Lệnh cấm và giá trần dầu Nga của EU đã có hiệu lực

TVN

0 186

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, được thông qua trong gói trừng phạt thứ 6 mà Liên minh châu Âu (EU) ban bố hồi tháng 6/2022, bắt đầu đi vào hiệu lực từ hôm 5/12. Ngoài ra, 5/12 cũng là thời điểm giá trần 60 USD/thùng dầu Nga do EU, G7 và Australia áp đặt, có hiệu lực. Thu nhập của Nga bị ảnh hưởng, nhưng trước mắt thị trường dầu hỏa thế giới không rơi vào khủng hoảng.

Tháng 5/2022, Liên Âu đã đồng ý về biện pháp ngừng nhập khẩu dầu hỏa của Nga, trừng phạt Moskva đưa quân xâm chiếm Ukraine. Sau nhiều tranh cãi trong nội bộ khối này, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay. Bruxelles thẩm định, lệnh trừng phạt này nhắm vào 40 % khối lượng dầu của Nga xuất khẩu sang châu Âu. Cho đến trước khi nổ ra chiến tranh Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu là khách hàng lớn nhất mua dầu hỏa của Nga.

Giới quan sát coi đây là một biện pháp « mạnh », bởi 2/3 dầu hỏa Liên Âu mua vào của Nga được chuyên chở quan đường biển và 1/3 còn lại là được chuyển vào châu Âu qua các đường ống dẫn dầu. Những khách hàng của Nga mua dầu qua ngả đường bộ, như Hungary, Slovakia hay Cộng Hòa Séc không bị ảnh hưởng. Những quốc gia này « cần có thêm thời gian để tổ chức lại » mạng lưới cung cấp năng lượng.

Thêm vào đó, biện pháp trừng phạt Bruxelles ban hành trước mắt chỉ liên quan đến các khoản dầu thô của Nga bán cho Liên Âu. Lệnh cấm vận không liên quan đến khối lượng dầu lọc của Nga xuất khẩu sang châu Âu.

Giới hạn giá được áp đặt thêm vào lệnh cấm vận của EU đối với việc mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga như một biện pháp chủ yếu nhằm cung cấp cho các nước thứ ba một sự chọn lựa để vẫn mua được, nếu giao dịch bằng hoặc thấp hơn mức giá trần.

Dưới đây là các yếu tố chính về cách hoạt động của giới hạn giá:

Giá trần

Giá trần được đặt ra ở mức 60 đô la một thùng.

Điều chỉnh giá trần

Mức này sẽ được xem xét hai tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng 1, để đảm bảo rằng thấp hơn ít nhất 5% so với giá trung bình do Cơ quan Năng lượng Quốc tế quyết định đối với dầu thô của Nga. Mỗi sự thay đổi về giá trần này sẽ được tất cả 27 quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu và sau đó là G7 nhất trí.

Sau mỗi lần thay đổi, sẽ có thời gian ân huệ 90 ngày để đảm bảo không có con tàu nào bị bắt trên biển với lô hàng có giá không còn hợp lệ.

Điều gì bị cấm?

Các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm của G7 và Liên hiệp Châu Âu cung cấp dịch vụ cho các tàu chở dầu thô của Nga, cũng như các định chế tài trợ cho các giao dịch dầu thô của Nga, sẽ không được phép xử lý những lô hàng đó trừ khi dầu được mua ở mức giá trần hoặc thấp hơn.

Các công ty vận chuyển sẽ không được phép cung cấp tàu chở dầu để vận chuyển dầu thô của Nga trừ khi dầu được bán ở mức giá trần 60 đô la hoặc thấp hơn.

Những gì được phép

Cung cấp dịch vụ tài chính và vận chuyển dầu thô của Nga được cho phép nếu giá mua bằng hoặc thấp hơn giá trần cũng như trong trường hợp khẩn cấp. Các dự án cụ thể cần thiết cho an ninh năng lượng của một số quốc gia bên thứ ba nhất định có thể được miễn giá trần.

Có hiệu lực

Giá trần có hiệu lực vào ngày 5/12, nhưng có một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày cho phép các tàu đã chất hàng trước ngày đó chở hàng và dỡ hàng trước ngày 19/1 mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.

Phạt

Nếu một tàu mang cờ quốc gia thứ ba cố ý chở dầu của Nga vượt quá giá trần, các công ty vận hành EU sẽ bị cấm bảo hiểm, cấm tài trợ và cấm bảo dưỡng tàu này trong 90 ngày sau khi hàng hóa đã được dỡ xuống.

Các tàu treo cờ EU sẽ phải chịu hình phạt theo luật pháp quốc gia, nhưng EU đã đưa ra mức phạt 5% doanh thu toàn cầu đối với các công ty vi phạm lệnh trừng phạt của EU.

Leave A Reply

Your email address will not be published.