hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm có tên và không có tên khác. Tác giả của chúng là những nhà văn miền Nam trước 1975, là những nhà văn vừa lớn lên ở hải ngoại, là những bác HO ghi lại tháng năm tù, là những cô gái ngồi nhớ lại chặng đường vượt biên đầy nước mắt của mình. Bên cạnh giá trị văn chương, những tác phẩm đó còn chứa đựng giá trị của máu xương. Người đọc, dù đồng ý hay không, dù đứng bên này hay bên kia ngọn núi ý thức hệ, vẫn không thể phủ nhận sự hiện diện của những tác giả và tác phẩm đó trong dòng văn học Việt Nam hải ngoại như những chứng tích của một khoảng lịch sử đầy khắc nghiệt của dân tộc chúng ta.”

Nhà văn Đặng Chí Bình luôn được chúng tôi xem như là bậc đàn anh trong gia đình văn nghệ sĩ tại Boston. Nhưng thay vì tập trung đàn hát, cụng ly, cụng lon nhiều đêm tới sáng như chúng tôi, nhà văn Đặng Chí Bình có nếp sống rất chuẩn mực và nguyên tắc. Thế giới của anh là ký ức tù đày không bao giờ phai nhạt, không bao giờ bị nhiễu sóng do ảnh hưởng của âm thanh vật chất xứ người. Nhờ những đặc tính đó, Thép Đen của anh là chiếc gương không vướng hạt bụi nào.

Ngày sinh nhật thứ 80 của anh, anh em trong cộng đồng đề nghị tổ chức tiệc mừng đại thọ. Anh từ chối. Mãi tới sinh nhật 85 tuổi anh mới đồng ý tổ chức trong vòng gia đình và thân hữu thật gần một tiệc sinh nhật. Theo anh, sinh nhật chẳng qua là lý do để gặp lại nhau. Hôm đó là một ngày vui. Chúng tôi thay phiên nhau chúc mừng, hát hò và nhất là chọc anh chị cười.

Anh thích nhạc phẩm Nỗi Lòng Người Đi của Anh Bằng và chính anh trước đó cũng đã yêu cầu ca sĩ Ngọc Diễm hát. Trong buổi tiệc đông vui nên khá ồn ào, nhưng tôi để ý thấy anh ngồi im lặng lắng nghe từng lời nhạc như lắng nghe lại nỗi lòng của chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi Trần Quốc Hùng khi xa Hà Nội. Giây phút đó, anh tạm quên đi “sáu năm dài cay cực, quằn quại, đói rét cùm khóa ở xà-lim Hỏa Lò, Hà Nội” để chỉ còn nhớ đến một Hồ Gươm tình tự êm đềm. Tôi xúc động theo anh và ghi lại một tấm hình.

Gặp lại anh lần cuối trong một tiệc cưới. Tôi được xếp chỗ ngồi khá xa anh nhưng tự dưng muốn đứng dậy đi tìm anh để chào. Mùa dịch chưa qua hết nhưng hai anh em vẫn ‘hug’ nhau một cái thật lâu. Đó là lần gặp gỡ sau cùng.

Chúng tôi hẹn nhau mùa xuân nhưng không còn kịp nữa. Mùa đông chưa qua mà anh đã đi xa.

Kính tiễn anh, nhà văn Đặng Chí Bình.

TRẦN TRUNG ĐẠO
(Ảnh, chú thích của Trần Trung Đạo)

Theo FB: Trần Trung Đạo

Leave A Reply

Your email address will not be published.