Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, từ 1908 đến 1909, Henri Oger, một công chức Pháp, rong ruổi khắp phố phường Hà Nội và vùng ngoại ô để tìm hiểu sự đa dạng của các ngành công thương nghiệp tại đây.
Cùng với niềm đam mê và miệt mài, ông đã tổng hợp mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày tại miền đất kinh kì trong bộ sách Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite, 1909), gồm khoảng 4.000 tranh khắc gỗ, cùng các bài viết nghiên cứu của tác giả.
Ngày nay, trong khi nhiều ngành nghề và phong tục dần bị phai nhạt và lãng quên, bộ sách giúp tái hiện phần nào cuộc sống với những sinh hoạt đời thường tại Bắc Kỳ trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Cũng vì mục đích này, từ nguyên bản tiếng Pháp, trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội, kết hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thế Giới, Công ty Nhã Nam, tái bản và biên dịch thành ba ngoại ngữ, Pháp-Anh-Việt, để bộ sách trên có thể được công bố rộng rãi tới công chúng.
Henri Oger – nhà nghiên cứu ít được biết tới
Cuộc đời và sự nghiệp của Henri Oger có lẽ không gặp nhiều thuận lợi như những viên chức Pháp đương thời. Sinh tại Montrevault (vùng Maine-et-Loire, Pháp) ngày 31/10/1885, ông có một quá trình đào tạo bài bản tại các trường nổi tiếng như trường Cao học Thực hành (Ecole Pratique des Hautes Etudes, khóa 4, năm 1906) dưới sự hướng dẫn của giáo sư nổi tiếng Louis Finot, tiếp theo là Trường Thuộc địa (Ecole coloniale, vào năm 1909) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự hai năm tại Đông Dương (1907-1909).
Đây cũng là lần đầu tiên ông sang vùng Viễn Đông. Ông quay lại lần thứ hai vào cuối năm 1910 và ở lại làm việc tới giữa năm 1914. Sau khi trở về Pháp, năm 1915, ông phải nhập ngũ tham gia Đệ nhất Thế chiến. Một năm sau ông được phục viên. Ngỡ rằng sẽ được bổ nhiệm một công việc hành chính tại Pháp, dù nhiều lần được nghị viện tiến cử, song ông vẫn bị điều sang Đông Dương lần thứ ba (1916-1919). Năm 1919, ông được hồi hương do bị bệnh, nhưng thực ra do không hoàn thành công việc hành chính được giao.
Với sự nghiệp hai năm nghĩa vụ quân sự và mười năm công tác dân sự, ông được nghỉ hưu năm 1922. Cùng năm đó, ông lấy vợ nhưng không có con. Ông mất tích tại Tây Ban Nha năm 1936. Cho tới nay, không có tài liệu nào cho phép biết thêm chi tiết về đời tư của ông cho tới ngày ông được coi mất tích.
Trong hai năm đầu tiên làm việc tại Bắc Kỳ (1907-1909), ông được giao tiến hành nghiên cứu về các thao tác nghề nghiệp thủ công của người Việt nhằm thống kê các thuật ngữ kỹ thuật và đời sống thường ngày của người dân. Chính nhiệm vụ được giao trên đã giúp Henri Oger thoả mãn được trí tò mò vô bờ bến trong mọi lĩnh vực, từ ngôn ngữ đến văn học, và niềm đam mê nghiên cứu của mình vì ông luôn quan niệm rằng: “Nghiên cứu nghề của một dân tộc cũng chính là nghiên cứu nền văn minh vật chất của dân tộc đó”.
Giáo sư Pierre Huard (1970) giải thích: “Niềm khao khát khoa học này được thể hiện rất đa dạng trong nhiều dự án nghiên cứu đã được khởi xướng nhưng rồi đều bị bỏ lỡ. Đề án quan trọng nhất (và cũng đủ để làm rõ cá tính của ông) là nghiên cứu, trên thực địa, về nền văn minh vật chất của người Việt Nam và các khía cạnh xã hội học của nó, một lĩnh vực còn rất ít được khai thác, đến nỗi Oger tự tin cho rằng công trình của mình “chưa từng một ai tiến hành ở Đông Dương”.
