Tỉnh thành xưa ở Việt Nam

Louis Malleret

0 281

Trong một bài mới đây chúng tôi đã mô tả cảnh quan tỉnh thành Sài gòn vào khoảng năm 1860. Nói đúng ra Sài gòn lúc đó là một điểm dân cư gồm các làng nửa An Nam, nửa Tầu. Sau đó có những biến đổi rất nhanh. Nhưng trước hết chúng tôi thấy cần phải dẫn độc giả tới một số tỉnh thành của Đông Dương như những gì chúng hiện ra trước mắt các du khách thăm xứ này từ 1870 tới 1880.

Khoảng tháng 7-1872, bác sĩ Morica từ Pháp tới Đông Dương sau một chuyến đi dài 45 ngày. Ông đi thăm các nơi với sự tò mò của một nhà tự nhiên học.

Thoạt tiên, ông thăm Sài gòn, sau đó là Chợ Lớn. Trong số các điểm hấp dẫn ông đi thăm có các khu vườn nuôi cá sấu, mỗi vườn có từ 200 tới 300 con để cung cấp thịt cho khách ăn. Hồi đó người ta rất thích thịt cá sấu.

Ba tháng sau, ông đi thăm Gò Công, một trong những trung tâm trồng lúa quan trọng. Lúc đó Gò Công được xem là một tỉnh đông dân với 33.000 dân tập trung trong 45 làng. Tỉnh lỵ chẳng có gì khác mấy so với các khu phố toàn nhà lá ở Sài gòn. Một số nhà lá vẫn còn ôm lấy một phần bến tầu và người ta có thể thấy vắt qua sông là một cây cầu theo kiểu Trung Hoa. Đầu tiên, ông đi thăm Sở Thanh tra. Sở này nằm sau một con lạch và thông vào làng qua một chiếc cầu. Đó là một ngôi nhà cổ và sang trọng kiểu Tàu có một hàng hiên rất đẹp. Pháo đài liền ngay với Sở và chỉ cách nhau một hàng rào. Chỗ lượn của con lạch và nhiều đầm lầy bao lấy Sở ở các mặt còn lại.

Lúc đó tỉnh Gò Công đã là một miền dễ chịu và yên bình nhờ lãnh binh Tân. Ông này mời bác sĩ Morice ăn cơm. Tại nhà viên lãnh binh, bác sĩ được chiêm ngưỡng các loại đồ nội thất khảm xà cừ và dự một bữa tiệc thịnh soạn trong khi một người mã-tà ở phía sau nhịp nhàng kéo chiếc quạt làm bằng lông chim. Gió quạt mạnh đến nỗi làm nghiêng ngả những nến. Bác sĩ còn đi thăm một ngôi chùa trong tỉnh. Giống như nhiều chùa khác ở Nam Kỳ, ngôi chùa có rất nhiều dơi. Bác sĩ lưu lại Gò Công ba tháng; sau đó, trở lại Sài gòn để đi Hà Tiên trên chiếc tàu hơi nước Valco.

Tới Châu Đốc, bác sĩ Morice dùng thuyền tới Giang thanh theo kênh Vĩnh Tế. Con kênh này do viên quan Nguyễn Văn Thoại đào dưới triều vua Minh Mạng. Mộ của ông hiện còn ở vùng núi gần tỉnh lỵ Hà Tiên, lúc bác sĩ Monce tới, chỉ gồm một nhóm nhà lá rải rác trong các vườn cây. Thăm một tỉnh có ba mươi thắng cảnh được Mạc Thiên Tích Ca ngợi làm bác sĩ rất thích. Ông viết: “Tôi muốn là nhà thơ để mô tả phong cảnh tráng lệ hiện ra trước mắt. Các đồi cây xanh tươi ôm lấy bờ biển phía Tây. Dưới chân đồi, một hồ đổ nước vào vịnh Xiêm La. Trước mặt chúng tôi, về phía xa xa là Hà Tiên lờ mờ. Tỉnh thành này nửa nằm trên hồ, nửa nằm trên biển”. Từ Sở Thanh tra trên đồi, có thể phóng tầm nhìn xuống vịnh và các đồi xung quanh. Một hàng phi lao dài chạy xuyên qua chỗ xưa kia là thành men theo các bức tường của lâu đài họ Mạc ngày xưa dẫn tới thành tỉnh nằm trên đầm nước mặn có những ngôi nhà lá trát đất bùn. Tại Hà Tiên, bác sĩ Morice ở trong một cái túp xung quanh là đầm lầy. Ông viết “một trong những nét đặc trưng của Hà Tiên là nó giống nhu Vơ-ni-dơ.

Một phố thẳng và dài nối hồ với biển, hai bên phố là nhũng ngôi nhà làm bằng bùn lấy ở cửa sông. Để có thể đi bộ giữa hai hàng nhà kỳ lạ đó, người ta làm một con đường lát ván dài khoảng hai trăm mét. Đổ vào con đường lát ván này là nhiều con đường lát ván khác nhỏ hơn từ các túp đơn độc dẫn tới”. Trong cái thành phố nửa đất nửa nước này, bác sĩ Morice đã được thưởng thức tết với tiếng pháo và những trò chơi như ném lao qua một chiếc vòng đặt trên ba chân cách xa từ sáu tới tám mét, trò ném cầu và đá cầu.

Sau một tháng lưu lại Phú Quốc và một chuyến đi thăm ngắn ngủi Kampot, nơi đường điện tín nối với Hà Tiên rất khó bảo vệ khỏi sự giận dữ của voi rừng, nhà tự nhiên học của chúng ta quay về Châu Đốc và tiến hành nghiên cứu loài bò sát núi Sam. Sau đó ông tới Vĩnh Long. Lúc đó Vĩnh Long là một quân trấn trong đó thành, giống như thành Châu Đốc và nhiều thánh khác ở Nam Kỳ, sao rập kiểu thành Van ban mà Olivier de Puymanuel và Théodore Brun truyền cách xây dựng cho người xứ này. Tuy nhiên, sự sao rập được đơn giản hoá và có những biến tấu mang tính cách châu Á. Bác sĩ Morice viết: “Phía sau các hồ bùn và tường đất cắm chông dày đặc là nhà sĩ quan và dãy nhà dành cho binh lính và bệnh viện. Tre và các bụi cỏ rậm rạp che kín một phần tường luỹ. Thỉnh thoảng người ta lại giết được những con trăn rất to trong đám cỏ đó trong khi rắn đeo kính ngủ trong các bụi cây ẩm ướt mọc lộn xộn trong các hố. Ngoài pháo đài là khu dân cư với vài dãy phố đẹp được những cây dừa cao to phủ mát. Vĩnh Long là một trung tâm nhộn nhịp, tới nay vẫn còn tiếng. Nó là lỵ sở của một tỉnh giầu có gồm 222 làng với 162.000 nhân khẩu.

Bác sĩ Morice quay lại Sài gòn qua Mỹ Tho và Tân An. Mỹ Tho lúc đó bắt đầu có bộ mặt của một thành phố lớn, còn Tân An là “một trong những nơi chán nhất của thuộc địa”.

Từ Sài gòn, bác sĩ Morice đi Tây Ninh. Được xây dựng ở chân pháo đài trên nền đất khô, Tây Ninh là một trung tâm khá vui, nhưng đêm đêm vẫn có hổ đi quanh nhà. Trong những năm đầu ở Nam Kỳ, “nhiều binh lính của chúng ta bị hổ bắt ở các vùng phụ cận Sài gòn. Con vật kinh khủng này thường vào các làng tha người đi. Ngày nay vào ban đêm, người ta vẫn nghe thấy tiếng hổ gầm ở sát các pháo đài ở miền Đông như Bà Rịa, Biên Hoà, Tây Ninh. Ơ Tây Ninh, tôi thường nghe thấy rất rõ tiếng hổ quanh nhà và nhiều lần thấy dấu chân hổ cách đồn không xa”.

