Tỉnh thành xưa ở Việt Nam: Đồ Sơn

TVN

0 306

Đồ Sơn là một bán đảo hẹp dài 7 km gồm những đồi núi nhấp nhô chạy dài ra biển giữa Cua Câm (Cửa Cấm) và Cua Van Uc (Cửa Văn Úc). Các cánh rừng thông non trên các đồi phô các biệt thự duyên dáng hiên ngang trên các sườn núi hoặc lười biếng nép mình dọc theo bãi biển. Bán đảo nằm gần trùng theo hướng Bắc Đông Bắc – Nam Tây Nam và bị các mỏm đá chia cắt thành nhiều vụng nhỏ. Dãy núi tạo thành bán đảo được cấu tạo từ cát kết thạch anh chống được sói mòn và có nguồn gốc địa chất giống như các núi ở vịnh Hạ Long. Chắc chắn trước đây bán đảo là một chuỗi các đảo nhỏ và các vách dựng đứng thường xuyên bị sóng biển xô đập đinh tai nhức óc trước khi được phù sa các sông ở Bắc Kỳ bồi đắp cùng với vùng hạ châu thổ. Một truyền thuyết cho biết những cư dân đầu tiên của Đồ Sơn là các ngư dân gốc Thanh Hóa bị bão đánh giạt lên đảo trong mùa gió Đông Nam.

Một thuyết khác lại cho rằng cư dân ở đây có nguồn gốc từ các gia đình ở Hưng Yên đi tìm đất hoặc trốn tránh pháp luật hà khắc.

Số ngày 17-9-1942 của tạp chí này đã kể lại một truyền thuyết đẹp về nguồn gốc hội chọi trâu ở Đồ Sơn vào ngày 10-8 âm lịch hàng năm diễn ra trước Dinh – Chung (Đình Chung – ND) thuộc thôn Đồ Hải.

Văn học dân gian vùng Đồ Sơn cũng rất phong phú với sự tích Bà Đế. Rất nhiều văn nhân, thi sĩ lấy tứ thơ từ cái chết bi thảm của bà. Hồn bà vẫn lang thang trong những đêm giông bão vì thế dân chúng dựng một miếu thờ bà trên một hòn đá lớn ở phía Bắc biệt thự Joséphine. Sau đây là câu chuyện một ngư dân có tuổi kể cho tôi nghe về sự tích bà sau khi tước bỏ những chi tiết rườm rà:

Bà Đế là một thiếu nữ xinh đẹp của gia đình họ Dao (Đào? – ND) ở làng Ngọc Xuyên. Sắc đẹp và giọng nói trong trẻo của cô thiếu nữ đã làm nhiều bạn gái phải ghen tức. Một con trai chúa Trịnh chạy loạn trốn trong một hang núi ở Đồ Sơn một hôm nghe thấy tiếng hát trong thung lũng:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang,

Bao nhiêu thảo mộc lai hàng tay ta

Anh hùng ví biết tay ta,

Rồng mây gập gỡ ắt là thành danh.

Đó chính là Bà Đế vừa hát vừa cắt cỏ. Vị vương tử họ Trịnh rất thích, bền gọi thiếu nữ lại và hứa sẽ đưa nàng về triều đình khi mình trở lại kinh thành. Nhưng vị vương tử trẻ đã quên lời hứa trong khi Bà Đế bị làng phạt vạ rất nặng. Không ai tin chuyện nàng kể và làng quyết định sẽ ném người con gái phạm luật làng xuống biển. Mặc dù cổ bị buộc đá rất nặng vì có thai. Bà Đế vẫn ngoi lên mặt biển được hai lần như chứng thực cho sự trung thực và ngây thơ của mình. Những kẻ giết người phải dùng sào dìm nàng cho tới khi chết. Ngày kỷ niệm tấn thảm kịch diễn ra hàng năm vào ngày 16 tháng giêng âm lịch đã lôi cuốn nhiều người tới đền dâng hương.

