Vợ chồng nhà báo Bút Trà và Báo “Sàigòn Mới”

0 507

Trước 1975, làng báo Sài Gòn có nhiều chuyện lạ, phải nói là hi hữu mới đúng. Hồi đó có tới 3 ông làm văn, làm báo có cùng họ, cùng tên và ngay cả tên đệm : Nguyễn Đức Nhuận.

Ông Nhuận thứ nhất sinh năm 1900 và chết năm 1968 là chủ nhiệm tuần báo “Phụ nữ Tân văn”, tờ báo với phương châm “Phấn son tô điểm sơn hà, làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”.

Ông thứ hai, cũng là Nguyễn Đức Nhuận (1901 – 1970), bút hiệu Phú Đức, với khoảng hơn 70 tiểu thuyết thiên về trinh thám võ hiệp, ăn khách nhất là các cuốn “Châu về hợp phố” (1926) và “Lửa lòng” (1929).
Thứ ba là nhà báo, nhà thơ Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận (1900 – 1982), sinh quán Quảng Ngãi , nguyên quán Quảng Nam.

Ông chọn bút danh Bút Trà là để nhớ đến núi Thiên Bút và sông Trà Khúc ở tỉnh Quảng Ngãi.

Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận có bài thơ khóc đồng nghiệp cùng tên họ với mình là nhà văn Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận khi ông qua đời :

Cùng họ, cùng tên lại một nghề,
Cùng trong tòa soạn thưở nào hê ?
Bốn mươi năm trước còn ghi dấu!
Bẩy chục xuân nay đã vội về.”
Vắng bạn văn đàn trông thấy thiếu,
Có mình thế giới tưởng như dư.
“Lửa lòng, “Hiệp phố” lần tay giở,
Sách đó, người đâu? luống não nề!”
Đến khi gặp “người yêu”, ông Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận cũng có một bài thơ kỷ niệm:
“Từ ngày gặp được em
Muôn sắc màu hoa gấm
Muôn đường tơ tươi thắm
Cùng hòa nhịp đôi tim.”
“Từ ngày gặp được em:
Đời càng thấy yêu thêm
Những khi em vắng mặt
Là lúc đời tẻ ngắt!”
“Từ ngày gặp được em:
Thấm thoát đã ba năm
Giấc điệp mơ màng đủ…
Một ngàn tám chục đêm!”
“Từ ngày gặp được em:
Năm, tháng trong mong đợi
Nay xuân đã về tới…
Đâu những phút êm đềm?!”

“Người yêu” của nhà thơ là Tô Thị Thân, mà sau này người ta thường gọi là Bà Bút Trà khi hai người thành gia thất.

Chồng trước của bà Thân là một thương gia người Hoa, thường được gọi là “Chú Xồi”, điều hành 20 tiệm cần đồ.

Cơ duyên run rủi và cũng do thời cuộc đẩy đưa, báo chí ở Sài Gòn lúc đó đang cạn đề tài giựt gân ăn khách nên họ moi óc tìm chuyện để khuấy động người đọc.

Rất nhiều tờ báo đua nhau phê phán các tiệm cầm đồ với lý do “tiệm cầm đồ hút máu dân nghèo”.
Và vợ của “Chú Xồi” vào cuộc.

Khi người ta chế diễu bà là “Thím Xồi”, bà đáp lại:

“Ừ, tôi tên là thím Xồi thì đã sao kia chớ? Thím ấy có làm hại xã hội bằng những bài vở khiêu dâm chăng? Có nêu gương đồi phong bại tục chăng?”.

Khi các báo xoay qua chê trách bà làm nghề cầm đồ, bà đáp thẳng thừng, “Hàng ngàn người khác cho vay cắt cổ, sao cứ bà họ Tô mà chửi?”

Số trời đã định nên “Thím Xồi” mới bước vào làng báo trong việc “thương thuyết” với báo Công Luận (tờ báo tấn công các tiệm cầm đồ mạnh nhất). Khi đó, ông Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm và nhà thơ Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận thư ký tòa soạn.

Ông Bút Trà tiếp bà Tô Thị Thân để “nói chuyện phải trái” tại tòa soạn báo và sau này, chuyện “không tưởng” lại trờ thành “sự thật” khi “Thím Xồi” trở thành “Bà Bút Trà” sau khi ly dị với “Chú Xồi”.

Trong “Hồi ký văn nghệ”, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết về cuộc tình giữa hai “Ông Bà Bút Trà” có sự “đóng góp” của ông, khi đó mới 17 tuổi!

Một hôm, bà Tô Thị Thân kêu ông Tô Văn Giỏi là kế toán của bà: “Em Giỏi nè, em có biết ông nào viết nhựt trình thật giỏi, mà ăn lương rẻ hay không?… Chị muốn lập ra một tờ nhựt trình để chửi lại cái tụi đã chửi chị”.

Ông Giỏi lại không hề quen một ký giả nào hết nên tìm đến người em bà con là Tô Văn Tuấn (tên thật của nhà văn Bình Nguyên Lộc), đang là học sinh trường Petrus Ký vì ông biết thằng em mình vì ham văn chương, chắc quen với một số nhà văn, nhà thơ nên nhờ Tuấn giới thiệu giùm.

Cậu học sinh 17 tuổi trình bày yêu cầu của Bà Thân và ông Bút Trà đồng ý gặp. Hóa ra anh chàng Tuấn lại là cầu nối giới thiệu ông Bút Trà cho ông Giỏi và sau cùng là cuộc hội ngộ của Ông và Bà Bút Trà để tạo ra một “câu chuyện có một không hai” trong làng báo Sài Gòn xưa!