Đây chính là ấp ủ dự án của công trình sau này có tên gọi là Kỹ thuật của dân tộc An Nam. Thế nhưng, đam mê nghiên cứu đã khiến ông sao nhãng công việc quản lý hành chính. Sau đó, ông liên tục bị phê bình vì thiếu trách nhiệm, và thậm chí, ông còn bị khiển trách vì thái độ cao ngạo và kiến thức khoa học của viên chức dân sự hạng 5 này. Khác với người bạn đồng khoá tại trường Cao đẳng thực hành (EPHE), Henri Maspero (qua đời năm 2015), đã tạo được một vị trí vững chắc tại trường Viễn Đông Bác Cổ, Henri Oger, một công chức dân sự, không được chấp nhận như một nhà nghiên cứu.
Thời gian tiếp theo, ông bỏ bê công việc chính khiến cấp trên khó chịu và mất lòng tin vào ông. Thậm chí, năm 1914, họ đánh giá ông là người vô dụng và cho hồi hương về Pháp với lý do sức khoẻ. Ông còn quay lại Đông Dương vào năm 1916 và ở lại trong vòng ba năm. Thời gian này, ông vướng vào nhiều việc rắc rối do cổ vũ cho cải cách đạo đức và tri thức tại Đông Dương, dưới hình thức của phong trào “Ngôi nhà cho mọi người” được sáng lập tại Paris. Ông buộc phải về Pháp vào năm 1919 và nghỉ hưu năm 1920. Từ đó, ông không báo giờ quay lại Đông Dương.
Khó khăn
Trong số những người ủng hộ hiếm hoi dự án của Henri Oger, Jean Ajalbert có lẽ là người tích cực nhất. Là biên tập viên của tờ Avenir du Tonkin thời kì đó, cứ hai ngày một lần, ông giành cho nhà nghiên cứu trẻ mục “Nghiên cứu Đông Dương” để đăng hình và chú giải một sản phẩm mới được hoàn thành. Sau này, ông còn giúp Oger vượt qua mọi chỉ trích từ phía các danh nhân khoa học và cán bộ hành chính thuộc địa.
Trong lời tựa tái bản, Philippe le Failler và Olivier Tessier nhận xét: “Thực ra mà nói, những lời chú giải ở phía dưới mục: “Nghiên cứu Đông Dương” không có tính khoa học. Một bức vẽ rất đơn giản, thậm chí nghèo nàn với lời giải thích các đồ vật và bối cảnh cho thấy kiến thức còn quá sơ sài về chủ đề nghiên cứu. Tóm lại, có óc quan sát tốt, nhưng Henri Oger không biết cách miêu tả chúng, hoàn toàn trái ngược với công việc của bậc tiền bối Gustave Dumoutier cũng viết cho tờ báo cách đấy 10 năm”.
Trong thời gian hợp tác với tờ Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ), Oger không có ý định làm một cuộc cải cách như các bậc tiền bối, Jean-Baptiste Luro, Gustave Dumoutier hay Louis Cadière. Ông chỉ muốn tập hợp kiến thức và xuất bản một bộ từ điển khoảng 10 tập. Tham vọng mà sau này ông phải trả giá vì ban biên tập tạp chí nổi tiếng la Revue indochinoise (Tạp chí Đông Dương) đánh giá tác giả không đủ tỉ mỉ, nhưng thực ra, do không nhận được sự ủng hộ của một trường nổi tiếng nào, như trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française d’Extrême-Orient) hay trường Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (les Langues’O, trường INALCO ngày nay). Tuy nhiên, không vì thế mà chàng thanh niên bỏ cuộc. Hai mươi nhà nhà hảo tâm tin tưởng và quyên góp số tiền ít ỏi, 200 đồng bạc, để ủng hộ công trình của ông.
Tuy nhiên, ông vẫn bị buộc tội đạo ý tưởng. Giới nghiên cứu khoa học đương thời luôn coi ông cố ý, thậm chí là thách thức, khi khăng khăng xuất bản tác phẩm này. Chính vì thế, các nhà phê bình đáp trả bằng thái độ im lặng khinh bỉ và các thư viện Đông Dương không đoái hoài đến sự tồn tại của tác phẩm này. Tất cả những lý do trên giải thích tại sao Henri Oger chỉ có thể in được 60 bản.
