Thử nhận diện Chợ Lớn di sản

Phạm Hoàng Quân

0 145

Sài Gòn – Chợ Lớn. Cụm danh từ này không chỉ là tên địa danh mà còn ám chỉ một không gian và vùng đất phát triển nhất ở miền Nam của những thế kỷ trước. Nếu như Sài Gòn hiện trở thành trung tâm hành chính với nhịp sống ngày càng công nghiệp, Chợ Lớn vẫn còn lưu giữ dấu ấn của một thời là tập hợp những cái chợ trong vùng, trong đó cái mới chồng lấn lên hoặc hoà nhập vào cái cũ để phát triển theo thời gian…

CHỢ LỚN Ở ĐÂU?
Trong bài Gia Định vịnh do Trương Vĩnh Ký chép/in năm 1882 có câu:

Trong Chợ Lớn thinh thinh

Góp nhóp đủ loài rừng vật biển…

Và ông chú thích thêm: Chợ Lớn là chợ tại huyện Tân Long trong toà phủ Tân Bình, ở đó bán đủ đồ, nhiều món ngon vật lạ (NXB Trẻ, 1997, tr.22).

Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã miêu tả vùng Chợ Lớn như một không gian phố thị chứ chưa xác định cụ thể vị trí cái chợ. Trên hầu hết các bản đồ Gia Định – Sài Gòn – Chợ Lớn xưa, vị trí ngôi chợ không được xác định cụ thể. Trương Vĩnh Ký là người đề cập vấn đề này khá sớm, trong sách Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (1885) có đoạn: “Thực sự, Chợ Lớn xưa nằm ở nền đất chợ Rẫy bây giờ. Địa phận nằm ở giữa đường Marins (Trần Hưng Đạo) với rạch Chợ Lớn, là nơi cư trú của người Minh Hương…/Le Chợ-Lớn (Grand marché) proprement dit se trouvait à l’emplacement du Chợ-Rẫy d’aujour d’hui. La partic comprise entre la rue des Marins jusqu’à l’arroyoy de Chợ-Lớn, était habitée par des Minh-Hương (NXB Trẻ – 1997. Nguyễn Đình Đầu dịch, tr.25, nguyên văn tr.70)”. Rất tiếc là Trương Vĩnh Ký không cho biết thêm một thông tin nào về chợ Rẫy (cái chợ mang tên Rẫy) nên qua đoạn văn trên, người đọc cũng khó mà biết nền cũ Chợ Lớn, chỉ biết rằng, vào năm 1885 ngôi chợ Lớn xưa đã không còn. Sự liên đới giữa cái chợ Lớn và cái chợ Rẫy cũng khá lý thú trong việc tìm tòi. Năm 1900, xây dựng xong bệnh viện Chợ Rẫy (ngày nay), người Pháp đặt tên nó là “Hôpital Municipal de Cholon”, sau năm 1919 lại đổi tên nhiều lần. Tuy nhiên, người dân trong vùng cứ quyết gọi là nhà thương Chợ Rẫy, cho đến nay thì đã thành tên chính thức (việc tìm hiểu xem chợ Rẫy ở đâu phải tạm gác lại, vì trước mắt các bộ sách lớn viết về Sài Gòn hiện nay như Từ điển Sài Gòn. Thành phố Hồ Chí Minh – 2008 và 100 câu hỏi đáp về địa lý Gia Định – Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh – 2007 đều né mục từ chợ Rẫy, mặc dù đó là một ngôi chợ thực tế đã thành danh).

