Xứ Trầm Hương: Thành Diên Khánh và Lăng Bà Vú

TVN

0 471

Ở Khánh Hòa thắng cảnh nhiều hơn cổ tích.

– Thành Diên Khánh ở cách thành phố Nha Trang 10 cây số về hướng Tây. Đây là một di tích lịch sử của người Việt Nam còn sót lại trên đất Khánh Hòa.

– Lăng Bà Vú ở Ninh Hòa.

THÀNH DIÊN KHÁNH
Thành nằm trên địa phận hai thôn Phú Mỹ và Trường Thạnh (nay là thôn Khánh Thành, xã Diên Thạnh). Chung quanh đắp đất, chu vi 336 trượng 4 thước, cao 8 thước 5 tất. Trổ 6 cửa ra vào, xây gạch kiên cố, trên có vọng lâu tứ diện thông phong. Ngoài thành có hào sâu 8 thước, rộng 4 trượng, và luôn luôn đầy nước do sông Cái tháo vào. Để vào ra, trước các cửa thành đều có xây cầu vồng bằng gạch. Chung quanh hào lại có lũy bao bọc và có trại canh gác. Cho nên thành tuy bằng đất nhưng rất kiên cố. Địch muốn công phá không phải dễ dàng.

Thành Diên Khánh do Nguyễn Phúc Ánh xây đắp năm Quí Sửu (1793) 15 . Ban sơ, các cửa thành đều bằng đất, và có đến sáu cửa. Năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) lấp bớt hai cửa và xây bốn cửa gạch kiên cố. Đến thời Pháp thuộc lại lấp thêm hai cửa tiền và hậu. Hiện nay chỉ còn cửa Đông và cửa Tây. Từ đời Gia Long đến cuối thời Pháp thuộc, Thành Diên Khánh là nơi đóng cơ quan đầu não địa phương của nhà Nguyễn. Trong thành có Hành Cung của nhà vua, có dinh thự của các quan thủ hiến, có những Ty, Tào, đồn, trại. Tòa ngang dãy dọc, kèo chạm cột sơn… Quang cảnh thật trang nghiêm khang phú. Phong quang rực rỡ nhất về triều Thiệu Trị (1840-1847) Tự Đức (1847-1883).

Đến cuối triều Hàm Nghi, năm Ất Dậu (1885), nghĩa binh Cần Vương lấy thành làm cơ sở kháng chiến. Quân Pháp nã súng đại bác vào tàn phá hết một số dinh thự 16 . Sau khi chiếm trọn được lãnh thổ Việt Nam, thực dân Pháp liền phá hủy vòng lũy và lấp cạn vòng hào ở quanh thành, lại triệt hạ cửa tiền và cửa hậu. Từ ấy cảnh hào hoa mỗi ngày mỗi giảm sút.

Mùa xuân năm Ất Dậu (9-3-1945) Nhật đảo chánh Pháp. Quyền cai trị giao cho Triều Đình Huế. Cơ quan tỉnh Khánh Hòa bỏ thành Diên Khánh, dời xuống Nha Trang. Cơ quan hành chánh phủ Diên Khánh dời vào thành. Lúc bấy giờ dinh thự đã hư quá nửa vì lâu đời. Quang cảnh thật tiều tụy.

Sang thời chiến tranh Việt Pháp, những công thự trong thành hoàn toàn bị phá hủy. Hiện nay dấu xưa còn lại chỉ có nhà lao xây đá ở gần cửa Đông ! Còn vòng thành bằng đất, trên 80 năm trời mưa nắng, không được bồi đắp, nên trụt thấp lần lần. Lại thêm bìm lau xâm lấn, trông không còn vẻ hùng tráng của ngày xưa. Tuy vậy, đối với những người háo cổ, một viên gạch xưa còn sót lại vẫn là vật đáng giá vàng châu. Cho nên đã không đủ sức gìn giữ thành Diên Khánh cho trọn vẹn như xưa, tưởng không nên nhẫn tâm phá hủy như thành Quảng Nam, Bình Định.

