Antony Charles Celestin Landes (1850–1893) và Trương Vĩnh Ký (1837–1898) là hai vị trong nhóm học giả đầu tiên quan tâm tới việc sưu tầm ghi chép chuyện dân gian người Việt. Có điều Landes viết bằng tiếng Pháp để cho người Pháp [và người Âu] đọc, nên người Việt ít ai biết tới.
Contes et legendes Annamites của Landes (sau đây gọi tắt ‘cuốn sách’) ghi lại những câu chuyện phổ thông trong dân gian thời đó, nhứt là ở Nghệ An, vì hai người kể chuyện, một thầy tướng số (devin) và một nhà nho học (scholar), đều là dân tỉnh đó. Cuốn sách có hai phần:
127 chuyện đời xưa và truyền thuyết, ghi nguyên văn theo lời kể,
22 chuyện cười, ghi đại ý theo lời kể; kèm theo chuyện là những ghi chú dành riêng cho người Âu để họ hiểu thêm văn hóa Việt.
Ở bài này, chúng tôi chọn ra mười chuyện trong cuốn sách để giới thiệu với bạn đọc, bỏ qua những chuyện quen thuộc, chẳng hạn Lưu Bình Dương Lễ, và những chuyện đã được Nguyễn Đổng Chi (1915–1984) dịch ra tiếng Việt, thí dụ: Cứu vật vật trả ơn cứu nhơn nhơn trả oán, Anh em sinh năm, Con mụ lường, Người họ Liêu và Diêm vương, Người đàn bà bị vu oan,… Chuyện sẽ không chọn ngẫu nhiên, mà chọn theo những ‘motif’ đã phân loại trong hệ thống của Stith Thompson.
Nhóm motif A1700–A2199. Tạo ra loài vật.
1. Chó, vịt và chim
(Le chien, le canard et les oiseaux)
Ban sơ, khi trời đất mới tạo ra những con này con nọ, thì chúng chưa được như bây giờ: con thì thiếu chưn, con thì thiếu cánh. Có ba ông thần Lý Bạch, Hớn Chung Ly, Lữ Đồng Tân, từ trên trời xuống rừng, truyền cho hết thảy muông thú tới ra mắt mấy ổng trong vòng ba ngày, con nào còn thiếu thứ gì thì sẽ được bù cho thứ đó.
Qua ba ngày, mọi việc xong xuôi, thì con vịt với con chó mới biết, vịt mới có một chưn, chó mới có ba chưn. Chúng liền tới nơi đã định, mỗi con xin thêm một chưn, nhưng thần nói chưn cấp hết rồi. Dù vậy, nghe hai con tha thiết nài xin, thần thấy tội nghiệp nên bẻ hai cái chưn bàn làm phép đưa một cái cho vịt và một cái cho chó. Thần dặn vịt: ‘Khi ngủ, con chớ để chưn này chạm đất, nếu dính đồ dơ, chưn biến mất, thì con ráng chịu.’ Thần cũng dặn con chó y vậy, cho nên [ngày nay] vịt co một chưn khi ngủ còn chó nhấc một chưn [khi đái].
Chó với vịt ra về, trên đường, gặp chiền chiện, ốc cau, đỏ nách, là ba thứ chim còn thiếu chưn. Chó với vịt giục ba con này đi lẹ gặp thần xin bù thêm chưn. Ban đầu thần không chịu, nói hết chưn rồi, nhưng để cho chúng vừa lòng, đành lấy mấy cọng chưn nhang khét lẹt làm chưn cho ba con chim. Chúng chê chưn đó tong teo, sợ gãy.
Thần nói: ‘Đừng sợ. Hễ muốn đậu thì con nhún chưn ba lần coi nó còn chắc rồi đậu, nếu chưn gãy thì thần đổi cho cái khác.’ Bởi vậy, ngày nay, mấy thứ chim này nhún chưn ba lần khi đậu.
B211. Con vật xài tiếng người.
2. Con khỉ, con cọp với con rùa
(Le singe, le tigre et la tortue)
Khỉ, cọp với rùa kết bạn với nhau. Tối đó cọp nói với khỉ và rùa:
‘Mình đi kiếm ăn đi. Mà tụi bây chậm lắm, không chạy nhanh bằng tao, để tao cột tụi bây vô đuôi tao rồi tao kéo đi.’
Khỉ với rùa chịu, cọp cột hai con vô đuôi nó, bắt đầu đi. Tới nhà nọ, chúng ngừng lại, tính bắt anh chủ nhà. Đang đứng rình, chúng nghe vợ anh đó hỏi ảnh:
‘Trên đời mình sợ cái gì nhứt?’
Ảnh nói:
‘Tui sợ Ông Giọt thôi.’ [ông giọt = cái máng xối hứng nước mưa]
Vợ ảnh sửng sờ:
‘Ủa! Chớ mình chẳng sợ cọp hả?’
Ảnh đáp:
‘Không, tui sợ Ông Giọt thôi.’
Con cọp đứng ngoài nghe lỏm như vậy thì lấy làm lạ, chẳng biết Ông Giọt là cái giống gì. Ngay lúc đó, tới phiên một thằng ăn trộm bận cái áo tơ gốc xồm xàm cũng lại rình nhà đó. Nó thấy con cọp, sợ té đái, leo lên cây khế. Rồi nó bắt đầu run bây bẩy, làm trái khế bắt đầu rớt lộp độp. Con cọp tưởng đó là Ông Giọt và trái khế là giọt của ổng. Nó với con khỉ và con rùa lượm lên cắn thử, thấy giọt của ổng chua lè chua lét. Còn thằng ăn trộm thì càng lúc càng run, cuối cùng té xuống đất cái bịch.
Con cọp hết hồn, tưởng đâu Ông Giọt nhảy xuống chụp nó nên nó vọt chạy, kéo theo con khỉ với con rùa phía sau. Con khỉ dộng đầu vô mai rùa, chết nhăn răng. Một hồi, cọp ngừng lại, thấy con khỉ nhăn răng, mới nói:
‘Thằng mắc dịch! Tao sợ gần chết mà mày còn ở đó cười hả!’
Motif E341. Người chết biết ơn.
3. Người chết trả ơn kẻ chôn mình
(Le mort reconnaissant a celui qui a gardé son tombeau)
Ở tỉnh Bắc Ninh có ông thợ nghèo, quan kêu vô Huế làm. Tới Nghệ An, sau khi đi đò qua sông Lách, ổng bị bịnh nặng rồi nằm chết ở chưn núi Giằng. Mối đùn lên thành gò trên xác ổng. Tội nghiệp, ở nhà con cái ổng chẳng biết cha mình đã chết. Hơn mười lăm năm trôi qua, con ổng nay thành người có tiền tài danh vọng, mà chẳng biết cha mất ngày nào đặng cúng giỗ, nên họ buồn không xiết.
Ở làng Giằng, anh kia tên Khá, cày chỗ đất nơi có cái mồ, thấy không ai ngó ngàng, thì động lòng thương, mỗi năm dọn vun một lần. Hồn ông thợ nhờ vậy yên nghỉ và biết ơn Khá nhiều lắm.
Ngày nọ ở Bắc Ninh người nhà ông thợ làm lễ cúng tổ tiên, Khá đang đánh trâu cày đất thì hồn ông thợ hiện ra hình người phía trước con trâu, nói chuyện với Khá.
‘Sáng nay ông cày sớm vậy.’
‘Tui lên luống trồng khoai.’
‘Còn sớm mà. Nhà tôi đang cúng ông bà; tôi mời ông nghỉ tay, để cày và trâu đó, sang uống chén rượu lạt với tôi.’
‘Xin lỗi ông, để trâu đây nó phá.’
‘Ông sang một lát rồi về. Có ông tôi mừng lắm.’
‘Ông tốt quá, nhưng tui đang bận quần ngắn, sang đó sợ làm khách của ông mất mặt.’
‘Đây tôi cho ông mượn áo và quần dài, mặc vào rồi đi, kẻo họ chờ.’
Khá bận đồ đi theo. Được một lát, băng qua cái mương, thêm một lát, nhảy qua tảng đá, chừng dập bã trầu thì tới nơi. Ở đó Khá thấy nhiều người bận đồ lịch sự, ngồi thành hai hàng, nhìn ai cũng chẳng quen. Họ nói giọng lạ hoắc. Ảnh e dè, nhưng tới đây rồi thì ăn thôi. Đồ ăn ngon, Khá uống nhiều và bắt đầu thấm rượu.
Tiệc xong, ông kia tới gần, nói:
‘Thôi mình về, trễ rồi.’
‘Gần nhà mà, tui còn nhớ đường, ông về trước, tui theo liền.’
‘Nếu ông còn ở thì cho lại tôi cái áo để mặc.’
Khá cởi áo, rồi nằm ngủ một lát. Người nhà ông kia thấy ảnh ngủ trên ván, mà chẳng biết ai. Họ gọi dậy.
