Nỗi hối tiếc muộn màng của Alexandre Yersin

Huỳnh Duy Lộc

0 1,519

“Đà Lạt sẽ còn quyến rũ mọi người lâu dài. Dường như nó gieo niềm hoài nhớ cho cả một thế hệ trẻ Việt Nam, những người xem nó như một nơi chốn lãng mạn và thoát ly” (Eric T. Jennings).

Nhà văn Patrick Deville đã kể về giây phút bác sĩ Alexandre Yersin khám phá cao nguyên Lang Bian (lúc 15g30 ngày 21 tháng 6 năm 1893): “Trong hành trình lần thứ hai, sau khi trèo lên một ngọn núi tua tủa lá kim, một bình nguyên đầy cỏ xanh mở ra trước mặt mọi người, trải rộng đến tận chân trời, ở độ cao trên một nghìn mét, trong cái lạnh. Ở chính giữa là một dòng sông. Khung cảnh thật giống xứ Thụy Sĩ. Khi trở về, Yersin nhớ rằng “cảnh tượng gợi đến mặt biển đang cồn lên dưới một đợt sóng lừng uốn lượn màu xanh lục”. Anh phát hiện ra cao nguyên Lang Bian” (Dịch hạch & thổ tả” , chương “Một Livingstone mới”).

Khi sang Đông Dương làm toàn quyền từ năm 1897 tới năm 1902, Paul Doumer đã gặp gỡ và trở thành người bạn thân của Alexandre Yersin. Patrick Deville đã viết về dự án của Paul Doumer và sự hợp tác của Alexandre Yersin trong việc xây dựng khu an dưỡng trên cao nguyên Lang Bian: “Yersin phát hiện ra cao nguyên Lang Bian. Và 4 năm sau đó, Paul Doumer, toàn quyền mới nhậm chức, sau khi đọc bản báo cáo của Yersin, muốn đích thân đến đây để nhìn tận mắt. Doumer đang tìm cách xây tại Đông Dương một nơi nghỉ trên núi để đón tiếp các nhà thực dân mệt mỏi và mắc chứng sốt rét, một nhà an dưỡng và một khu liệu dưỡng viện. Hai người tiến hành việc lên đó, có một đội quân nhỏ đi theo…”

Địa điểm mà Yersin giới thiệu với Toàn quyền Paul Doumer để xây dựng khu an dưỡng là làng Đan Kia ở cực Bắc của cao nguyên Lang Bian, nhưng cuối cùng, địa điểm đã được chọn lựa lại là nơi có thành phố Đà Lạt hiện nay. GS Eric T. Jennings kể: “Lang Bian là một cao nguyên rộng lớn, xanh bát ngát. Theo sáng kiến của Yersin và Doumer, một nông trại kiểu mẫu, một trạm khí tượng và một tiền đồn quân sự đã được thiết lập trong vùng lân cận ngôi làng thiểu số Đan Kia, ở cực Bắc cao nguyên vào đầu tháng 10 năm 1897. Đây là địa điểm được dự định để xây dựng Lang Sa, trạm điều dưỡng đầu tiên mà Doumer đã hình dung. Trong khi đó, cách 13 km về phía Đông Nam, trên vùng dân cư thưa thớt nhất của cao nguyên, một ngôi nhà đơn độc đã được dựng lên trong cùng năm tại vị trí mang tên Dalat – nghĩa là “sông của người Lạch”, dân tộc thiểu số cư ngụ ở vùng này. Ngoài con suối, đặc trưng của địa điểm này là những khóm thông xinh đẹp. Năm 1899, đại úy Guynet, chỉ huy đội làm đường trên Lang Bian, báo cáo rằng Dalat và Lang Sa (tức Đan Kia) đã nối với nhau bằng một con đường khá tốt. Ông đã yêu cầu Toàn quyền Paul Doumer cấp những khoản tiền để cải thiện ngôi nhà duy nhất ở Dalat, để Paul Doumer có thể sớm đích thân ghé thăm nơi này. Guynet đã không cưỡng nổi sức hấp dẫn của địa điểm này và đã hỏi khéo rằng liệu Toàn quyển có chắc chắn là “muốn giữ Lang Sa làm điểm đặt trạm điều dưỡng hay không”.

Thực ra, một thành viên trong đội của Guynet là bác sĩ Tardiff đã đặt cược danh tiếng khoa học của mình vào việc Dalat nằm cao hơn và có nhiều gió mát và vệ sinh hơn Đan Kia. Trong khi đưa ra lập luận này – nhờ đó về sau ông được hưởng nhiều công trạng – Tardiff biết rõ mình đang thách thức một Yersin huyền thoại. Và vì uy tín của Yersin, Toàn quyền Paul Doumer đã phải đích thân viếng thăm Lang Bian vào năm 1900 để cuối cùng bác bỏ người khổng lồ của trường phái Pasteur về điểm này. Vào tháng 11 năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer thông báo với các quan chức địa phương rằng ông định làm một chuyến lưu trú dài ngày với gia đình ở Dalat. Ông ra lệnh xây dựng một số công trình bằng gỗ: 4 ngôi nhà tranh, một ngôi nhà 2 tầng và một ngôi nhà dài 52 mét có thể dùng làm một khách sạn tạm thời. Ông viết cho Bộ Thuộc địa vào ngày 24 tháng 1 năm 1901: “Dalat, vốn được phú cho khí hậu và sự lành mạnh vô song, đã dứt khoát được chọn làm trạm điều dưỡng tương lai…” (Đỉnh cao đế quốc – Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp, tr. 93, 94, 95).