Henri Oger cùng một hoạ sĩ đi khắp các xưởng, các cửa hàng ở Hà Nội và vùng ngoại thành. Ông hỏi họ một cách tỉ mỉ về cách làm ra một công cụ hay một đồ nghề. Người thợ diễn tả chầm chậm động tác, cử chỉ để người hoạ sĩ phác họa tỉ mỉ trên giấy mọi công đoạn. Trong vòng một năm, họ đã có những hình ảnh phong phú, phản ánh đời sống của người Bắc Kỳ, từ sản xuất, buôn bán đến vui chơi hay tập tục…
Số tiền quyên góp ít ỏi không cho phép ông thuê xưởng in. Ông tự lập hai xưởng tại một ngôi đình ở phố Hàng Gai, sau đó là chùa Vũ Thạch (Hà Nội) và tuyển 30 thợ khắc. Họ là những nông dân thuần tuý, được ông và người hoạ sĩ đồng hành, hướng dẫn khắc ván in. Hai tháng làm việc đằng đẵng đã cho ra đời hơn 4.000 bản khắc. Thế nhưng, các bản khắc này quá dầy để có thể cho vào giữa khe trục lăn của máy nên bị cong vênh. Henri Oger buộc phải dùng tới cách in mộc bản truyền thống của người Trung Quốc và Việt Nam, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Ông giải thích trong lời tựa cuốn sách, xuất bản vào năm 1909: “Kỹ thuật này là đặt giấy lên trên bản khắc để in ; vả lại còn phải dùng giấy An Nam được sản xuất theo đúng kích thước bản khắc. Cách này rất chậm nhưng độ nét của bản in thật tuyệt vời. Công việc này khiến cuốn sách mang dấu ấn địa phương. Tất cả đều là của người An Nam. Khổ giấy cũng hết sức đặc biệt, giấy được làm từ vỏ cây thuỵ hương, việc này đảm bảo độ bền cho giấy. Những người làm giấy ở làng Bưởi gần Hà Nội, rất vất vả vì chưa bao giờ phải làm giấy khổ to như thế”.
Giá trị của công trình nghiên cứu
Tràn đầy tự hào khi hoàn thành bộ sách, Henri Oger thổ lộ trong “Lời nói đầu”: “Công trình ấy đáng khen vì chưa ai ở Đông Dương từng làm một công trình như thế”. Vì theo tác giả, “từ khi chinh phục thuộc địa, người ta đã cho ra đời hết từ điển nọ đến từ điển kia. Còn các cuộc điều tra mang tính xã hội học, dân tộc học thật sự thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tác giả đã hoàn thành công trình nghiên cứu mà không có sự trợ giúp của các Cơ quan Khoa học được thành lập ở đây để tìm hiểu rõ hơn nước An Nam. Vì vậy đóng góp chủ yếu mà tác giả nhận thấy trong công trình nghiên cứu của mình chính là thái độ đầy thiện chí”.
Cách thực hiện cũng thể hiện tính nghiêm túc, óc lý luận và cách tổ chức chặt chẽ của ông. Henri Oger đưa cho hoạ sĩ dàn ý ghi chép, được một số người Việt xem xét trước. Khi bức vẽ hoàn thành, ông lại đưa cho những người bản xứ “có đầu óc phê phán tốt” để thẩm định bình luận. Tác giả chia tác phẩm thành hai phần. Xuất phát từ nguyên tắc nghiên cứu nền văn minh kỹ thuật của một dân tộc chính là nghiên cứu nền văn minh vật chất, vì vậy, phần đầu miêu tả chi tiết từng động tác của hoạt động hay từng công đoạn chế biến một sản phẩm. Phần thứ hai chỉ gồm hình ảnh minh họa. Mỗi công đoạn sản xuất hay hoạt động được ông miêu tả tỉ mỉ qua một loạt hình ảnh. Tiếp đó là tiêu đề hoặc chú thích ngắn gọn nội dung được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm.
Có thể thấy phương pháp phân loại của Henri Oger khá sơ lược. Ông nhấn mạnh cần thiết phải sắp xếp theo bốn nhóm chính và theo trình tự thời gian nội dung phân tích các quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, tác phẩm lại cho kết quả ngược lại. Các tư liệu thu thập từ thực địa không hề được quan tâm trình bày theo trật tự. Chỉ cần ngẫu nhiên mở một trang, độc giả có thể nhận thấy điều này. Ví dụ, tờ 460, có tám hình ảnh gồm “đứa trẻ đun nước”, “cái nhà”, “người làm giấy”, “dọn cơm”, “hút thuốc lào” và “hộp khám thờ gia tiên”.