Ảnh đã giã rượu, thấy một đám người nói giọng lạ hoắc, thì lo, nhớ lại sáng sớm nay có ai mời ảnh đi ăn cúng và không hiểu sao giờ mình nằm đây. Ảnh hỏi đây là đâu, họ nói đây là một cái làng ở huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, rồi họ hỏi:
‘Anh người ở đâu, ai mời anh tới đây?’
Khá thiệt thà kể lại:
‘Tui người kẻ Giằng ở Nghệ An. Sáng sớm nay, đang cày ở chưn núi Giằng thì có người lạ hiện ra phía trước con trâu, mời tui tới nhà ổng ăn cúng. Tui nói phải cày sớm đặng trồng khoai, mà cũng không có đồ mặc, thì ổng cho mượn đồ rồi giục tui đi cho lẹ. Dọc đường ổng nói: ‘Hồi xưa tôi nghèo lắm, tha hương cầu thực, rồi nằm lại nơi ông đang cày đây, nhưng con cái tôi vẫn ở đằng đó.’ Tui nghe rồi nghĩ lung, chẳng biết làm sao; ai dè ổng dắt tui đi cả chặng dài năm sáu ngày đường trong chớp mắt như vầy.’
Nghe tới đó, người nhà mừng rỡ, nói:
‘Rõ ràng là cha của chúng tôi rồi, cả chục năm trước lên đường đi Huế rồi từ đó mất tích luôn. Chúng tôi không biết cha nằm đâu, hay là có ai chôn chưa. Nay đã biết nơi cha nằm, chúng tôi mang ơn ông không xiết.’
Rồi họ đem nhiều quà biếu Khá và dẫn ảnh đi bộ sáu ngày đường trở về, ở nhà vợ con ảnh tưởng đâu ảnh chết rồi chớ.
Motif F401.3.3. Tinh chó đen.
4. Ba con chó tinh
(Les chiens demons)
Ông bà kia có cô con cưng. Họ vô rừng kiếm cây cất cho cổ một cái buồng. Trong rừng có ba con chó mới cắn nhau chết: một con trắng, một con vàng, một con đen. Sau khi chết, ba con biến ra một cái cây nở bông đủ ba màu xanh, trắng, đỏ. Người cha thấy, nói: ‘Cây này đẹp ghê, cất buồng xong, mình bứng về trồng cho con nó ngó chơi.’ Nhưng khi kéo về thì cây bị nứt toác, nên họ xẻ cây làm bộ then cho cái buồng.
Mấy con chó tinh ở trong bộ then đó. Một con ngó thấy cô kia, nó hiện ra xáp vô ôm, cổ né tránh một hồi thì bị nó hớp hồn nằm ngay đơ, tỉnh dậy ngơ ngáo, ai làm chi cũng kệ. Người cha nghe lộn xộn trong buồng con gái, qua coi chuyện gì, cũng bị nó nhập vô, nằm một đống tới khi nó xuất ra mới tỉnh. Bởi vậy ổng hết dám vô buồng.
Sau có anh học trò lạc đường vô nhà đó xin trọ. Chủ nhà dòm bộ dạng anh này thấy hao hao giống con tinh trong nhà, nên không muốn tiếp. Ảnh nói:
‘Tui là người mà, chú đừng sợ.’
‘Thôi thôi, cậu nhập vô tui, tui không chứa đâu.’
‘Tui thiệt là học trò. Chú bị chuyện gì, nếu cần tui giúp một tay.’
Chủ nhà kể chuyện rồi dắt ảnh qua buồng cô con.
Như đã biết, trong bộ then có ba con chó tinh, thì con đen đang nằm ngang cửa, con trắng mang hình người bận đồ lịch sự đang ngồi kế cô kia. Thấy anh học trò bước vô, con đen la lên cho con trắng nghe:
‘Quới nhơn tới, chạy mau!’
Chúng vọt chạy, nhưng ảnh rút dao lia đứt cẳng một con, đưa chủ nhà coi. Ổng mừng húm, hậu tạ, ảnh không nhận tiền, mà xin bộ then cửa. Ổng cho, ảnh nhét vô dây lưng, cột chặt, lên đường.
Một hồi, ba con tinh thấy ngộp, năn nỉ anh học trò thả ra, đổi lại, chúng hứa cho ảnh một cái mặt trời, một cái mặt trăng và một con ngựa. Ảnh chịu, lấy bộ then ra, chúng giữ lời, cho đủ ba thứ.