Truyền rằng từ ngày giặc Pháp đánh thành Diên Khánh, ngoài một số chiến sĩ ra, lương dân trong thành nhiều người bị thiệt mạng. Oan hồn không tiêu, hóa thành ma quái. Những đêm thanh gió mát, người ta thường trông thấy bóng ma đi thơ thẩn chung quanh dinh trại và hành cung. Có lắm người bị vương vẩy, phải cung kính mới nạn khỏi tai qua. Hay quấy quá nhất là ba nữ quái, tục gọi là Ba Cô. Ba Cô, cô nào cũng trẻ cũng đẹp. Nhiều khi hiện hình cả lúc ban ngày và nói cười như người sống. Những chàng trai trẻ không biết, có điều bất kính, thường bị bắt đau ốm có khi đến điên cuồng. Quan Tỉnh lo sợ lập một am nhỏ ở trước dinh thờ phụng. Từ ấy bớt tác quái và ai cầu gì cũng linh thiêng. Am ấy gọi là Am Cô. Thời Pháp thuộc, tất cả các quan đầu tỉnh đều tỏ lòng cung kính. Khói hương không mấy lúc tàn.

Dưới triều Thành Thái (1889-1907) một viên thừa phái trẻ tuổi, có tiếng là háo sắc, đổi vào làm Ty Niết Khánh Hòa. Thầy thừa ăn cơm tháng nhà bạn và mướn nhà ở riêng một mình. Một đêm ngồi một mình, thấy có bóng người qua qua lại lại ở trước ngõ, dáng như chờ đợi cuộc hẹn hò. Thầy bước ra xem thì thấy một người con gái có nhan sắc. Buông lời trêu ghẹo. Người con gái nhoẻn miệng cười. Lại gần cầm tay. Không chút kháng cự. Thích quá kéo vào nhà bày chuyện mây mưa. Sáng hôm sau không thấy thầy thừa đến Ty, quan cho người đến gọi. Trước sau vắng vẻ. Xô cửa vào phòng, thấy thầy thừa cùng một mụ ăn mày rách rưới bẩn thỉu ôm nhau nằm ngủ ngon lành. Đánh thức dậy, thầy thừa hoảng hốt, mụ ăn mày cũng hoảng hốt, bỏ chạy như người điên. Sau khi đã bình tĩnh trở lại rồi, thầy thừa mới thú thật mọi nỗi. Ai nấy đều cho là bị ma mà mắc, trông gạch nát hóa vàng mười ! Và ai cũng đoán chắc rằng là Ba Cô trừng trị để thầy chừa thói trăng hoa. 17

Dưới triều Duy Tân (1907-1916) lại xảy ra một chuyện nữa, cũng như chuyện trên, khó tin rằng có, khó ngờ rằng không ! Thời bấy giờ cụ Đào phan Duân, đậu phó bảng, người Bình Định, ngồi Tuần Vũ. Nhân ngày Quốc Khánh mồng 2 tháng 5 (Gia Long phục quốc), cụ rước bạn hát Bình Định vào hát mừng. Các kép nổi danh trong tỉnh đều có mặt. Cầm đầu toàn ban là Bát Phàn, Cửu Khi và Chánh ca Đựng.

Ngày mồng 2, sau khi bái mạng ở Hành Cung rồi, thì khởi sự hát cho đến xế. Buổi chiều bạn hát nghỉ để dưỡng sức hát buổi tối. Đèn vừa đỏ, trong dinh tuần vũ, các quan cùng thân hào nhân sĩ lo vào tiệc để rồi đi xem hát cho sớm. Ngoài rạp, đào kép đã vẽ mặt bận áo xong xuôi, ngồi đợi các quan ra khai mạc.

Bát Phàn, Chánh ca Đựng và Cửu Khi đương ngồi uống nước dưới trang Tổ, chợt thấy ba người thiếu nữ ăn mặc theo kiểu thành thị và toàn đồ trắng, má phấn môi son, đầu trần, tóc bỏ xõa, vẹt màn bước vào, tươi cười nói : « Lũ bay ra làm tuồng cho chị em ta coi. Khi sáng mắc đi vắng không được thưởng thức tài nghệ Bình Định ».

Mọi người đều tưởng là người trong dinh. Bát Phàn đáp : « Chúng tôi không được lệnh. Nếu quí cô muốn xem sớm thì vào xin phép cụ ».

– Lũ bay vào xin đi.

– Chúng tôi không dám.

– Chị em ta cũng không dám.

