Kỷ niệm 221 năm ngày chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Gia Long (1.6.1802-1.6.2023)
Nguyễn Ánh sinh ngày 8.2.1762, là con trai thứ ba của Chưởng cơ Nguyễn Phúc Luân, là cháu gọi vị chúa Nguyễn cuối cùng – Định Vương Nguyễn Phúc Thuần – bằng chú ruột. Năm 1775, tướng Hoàng Ngũ Phúc của chúa Trịnh đem quân đánh chiếm Phú Xuân, Định Vương Nguyễn Phúc Thuần đem gia quyến lên thuyền chạy vào Gia Định. Nguyễn Ánh khi đó 13 tuổi đi theo, được phong chức Chưởng sử, coi quân Tả dực và dự bàn việc quân.
Trong chương “Sự phục hồi của dòng họ Nguyễn Phúc và sự suy vong của chúa Trịnh” của tác phẩm “A history of the Vietnamese”, K. W. Taylor (*) viết: “Mùa xuân năm 1777, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem một đội chiến thuyền hùng hậu vào Sài gòn và trong một chiến dịch quân sự kéo dài 6 tháng, Nguyễn Huệ đã đánh bại tất cả các đội quân của chúa Nguyễn, kể cả đạo quân của Mạc Thiên Tứ và viện binh đến từ Phú Yên. Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương và hầu hết những hoàng tử của dòng họ Nguyễn Phúc đều bị bắt sống và bị giết chết. Mạc Thiên Tứ chạy trốn sang Xiêm (Thái Lan). Nguyễn Ánh hết sức vất vả chạy ra đảo Thổ Chu giữa biển cách Cà Mau 150 km. Ông nương náu một thời gian ngắn trong một chủng viện Công giáo ở Hà Tiên do một nhà truyền giáo người Pháp tên Pigneau Béhaine điều hành, về sau sẽ được gọi là Pigneau de Béhaine hay Bá Đa Lộc trong tiếng Việt. Pigneau Béhaine đã dành hết những năm tháng còn lại của đời mình tận trung với Nguyễn Ánh.
ChỈ một thời gian ngắn sau khi Nguyễn Huệ trở về Qui Nhơn vào mùa thu năm 1777, Nguyễn Ánh đã tập hợp ở Gia Định (Sài gòn) những người trung thành với gia đình ông. Đến cuối năm 1777 ấy, với sự giúp sức của Đỗ Thanh Nhân và một vài người nữa, ông đã chiếm lại được Gia Định. Suốt những tháng đầu năm 1778, Nguyễn Ánh đã làm thất bại mọi mưu toan chiếm lại Gia Định của quân Tây Sơn. Trong những tháng còn lại của năm ấy, ông bận rộn xây dựng những căn cứ quân sự và đóng những chiến thuyền có thể vượt biển. Năm 1779, ông lập ra một cơ cấu chính quyền để lãnh đạo những trung tâm cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Cũng trong năm ấy, ông đem quân qua Chân Lạp (Cambodia) để dựng lên một chính quyền thân thiện với ông.
Vào năm 1780, khi mới 18 tuổi, ông xưng vương ở Gia Định. Quyền lực của ông trải rộng ra tới tỉnh Phú Yên ở phía Bắc và sang phiên thuộc của ông ở phía Tây là Chân Lạp. Trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã đánh bại quân Xiêm sang hỗ trợ Nguyễn Ánh và ông lại phải sống lưu vong. Mùa xuân năm 1785, ông lại sang Xiêm lánh nạn. Ông cho xây nhà ở ngoại ô kinh thành Bangkok và tập hợp những người đi theo ông trong cuộc sống lưu vong…
Sự bất hòa giữa anh em Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ đã mang lại cho Nguyễn Ánh cơ hội từ lâu mong đợi. Đầu năm 1787, người của ông đã đi dọc theo bờ biển Hà Tiên, Rạch Giá và Cà Mau.