Con ngựa chạy lẹ như chớp, sáng đưa anh học trò tới kinh để thi, tối đưa ảnh về nhà, vợ gặp mừng rơn. Ba má ảnh ở kế bên, đâu biết ảnh về, tưởng con dâu đưa thằng nào vô nhà. Sáng sau, khi anh học trò đã lên đường tới kinh, ổng bả qua hỏi, con dâu nói chồng về, họ chẳng tin. Nhưng chiều đó, thấy ảnh về, họ mới tin, hỏi làm sao lẹ vậy, ảnh nói:
‘Nhờ con ngựa thần nè ba má. Con nói nó đi đâu là trong chớp mắt tới nơi. Đợi thi xong con về.’
Ba của anh học trò leo lên ngựa, kêu nó đi Nam Vang, một lát quay về. Tới phiên má của ảnh, bả chọn không đúng lúc nên bả mới đụng vô mình con ngựa là nó hết phép, đứng im như tượng. Anh học trò thất kinh, thiếu con ngựa làm sao ảnh có mặt ở kinh đúng giờ thi. Ảnh lấy mặt trời ra cầm trong tay, bắt đầu bước đi. Vậy là ngày dừng lại lúc đó, ảnh kịp tới kinh trước khi hết giờ thi. Ảnh cất mặt trời vô túi, tức thì đêm sụp xuống.
Dù sao ảnh cũng đã tới trễ, nên [sau khi thi đậu] ảnh bị phạt bằng cách bổ đi làm quan làng nọ, mà ở đó hết thảy hương chức đều đã mất mạng vì tinh. Dân làng ra làm lễ đón quan, bọn tinh cũng [hiện hình người] kéo tới. Quan không nhận lễ vật của ai hết, rồi khi họ trở về, quan cho thám tử dò theo. Thám tử thấy một bọn đi tới cái giếng kia, rồi, lạ thay, từng đứa nhảy xuống giếng mất dạng. Biết được, quan cho lính đi vét cái giếng đó, nhưng rút bao nhiêu nước thì giếng đầy bấy nhiêu. Tới đêm, một người lính nằm mơ thấy bọn tinh hiện ra ghẹo:
‘Chừng nào tụi bây kêu được rồng về đây thì mới mong rút cạn giếng này nghe chưa!’
Bọn chúng không ngờ tên của quan là Long (rồng), nên sáng hôm sau khi quan đích thân đi vét giếng thì cái giếng sạch trơn, thấy dưới đáy có hai con rắn nằm chèo queo, chúng nói: ‘Xin quới nhơn tha mạng, tụi con sẽ đi nơi khác kiếm ăn.’ Quan tha, về sau làng hết bị tinh phá.
Motif J164. Trời cho biết điều hay.
5. Ngọc Hoàng và anh nghèo
(L’empereur céleste et le pauvre)
Xưa có anh kia nhà nghèo từ đời ông, đời cha cho tới đời ảnh, làm ai cũng buồn bực. Ảnh thắc mắc: ‘Người ta nói không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, mà sao chẳng trúng với mình?’ Nghe đồn Ngọc Hoàng ở trên một cái cồn giữa biển, ảnh quyết bụng đi tới đó hỏi ổng coi vì sao số ảnh như vậy và về sau sẽ ra sao.
Ảnh lên đường, khi túi cạn tiền thì gặp nhà của một người giàu, vô xin đồ ăn. Chủ nhà hỏi ảnh đi đâu, nghe xong, biết ảnh đang gặp khó, thì nói:
‘Qua sẽ đưa tiền cho em, nhưng qua có mối lo này nhờ em hỏi Ngọc Hoàng luôn. Số là qua luôn làm điều phải nhưng chẳng được Trời cho đứa con trai nào hết, có một con gái thì đã câm từ khi lọt lòng. Em hỏi giùm vì sao số qua hẩm hiu như vậy.’
Rồi chủ nhà đưa anh nghèo một số tiền làm lộ phí. Ảnh đi tới khi hết tiền vẫn chưa thấy cái cồn đâu. Ảnh vô một nhà giàu nữa xin giúp. Nhà này có cái vườn trồng ba chục năm, cây nào cây nấy cao lớn sum sê nhưng chẳng đơm ra trái gì hết. Chủ nhà nhờ ảnh hỏi vì sao có chuyện lạ này, và biếu ảnh số tiền còn thiếu.
Anh nghèo đi miết rồi cũng tới bờ biển. Chẳng biết cách chi ra cồn, ảnh đứng than thầm. Một con ba ba dưới nước trồi lên hỏi:
‘Chú em tính đi đâu đó?’