Dù cao nguyên Lang Bian mà ông khám phá đã được chọn để xây dựng thành phố Dalat giống như một thành phố của châu Âu, Yersin vẫn có một nỗi hối tiếc nào đó như Patrick Deville đã viết trong chương “Ở Đà Lạt” của cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch & thổ tả”: “Rồi 40 năm sau, giữa thập kỷ 1930, 3 năm sau khi Doumer bị ám sát, Yersin vẫn còn sống, và nơi ấy đã trở thành Đà Lạt. Ven hồ, những biệt thự kiểu Normandie và Biarritz. Trên đồi, những nhà gỗ kiểu Savoie. Những khóm hoa tú cầu, kim liên và tử dương như ở Dinard. Một đường tàu có ray răng cưa leo lên vùng cao nguyên trước kia không người, đến một nhà ga, giống như nhà ga Pointe-Noire bên Congo, là bản sao của nhà ga Deauville. Viện Pasteur quản lý bệnh viện. Một tu viện được khánh thành, nơi các sơ sẽ hát kinh sáng và kinh ngợi ca, Tu viện Chim non, cùng một trường trung học cho hàng trăm học sinh, ngôi trường được ông già Yersin, người khám phá ra cao nguyên, chấp thuận cho mang tên mình.

Một bữa tiệc được ông Toàn quyền mới tổ chức, dưới vòm trần trang trí đá hoa cương của Lang Bian Palace ngay giữa trang viên trồng bách, thông và sam, thoai thoải chạy xuống bờ hồ. Hoàng đế Bảo Đại, có dinh thự mùa hè ngay bên cạnh, nơi thi thoảng ngài ngự mỗi khi không bận tới sòng bạc Monaco, nhân bữa tiệc trao cho ông già Yersin Long bội tinh của Nam triều. Khi trường trung học Yersin ở Đà Lạt được khánh thành, cái năm 1935 đó, Yersin đã 72 tuổi. Họ đi tìm rồi mời đến những người Mọi già từng gặp ông trong lần thám hiểm đó, khi ở đây mới chỉ có cỏ xanh và lũ thú săn. Yersin trông thật ngượng nghịu trong bộ comlê đen đeo dải Long bội tinh đỏ và vàng, phần nào cũng hơi rối trí vì không thể nói điều mình cảm thấy trong thâm tâm, trước mặt hoàng đế Bảo Đại và giới chức Pháp cùng An Nam đang tán tụng mình. Trước đây ông yêu quý vùng cao nguyên hơn. Làn cỏ xanh uốn lượn. Ông hơi tiếc vì đã khám phá nó, vì đã chỉ chỗ nó cho ông bạn Doumer của mình. Cao nguyên này lẽ ra phải để nó lại cho các tộc người miền núi. Ông đọc bài diễn văn cảm tạ ngài Toàn quyền và Hoàng đế Bảo Đại, nhưng trong lòng không nghĩ thế. Ông là như vậy, Yersin, ông ca ngợi sự tiến bộ khi nào ông là người thúc đẩy nó. Với tuổi tác, nỗi tiếc nhớ đã thắng thế trong ông. Dưới những chùm đèn pha lê, gần cây đàn piano, ông già đeo dải băng đỏ và vàng dõi cặp mắt xanh nhìn ra mặt nước hồ xanh. Một ảo ảnh thoáng qua về Morges và Nhà Cây Sung. Ông nhìn thấy lại Doumer đã chết vì mấy trò chính trị. Vào giữa những năm 1930 này, châu Âu lại lần nữa tiến gần tới chiến tranh. Ở đây, người ta làm ra vẻ không biết gì. Họ vỗ tay, nâng sâm banh trong tòa nhà điền viên kiến trúc Art-Déco vô tư lự dưới hàng thông. Trước đó, ông viết cho Calmette: “Tôi thấy Đà Lạt thay đổi quá và đang trở thành một thành phố thời thượng. Anh biết tôi khá đủ để hiểu rằng những cải tiến ấy, dù cần thiết, chẳng làm tôi thích thú.”

Ông thích Dankia hơn, ngôi làng người Mọi cách đó chừng chục cây số, “những ngọn đồi lớn trơ trọi giờ đã phủ cỏ xanh, rừng cuối chân trời, khi đứng trên đỉnh ngọn đồi cao nhất, phong cảnh đặc biệt làm tôi nhớ đến những vùng cỏ chăn nuôi ở núi Alpes và núi Jura”. Yersin nhớ lại, như một giấc mơ, lần đầu tiên ông băng qua cao nguyên Lang Bian hoang vắng, nhớ làn cỏ xanh cao hoang dại. Hồi ấy ông chưa đầy ba mươi…”

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Bác sĩ Alexandre Yersin, cao nguyên Lang Bian, thủ bút của Yersin trong nhật ký hành trình và Đan Kia

Leave A Reply

Your email address will not be published.