Rằm tháng bảy âm lịch, ngày Vu lan báo hiếu

TVN

0 490

Không chỉ có tại Việt Nam, Vu Lan là ngày của các nước Á Đông thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 7, với mục đích lễ tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tỏ lòng hiếu thuận với các bậc sinh thành.

Theo quan niệm của Phật giáo rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.

“Vu Lan” là danh từ gọi tắt của “Vu Lan Bồn”, tiếng Phạn là Ullambana. “Ullam” dịch là “treo ngược” (đảo huyền), dụ cho cái khổ của người chết như bị treo ngược, cực kỳ thống khổ. Chữ “bồn” tiếng Phạn là “bana”, dịch là “cứu giúp”. Như vậy “Vu Lan Bồn” là giải cứu tội bị treo ngược.

“Báo hiếu” là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Lễ Vu Lan của Phật giáo như chúng ta thấy ngày nay phát xuất từ thời Đức Phật. Bằng đại bi tâm, Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác.

Vu Lan báo hiếu trở thành một tục lệ gắn với Phật giáo và tâm thức dân gian, hình thành dựa trên truyền thống hiếu nghĩa của người Việt. Lễ thức cúng trong dịp Vu Lan bao gồm thực hành tại gia và tại chùa, lễ vật dâng cúng đơn giản, miễn sao thể hiện sự thành tâm là được.

Sự tương đồng của lễ Vu Lan trong triết học Phật giáo với đạo hiếu của người Việt Nam được thể hiện ở những nét sau: (1) đối với cha mẹ lúc còn sống phận làm con phải biết kính trọng đối với đấng sinh thành. Lúc còn nhỏ phải vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học hành, giúp cha mẹ những công việc vừa sức, lớn lên phải biết phụng dưỡng cha mẹ. (2) khi cha mẹ không còn phải biết nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục bằng cách sống tốt ở đời và tưởng nhớ đến cha mẹ bằng cách thờ cúng. Trong cuộc sống mỗi con người chúng ta không chỉ biết ơn những người đang cưu mang mình mà còn phải tưởng nhớ công ơn của những người đã khuất, từ những đấng sinh thành từ vô lượng kiếp đến những người có công vì nước, vì dân đã hy sinh đền nợ nước, những đồng bào tử nạn, những oan hồn không có người cúng tế chịu nhiều đau khổ nơi địa ngục.

Leave A Reply

Your email address will not be published.