Ảnh kể chuyện nó nghe, nói luôn việc khó đang gặp. Ba ba nói:
‘Tui sẽ đưa chú em ra cồn, nhưng nhờ chú em hỏi chuyện của tui luôn. Số là tui đã tu một ngàn năm nay, mà sao vẫn y như cũ, chớ chưa đổi dạng.’
Anh nghèo chịu, leo lên lưng con ba ba để nó chở ra cồn.
Anh nghèo quỳ trước Ngọc Hoàng, nói:
‘Dạ thưa Ngọc Hoàng, con tới đây nhờ một con ba ba chở ra. Nó nhờ con hỏi ngài vì sao nó tu một ngàn năm nay mà vẫn là ba ba chớ chưa đổi dạng.’
Ngọc Hoàng đáp:
‘Con ba ba này, nó có cục ngọc quý, hễ nó chưa đưa cho ai thì không bao giờ đổi dạng mà là ba ba hoài.’
Anh nghèo nói:
‘Dạ thưa Ngọc Hoàng, còn ông kia nhà giàu, luôn làm điều phải mà sao chẳng có con trai, có một con gái thì đã câm từ khi lọt lòng.’
Ngọc Hoàng đáp:
‘Đứa con gái này, số nó lấy chồng trạng nguyên; chừng nào gặp mặt người nào sẽ làm chồng nó thì nó nói liền.’
Anh nghèo hỏi luôn chuyện ông nhà giàu thứ hai có vườn cây không kết trái. Ngọc Hoàng đáp:
‘Cái vườn này, dưới đất có chôn vàng bạc, chừng nào lấy hết vàng bạc ra thì cây mới kết trái.’
Anh nghèo biết mấy điều này, mừng lắm; rốt cuộc, ảnh tính hỏi chuyện riêng của mình thì Ngọc Hoàng nổi quạu. Ổng nói:
‘Ta đã lánh tới nơi vắng như vầy mà vẫn bị thiên hạ làm rầy!’
Ổng liền bay về trời, còn anh kia thì thấy mình đã rõ mọi điều mà người ta muốn biết nhưng vẫn chưa rõ cái điều mà chính mình muốn biết. Ảnh nghĩ số mình là vậy, nên đành quay về.
Con ba ba dưới nước trồi lên, hỏi anh nghèo làm xong việc chưa. Ảnh kể nó nghe lời Ngọc Hoàng nói. Con ba ba nhớ rằng chuyện nó có ngọc thì không ai biết, nên nó tin lời anh nghèo, và nhả cục ngọc ra, biếu cho ảnh để trả công, tức thì nó biến thành một người đàn ông, rồi đường ai nấy đi.
Tới nhà ông già có cái vườn cây không kết trái, anh nghèo kể lại lời Ngọc Hoàng nói. Họ liền đi tìm khắp vườn và thấy của quý [chôn dưới đất]. Chủ nhà tính cho ảnh hết trơn số đó, nhưng ảnh nhận phân nửa thôi. Có tiền rồi, ảnh ra sức học, sau đó mấy năm ảnh thi đậu trạng nguyên. Nhà vua cho ảnh vinh quy về quê. Khi ảnh và đoàn tùy tòng đi ngang nhà của người giàu thứ nhứt, ảnh ghé vô, kể ông này nghe cái điều mà ổng đã nhờ ảnh đi hỏi. Khi ảnh cho biết lời của Ngọc Hoàng, đứa con gái của ông giàu biết nói liền. Ổng nói đây là ý chỉ của Ngọc Hoàng nên gả con gái cho ảnh.
K1550. Người chồng trị tội đôi gian phu dâm phụ.
6. Chồng trả thù vợ
(Vengeance d’un mari)
Có anh kép đi diễn ở xa, để vợ ở nhà. Khi về, biết được vợ đã có bồ. Anh kép tìm đủ cách cho vợ thú nhận mà không xong. Ảnh giả đò đi xa chuyến nữa rồi thình lình quay về trong đêm.
Tên gian phu hoảng kinh chạy mất. Anh kép biểu vợ:
‘Tui không làm hại cô đâu, với điều kiện là cô hẹn thằng này lần nữa, biểu nó chặt một ngón tay rồi đưa tui.’
Hai tháng sau, anh kép giả đò đi xa, cô vợ hẹn với bồ. Nói hai ba câu, cổ hỏi y có thiệt lòng thương cổ không. Tên kia thề rằng có. Cổ nói:
‘Nếu anh muốn tui tin, thì chặt một ngón tay đưa tui.’
Tên kia [lấy răng] cắn đứt ngón tay, đưa cho cổ. Rồi bỏ về.
