Mỹ: Việt Nam không truy cứu trách nhiệm quan chức về lao động cưỡng bức

TVN

0 559

Bộ Ngoại giao Mỹ nói Việt Nam không truy cứu trách nhiệm các quan chức tiếp tay cưỡng bức lao động ở nước ngoài và đưa quốc gia Đông Nam Á vào danh sách các nước phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Washington, trong Báo cáo Buôn người mới nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Trong buổi công bố Báo cáo Buôn người 2022 tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington DC hôm 19/7, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết rằng báo cáo “đánh giá 188 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Mỹ, trong việc phòng chống buôn người, bảo vệ nạn nhân và xét xử những kẻ buôn người.”

Theo Ngoại trưởng Mỹ, có 21 quốc gia được nâng cấp một bậc bởi vì chính phủ của những nước này đã có các nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người trong nước cũng như cho các công dân của họ ở nước ngoài. Trong khi đó, 18 quốc gia bị đánh hạ một bậc, trong đó có Việt Nam, vì các nước này đã không có được nỗ lực đáng kể nào hoặc tệ hơn là chính phủ những nước đó có chính sách hoặc mô hình buôn người do nhà nước bảo trợ.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á đang có mối quan hệ nồng ấm với Washington do cùng quan ngại về một Trung Quốc đang trỗi dậy, đã giảm các vụ truy tố đối với những người được cho là chịu trách nhiệm về vấn nạn buôn người trong năm 2021.

Báo cáo này đặc biệt nêu ra việc chính phủ Việt Nam “không quy trách nhiệm hình sự hay hành chính đối với hai nhà ngoại giao Việt Nam bị cho là đồng lõa trong việc buôn bán công dân ra nước ngoài” cũng như “không thực hiện đủ nỗ lực để bảo vệ nạn nhân trong những trường hợp này.” Trái lại, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các cơ quan chức năng của Việt Nam “đôi khi còn được cho là đã quấy rối và gây áp lực đối với những người sống sót và gia đình của họ trong nỗ lực bịt miệng cáo buộc chính thức việc đồng lõa của các quan chức.”

Theo báo cáo, một tùy viên về lao động và một cán bộ khác của sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út bị cáo buộc đã trực tiếp tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức đối với một số người Việt Nam tại Ả Rập Xê Út. Trong thời gian báo cáo của BNG Mỹ được thực hiện, Hà Nội đang tiến hành cuộc điều tra nhưng các quan chức chính quyền Việt Nam vẫn cho phép quan chức ngoại giao bị cáo buộc tại vị và không tố cáo hình sự hay phạt hành chính đối với họ.

Vẫn theo báo cáo của BNG Mỹ, mặc dù cơ quan chức năng của Việt Nam xử phạt hành chính một số đơn vị tham gia vào việc lừa đảo tuyển dụng hoặc vận chuyển nạn nhân lao động cưỡng bức đến Ả Rập Xê Út nhưng không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những đối tượng này.

VOA hồi giữa năm ngoái đã đưa tin các trường hợp nữ lao động Việt Nam làm việc ở Ả Rập Xê Út báo cáo bị chủ ngược đãi dẫn tới những tổn thương về thể xác và tinh thần, trong đó một nạn nhân tử vong là trẻ vị thành niên. Sau đó vài tháng, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc kêu gọi Việt Nam trấn áp nạn buôn người sau khi ghi nhận tình trạng lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái được tuyển dụng từ Việt Nam sang Ả Rập Xê Út làm người giúp việc nhà. LHQ nhận định rằng “những kẻ buôn người này hoạt động mà không bị trừng phạt.”

Việt Nam, khi phản hồi về văn thư của LHQ yêu cầu cung cấp thông tin về các trường hợp buôn người lao động sang Ả Rập Xê Út hồi tháng 10/2021, nói rằng “đã hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, bao gồm cả Ả Rập Xê-út, để ngăn chặn và đối phó với nạn buôn người liên quan đến công dân Việt Nam.”

“Tham nhũng tiếp tục là công cụ hàng đầu cho những kẻ buôn người,” Ngoại trưởng Blinken nói. “Các quan chức chính phủ có thể làm ngơ trước các hoạt động bất hợp pháp, cung cấp tài liệu giả cho người lao động, tiết lộ cho những kẻ buôn người thông tin về các cuộc đột kích sắp xảy ra. Tham nhũng cho phép những kẻ buôn người tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt.”

Báo cáo của BNG Mỹ còn nhắc tới vụ các quan chức ngoại giao Việt Nam có vai trò trong việc trục lợi từ các chuyến bay “giải cứu” công dân từ nước ngoài trong thời gian đại dịch COVID-19. Bốn quan chức của Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu năm nay bị bắt vì các cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến các chuyến bay này.

BNG Mỹ cho rằng việc “trục lợi bằng cách ép buộc công dân Việt Nam bị mắt kẹt ở nước ngoài trong thời gian đại dịch phải trả phí hồi hương đắt cắt cổ” là một hành động phổ biến của những kẻ buôn người trong việc gây mắc nợ để khai thác nạn nhân. Theo báo cáo, các nhà chức trách Việt Nam đã không cung cấp thêm thông tin về các cáo buộc, cũng giống như các vụ việc kể trên ở Ả Rập Xê Út.

Đó là lý do vì sao Việt Nam bị đưa vào Cấp độ 3 (Tier 3), tức mức gần thấp nhất – chỉ trên các trường hợp đặc biệt – đồng nghĩa với việc phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ thường bỏ qua trừng phạt đối với các quốc gia có mối quan hệ thân thiện và hứa cải thiện tình hình ở đất nước họ.

Cùng ở Cấp độ 3 với Việt Nam có 10 quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc và Triều Tiên. Ba nước được coi là “Trường hợp đặc biệt” gồm Libya, Somalia và Yemen. Mỹ nằm trong Cấp độ 1, tức cao nhất, cùng với 31 quốc gia khác, trong đó có Đài Loan và Singapore, những nước thực hiện các nỗ lực tốt nhất trong việc chống buôn người.

Về mặt tích cực, Mỹ ghi nhận Việt Nam đã thực hiện một số bước để giải quyết nạn buôn người và bắt đầu đánh giá để thực hiện dự thảo sửa đổi luật chống buôn người cũng như hỗ trợ nhiều nạn nhân hơn so với năm 2020.

Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong đó có việc chính phủ Hà Nội cần phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để sửa đổi luật chống buôn người cũng như loại bỏ tất cả các khoản phí và hình thức tuyển dụng có tính chất lợi dụng đối với người lao động ra nước ngoài làm việc. Báo cáo còn khuyến nghị Việt Nam tăng cường giám sát các công ty tuyển dụng lao động, các công ty môi giới và truy tố các mạng lưới môi giới phụ bất hợp pháp.

Việt Nam chưa đưa ra phản ứng nào trước Báo báo Buôn người mà BNG Mỹ vừa đưa ra.

“Hành vi buôn người vi phạm các quyền của mọi người được tự do: tự do làm những gì bạn muốn, là chính bạn, sống cuộc sống mà bạn mong muốn,” Ngoại trưởng Blinken nói tại buổi giới thiệu báo cáo.

Theo ông Blinken, hiện có gần 25 triệu người đang là nạn nhân của nạn buôn người trên toàn thế giới và Hoa Kỳ “cam kết đấu tranh với vấn đề này vì buôn người làm suy yếu các xã hội, làm suy yếu các nền kinh tế, gây nguy hại tới người lao động, làm giàu cho những kẻ khai thác họ.”
Theo VOA

Leave A Reply

Your email address will not be published.