Nói rồi biến mất. Chừng ấy mới biết là ma.

Thấy trước dinh tuần vũ có am thờ, anh em nghệ sĩ hỏi ra mới hay ma đó là Ba Cô thờ trong am. Ai nấy đều thất kinh ! Câu chuyện không mấy chốc truyền khắp tỉnh Khánh Hòa rồi truyền ra đến Bình Định. Lúc cụ Đào phan Duân làm Tuần Vũ Khánh Hòa thì ông Nguyễn Đình Văn làm Án sát. Quan án đàn rất hay. Một đêm quan đốt trầm, một mình ngồi gảy đàn, thì bỗng nghe tiếng họa từ trong vách đưa ra. Âm thanh tuyệt diệu. Quan ngờ rằng Ba Cô ngoài am trêu cợt, nên bình tâm chính ý ngồi gảy cho hết khúc đàn.

Khúc đàn dứt, một người đàn bà diễm lệ xô cửa bước vào. Quan án giật mình ! Người đàn bà cười, nói : « Thiếp không phải một trong Ba Cô thờ nơi am, mà là người có lương duyên cùng quan án ».

Nói đoạn, ung dung đến ngồi nơi kỷ và tiếp : « Thiếp là ma, nhưng không có tà ý. Cảm phục ngón đàn của quan lớn nên không nề u hiển, đến xin đươc kết duyên sắc cầm ».

Người đẹp như hoa, giọng nói trong như ngọc. Trong đêm thanh vắng, không mấy ai có thể làm Liễu hạ Huệ hay Nhan thúc Tử, mặc dù biết đó là ma. Cho nên quan án Nguyễn Đình Văn đã cùng người đẹp vầy cuộc ái ân, nơi văn phòng tĩnh mịch. Đêm nầy sang đêm khác, « đêm xuân tàn, xuân lại còn đêm ». Nhưng người ngoài và cả vợ con trong nhà không một ai hay biết.

Một hôm quan án, sau buổi làm việc, đến chơi dinh Tuần Vũ. Cụ Đào cầm ở lại ăn cơm tối rồi đánh tổ tôm cho vui. Ông Nguyễn từ chối. Cụ Đào có ý bất bình. Ông Nguyễn phải đem chuyện kín của mình ra thú thật, và nói : « Ban ngày đi đâu thời đi, làm gì thời làm. Nhưng từ lúc lặn mặt trời cho đến gà gáy sáng thì phải dành trọn cho nàng. Có việc thì phải báo trước. Nếu không tất bị nhiều chuyện cực lòng ».

Cụ Đào tin lời, không nỡ ép. Sau đó ông Nguyễn được thăng Phủ doãn Thừa Thiên. Người đàn bà ma cũng theo về Huế. Không bao lâu quan Phủ doãn thất lộc. Không biết tại số hay tại ma. 18

Cuộc đời trải nhiều dâu bể. Những chuyện xưa hoang đường cũng như thực hữu, đã cùng cung đình dinh trại trong thành Diên Khánh, theo mây khói tan vào cõi hư vô. Hiện nay cơ quan hành chánh quận đóng trong thành. Cảnh vật đã thay đổi mới. Những người qua lại hằng ngày cũng như những người đến thăm chơi chốc lát, không mấy ai đi sâu vào những nơi lấp cỏ mờ rêu, để bâng khuâng chút lòng cảm cựu. Gần đây Cổ bàn Nhân đến viếng thành, có mấy vần cảm tác :

Thành cũ đìu hiu vách nắng mưa,

Phong quang một mảnh bể dâu thừa.

Cờ lau phất gió cung rồng lấp,

Búa nguyệt mài sương ngục thép lưa !

Theo mới bụi lầm xe ngựa mới,

Tìm xưa tro lạnh miếu am xưa !

Bên hào sen lụn chân dừng bước,

Tiếng địch chiều thu trận cúc đưa.

LĂNG BÀ VÚ
Lăng ở thôn Mỹ Hiệp, cách quận lỵ Ninh Hòa chừng một cây số.

Kiểu thức rập theo các lăng vua ở Huế. Tuy không nguy nga tráng lệ bằng lăng vua, nhưng ở miền Nam Trung Việt không thấy ngôi mộ nào có thể sánh về qui mô cũng như về kiến trúc.