Khi anh chồng về, cô vợ đưa ngón tay đó ra. Anh chồng cả mừng, khen cổ giỏi, nhưng tới khuya thì giết cổ chết và nhét ngón tay đó vô miệng cổ.
Rồi ảnh la bài hải kêu làng xóm tới, nói rằng đang ngủ thì có một tên hung đồ cạy cửa vô nhà giết chết vợ ảnh. Hương quản tra xét, tìm ra tên gian phu có ngón tay bị đứt. Y bị giải lên huyện và bị xử tử.
M205. Không giữ lời hứa.
7. Người câu cá ở Ao Trời
(Le pêcheur de l’étang céleste)
Ở tỉnh Quảng Bình có một cái ao kêu bằng Ao Trời. Đi cả ngày mới giáp vòng. Ao sâu lắm, chẳng biết mấy trăm sải.
Ở làng Đông Hải có ông kia, số nghèo, làm nghề câu cá. Ổng hay câu ngoài biển, nhưng bữa nọ tính câu trong ao cho biết. Ổng tới đó từ sớm, câu một hồi chẳng được gì, vô bụi rậm ngồi nghỉ. Liếc ra phía ao, ổng thấy hai người phốp pháp ở dưới nước trồi lên, đội khăn, bận áo đỏ, tay hươi đao. Ổng hết hồn, nằm mọp trong bụi, làm thinh. Một hồi, hai người đó hụp xuống nước, thì thấy mười người nữa trồi lên, bận đồ đủ màu, tay cũng hươi đao, đi một vòng quanh ao, xong trở xuống nước.
Rồi ông thợ câu, lúc đó sợ xanh mặt, thấy ba chục cái ghe vẽ hình rồng từ dưới nước nổi lên, cùng một cái ghe nữa màu vàng, che lọng, cắm cờ, đứng trên đó là ba người chủ soái, bận đồ đỏ, tay cầm loa, ra lịnh cho những ghe kia. Vừa ca vừa chèo, họ tới bờ ao, đánh trống, phất cờ, khiêng ba cái kiệu lên. Ông thợ câu, núp trong bụi, không thấy rõ họ làm chuyện gì nên chui ra ngoài, thì đám chủ soái trên cái ghe màu vàng ngó thấy ổng và kêu lính tới bắt. Họ hỏi:
‘Ông tới đây hồi nào?’
Ổng thiệt thà nói:
‘Tui là thợ câu, xưa rày câu ngoài biển, chẳng hiểu ai xui khiến bữa nay tới đây; suốt buổi sáng chẳng câu được gì, rồi vô bụi đụt nắng. Tui thấy hai lần có mấy người phốp pháp mặt mày dị hợm ở dưới ao trồi lên, mà họ chẳng thấy tui. Tui sợ lắm, đâu dám ra mặt, nhưng thấy cảnh này lạ kỳ, nên mới chun ra coi cho biết. Mấy ngài làm ơn tha tội.’
Một người chủ soái nói:
‘Thôi được, tui cho ông về, nhưng ông phải há miệng nuốt lưỡi gươm này có hai đầu nhọn. Ông sẽ sống tới một trăm tuổi, nhưng đừng kể ai biết ông thấy chuyện gì ở đây. Nếu ông kể, lưỡi gươm sẽ đâm lủng mình ông lòi ra ngoài, và ông chết liền. Tui cũng cho ông một cái nồi đồng, mỗi ngày ba lần đổ nước vô là cơm tự có cho ông ăn, khỏi đi câu làm chi nữa cho mệt.’
Nói xong, người này ra lịnh chặt đầu đám lính canh vì tội lơ là.
Ông thợ câu về nhà. Từ đó, nhờ cái nồi, cả nhà ổng có cơm ăn hàng ngày. Ổng sống vậy tới chín mươi chín tuổi, chẳng dám kể ai biết chuyện mình đã gặp.
Ngày nọ, khi làm lễ cúng ông bà, có mặt cả nhà, ổng nghĩ rằng mình nay sống hơn chín chục tuổi là dai lắm rồi, chẳng lo điều chi, con cháu đầy đàn, thì còn mong sống lâu hơn nữa để làm gì. Cứ kể cho con cháu nghe, lỡ chết vì lưỡi gươm thì thôi. Vậy là ổng kể hết những điều trông thấy, kể xong chết ngắt. Từ đó, người ta coi Ao Trời là một nơi thiêng và kiêng chẳng ai dám tới đó câu cá.
Motif N121. Con người có mạng số trước khi sanh.