Trên các sườn đồi và các bãi biển bị sông Do-hông (Đô Họng, tên đúng của sông là Sông Họng hay Họng giang – ND) cách ly với châu thổ và bị gió bão quất tơi tả là những chiếc lều nhỏ bé của các ngư dân bị đất liền quên lãng. Khách duy nhất tới thăm họ là những tên cướp biển người Tầu ở đảo Các Bà.

Chiến thắng to lớn của Trần Hưng Đạo trước quân Mông Cổ năm 1288, cuộc nổi dậy của Lê Lợi năm 1420 chống lại ách cai trị của người Tầu có lẽ chẳng có tiếng vang nào trên bán đảo, thậm chí người ta còn ngờ rằng Đồ Sơn tham gia vào đời sống của tiếm vương Mạc Đăng Dung khi ông này thiết lập kinh đô của mình ở phủ Kiến Thụy, một nơi chỉ cách khu nghỉ mát hiện nay khoảng mười cây số.

Năm 1880, Jean Dupuis đổ bộ lên bán đảo nhưng chỉ khảo sát qua loa các địa điểm. Năm 1886, các ông Vlaveanos, Costa và Gouma (độc giả chú ý gốc Bồ Đào Nha của các tên này – ND) “phát hiện” ra Đồ Sơn.

Bị chinh phục bởi sự trong lành của khí hậu, ba người giới thiệu các bãi biển cho các gia đình muốn trốn cái nóng oi bức của Bắc Kỳ. Làm theo những người táo gan đi ngựa qua các bãi và đầm lầy hoặc trên những chiếc thuyền tam bản thô sơ, các gia đình này mạo hiểm ra Đồ Sơn và dựng tại đó những ngôi nhà lá.

Các năm sau đó, một công ty thương mại, rồi thuế quan, thiết lập liên lạc mỗi tuần một lần với Đồ Sơn bằng một chiếc xà lúp mà những người Hải Phòng có tuổi gọi là xà lúp của những ông chồng. Chiếc xà lúp này không thể cập sát vào các bãi biển, do đó những người đi nghỉ hè phải thuê ngư dân dùng thuyền chở vào bờ hoặc cõng.

Năm 1891, một con đường bộ nối Hải Phòng với Đồ Sơn được khởi công và năm 1892 thì hoàn thành. Vào thời kỳ này, trú sứ Kiến An cho xây dựng ở Đồ Sơn một ngôi biệt thự. Việc làm của ông ngay lập tức được hàng chục gia đình làm theo và các nhà bằng gạch ở Đồ Sơn mỗi năm một nhiều. Những chiếc xe hơi đầu tiên ra đời càng tạo điều kiện cho Đồ Sơn phát triển. Các con đường lớn thay dần cho những con đường mòn và ngày nay người ta có thể đi lại khắp thị trấn trên những con đường đẹp phần lớn đã được trải nhựa. Càng ngày trung tâm nghỉ mát Đồ Sơn càng được nhiều người biết và lui tới. Đường vào thuận lợi, cảnh trí như tranh, sự đón chào niềm nở, khí hậu trong lành là những yếu tố khiến Đồ Sơn được mọi người tán thưởng. Hàng năm từ tháng 5 tới tháng 10, Bãi Lớn, vịnh Clateau, vịnh Hoa tiêu (Bai des Pilotes), vịnh Pagodon rất nhộn nhịp. Một trăm năm mươi biệt thự, ba khách sạn, nhiều hàng ăn không đủ phục vụ khách đi nghỉ hè.

Bán đảo Đồ Sơn hoàn toàn xứng đáng với sự ưu ái của Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Là vọng gác của đất liền vươn ra biển, dãy núi liên tục được gió biển mang lại sự trong mát và lành mạnh. Đồ Sơn không chỉ thu được những thành quả to lớn vào mùa nóng nực mà sự duyên dáng lôi cuốn của nó còn sinh động hơn vào mùa xuân và mùa thu. Vào hai mùa này, sự biến mất của cái nóng cho phép người ta đi dạo trên những đoạn đường dài hay đua thuyền ra Hon – dau (Hòn Dáu) và những ngày chủ nhật thị trấn nhỏ nhộn nhịp trong vài giờ.