Lăng nằm dưới chân một ngọn đồi, mặt hướng về Đông Nam. Hình chữ nhật. Có ba lớp thành :

– Thành ngoại, chiều ngang chừng 12 thước, chiều vô ra chừng 20 thước, chiều cao chừng một thước năm. Ở mặt trước có chừa cửa. Hai bên cửa có hai trụ ba biểu đội hai con kỳ lân ngồi đối diện. Phía trong cửa một bức bình phong cao rộng đứng chắn ngang. Lưng thành cao hơn mặt thành và xây hình cánh cung.

– Qua khỏi bình phong đến lớp thành thứ nhì. Cao chừng một thước. Cửa thành núp sau bình phong, và hai bên cũng có hai con kỳ lân ngồi đối diện.

– Vào khỏi cửa đến lớp thành thứ ba ôm lấy phần mộ. Thành thấp. Phía trước có nhà bia khắc bài ký ghi công đức của người dưới mộ.

Trên mặt tường phía trong lăng đắp nhiều hình ảnh nhiều tranh cảnh, nét đắp tinh xảo, như lưỡng long triều nguyệt, ngư tiều canh mục, Trúc Lâm thất hiền…

Lăng nầy của vua xây. Truyền rằng 19 : Nguyễn phúc Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh. Chạy đến Mỹ Hiệp thì trời vừa tối. Bộ hạ vừa mệt vừa đói, Nguyễn Ánh lại thụ bệnh, không thể đi được nữa. Tình cảnh thật nguy khốn. Một người đàn bà trong thôn thấy vậy, đem về nhà cho ăn uống và lo thuốc thang. Nhờ đó mà thoát nạn.

Đến khi lên ngôi cửu ngũ, Nguyễn Ánh nhớ công ơn, muốn đền đáp, thì người ơn đã qua đời. Không rõ tên họ là gì nhà vua bèn phong hiệu là Nhũ Mẫu tức Bà Vú và truyền bộ Công đưa thợ vào xây dựng lăng. Nhà vua lại cấp cho một sở ruộng giao cho làng sở tại làm ruộng hương hỏa.

Mỗi năm đến ngày kỵ của bà, là ngày 12 tháng chạp âm lịch, quan tỉnh Khánh Hòa phải ra đứng chủ tế.

Lệ ấy từ ngày Pháp đô hộ Việt Nam, không còn thi hành nghiêm chỉnh. Và đến ngày toàn dân đứng lên chống Pháp, thì bỏ hẳn.

Ngày nay hương khói đã lạnh lùng mà phần mộ của bà cũng bị bìm lau lấp kín. Đường đi đến lăng lại bị phá hoại. Khách du quan muốn đến viếng không thể nào đi đến nơi !

Về Cổ Mộ Khánh Hòa còn nhiều như :

– Ngôi mộ ở sau trường Võ Cạnh, quận Vĩnh Xương.

– Ngôi mộ ở trước chùa Kim Liên tại ấp Đông Dinh quận Diên Khánh.

– v.v…

Nhưng kiểu thức không có gì đặc biệt.

Ngôi mộ ở Võ Cạnh truyền là của một vị tướng bị tử trận, đầu bay từ nơi chiến trường về đến làng quê. Nhưng hỏi họ tên và thời đại, người địa phương ở gần mộ đều cười « thông qua ».

Còn ngôi mộ trước chùa Kim Liên của ai cũng không ai biết. Nơi bia chỉ khắc « Tổ khảo chi mộ » và hai bên khắc câu đối :

Thiên sanh tàng bạch cốt,

Vạn cổ giám trung trinh.

Nghĩa là :

Nghìn đời chôn cốt trắng,

Muôn thuở rạng lòng trung.

Mộ quay đầu ra Bắc, chân trở vào Nam. Lấy hòn Dữ ở Diên Khánh làm hậu đầu và hòn Đồng Bò ở phần đất Diên Khánh làm tiền án. Theo cách phân hướng và tinh thần câu đối, thì người trong mồ là người có quyền vị của thời trước chớ không phải người bạch đinh. Nhân nói về Lăng Bà Vú, cũng có nói qua cho vui vậy.

Theo Quách Tấn (trích Xứ Trầm Hương)

Leave A Reply

Your email address will not be published.