Năm 1906, người Pháp soạn/in quyển Annuaire Administratif de l’Indochine/Đông dương hành chánh niên giám, ông Nguyễn Bá Trác đã dịch sách này ra chữ Hán (bản chép tay – thư viện KHXH TP.HCM – ký hiệu Hnv-206), trong phần Địa dư, mục viết về Chợ Lớn thành phố có đoạn: “Toàn thành hữu tứ đại thị viết Trung thị, Ngư thị tại Hội hợp Kinh thượng, viết Bình Tây thị, viết Đệ Cửu hộ thị/Toàn thành phố có 4 cái chợ lớn, là chợ Trung (tâm), chợ cá ở trên bờ kinh Hội Hợp, chợ Bình Tây và chợ số 9”. Đoạn văn này xác định được vị trí hai chợ, một là chợ Trung tâm, lớn nhất trong bốn cái chợ lớn, cũng là chợ Lớn, trên bờ kinh Hội Hợp, tức nay là các đường Vạn Kiếp, Mạc Cửu và một đoạn đường Châu Văn Liêm. Cũng nên biết thêm là tên Mạc Cửu mới được đặt vào năm 1954. Trước đó, hồi thời thuộc Pháp đường mang tên Rue des Marché (đường Chợ) [viết đúng phải là Rue du Marché – manhhai chú thích thêm ]. Con đường này, hẳn nhiên, vì gần chợ hoặc nằm trong chợ nên dân chúng gọi là đường chợ, người Pháp nhân đó dịch sang Pháp ngữ, ngày nay còn có thể thấy ngôi nhà số 38 đường Mạc Cửu, trên trán nhà (lầu 1) còn 3 chữ An Long hiệu ẩn hiện lờ mờ.

Chợ được nêu kế tiếp là chợ Cá. Theo ghi nhận của Đông dương hành chánh niên giám thì chợ này cùng nằm trên bờ kinh Hội Hợp, tức gần chợ Trung tâm vừa nêu, có lẽ sau này chợ Cá được chuyển đến đường Nguyễn Tri Phương (Địa chí Văn hoá quận 5 – 2000, nêu giả thuyết này). Chợ Bình Tây được nêu trong văn bản này là một chợ khác chợ Bình Tây, quận 6 hiện nay. Có lẽ đây là ngôi chợ nằm trên đất thôn Bình Tây xưa mà có tên, còn chợ Bình Tây hiện nay do Quách Đàm dựng năm 1928 (tức sau tài liệu nêu trên đến 22 năm). Chợ số 9 thì chưa biết nằm ở địa điểm nào.

Địa chí Văn hoá quận 5 xuất bản năm 2000 có một đoạn viết về 4 ngôi chợ lớn: “…đáng kể có 4 chợ lớn: chợ Trung tâm (còn gọi là Chợ Lớn cũ, ở ngay nền bưu điện trung tâm Chợ Lớn ngày nay), chợ Cá (ở đường Nguyễn Tri Phương hiện nay) [chi tiết này sai, vì Chợ cá đầu tiên nằm ở đường Tổng Đốc Phương, phía trước Chợ Lớn cũ, sau này mới dời về góc Trần Quốc Toản – Nguyễn Tri Phương, mà tên gọi trước 1975 là “Chợ cá Trần Quốc Toản”. Có thể tác giả bài viết trong Địa chí Văn hoá quận 5 đã nhầm lẫn giữa Tổng Đốc Phương (là ông Đỗ Hữu Phương) với Tổng Đốc Nguyễn Tri Phương — chú thích của manhhai ], chợ Bình Đông và ngôi chợ tại đường Landes (nay là đường Phan Phu Tiên)” (tr.22). Đoạn văn trên không dẫn tài liệu nguồn, nên không rõ được sự mô tả bốn ngôi chợ ấy – do ai viết và viết vào thời gian nào. Tuy nhiên, về ngôi chợ Trung tâm (tức Chợ Lớn) thì thấy vị trí tương đồng với bản dịch của Nguyễn Bá Trác.

Ông Thái Văn Kiểm trong Đất Việt trời Nam (1960) cho rằng “danh xưng chợ Lớn xưa kia để chỉ ngôi chợ lúc bấy giờ nằm tại địa điểm bưu điện Chợ Lớn, kéo dài đến Đại Thế Giới, và chợ này được thành lập song song với chợ Nhỏ (nay là chợ Thiếc hay còn gọi chợ Phó Cơ Điều) (dẫn từ Địa chí Văn hoá quận 5). Xét về thông lệ định danh, ông Thái Văn Kiểm đã có lý khi nêu ra một ngôi chợ Nhỏ cùng xuất hiện với chợ Lớn. Vị trí chợ Lớn cũng tương đồng với nhiều thuyết khác, tuy nhiên địa bàn được đề cập khá rộng, có thể không phù hợp với thực tế.

Tóm lại, theo ghi chép của Trương Vĩnh Ký thì cái chợ Lớn thành danh trong lịch sử đã mất từ trước năm 1885. Theo ghi chép của Đông dương hành chánh niên giám 1906 thì, chợ lớn nhất trong bốn chợ lớn của thành phố chợ Lớn ở khu vực bưu điện quận 5 ngày nay, sự biến động của sự vật theo thời gian, hoà với tốc độ thị trường sẽ dần xoá hẳn những dấu vết xưa cũ. Tuy vậy, vẫn còn có thể quan sát và cảm nhận về hình thức buôn bán và cơ cấu cửa hiệu còn phảng phất nét chợ xưa, nếu tản bộ một vòng, từ cuối đường Triệu Quang Phục đến nơi giáp kinh Tàu Hủ, qua các đường Trần Tướng Công, Lương Nhữ Học và theo đường Lê Quang Định để đến nơi xưa là nền chợ Lớn, nay còn một chợ tên chợ Vật liệu xây dựng, được đóng khung trong bốn con đường Lê Quang Định, Nguyễn Thi, Trịnh Hoài Đức và Mạc Cửu.

Một số ghe vẫn đắp đổi sống bằng những chuyến hàng từ TP.HCM về miền Tây và ngược lại. Ảnh: Trần Việt Đức

TỪ CON KINH XƯA

Chợ Lớn xưa mang đặc trưng của một thành phố sông nước, người đầy phố, bến đầy thuyền, náo nhiệt quanh năm. Bản đồ “Gia Định tỉnh” do Trần Văn Học vẽ năm 1815 cho thấy không gian đô thị Sài Gòn – Gia Định có hai vùng quan trọng được thể hiện khá rõ là quận 1 và Chợ Lớn (quận 5) hiện nay. Hai vùng này được nối với nhau bằng rạch Bến Nghé, con đường huyết mạch vận chuyển lúa gạo từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn.

Trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (1885), Trương Vĩnh Ký viết: “Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hàng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hoá chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn”. Theo Huỳnh Tịnh Của thì Tàu Khậu là giọng người Triều Châu phát âm từ Thổ khố, tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hoá.

Rạch Chợ Lớn mà Trương Vĩnh Ký nói tức là kinh Tàu Hủ. Kinh này xưa kia là một con rạch cạn, được phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý chỉ huy đào vét năm 1819, vua Gia Long đặt tên là An Thông hà, cũng gọi là Kinh Mới vì chảy ngang Chợ Lớn (nên còn gọi là rạch Chợ Lớn). Kinh Tàu Hủ nối liền với rạch Bến Nghé (sông Bình Dương), người Pháp gọi chung hai đoạn kinh rạch này là Arroyo Chinois (rạch Trung Hoa).

Nhiều tài liệu cho rằng kinh Tàu Hủ được nạo vét thêm hai lần vào các năm 1887 và 1895, rồi sau đó được làm rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922. Trên bờ kinh, phía đông nam là thôn Bình Đông, phía tây bắc là thôn Bình Tây, năm 1820 (thời Minh Mệnh) cả hai thôn thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Từ tên thôn, Bình Đông thành tên bến ở bờ đông kinh Tàu Hủ, chính thức là từ năm 1955 cho đến nay.

Bến Trần Văn Kiểu nối liền bến Hàm Tử, thuộc các phường 10, 13, quận 5 và phường 1, 3 và 7, quận 6, tức từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến bến Lò Gốm. Thời Pháp thuộc, bến này mang tên Quai de Mytho (bến Mỹ Tho), từ năm 1952 đổi là bến Lê Quang Liêm, năm 1985 đổi là bến Trần Văn Kiểu. Ngành công nghiệp hàng đầu trên các bến hai bên bờ kinh Tàu Hủ phải kể là ngành xay xát lúa với hơn 10 nhà máy lớn.

Ngoài ra các công hội của các ngành nghề khác cũng đặt trụ sở ở Quai de Mytho.

Nhìn chung, không kể lúc sơ khai, trong khoảng 100 năm từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, kinh Tàu Hủ và các bến dọc hai bên bờ của nó đã chuyên chở hết chức năng lịch sử của mình. Thương nhân và giới chủ xưởng người Hoa ở Chợ Lớn đã biết khai thác vị trí này một cách triệt để. Từ lúc khởi đầu với các nhà kho tạp hoá và lương thực, dần dần biến thành một dãy các nhà xưởng, thuyền bè, thóc gạo luân chuyển ngày đêm, góp một phần lớn cho sự phồn vinh, náo nhiệt của một vùng.

Phạm Hoàng Quân (theo SGTT)

Leave A Reply

Your email address will not be published.