Dân cư Đồ Sơn đa phần là dân các làng chài nằm bên bờ biển lô nhô đá. Cho tới thời gian gần đây, người châu Âu không nhiều nhưng hiện nay số người châu Âu tăng đáng kể do nhiều gia đình ở Hải Phòng chạy ra để tránh bom.

Nghị định ngày 18-5-1909 của Toàn quyền Klobukowski nâng Đồ Sơn lên thành đô thị.

Năm 1911, lãnh thổ của đô thị này được chia thành ba khu và được xác định rõ vào năm 1929. Sự phê chuẩn được thực hiện vào năm 1933 và việc đăng ký nhà đất được thực hiện bằng nghị định 27-5-1940. Ngày 31-12-1921, thị trấn được coi như ngoại ô và đặt dưới quyền thị trưởng Hải Phòng. Nghị định 29-2-1924 của toàn quyền Đông Dương lại đặt Đồ Sơn thuộc vào tỉnh Kiến An.

Thời gian gần đây, các công trình đô thị được đẩy mạnh: hai con đường, một nối biệt thự của Trú sứ với Nhà Thanh Niên, một chạy men theo bờ biển có biệt thự Saint Mathurin tới tận khu quân sự, một sân thể thao cạnh đồn binh, một chợ và một bò sát sinh phù hợp với quy mô của thị trấn, sẽ xem xét lại quy hoạch của các làng cá, trong đó mỗi nhà từ nay trở đi sẽ có vườn rau.

Câu lạc bộ Hàng hải Đồ Sơn có một cơ sở khá duyên dáng. Thuyền đơn, ván lướt, thuyền máy phao hơi là những thứ gây hứng thú cho các nhà thể thao trong mùa nghỉ hè. Hàng năm, các cuộc đua thuyền thu được những thành công và lôi cuốn tới bãi những người nhiệt tình với thuyền buồm.

Cuối cùng chúng tôi xin nhấn mạnh là các cầu nổi của câu lạc bộ bị cơn bão ngày 11-11-1942 phá hủy đang được gia cố và nối dài từ ngày 19-6-1943. Công trình được thực hiện. dưới sự hướng dẫn của Cục Hàng hải Cảng Hải Phòng và cho ra đời hai chiếc cầu tàu vững vàng ngay cả khi thời tiết xấu.

Sự quan tâm của Đô đốc Jean Decoux trong việc làm đẹp khu nghỉ mát là một đảm bảo vững chắc cho sự thành công của các công trình đã thực hiện. Nhưng các quan chức cao cấp của Đông Dương không chỉ chú ý tới những người đi nghỉ hè. Các nỗ lực to lớn đang được thực hiện để giúp ngư dân làng Ngọc Xuyên. Một hợp tác xã vừa được thành lập nhằm mục đích khuyến khích, bảo đảm và tạo thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của các xã viên cũng như chế biến, bảo quản và bán các sản phẩm thô hoặc đã chế biến tới người tiêu dùng.

Trong tình hình khó khăn ngày càng lớn hiện nay, do tình hình chính trị cũng như do thiếu sợi đay để sản xuất và sửa chữa lưới, những tiềm năng vốn có của nghề cá ở Đồ Sơn khó thực hiện được một sản lượng ổn định như các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, hiện nay ngư dân Đồ Sơn có thể cung cấp mỗi năm từ 80 tới 100 tấn cá, trong đó phần lớn cung cấp cho các tỉnh vùng châu thổ.

Cũng cần phải ghi nhận là mỗi năm Đồ Sơn sản xuất được khoảng 30 tấn mắm tôm đáp ứng được yêu cầu thực phẩm cho dân chúng Hải Phòng và các vùng xung quanh.

Vừa là khu nghỉ mát nổi tiếng vừa là trung tâm đánh cá quan trọng, bán đảo Đồ Sơn giữ một vai trò quan trọng ở Bắc Kỳ. Những kết quả thu được hiện nay về mặt nghỉ mát cũng như về mặt kinh tế cho phép chúng ta tiên báo một tương lai rất thuận lợi của Đồ Sơn.

Nguồn: https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=1875

Leave A Reply

Your email address will not be published.