Vào đầu mùa thu năm ấy, ông và thuộc hạ đã rời Xiêm bằng đường biển. Ông cho đóng quân trên đảo Hòn Tre ngoài khơi Rạch Giá. Quan Tây Sơn cai quản vùng đất này đã quy phục ông và chỉ sau vài tuần lễ, ông đã làm chủ vùng đất phía Nam hạ lưu sông Cửu Long. Một cuộc tấn công sớm sủa của ông trên sông Sài gòn đã đại bại, nhưng Nguyễn Lữ sợ hãi, đã bỏ chạy về Qui Nhơn, rồi chết tại đó một thời gian ngắn sau đó. Tuy nhiên vài tướng lĩnh Tây Sơn vẫn cố thủ và giữ vững những nơi còn ở trong tay họ. Mùa xuân năm 1788, Nguyễn Ánh đã có nhiều chiến thắng trên chiến trường và các tướng Tây Sơn đã quy hàng. Đến mùa thu năm ấy, Nguyễn Ánh đã chiếm lại được Gia Định và lập ra một cơ cấu chính quyền mới…” (A history of the Vietnamese, K.W.Taylor, tr. 207, 208, 209, 120, 2219, 220)
K.W.Taylor đã viết về những chiến dịch gió mùa (gió Đông Nam, còn gọi là gió Nồm), hay còn gọi là những “trận giặc mùa”, của chúa Nguyễn Ánh: “Không giống như những cuộc chiến truyền thống ở Đàng Ngoài được tiến hành vào mùa đông khô ráo, khi gió từ phương Bắc thổi từ đất liền ra biển, những chiến dịch quân sự của Nguyễn Ánh thường được tổ chức theo những cơn gió Đông Nam thổi từ biển vào đất liền từ cuối mùa xuân tới mùa thu. Chiến thuật căn bản của Nguyễn Ánh là tiến ra miền Bắc bằng đường biển nhờ những cơn gió Nồm, cho quân lính đổ bộ lên đất liền và cung cấp lương thực và phương tiện cho các đạo quân trên bộ tiến về phía trước. Khi gió đổi chiều, ông sẽ trở về Gia Định cùng với đội thủy quân và để quân lính trên bộ ở lại giữ những phòng tuyến, ngăn chặn quân địch cho tới năm sau, khi gió phương Nam thổi trở lại…
Chiến dịch theo gió mùa của Nguyễn Ánh vào năm 1793 là một thành công lớn đã củng cố vị thế của ông trên chiến trường. Vào tháng 5 âm lịch, khi có một cơn gió mạnh từ phương Nam, Nguyễn Ánh cho đội thủy quân đổ bộ lên đất liền, đánh chiếm Nha Trang, hợp quân với những quân lính trên bộ của ông ở đó. Lực lượng trên bộ và lực lượng thủy quân của ông tiến về phía trước, đi qua Phú Yên, và sau những trận đánh ác liệt, đã chiếm được những vị trí chiến lược xung quanh Chà Bàn, kinh đô của Nguyễn Nhạc, và cảng Qui Nhơn. Khi gió lại đổi chiều, Nguyễn Ánh rút quân về Phú Yên, rồi huy động 4.000 người từ Bình Thuận để xây một thành trì ở Diên Khánh dưới sự giám sát của Olivier de Puymanel. Thành Diên Khánh, cách Nha Trang 15 km về phía Tây, là thủ phủ mới của tỉnh Khánh Hòa. Vị trí chiến lược của nó là nhằm giữ con đường đi về phía Nam của Nha Trang. Một hệ thống kho vận và nhà trạm được xây dựng ở Bình Thuận, nối liền Gia Định với Diên Khánh. Nguyễn Phúc Ánh quyết tâm bảo vệ Diên Khánh bằng mọi giá…” (A history of the Vietnamese, K.W.Taylor)
“Cuối năm 1800, được hướng dẫn bởi những đồng minh thuộc các dân tộc thiểu số trên cao nguyên, Lê Văn Duyệt đem quân tiến đến phía sau quân Tây Sơn đang vây Võ Tánh trong thành Chà Bàn (về sau sẽ đổi tên thành Bình Định) và tiến xuống đồng bằng. Vài tuần lễ sau, vào đầu năm 1801, Lê Văn Duyệt cho các chiến thuyền đánh chiếm cảng Qui Nhơn. Những chiến thắng này đã thay đổi về cơ bản cục diện của cuộc chiến, củng cố vị trí của Nguyễn Ánh ở Bình Định. Đúng vào lúc này, Nguyễn Ánh nhận được tin con trai ông là hoàng tử Cảnh đã chết vì bệnh đậu mùa. Người ta không biết rõ tin buồn này đã ảnh hưởng đến Nguyễn Ánh ra sao, chỉ có điều khi ấy ông đã có một quyết định khác có ảnh hưởng về lâu về dài. Dường như cái chết của con trai đã khiến cho Nguyễn Ánh không còn muốn ở lại Gia Định, nơi từng là căn cứ của ông suốt nhiều năm, mà muốn trở lại quê cha đất tổ, nơi ông đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ. Ông quyết định bỏ lại phía sau tình hình rối ren ở Phú Yên và cuộc giằng co ở Bình Định, dẫn quân tiến ra Bắc để chiếm thành Phú Xuân. Ông nhắn các đồng minh Lào tiếp tục những cuộc tấn công, cho quân sĩ đi thuyền ra Hội An, phối hợp với quân sĩ địa phương ở Quảng Ngãi và Quảng Nam. Sau khi gom góp gạo ở Quảng Nam và bắt được nhiều thuyền của hải tặc Trung Quốc trên biển, ông cho thuyền ra vịnh Đà Nẵng và tiến về Phú Xuân. Quân Tây Sơn kháng cự rất yếu ớt và thành Phú Xuân đã thất thủ, vua Nguyễn Quang Toản bỏ trốn ra miền Bắc. Nguyễn Ánh giữ biên giới cũ của Đàng Trong và Đàng Ngoài ở sông Gianh trong khi quân Lào đồng minh và những người dân tộc thiểu số ở cao nguyên tiến đánh Nghệ An và Thanh Hóa.