8. Người nghèo đi kiện Ngọc Hoàng
(Le pauvre qui porte plainte contre l’empereur céleste)
Có hai đứa nhỏ mang cùng họ, sanh cùng làng, cùng giờ, cùng ngày, cùng năm. Ba má hai đứa này nói dù giàu dù nghèo thì mạng số của hai đứa là giống nhau mới phải. Vậy mà [lớn lên] một đứa giàu lưu loát còn đứa kia nghèo sặc gạch.
Anh nghèo một phần buồn bã một phần bị ba má ngầy ngà nên quyết lòng đi kiện Ngọc Hoàng. Ảnh đi suốt chín chục ngày vẫn chưa tới cung Ngọc Hoàng. Lúc đó ảnh đang ở trên núi, bị muỗi bu chích. Ảnh chặt cây đốt lấy khói xua muỗi.
Ai dè trong mớ cây đang cháy có trầm hương và kỳ nam, nên khói bốc lên tỏa ra mùi thơm làm Ngọc Hoàng nghe thấy. Ngọc Hoàng sai Ông Địa đi coi chuyện gì dưới đó. Ông Địa gặp anh nghèo, hỏi sao đốt nhang, để sám hối hay làm gì đó. Anh kia nói:
‘Không. Tui đang muốn kiện Ngọc Hoàng, vì ổng thương ghét không đều, cho bạn tui giàu mà tui nghèo.’
Ông Địa nói:
‘Đừng nóng. Để ta tâu Ngọc Hoàng xin cho mi một trăm tuổi.’
‘Tui không cần một trăm tuổi mà nghèo sặc gạch. Tui cần ba chục tuổi thôi, miễn cho tui giàu.’
Ông Địa nói:
‘Được, để ta xin cho mi giàu.’
Anh kia nói:
‘Ông cho tui đi theo đặng kiện Ngọc Hoàng, lỡ ông xí gạt bỏ đi đâu thì làm sao tui biết đường lên trển.’
Ông Địa nổi dóa:
‘Số mi nghèo, Ngọc Hoàng định vậy rồi, nói láng cháng ta tâu Ngọc Hoàng để mi nghèo hơn nữa cho coi.’
Bị hăm, anh kia nắm tóc Ông Địa thoi mấy cái. Ông Địa thấy khó thoát, đành bỏ lại xác trong tay anh kia và xuất hồn bay lên gặp Ngọc Hoàng tâu lại cớ sự.
Ngọc Hoàng cho anh này giàu, Ông Địa trở xuống báo ảnh hay, nhưng ảnh không tin. Ông Địa nói:
‘Mi không tin, ta cắn ngón tay lấy máu ghi mấy chữ cho mi làm bằng. Nếu ta nói gạt, mi đốt đi để kiện lên Ngọc Hoàng.’
Anh này tin lời, trở về, thành người giàu có. Tới hai mươi chín tuồi, ảnh nhớ ra còn sống một năm nữa mà thôi. Ảnh bèn đem hết của cải đi bố thí. Tới lúc đã định, ảnh chết. May sao, những người mà ảnh đã từng cứu giúp, họ khấn cho ảnh dữ lắm, làm Ngọc Hoàng chạnh lòng. Bởi vậy Ngọc Hoàng cho ảnh sống tới một trăm tuổi mà vẫn giàu.
T510. Thọ thai dị thường.
9. Làm biếng gặp may
(La fortune d’un paresseux)
Một gã làm biếng nằm trên cái bè, một con cá nhảy lên bè. Gã làm biếng chụp cá, lấy móng tay cạo vảy, rồi không cần mất công đứng dậy múc nước, y đái ra nước để rửa cá, xong thảy trên bè phơi khô.
Một con quạ [bay xuống sớt] con cá khô bay đi, làm rớt trong vườn của cô công chúa. Lúc đó công chúa đi dạo trong vườn với tỳ nữ, chúng lượm con cá đưa công chúa, cổ kêu chúng nấu cho cổ ăn.
Ăn xong con cá, công chúa mang bầu. Vua cha hỏi sao có chuyện này, cổ nói:
‘Con đi dạo trong vườn với tỳ nữ, thấy con cá khô dưới đất, mới kêu tỳ nữ lượm nấu, con ăn xong thì chẳng biết phép lạ nào làm con có bầu.’
Nhà vua giam công chúa vô ngục, sau cổ sanh một thằng nhỏ. Nhà vua truyền gọi hết thảy đàn ông trong xứ tới cung để vua chọn chồng cho công chúa. Gã làm biếng thả bè tới trước cung. Thằng con của công chúa đứng trên lầu, dòm thấy y, tức thì mở miệng kêu cha ơi. Nhà vua truyền cho y vô cung, gả công chúa cho y. Thiệt là làm biếng mà có số sướng.
