Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi vào danh mục di sản cần bảo vệ khẩn cấp
TVN
Di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma-rốc. Thời điểm hồ sơ được thông qua là hồi 16 giờ 12 phút, ngày 29.11 theo giờ địa phương, tức 22 giờ 12 phút ngày 29.11 giờ Việt Nam. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.
Gốm của người Chăm chủ yếu là đồ gia dụng, đồ dùng cúng lễ và đồ mỹ nghệ gồm chum (jek), nồi (gok), mâm (cambak), bình (bilaok)… Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng. Thay vì sử dụng bàn xoay, người phụ nữ Chăm di chuyển giật lùi quanh khối nguyên liệu để tạo hình sản phẩm.
Gốm của người Chăm không tráng men và được phơi khô, nung ở ngoài trời bằng củi và rơm trong 7 đến 8 giờ ở nhiệt độ khoảng 8000C. Nguyên liệu (đất sét, cát, nước, củi và rơm) được khai thác tại chỗ. Đất sét được tái sinh theo chu kỳ vài ba năm sau khi khai thác tại cánh đồng Hamu Tanu Halan, bên bờ sông Quao thuộc làng Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) và mỏ đất làng Xuân Quang (cách làng Bình Đức, tỉnh Ninh Thuận, 3 km về hướng Tây Bắc).
Dụng cụ làm gốm của người Chăm đơn giản do nghệ nhân tận dụng vật liệu tại chỗ như: vòng quơ, vòng cạo (bằng tre) để cạo mỏng thân gốm, và vỏ sò, vải cuộn thấm nước để chà láng thân gốm. Tri thức và kỹ năng làm gốm được trao truyền cho các thế hệ trong gia đình thông qua thực hành.
Theo chương trình nghị sự của phiên họp lần thứ 17 UNESCO, có 4 di sản được xem xét để ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đại diện của nhân loại, bao gồm:
Đồ gốm Quinchamali và Santa Cruz de Cuca của Chile; Đồ đá Ahlat truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ; Xhubleta: kỹ năng, nghề thủ công và hình thức sử dụng của Albania và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Việt Nam.
Nghề làm gốm tại Việt Nam vẫn đứng trước những nguy cơ đe dọa bởi những lý do: quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng đến không gian và cảnh quan của làng nghề truyền thống, vùng đất làm gốm chưa được quy hoạch và chi phí mua nguyên liệu cao, nghệ nhân lành nghề cao tuổi đang lần lượt qua đời và rất ít thế hệ trẻ tiếp nối nghề…
Đây là nghề thủ công truyền thống đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh.