Thành Sư tử, kiệt tác giữa rừng rậm Sri Lanka

TVN

0 533

Sigiriya là khu phế tích của một cung điện, đồng thời là cổ thành xây dựng trên một núi đá hình sư tử (cao 370 m) dưới triều đại vua Kassapa I (477 – 495), được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1982. Sigiriya (hay còn gọi là núi sư tử) tọa lạc tại miền trung Matale của Srilanka .

Nằm trên một phiến đá nhô ra đáng kể trong những khu rừng ở trung tâm Sri Lanka, Sigiriya vẫn hiện ra hùng vĩ như khi nó được xây dựng lần đầu bởi một vị vua tàn bạo khét tiếng hồi thế kỷ thứ năm sau Công nguyên. Còn có tên gọi là pháo đài sư tử, được tiếp cận bằng lối đi cắt vào mặt đá giữa một đôi chân sư tử khổng lồ.

Theo thời gian, pháo đài sau đó đã bị rừng cây nuốt chửng, đường vào chỉ còn quen thuộc với dân làng địa phương. Tuy nhiên những người ở bên ngoài vẫn biết đến tên tuổi pháo đài nhờ những văn bản Phật giáo cổ xưa. Các nhà sử học người Anh đã tìm theo tung tích Sigiriya từ những văn bản lịch sử, và khám phá lại những công trình kiến trúc, những bức bích họa và toàn bộ pháo đài này vào thế kỷ 19.

Năm 477, Kashyapa I chiếm lấy ngai vàng sau khi sát hại vua cha Dhatusena. Kashyapa Io sợ bị người thừa kế chính danh Moggallana tấn công nên quyết định dời đô từ Anuradhapura về pháo đài Sigiriya. Sau khi vua Kashyapa I qua đời, những cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ vương triều Moriya và sự xâm lược của người Ấn Độ khiến “pháo đài sư tử” dần trở nên hoang phế.

Năm 1827, một sĩ quan người Scotland, Jonathan Forbes, trở thành bạn với Turnour, sau khi nghe câu chuyện về Kashyapa và cung điện, ông đã quyết định đi tìm nó. Năm 1831, ông khởi hành đến nơi người dân địa phương nói với ông rằng ông sẽ tìm thấy tàn tích của một thành phố cổ.

Hồi ký của ông mô tả “tàn tích này nằm trong một khu rừng rộng xa của đồng bằng xung quanh. Khi đến gần, có thể thấy các bệ và phòng trưng bày được chạm khắc vào đá. Hai người trong nhóm của chúng tôi đã cố gắng khai mở một số con đường, nhưng đá bị bật ra và rơi vào giữa những tán cây ở độ sâu lớn bên dưới”. Và vì không chắc liệu mình có tìm thấy Sigiriya được đề cập trong các văn bản Phật giáo hay không, Forbes đã từ bỏ chuyến thám hiểm.

Những người leo núi người Anh cuối cùng đã thực sự khám phá ra nơi này năm 1851 bởi nhiệm vụ khảo sát của Harry CP Bell. Cuộc khảo sát của ông vào cuối thế kỷ 19 đã hình thành cơ sở cho tất cả các nghiên cứu kể từ đó.

Bell đã tỉ mỉ xác định cách bố trí của thành phố Kashyapa cũng như chi tiết chạm khắc tuyệt đẹp trên bàn chân sư tử ở lối vào, điều mà Forbes không thể nhìn thấy.

Sigiriya là tác phẩm nghệ thuật kết hợp giữa quy hoạch đô thị cổ đại, cảnh quan thiên nhiên và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. “Pháo đài sư tử” được chia thành hai phần: Khu vực phía tây có diện tích 90 ha, được bao quanh bởi ba thành lũy và hai hào, tạo thành khuôn viên hình chữ nhật với các khu vườn và hệ thống thủy lực phức tạp; cung điện hoàng gia và đền đài tổ chức nghi lễ tọa lạc tại khu vực phía đông có diện tích 40 ha.

Ngày nay, du khách có thể đi dọc theo con đường trung tâm để đến lối vào chính của Sigiriya, tượng sư tử đang cúi mình được chạm khắc tuyệt đẹp. Khi leo lên 1.200 bậc thang dẫn đến Pháo đài, khách du lịch còn được ngắm nhìn 1.800 tác phẩm văn xuôi, bài thơ được viết bằng tiếng Sinhala, tiếng Phạn (Sanskrit) và tiếng Tamil trên Bức tường Gương (hay Sigiriya Graffiti), thể hiện sự phát triển về ngôn ngữ ở Sri Lanka trong suốt 800 năm. Đặc biệt, 21 bức bích họa tráng lệ mô tả điệu múa của apsara (thần nữ), cung nữ của nhà vua đang cài hoa… là những di sản nghệ thuật có giá trị cao nhất tại “thành sư tử”

Leave A Reply

Your email address will not be published.