Lúc ấy là mùa hè năm 1801, khi cho quân sĩ nghỉ ngơi để tận hưởng chiến thắng, Nguyễn Ánh được tin Võ Tánh đã tự sát vì lương thực đã cạn, thành Bình Định đã rơi vào tay các tướng Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu của Tây Sơn. Tuy nhiên chiến thắng này của Tây Sơn chẳng có ý nghĩa gì vì giờ đây trọng tâm của cuộc chiển đã chuyển ra phía Bắc.
Trong nửa đầu năm 1801, Nguyễn Ánh chuẩn bị đối phó với một cuộc phản công của Nguyễn Quang Toản ở phía Bắc, bắt đầu lập ra chính quyền ở Phú Xuân và cung cấp lương thực cho các đạo quân của ông. Lê Văn Duyệt được lệnh cầm chân quân Tây Sơn ở Bình Định và các thành lũy ở Đồng Hới được sửa chữa và củng cố. Vài cuộc chiến nổ ra giữa quân sĩ của ông với quân Tây Sơn gần sông Gianh, và quân Lào đồng minh tiếp tục tiến đánh Nghệ An. Thủy binh của ông bắt thêm được nhiều thuyền của hải tặc Trung Quốc.
Ở Thuận Hóa, Nguyễn Ánh sai tìm hậu duệ của những người đã đi theo chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong vào năm 1558 và người ta đã tìm được 469 người. Ông cho sửa sang phần mộ của tổ tiên từng bị Nguyễn Huệ ra lệnh phá hủy. Ông cũng cho quật mộ của Nguyễn Huệ và hành quyết 31 người thân thuộc và tướng lãnh của Nguyễn Huệ. Ông bắt đầu đọc những cuốn sách lịch sử và thảo luận với các học giả về vị trí của mình trong lịch sử. Nguyễn Quang Toản đã tập hợp lực lượng phía Bắc và cuối năm ấy, khi mùa mưa vừa chấm dứt, ông ta đã xuất hiện gần sông Gianh với đội chiến thuyền gồm hơn 100 chiếc thuyền của hải tặc Trung Quốc. Nguyễn Ánh đã chống trả giống như tổ tiên của ông xưa kia: cuộc chiến trong những tuần lễ đầu tiên của năm 1802 nhắc người ta nhớ tới những cuộc chiến giữa quân Nguyễn và quân Trịnh ở thành lũy Đồng Hới. Quân lính của Nguyễn Quang Toản tiến về phía thành lũy Trấn Ninh đã các tay súng của Nguyễn Ánh gây thương vong nặng nề. Đến khi thủy quân của Nguyễn Ánh bắt được 20 chiến thuyền của hải tặc Trung Quốc và đẩy lui những chiến thuyền còn lại, Nguyễn Quang Toản đã quay đầu bỏ chạy. Nguyễn Ánh cho thủy quân đánh chiếm thuyền chở lương thực và không cho chiến thuyền của Nguyễn Quang Toản tiến vào sông Gianh. Một đội quân Xiêm 5.000 người cùng với các đồng minh xuất hiện ở vùng núi Nghệ An buộc Nguyễn Quang Toản phải rút lui về Kẻ Chợ (Thăng Long).
Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân, cho sửa sang cung điện, cho quân lính nghỉ ngơi và chờ cuộc chiến ở Bình Định kết thúc. Nhiều người lính của ông quê ở Thuận Hóa, đã đi theo ông vào Gia Định, giờ đây được phép về thăm gia đình; những người lính bị bệnh hoặc bị thương được trở về với gia đình. Nguyễn Ánh tiếp tục đọc những sách lịch sử và tiếp tục thảo luận với các học giả. Ông biết rằng mình đang ở trong một tình thế hoàn toàn mới mẻ và muốn biết quan điểm của những người có học thức lúc bấy giờ. Thành Bình Định của các tướng Tây Sơn thất thủ vào mùa xuân năm 1802. Các tướng Tây Sơn cùng với khoảng 3.000 quân lính chạy trốn lên miền núi, tìm cách trở ra miền Bắc. Nhưng rất ít người trở về được miền Bắc vì Nguyễn Ánh đã ra lệnh cho quân lính chặn đánh ở các thung lũng của Quảng Nam và Thuận Hóa.
Ngay sau khi được tin thành Bình Định đã thất thủ, Nguyễn Ánh đặt ra câu hỏi: triều đại nhà Lê còn hay đã mất? Ai cũng nói triều đại nhà Lê đã mất. Vì đã tự xưng làm vua, giờ đây Nguyễn Ánh thực hiện bước cuối cùng để khẳng định vương quyền, bỏ niên hiệu nhà Lê, lấy niên hiệu Gia Long, lập ra triều đại nhà Nguyễn. Ông ban tước và tưởng thưởng cho vô số tướng lãnh, tặng thưởng và phong tước cho các tướng Xiêm và Lào rồi tiễn họ về quê nhà. Các hải tặc Trung Quốc bị bắt sống cũng được trao cho triều đình nhà Thanh. Ông đem thủy binh ra Bắc, đến Vinh (Nghệ An) mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Ông cho quân lính nghỉ ngơi vài ngày rồi tiến ra Thanh Hóa, cũng không gặp sự kháng cự nào. Ở Thanh Hóa, ông viếng đền thờ của tổ tiên họ Lê và được con cháu họ Lê đón tiếp nồng hậu. Với Lê Văn Duyệt đi tiên phong, ông tiến về Kẻ Chợ (Thăng Long) mà không phải đánh một trận nào, chỉ 30 ngày sau khi rời Phú Xuân. Nguyễn Quang Toản và thuộc hạ bỏ trốn nhưng đều bị bắt lại hết.
Nguyễn Ánh ở lại Kẻ Chợ 4 tháng, cho xây lại đền thờ tổ tiên họ Trịnh rồi trở về Phú Xuân vào mùa thu. Ông xem việc hành hình Nguyễn Quang Toản và ban bố việc thành lập chính quyền đầu tiên của dân tộc Việt Nam trên lãnh thổ kéo dài từ Ải Nam Quan tới Vịnh Thái Lan ở phía Nam” (A history of the Vietnamese, K.W.Taylor, tr. 247,248, 249, 250, 251).
—–
- K. W. Taylor và ghi chép về công cuộc thống nhất đất nước của chúa Nguyễn Ánh vào đầu thế kỷ 19
K.W.Taylor (Keith Weller Taylor) sinh năm 1946, có bằng cử nhân vào tháng 5 năm 1968 tại Đại học George Washington rồi chỉ 2 tuần sau, ông bị gọi đi khám sức khỏe để đi quân dịch và đã tình nguyện vào Cơ quan Tình báo Quân đội với hy vọng không bị đưa sang chiến trường Việt Nam. Thế nhưng ông vẫn phải sang Việt Nam vào năm 1970 với cấp bậc trung sĩ trong quân đội Mỹ rồi được trở về Mỹ vào năm 1971 sau khi bị thương. Vào tháng 1 năm 1972, 6 tháng sau khi trở về từ Việt Nam, ông được giải ngũ và tiếp tục theo học Đại học Michigan, chuyên về lịch sử Việt Nam. Sau khi lấy được bằng tiến sĩ về lịch sử vào năm 1976 với luận án “The birth of Vietnam” (Việt Nam thời dựng nước), ông làm giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Singapore (1981-1987), giáo sư khoa Lịch sử ở Hope College (1987-1989) rồi làm giáo sư của khoa Nghiên cứu châu Á của Đại học Cornell (từ năm 1989 đến nay)
Tác phẩm “A history of the Vietnamese” (Cambridge University Press ấn hành, New York, 2013).
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu