“The Tao of Physics” (Đạo của vật lý) của Fritjof Capra

Huỳnh Duy Lộc

0 731

Fritjof Capra sinh ngày 1 tháng 2 năm 1939 tại thủ đô Vienna của Áo, theo học Đại học Vienna và có bằng tiến sĩ vật lý lý thuyết vào năm 1966. Ông chủ trì các công trình nghiên cứu về vật lý phân tử và lý thuyết vật lý ở Đại học Paris (từ năm 1966 đến năm 1968), Đại học Santa Cruz, California (từ năm 1969 đến năm 1970), Stanford Linear Accelerator Center (1970), Imperial College tại London (từ năm 1971 đến năm 1974) và Phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley (từ năm 1975 đến năm 1988). Khi làm việc ở Phòng thí nghiệm Berkeley, ông là thành viên của nhóm nghiên cứu vật lý Fundamental Fysiks Group do Elizabeth Rauscher và George Weissmann lập ra vào năm 1975 để gặp gỡ và thảo luận về những vấn đề triết học và vật lý lượng tử.

Ông đã viết nhiều cuốn sách phổ cập kiến thức khoa học như tác phẩm “The Tao of Physics – An Exploration of the Parallels Between Modern Physics and Eastern Mysticism” (Đạo của vật lý – Khảo sát những điểm tương đồng giữa vật lý học hiện đại và huyền học phương Đông) và sau khi đi một vòng nước Đức, đã viết chung với nữ chuyên gia bảo vệ môi trường Charlene Spretnak tác phẩm “Green Politics” (Chính sách Xanh) và những tác phẩm như “The Turning Point: Science, Society, and the Rising Culture” (1982), “Belonging to the Universe: Explorations on the Frontiers of Science and Spirituality” (1993), “The Web of Life: A New Scientific Understanding of Living Systems” (1996).

“The Tao of Physics – An Exploration of the Parallels Between Modern Physics and Eastern Mysticism”, tác phẩm đầu tay của ông, nêu ra những điểm tương đồng lạ lùng giữa kinh Veda của Ấn Độ và huyền học phương Đông với những phát kiến của vật lý học thế kỷ 20, thoạt đầu được một nhà xuất bản nhỏ in, nhưng đã nhanh chóng nổi tiếng và trở thành một cuốn sách bán rất chạy, được một nhà xuất bản lớn của Mỹ tái bản, rồi được dịch ra 23 thứ tiếng và ấn hành 43 lần ở nhiều nước.

Bản pdf “The Tao of Physics”: http://hinduonline.co/…/SmallBooks/TheTaoofPhysicsEng.pdf

Trong tác phẩm “The Tao of physics, an exploration of the parallels between modern physics and Eastern mysticism” (in lần đầu năm 1975), Fritjop Capra đã giải thích tường tận khái niệm “ảo giác” (Maya) và “nghiệp” (karma) để lý giải vì sao mục tiêu tối hậu của những người theo Ấn Độ giáo là sự giải thoát (mokhsa): “Maya” (ảo giác) không có nghĩa là thế giới là một ảo giác như nhiều người lầm tưởng. Ảo giác chỉ nằm trong cách nhìn của chúng ta, khi chúng ta lầm tưởng rằng những hình dạng và cơ cấu, những sự vật và những biến cố quanh chúng ta là thực tại thay vì nhận thức rằng chúng chỉ là khái niệm do đầu óc đo lường và phân biệt của chúng ta tạo ra. Maya là ảo giác khi lầm tưởng khái niệm là thực tại, lầm tưởng bản đồ một vùng đất là bản thân vùng đất ấy. Theo quan niệm của Ấn Độ giáo thì trong thiên nhiên, tất cả mọi hình dạng đều tương đối, đang trôi chảy, đang thay đổi, do nhà đại huyễn thuật của trò chơi thiêng liêng nói trên bày ra. Thế giới của chúng ta thay đổi vì “trò chơi” đó là một trò năng động có nhịp điệu. Sức mạnh năng động của trò chơi là “Karma” (nghiệp lực), một khái niệm quan trọng khác của tư tưởng Ấn Độ. Nghiệp có nghĩa là hành động. Nó là nguyên lý động của trò thay đổi, là vũ trụ đang vận hành, nơi mọi thứ đều liên hệ với nhau trong sự vận động. Kinh Bhagavad Gita cho biết: “Nghiệp là sức mạnh của sự sáng tạo, từ đó tất cả mọi vật đều sống”.

Ý nghĩa của nghiệp (Karma) cũng như ảo giác (Maya) được đưa từ bình diện nguyên thủy của vũ trụ xuống bình diện con người, nơi nó mang một ý nghĩa tâm lý. Bao lâu thế giới quan của chúng ta còn bị phân tán và bấy lâu chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi ảo giác và nghĩ rằng mình hiện hữu tách rời khỏi thế giới và có thể hành động độc lập thì bấy lâu chúng ta còn bị nghiệp trói buộc. Thoát khỏi nghiệp chính là nhận thức được sự nhất thể và đồng điệu của toàn bộ thiên nhiên, trong đó có bản thân chúng ta, và có hành động tương xứng. Kinh Bhagavad Gita nói rõ: “Tất cả mọi hành động xảy ra trong thời gian dựa trên sự liên hệ của các thế lực của thiên nhiên, nhưng con người chìm đắm trong sự vô minh cứ tưởng mình là người thực hiện. Nhưng người đã biết rõ mối liên hệ giữa các thế lực của thiên nhiên và những hành động của mình, tác động của thế lực này trên thế lực khác, sẽ không trở thành nô lệ của chúng nữa.

Muốn thoát khỏi ảo giác, thoát khỏi sự ràng buộc của nghiệp, chúng ta phải nhận thức rằng tất cả những gì do giác quan mang lại chỉ là những mặt của một thực tại duy nhất. Điều đó có nghĩa là cần một sự thể nghiệm cá nhân để biết rằng tất cả, kể cả bản ngã của chúng ta, đều là Brahman. Sự thể nghiệm này được gọi là “moksha” (sự giải thoát), điều cốt tuỷ của Ấn Độ giáo…” (The Tao of physics, tr. 100, 101)

Phật giáo hình thành trong bối cảnh văn hóa, tư tưởng của Ấn Độ, cũng tiếp thu những khái niệm cơ bản của Ấn Độ giáo như “Maya”, “karma” và “mokhsa” và mục tiêu của những người theo giáo pháp của Đức Phật cũng là thoát khỏi “trò chơi năng động” (Maya), nhưng được gọi bằng một cái tên khác là “vòng luân hồi sinh tử”. Fritjof Capra cho rằng Phật giáo là một liệu pháp tâm lý hơn là một tôn giáo: “Đức Phật không quan tâm tới việc thỏa mãn sự hiếu kỳ của con người về nguồn gốc của thế giới, bản chất của thần linh hay những vấn đề tương tự. Ngài chỉ quan tâm tới hoàn cảnh của con người, nỗi khổ và nỗi thất vọng của con người. Vì vậy, giáo thuyết của Ngài không phải là một học thuyết siêu hình học mà là một liệu pháp tâm lý. Ngài vạch rõ nguồn gốc của những nỗi khổ của con người và chỉ ra con đường để vượt qua những nỗi khổ ấy, tiếp thu với mục đích ấy những khái niệm truyền thống của Ấn Độ như maya (ảo giác), nghiệp (karma), Niết bàn (Nirvana) và mang lại một cách lý giải mới mẻ, sinh động và gây ấn tượng mạnh mẽ…

Đức Phật không khai triển giáo thuyết của Ngài thành một hệ thống triết học mạch lạc, mà chỉ coi nó như một phương tiện để đạt tới sự giác ngộ. Những nhận định của Ngài về thế giới chỉ nhằm nhấn mạnh tính chất vô thường của mọi vật. Ngài nhấn mạnh vào tự do đối với uy quyền tâm linh, kể cả uy quyền của chính Ngài, và nói rằng Ngài chỉ là người chỉ ra con đường để thành Phật và mỗi người sẽ tự quyết định mình có đi theo con đường ấy đến cùng hay không bằng những nỗ lực của chính mình. Những lời nói cuối cùng của Ngài trước khi nhập diệt thể hiện rõ nhất quan điểm và thái độ của Ngài với tư cách là một bậc đạo sư: “Mọi vật thể, hiện tượng trên thế gian này đều chuyển biến, vô thường. Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình… Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa vào một cái gì khác….” (The Tao of physics , tr.103, 108).

Tứ diệu đế

“Giống như bấy lâu nay trong huyền học phương Đông, trí tuệ chỉ được coi như một phương tiện để dọn đường cho kinh nghiệm thần bí có tính chất trực tiếp, điều mà các Phật tử gọi là “giác ngộ”. Điều cốt yếu của kinh nghiệm này là sự vượt qua thế giới của những sai biệt và những mâu thuẫn để đạt tới cảnh giới của những điều bất khả tư nghì (acintya), những điều không thể tư duy được, nơi mà thực tại hiển hiện như một thực thể không có sai biệt. Đó chính là điều Siddharta Gautama đã có được vào một đêm nọ sau 7 năm suy niệm ở trong rừng theo một kỷ luật tinh thần rất khắt khe. Khi đang chìm đắm trong những suy niệm dưới gốc cây bồ đề – thường gọi là Cây Giác Ngộ – Ngài bỗng đạt được điều mình đang hướng tới qua tất cả những tìm tòi và những mối hoài nghi trong một sự giác ngộ trọn vẹn và phi thường đã biến Ngài thành Phật, hay còn gọi là “Đấng Giác ngộ”. Đối với các nước phương Đông, hình ảnh Đức Phật đang suy niệm cũng có ý nghĩa sâu sắc giống như hình ảnh Chúa Jesus bị đóng đinh đối với các nước phương Tây, mang lại nguồn cảm hứng để cho biết bao nghệ sĩ châu Á tạc những bức tượng Phật ngồi trầm tư.

Theo truyền thống của Phật giáo, Đức Phật đã đến vườn Lộc Uyển (Vườn Nai) ở Benares ngay sau khi giác ngộ để giảng pháp cho những tu sĩ ẩn dật từng là bạn đồng hành của Ngài. Ngài trình bày giáo pháp của mình dưới hình thức 4 chân lý nhiệm mầu (tứ diệu đế), một hình thái trình bày giáo pháp không khác lắm với nhận định của một người thầy thuốc đã nhận ra nguyên do của căn bệnh của nhân loại, khẳng định rằng căn bệnh này có thể chữa khỏi và đưa ra phương thuốc.

Diệu đế thứ nhất xác định đặc điểm nổi bật của thân phận con người là dukkha, nghĩa là sự đau khổ hay sự thất vọng. Sự thất vọng này phát sinh do chúng ta không muốn đối mặt với thực tại căn bản của đời sống là mọi vật chung quanh chúng ta đều vô thường và có tính chất tạm bợ. Đức Phật nói: “Tất cả các pháp đều vô thường” và ý niệm về dòng chảy và sự biến đổi là những ý niệm cơ bản của Phật giáo. Theo quan điểm này của Phật giáo, đau khổ phát sinh mỗi khi chúng ta cưỡng lại dòng chảy của cuộc sống và tìm cách bám víu vào những hình thái cố định vốn chỉ là những ảo giác (maya), dù đó là những sự vật, những sự kiện hay những con người. Học thuyết về vô thường này cũng bao hàm cả ý niệm vô ngã, nghĩa là không có một cái ngã thường hằng phía sau tất cả những kinh nghiệm của chúng ta. Phật giáo cho rằng ý niệm về một bản ngã riêng biệt là một ảo tưởng giống như mọi ảo giác (maya) khác, nghĩa là một ý niệm tâm linh hoàn toàn trống rỗng. Bám víu vào ý niệm này sẽ dẫn tới sự thất vọng như khi chúng ta bị ràng buộc bởi những hình thái cứng nhắc khác của tư tưởng.

Diệu đế thứ hai nói về nguyên nhân (trishna) của mọi nỗi khổ: đó là sự bám víu hay sự trói buộc. Đó là vì vô minh mà bám víu lấy cuộc sống vốn là điều bất khả tư nghì (avidya). Vô minh khiến chúng ta phân chia thế giới này thành những cá thể riêng biệt, những sự vật riêng biệt và cố gắng gò ép dòng chảy của cuộc sống vào những phạm trù cố định do trí óc tạo ra. Chừng nào sự vô minh này vẫn còn, chúng ta vẫn còn trải nghiệm hết sự thất vọng này đến sự thất vọng khác. Khi cố gắng bám víu vào những sự vật mà chúng ta cho là vững bền, nhưng về thực chất lại vô thường và thay đổi không ngừng, chúng ta bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn trong đó một hành động này làm phát sinh một hành động khác, và mỗi câu trả lời cho câu hỏi này lại làm phát sinh một câu hỏi khác. Phật giáo gọi cái vòng lẩn quẩn này là luân hồi (samsara), hay vòng sinh tử bị chi phối bởi nghiệp (karma), một chuỗi nhân quả không bao giờ có điểm kết thúc.

Diệu đế thứ ba cho rằng có thể chấm dứt đau khổ và sự thất vọng. Người ta có thể vượt qua vòng lẩn quẩn của luân hồi, thoát ra khỏi sự trói buộc của nghiệp và đạt tới trạng thái giải thoát hoàn toàn gọi là Niết bàn (Nirvana). Trong trạng thái này, những ý niệm sai lạc về cái ngã riêng biệt đã biến mất vĩnh viễn và sự thuần nhất của cuộc sống trở thành một cảm nghiệm thường trực. Niết bàn là ý niệm có ý nghĩa giống như ý niệm “giải thoát’ (moksha) trong triết học Ấn Độ, biểu thị một trạng thái tinh thần ở bên kia mọi khái niệm của trí năng nên thách thức mọi sự mô tả. Đạt tới Niết bàn có nghĩa là đạt được sự giác ngộ và thành Phật.

Diệu đế thứ tư là cách Đức Phật mô tả sự chấm dứt mọi đau khổ, gọi là Bát chánh đạo hay sự tự hoàn thiện bản thân để thành Phật. Hai bước đầu tiên của con đường này là nhìn đúng và biết đúng, nghĩa là có cái nhìn đúng về thân phận con người và đó là điểm xuất phát cần thiết. 4 bước tiếp theo liên quan tới hành động đúng. Những bước này đề ra những nguyên tắc của lối sống của người theo Phật giáo vốn được coi là con đường giữa (trung đạo) hai thái cực. 2 bước cuối cùng liên quan tới sự thức tỉnh và sự suy niệm đúng đắn, mô tả phần nào kinh nghiệm thần bí được cho là mục tiêu tối thượng”. (“The Tao of physics”, Fritjof Capra, tr. 33, 34)

Bản dịch khác của Nguyễn Tường Bách: https://www.niemphat.vn/…/dao-cua-vat-ly-nguyen-tuong…

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.