Truyền thuyết nhơn vật
Chuyện dưới đây nhắc tới Nguyễn Xí (1397–1465), vị danh tướng góp công lớn đánh bại quân nhà Minh lập ra trào Hậu Lê, được vua Lê Thái Tổ (1381–1433) ban cho họ vua và sau được vua Lê Thánh Tông (1442–1497) truy phong Cang quốc công năm 1484; quê ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, tỉnh Nghệ An; cha là Nguyễn Hội chết vì cọp năm 1405 (theo Wikipedia tiếng Việt, ‘Nguyễn Xí’, 13-Dec-2021). Tên huyện Chân Phúc từ trào Lê đã được đổi sang Chân Lộc từ thời nhà Tây Sơn và tới 1894 đổi thành Nghi Lộc cho tới nay (vansudia.net, 13-Dec-2021).
10. Cọp trả ơn
(Reconnaissance d’un tigre)
Về cuối trào nhà Trần, ở làng Trương Xá, huyện Chân Lộc, tỉnh Nghệ An, có nhà anh kia họ Nguyễn, làm nông, với một con trai còn nhỏ.
Ruộng ảnh thấp, nhiều cá. Ảnh đắp bờ, đặt lờ. Ruộng ở gần rừng. Ngày nọ một con cọp ra ruộng, tới mấy cái lờ moi cá ra ăn. Một con cá rô bự giãy mạnh, ghim xương trong họng con cọp. Cọp ta hết khạc ra rồi nuốt vô mà cũng không sao đẩy cái xương khỏi họng. Ráng sức một hồi, nó nằm lăn, rên rỉ. Anh kia [lúc gần sáng] ra ruộng thăm lờ, ban đầu chẳng biết đó là cái giống gì, đốt đuốc lên mới thấy một con cọp nằm xuôi xị coi bộ hiền khô.
Ảnh hỏi cọp sao rên, nó hả miệng, đặt bàn chưn vô. Ảnh nghi nó ăn trộm cá rồi bị hóc xương, nên nói:
‘Nếu mày bị mắc xương trong cổ họng thì gật đầu rồi tao tìm cách gỡ ra cho.’
Cọp gật đầu hai ba cái; anh kia chạy về nhà, kiếm lấy mớ rau má và cái mỏ chim cần cột, kêu thêm hai ba người nữa, đi ra nơi con cọp đang nghển cổ nằm. Ảnh vò rau má nhét vô họng cọp, lấy mỏ cần cột cào bên ngoài cổ họng nó hai ba lần. Xương trôi xuống bụng, con cọp nhẹ mình, nhảy cà tưng coi bộ mừng lắm.
Bốn năm ngày sau, chừng nửa đêm, anh kia nghe tiếng chưn rảo quanh nhà, sáng ra thấy dấu chưn cọp với một con heo bị bẻ giò, dường như của con cọp tha tới trả ơn cho ảnh.
Hai năm sau, một đêm nọ, anh kia đem lờ ra bờ nước, bỗng dưng té chết. Con cọp tha xác ảnh đem đi chôn vô cuộc đất công hầu. Tới sáng không thấy ảnh về, người nhà bắt đầu đi kiếm. Thấy dấu chưn cọp bên bờ nước, họ dõi theo tới chỗ con cọp chôn ảnh thì hết dấu. Họ thấy một ụ đất mới đắp, bươi ra thì thấy xác của ảnh, còn nguyên. Người con Nguyễn Nhựt của ảnh lấy xác cha về quàn vô hòm đem chôn chỗ khác.
Con cọp tới chỗ cái mồ mới, phá đi, tha cái xác băng qua ruộng lúa tới giồng Mô Nương, moi hố thiệt sâu chôn ảnh lần nữa. Rồi nó lấp đất cho bằng, không để lại dấu chi hết, sợ có ai biết làm hư việc của nó. Sáng sau, mối đùn đất thành một cái gò bên trên hố, nhờ vậy không ai tìm ra.
Song le, chỗ đó là mồ của một vị quốc công. Nguyễn Nhựt lớn lên nổi tiếng văn võ song toàn, góp công lớn sáng lập trào Hậu Lê và được phong tước Cang quốc công. Dòng dõi của ông này làm quan ba bốn trăm năm. Đó là nhờ cọp trả ơn vậy.
Nguồn Văn Chương Việt