Thế nhưng, nhờ bảng tổng hợp cuối sách, người đọc có thể tìm hiểu ngành nghề thủ công của người Việt qua số thứ tự của hình ảnh. Henri Oger chia thành bốn nhóm chính: Nghề lấy nguyên liệu từ thiên nhiên (nghề nông, đánh cá, săn bắn, hái lượm, vận tải) ; Nghề chế biến nguyên liệu lấy từ thiên nhiên (làm giấy, kim loại quý, gốm, sắt tây và thiếc, gỗ, vũ khí, tre, mây, vải sợi…) ; Nghề dùng nguyên liệu đã qua chế biến (buôn bán, điêu khắc và tạc tượng, đồ thờ, nấu ăn, may mặc, xây dựng…) ; Đời sống riêng và đời sống cộng đồng của người dân An Nam (đời sống cộng đồng, đời sống tình ảm, phép thuật bói và bói toán, nhạc cụ, tết và lễ, trò chơi và đồ chơi, nghề bán rong…).
Dù nét vẽ đơn giản nhưng rắn chắc, sống động do đặc thù của tranh khắc gỗ (in mộc bản), đời sống tinh thần và văn hóa giàu bản sắc của người Việt cách đây hơn một thế kỷ được lưu lại qua từng tranh vẽ. Qua đó, độc giả có thể ngạc nhiên khám phá những nghề có một không hai, hoặc chưa bao giờ nghe nói tới. Đây cũng là ý kiến đánh giá của giáo sư Đinh Xuân Lâm, phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Với tư cách là người nghiên cứu lịch sử, tôi đánh giá đây là cuốn sách rất có giá trị đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu và hệ thống lại văn hoá, đời sống sinh hoạt của người Việt đầu thế kỷ XX. Đối với thế hệ trẻ, đây là dịp để hiểu biết về quá khứ, ông cha đã sống, làm việc như thế nào, biết được văn hoá VN, từ đó biết bảo tồn, gìn giữ”.
Hai phó giáo sư trường Viễn đông Bác Cổ Olivier Tessier và Philippe Le Failler nhận xét Kỹ thuật của người An Nam không có nhiều giá trị về mặt khoa học nhưng về mặt lịch sử thì đây là một thư tịch quý về đời sống người dân Việt Nam cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Từ lần in đầu tiên, năm 1909, tập sách chỉ còn hai bản gốc được lưu lại ở Việt Nam. Một bản không đầy đủ được lưu tại Thư viện quốc gia Hà Nội. Bản thứ hai, hoàn thiện hơn và được bảo quản tốt tại Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1970, Pierre Huard đã đánh giá cao công trình của ông trong bài tóm tắt tiểu sử đăng trên niên san của trường Viễn Đông Bác Cổ, đồng thời nhấn mạnh tính tiên phong của công trình đối với việc nghiên cứu các ngành nghề của Việt Nam. Ngoài ra, toàn bộ công trình của Oger đã được ra mắt trong một cuộc triểm lãm tại Bourges (Pháp) dưới tên gọi “Peintres paysans du Việt Nam” (Các hoạ sĩ nông dân của Việt Nam) vào năm 1978.
Tới năm 2004, chính phủ Pháp tài trợ dự án khôi phục kho tàng di sản văn hóa thời thuộc địa tại các nước Đông Dương. Bản gốc hoàn chỉnh duy nhất của cuốn Kỹ thuật của người An Nam tại Thư viện KHTH TP. Hồ Chí Minh được chọn để tái bản. Dưới sự chỉ đạo của hai nhà nghiên cứu của trường Viễn Đông Bác Cổ, Olivier Tessier và Philippe Le Failler, sau bốn năm xử lý để xoá đi những vết ố của thời gian, đồng thời số hóa bộ sách, 700 bản tranh khắc được tác giả đánh số được tái bản và ra mắt công chúng vào năm 2009. Lần tái bản này khẳng định vai trò của cuốn sách quý hiếm được dịch thành ba ngoại ngữ để độc giả dễ tiếp cận hơn, góp phần quan trọng cho việc nghiên cứu đời sống văn hoá, nghề nghiệp của người Việt thời đầu thế kỷ XX.
Ảnh: Một bức tranh khắc gỗ mô tả hoạt động của Hà Nội đầu thế kỷ 20 do nhà nghiên cứu Henri Oger sưu tầm.
Thu Hằng- Nguồn: RFI