Năm Mão kể chuyện mèo

0 304

Konrad Z. Lorenz và “Chiếc nhẫn của vua Solomon”

Konrad Z. Lorenz sinh năm 1903 tại Vienna, Áo, cha là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, từ nhỏ đã say mê sưu tâm các loài vật, khi đi chơi xa thường mang về những con vật như cá, chim, khỉ, thỏ, chó và mèo và từ rất sớm đã đảm nhận công việc chăm sóc những con thú bị bệnh ở Sở thú Schönbrunner gần nhà và ghi chép vào sổ tay những quan sát về tập tính của loài chim. Năm 1922, sau khi học xong trung học, ông đã nghe theo lời cha, theo học Y khoa ở Đại học Columbia tại thành phố New York của Mỹ, nhưng chỉ sau 2 học kỳ đã trở về Áo học tiếp để lấy bằng bác sĩ vào năm 1928 và lấy bằng tiến sĩ Động vật học ở Đại học Vienna vào năm 1933. Những ghi chép của ông về loài quạ gáy xám đã được in trong tập san Journal für Ornithologie danh tiếng. Được khích lệ bởi thành công đầu tiên này, ông tiếp tục khảo sát tập tính của loài ngỗng, ghi chép những nghiên cứu về giống loài này và dần dần được nhiều người biết đến tên tuổi trên thế giới. Năm 1935, ông nghiên cứu khả năng học tập của loài vịt con và loài ngỗng con, và nhận thấy rằng sau khi ra khỏi trứng, chúng biết đi theo cha nuôi hay mẹ nuôi của chúng. Tiến trình ghi nhớ này đòi hỏi những con vịt con hay ngỗng con phải vận dụng cả thị giác và thính giác, nhờ đó chúng có thể bắt chước tiếng kêu của cha hoặc mẹ.

Năm 1936, Hội Tâm lý học loài vật được thành lập và ông trở thành đồng chủ biên của tạp chí Zeitschrift für Tierpsychologie, tạp chí hang đầu về nghiên cứu tâm lý và tập tính của loài vật. Năm 1937, ông được mời làm giáo sư giảng dạy môn Giải phẫu học đối chiếu và Tâm lý loài vật ở Đại học Vienna. Từ năm 1940 tới năm 1942, ông làm giáo sư và trưởng bô môn Tâm lý học đại cương ở Đại học Albertus tại Königsberg. Từ năm 1942 tới năm 1944, ông làm bác sĩ trong quân đội Đức. bị Hồng quân Liên Xô bắt làm tù binh chiến tranh và chỉ đưọc trả tự do vào năm 1948. Ông trở về Áo, lãnh đạo Viện Tâm lý học so sánh của loài vật ở Đại học Altenberg rồi thành lập phân ban Tâm lý học loài vật ở Viện Max Planck. Từ năm 1961 tới năm 1973, ông làm giám đốc Viện Max Planck và năm 1973 đã cùng với 2 nhà nghiên cứu Frisch và Tinbergen được trao giải Nobel Sinh học nhờ những nghiên cứu về tập tính của loài vật. Cũng trong năm ấy, ông trở thành giám đốc phân ban Đối chiếu tâm lý loài vật ở Viện Hàn lâm khoa học Altenberg.

Các nghiên cứu của ông cho thấy những kiểu mẫu hành xử đã định hình mỗi giống loài ra sao và khả năng thích nghi đã có ảnh hưởng ra sao đối với sự tồn tại của giống loài. Ông cũng chỉ ra rằng các giống loài đều được lập trình để học hỏi một số thông tin đặc biệt có ích cho sự tồn tại của chúng. Trong những tác phẩm viết vào lúc cuối đời như “Das sogenannte Böse” (Về tính gây hấn – 1963) , ông vận dụng vào việc nghiên cứu con người những phát hiện về tập tính và tâm lý của loài vật, chỉ ra rằng khả năng chiến đấu và động thái gây chiến của con người có nguồn ngốc từ trong bản năng, nhưng có thể cải biến do tác động của môi trường. Trong tác phẩm cuối cùng “Die Rückseite des Spiegels: Versuch einer Naturgeschichte menschlichen Erkennens “ (Phía sau tấm gương: Nghiên cứu lịch sử tự nhiên của tri thức của con người – 1973), ông tiếp tục vận dụng những thành quả nghiên cứu của tâm lý học và tập tính loài vật vào việc nghiên cứu con người.

Trong tác phẩm “King Solomon’s Ring” (Chiếc nhẫn của vua Solomon ), Konrad Z. Lorenz đã trình bày những kết quả khảo sát loài quạ gáy xám và đưa ra những nhận định tổng quát về những loài thú cưng như chó và mèo:
“Vào buổi bình minh của hậu kỳ thời Đồ đá, con vật nuôi đầu tiên là con chó nhỏ mới thuần hóa có lẽ là hậu duệ của loài chó rừng lông vàng (Canis aureus). Vào thời kỳ này ở miền Tây Bắc châu Âu, nơi người ta đã tìm thấy những bộ xương chó, có lẽ không còn chó rừng nữa nhưng người ta có đầy đủ lý do để tin rằng những con chó sử dụng trong những cuộc đua đã thật sự trở thành những con chó nuôi trong nhà và những cư dân ven bờ hồ đã mang chúng đi theo đến bờ biển Baltic. Con người thời Đồ đá đã gặp gỡ con chó của mình như thế nào? Chắc chắn là thật tình cờ. Hàng đàn chó rừng đã đi theo đoàn thợ săn lang thang đây đó vào thời đồ đá và nằm thành vòng tròn chung quanh nơi họ dừng chân. Những người thợ săn luôn bị đe dọa bởi loài thú săn mồi chắc hẳn đã cảm thấy dễ chịu khi thấy nơi mình dừng chân được canh gác bởi đám chó rừng xếp thành vòng tròn sẵn sàng sủa điên cuồng khi một con hổ hay một con gấu tới gần. Thế là thỉnh thoảng ngoài vai trò canh gác, những con chó lại đảm nhận thêm vai trò phụ giúp trong việc đi săn. Đôi lúc những con chó rừng đi theo những người thợ săn với hy vọng được chia cho chút ít nội tạng của những con thú săn được lại chạy trước để đuổi theo con mồi.

Đối với tôi, không có ý nghĩ nào hấp dẫn và gây phấn khích cho bằng ý nghĩ giao ước lâu đời giữa người và chó đã được “ký kết” một cách tự nguyện và không có sự bó buộc nào từ hai phía. Những con vật nuôi khác, giống như những người nô lệ thời cổ, chỉ trở thành con vật phục vụ con người sau một thời gian bị giam cầm, nhưng cũng có một ngoại lệ là loài mèo vì chúng chưa bao giờ được thuần hóa thật sự và điều làm nên sức thu hút của chúng chính là vẻ độc lập của chúng. Mèo là con vật hoang dã sống trong ngôi nhà của con người. Sức thu hút của mèo bắt nguồn từ chỗ nó không có mối quan hệ thân thiết với con người, vẫn giữ được tính cách độc lập không thể xâm phạm như con cọp hay con báo, vẫn còn vẻ bí hiểm và xa cách ngay cả khi nó nhẹ nhàng cọ đầu vào chân cô chủ hay nằm thoải mái trước lò sưởi.

Con chó và con mèo đều không phải là nô lệ, nhưng chỉ có con chó mới là bạn của con người. Dần dần, qua nhiều thế kỷ, những con chó tinh khôn nhất đã không chọn một con chó làm đầu đàn mà lại chọn con người làm kẻ đứng đầu bầy đàn. Trong nhiều trường hợp, người đó thường là thủ lĩnh của bộ tộc và ngày nay những con chó có cá tính mạnh mẽ cũng thường coi người chủ gia đình như người chủ của chúng. Hiện tượng kỳ thú và gây kinh ngạc nhiều nhất là việc một con chó tinh khôn lựa chọn người chủ của nó. Bất chợt, chỉ trong vài ngày đã hình thành một mối liên hệ gắn kết còn bền chặt hơn bất cứ mối quan hệ nào giữa người và người. Nhà thơ William Wordsworth gọi đó là
“Tình cảm mạnh mẽ, lớn lao
Vượt lên trên mọi nhận thức của con người”
(… That strength of feeling, great
Above all human estimate)”
(“King Solomon’s ring”, tr. 113, 116)

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu
Ảnh: Konrad Z. Lorenz và tác phẩm “ Chiếc nhẫn của vua Solomon”

Leave A Reply

Your email address will not be published.