Bình Nguyên Lộc viết: “Có thể nói mà không sợ sai là chính tôi đã tạo ra bà Bút Trà. Và ngược lại chính bà Bút Trà đã tạo ra Bình Nguyên Lộc. Duyên văn là như thế. Bà họ Tô ấy quả đã có công thật lớn với kẻ họ Tô là tôi đây”.

Về nhan sắc, ông mô tả: “Bà là người đàn bà Việt Nam thuộc vào hạng phụ nữ Việt Nam cao lớn nhứt nước. Bà có đẹp hay không vào thuở đó? Tôi bảo đảm là bà ấy rất đẹp. Nhưng tình trạng giàu có của bà với lại sắc đẹp của bà thật ra chẳng có gì đáng kể đối với tài tháo-vác của bà…”

Bà Bút Trà Tô Thị Thân một tay quán xuyến cơ đồ, dù ít học mà cũng chẳng có kinh nghiệm làm báo.

Ông Bút Trà thực ra không làm gì khác ngoài nhiệm vụ “làm chồng” và làm thơ Đường!

“Sàigòn Mới” trong suốt 30 năm không ngừng phát triển, ấn bản có lúc lên đến 100.000 với sự hợp tác của nhiều nhà văn, nhà báo có tiếng như Bà Tùng Long, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Hải Thủy, Nguyễn Vỹ, Dương Hà, Trọng Nguyên… Ngoài ra còn có các thân hữu của ông Bút Trà như các nhà thơ Đông Hồ, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân…

Ông Bà Bút Trà còn có 2 tờ báo khác là “Phụ nữ Diễn Đàn” và “Phụ nữ Ngày Mai” giao cho 2 người con là Nguyễn Đức Chiến (Hai Chiến) và Nguyễn Đức Khiết (Sáu Khiết) trông coi. Hai tờ báo này rất được độc giả là nữ giới yêu thích.

Cả 3 tờ báo còn có những sáng kiến tạo ra những tiết mục đặc biệt rất hấp dẫn người đọc. Mục “Gỡ rối tơ lòng” do Bà Tùng Long phụ trách, “Giải đáp pháp luật” do luật sư của báo đảm nhận và “Giải đáp y tế” giúp người đọc hiểu biết về sức khỏe của mình.

Riêng tiết mục “Vận số trong tuần” do vị sư sáng lập Tam Tống Miếu và cũng là người anh thứ ba của Bà Bút Trà tiên đoán vận số theo tuổi tác. “Sàigòn Mới” còn độc quyền phát hành lịch Tam Tống Miếu trên toàn quốc.

Ông Bút Trà cũng tham gia hoạt động xã hội như là sáng lập viên Hội Ái hữu Trung Việt còn Bà Bút Trà cũng là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam. Phong trào Phụ nữ Liên Đới của bà Ngô Đình Nhu được thành lập để ủng hộ chính quyền sau vụ “đảo chính hụt” vào cuối năm 1960, Hội Phụ nữ Việt Nam phải sáp nhập vào Phụ nữ Liên Đới.

Sự thành công của Ông Bà Bút Trà không ít thì nhiều cũng gây ra sự ghanh tị trong cạnh tranh nghề nghiệp với các báo khác. Họ tìm đủ cách để triệt hạ một khi thấy báo có sơ suất. Chẳng hạn như tin “giựt gân” về chuyện “người lấy khỉ” ở Cà Mau đăng trên “Sàigòn Mới”. Các báo khác thi nhau gọi đây là một tin thuộc loại “lá cải”, câu khách.

Sau cuộc đảo chính năm 1963 tờ báo phải đình bản một thời gian vì bị kết tội “thân với chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm”. Đến năm 1972 “Sàigòn Mới” phải đình bản hẳn khi có luật báo chí quy định các chủ báo phải ký quỹ 20 triệu đồng.

Sau năm 1975, rạp chiếu bóng Kim Châu (mang tên của người con gái lớn) bị nhà nước quản lý vì gia đình có liên quan đến 3 diện: vừa là nhà báo lại vừa là tư sản, gia đình lại có con là sĩ quan cao cấp thuộc chế độ cũ.

Bà Bút Trà mất năm 1979, thọ 76 tuổi, hai năm sau, ông qua đời, hưởng thọ 76 tuổi.

Nhà văn Hoàng Hài Thủy với 50 năm trong nghề báo, nhắc đến cả hai ông bà với những dòng tưởng niệm thật cảm động: “… Tôi đã làm việc với khoảng trên dưới 10 chủ báo, chỉ có ông bà Bút Trà được tôi coi như chủ nhân của tôi. Trong suốt 9 năm trời tôi không một lần thấy bà xẵng giọng với nhân viên, bà không rầy la nhân viên trước mặt đồng nghiệp của anh ta, bà cũng chẳng bao giờ than phiền một nhân viên nào làm việc bê bối với người trong tòa soạn, cần nói gì bà mời riêng nói chuyện…”

Đó là điều chứng tỏ sự thành công của báo “Sàigòn Mới” nói chung và Ông Bà Bút Trà nói riêng. Nói rộng ra, tờ báo đã có tác dụng hơn cả Bộ Giáo dục trong việc phổ biến văn hóa đọc trong mọi tầng lớp dân chúng miền Nam.
Thành quả này đã biểu hiện rõ ràng nếu đem so sánh trình độ dân trí và ý thức dân chủ của người dân của hai miền Nam-Bắc.
Theo Việt Nam ngày mai

Leave A Reply

Your email address will not be published.