Rue Catinat – Con Đường Xưa Sang Trọng bậc nhất Sài Gòn

TVN

0 223

Rue Catinat – Tự Do – dù chỉ dài 630 mét nhưng đây là 630 mét vàng ngọc. Bắt đầu từ bờ sông Sài Gòn tại vị trí giao cắt với đường Tôn Đức Thắng, băng qua công viên Chi Lăng, công trường Lam Sơn, rồi kết thúc ở công trường Công xã Paris trước Nhà thờ chính tòa Đức bà Sài Gòn.

Những năm 60 của thế kỉ XIX, con đường này được biết đến nhiều là vì ngay đầu đường tiếp giáp với bờ sông Sài Gòn, là nơi vua nhà Nguyễn thường xuyên đến chơi và tắm (nên được gọi là Bến Ngự).

Theo nhiều tư liệu thì “Rue Catinat” được xem là con đường xưa và nổi tiếng nhất Sài Gòn. Đây cũng là con đường đầu tiên được thiết lập khi Pháp quy hoạch lại thành phố sau khi chiếm được và phá thành Sài Gòn. Còn được gọi là “Rue no. 16” lúc ban đầu cho đến khi là con đường được tráng nhựa đầu tiên, “Rue Catinat” nhanh chóng trở thành trung tâm sinh hoạt thương mại của thành phố.

Sau khi các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng (đường xá, xe lửa), công sở, cơ quan hành chánh và thương mại được thống đốc dân sự Le Myre de Vilers (1879 – 1883) năng động khởi công và thúc đẩy hoàn thành, Sài Gòn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau hơn 35 năm bị Pháp chiếm đóng, đã trở thành một thành phố có cảnh quan được quy hoạch hài hòa, kiến trúc khu trung tâm có nhiều nét tương đồng các thành phố ở châu Âu. Thậm chí, các du khách đến từ Âu châu và Viễn Đông (chỉ các nước Đông Á) đã có cảm nhận chung Sài Gòn là “Perle de l’Orient” đối với người Pháp, hay “Paris of the East” đối với các du khách từ các quốc gia hay thuộc địa nói tiếng Anh trong vùng Viễn Đông.

Con đường này được Đề đốc De La Grandière đặt tên là Catinat, theo tên một thống chế người Pháp phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Năm 1954, Rue Catinat được đổi tên thành đường Tự Do. Sau năm 1975 thì được đổi tên thành Đồng Khởi như ngày nay.

Trong quyển “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” (NXB. Đinh Thái Sơn, Sài Gòn, 1909), nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam thời Pháp thuộc Nguyễn Liên Phong đã mô tả đoạn đầu đường Catinat (sau đổi tên thành Tự Do, và Đồng Khởi ngày nay) vào đầu thế kỷ 20 như sau:

“Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
..Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dều phô trương
Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương [đan]
Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi
..Nhà in, nhà thuộc, nhà chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son”.

Một trong những tác giả Pháp đầu tiên là Pallu de la Barrière đã miêu tả con đường số 16 này vào năm 1861 như sau: “Du khách đến Sài Gòn nhìn thấy bên hữu ngạn con sông một loại đường phố mà hai bên bị đứt quãng bởi những khoảng trống lớn. Phần lớn nhà cửa làm bằng cây lợp lá cọ ngắn; số khác ít hơn, làm bằng đá. Mái nhà lợp bằng ngói đỏ làm vui mắt và tạo được cảm giác yên bình…”.

Trong một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Ludovic Crespin (có cửa tiệm “Photo Studio” ở số 136 đường Catinat) được cho là chụp vào khoảng cuối thập niên 1910 và đầu 1920, phía trái hình là hai tiệm đổi tiền của ba người Ấn (mà người Pháp gọi là “malabar”), số 1 đường Catinat của ông Mougamadou Abdoullah (1909), ông Mougamadou Oussaine (1910) và số 1bis của ông Mougamade Abdoullah (3) (theo niên giám Đông Dương 1909, 1910).

Ngôi nhà số 1 Catinat sau đó bị phá bỏ để xây dựng khách sạn Majestic. Khách sạn Majestic được xây dựng bởi công ty thuộc quyền sở hữu của thương gia người Việt gốc Hoa giàu có bậc nhất miền Nam Việt Nam thời bấy giờ là Hui Bon Hoa (hay còn gọi là Chú Hỏa).

Sài Gòn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau hơn 35 năm bị Pháp chiếm đóng, đã trở thành một thành phố có cảnh quan được quy hoạch hài hòa, kiến trúc khu trung tâm có nhiều nét tương đồng các thành phố ở châu Âu. Thậm chí, các du khách đến từ Âu châu và Viễn Đông (chỉ các nước Đông Á) đã có cảm nhận chung Sài Gòn là “Perle de l’Orient” đối với người Pháp, hay “Paris of the East” đối với các du khách từ các quốc gia hay thuộc địa nói tiếng Anh trong vùng Viễn Đông.

Leave A Reply

Your email address will not be published.