Theo một tài liệu lưu trữ của Nam Kỳ, chỉ riêng ở một làng gần Gò Công từ ngày 3-5 tới ngày 11-11-1868 người ta đã bắt và giết được 64 con hổ. Sự có mặt của động vật hoang dã gần các điểm dân cư rất phong phú và vị du khách của chúng ta đã bắn hạ ngay gần Tây Ninh một con tê giác, một loài ngày nay đã biến mất. Sau một chuyến quan sát bội thu, bác sĩ Morice quay lại Sài gòn. Chỉ sau mấy tháng xa cách, Sài gòn đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Mặc dù Sài gòn duy trì sự phát triển lâu dài theo nhiều hướng, nó vẫn cung cấp những kinh nghiệm sống cho các trung tâm nhỏ ở Nam Kỳ, các ly sở của các tỉnh rộng, nơi dân cư không dày đặc lắm.

Các tỉnh thành khác ở Đông Dương cũng không khác mấy so với Sài gòn hoặc các thị tứ ở miền Tây Nam Kỳ xưa kia. Năm 1875, Brossard de Corbigny, trong chuyến đi công cán ở Huế, đã để lại cho chúng ta những hình ảnh đẹp đầy sắc màu của hoàng cung ở Huế. Tuy nhiên, khu phố buôn bán gần hoàng thành vẫn còn nghèo nàn và xấu xí. Ông viết “phố chính khá buồn. Nhà cửa nói chung bằng đá, đen thui và tối tăm, nối tiếp nhau, không có hàng lối. Mặt đường đầy rác và các vũng nước mỗi khi mưa không biết đặt chân xuống đâu nữa”.  Tình trạng như trên cũng là tình trạng của Phnompenh, một thành phố hiện nay rất đáng yêu với những mài nhà dát vàng. Trung uý hải quân Da-vin mô tả thành phố này năm 1888 “có vẻ nghèo khổ, chỗ nào cũng đen đúa và tối tăm. Các cung điện hư hại, đền đài đô nát, nhà bằng sàn ghép cẩu thả hoặc đơn giản chỉ là nhà lợp rạ”. Còn các tỉnh thành ở Bắc kỳ, để biết bộ dạng xưa kia của chúng như thế nào chỉ cần giở lại tập báo illustration hoặc Tour du Monde sẽ thấy, ngoài toà thành và mấy ngôi chùa cổ rất quyến rũ, các tỉnh thành đó chẳng có gì đẹp ngoài những ngôi nhà lá buồn tẻ nằm dọc theo con đường đất.

Tôi đã mô tả một số nơi những người châu Âu đầu tiên tới Đông Dương nhìn vào thấy lúng túng đối với phần châu Á ở tận cùng này, nơi từ lâu được Gérard de Nerval tô vẽ là một phương Đông lý tưởng. Là nạn nhân của trí tưởng tượng và của những mô tả sáng lạn theo con mắt lãng mạn, họ không biết rằng các thành phố châu Á chỉ là những phố xá lầy lội hoặc những túp nhà khốn khổ, tối tăm đâu phải các cung điện lộng lẫy và những đám rước long trọng họ vẫn mơ tưởng.

Tuy nhiên có cần phải bực mình không khi gợi nhắc lại các thành trấn không mấy cảm tình này, những thành trấn vẻ cổ kính của chúng trong các bức hình như dấu đi sự xấu kinh người trong thực tế các dấu tích câm lặng này mãi mãi còn xa mới thơ mộng. Người ta hiểu rằng sự buồn chán lặp đi lặp lại có thể làm thất vọng người mới tới. Thực tế, Đông Dương xưa chẳng có gì ngoài cảnh sắc quyến rũ. Cuộc sống ở đây khó khăn đối với mọi người và chính việc biến đổi cuộc sống đó từ một ý chí thống nhất đã gắn bó người Đông Dương với người Pháp.

Nguồn: Văn Chương Việt

Leave A Reply

Your email address will not be published.