Nguy cơ Bắc Kinh biến khu vực sông Mekong thành một Biển Đông thứ hai

TVN

0 234

Hôm 7/12, Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức buổi điều trần về các thách thức và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực sông Mekong, nơi mà các quốc gia hạ nguồn như Việt Nam, Campuchia chịu tác hại nghiêm trọng, đồng thời lắng nghe các đề xuất để Hoa Kỳ hợp tác hiệu quả hơn trong khu vực giữa nguy cơ Bắc Kinh biến vùng này thành một Biển Đông thứ hai.

Mở đầu buổi điều trần, ông Ami Bera, Chủ tịch tiểu ban Châu Á, Thái Bình Dương, Trung Á, và Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đánh giá tầm quan trọng của khu vực Mekong và lên án sự can thiệp Trung Quốc đối với dòng chảy của con sông này.

Dân biểu Bera nói:

“Việc quản lý các con đập của Bắc Kinh rõ ràng đã gây ra những thay đổi nghiêm trọng về mực nước ở hạ lưu. Ví dụ, vào năm 2019, các con đập của Trung Quốc đã hạn chế đáng kể lượng nước chảy vào các quốc gia hạ lưu sông Mekong, dẫn đến hạn hán mặc dù lượng mưa và tuyết tan trên mức trung bình”.

Dân biểu Steve Chabot, uỷ viên cấp cao của tiểu ban, đề cập đến một khía cạnh khác về sự can thiệp của Trung Quốc đối với khu vực này:

“Người dân trên khắp khu vực sông Mekong vô cùng sự phẫn nộ về tác động tiêu cực của sự can thiệp của Trung Quốc, đặc biệt là việc nhập khẩu lao động Trung Quốc, và tôi sẽ thiếu sót nếu tôi không đề cập đến thách thức trước mắt do tiền đồn của Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang được xây dựng tại Căn cứ Hải quân Campuchia”.

Tiểu ban đã mời ba nhân chứng đến từ các cơ quan nghiên cứu của Hoa Kỳ phát biểu, cả trực tiếp và trực tuyến, tại buổi điều trần này.

Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, nêu hàng loạt các thách thức chưa được phơi bày, sau khi nhấn mạnh tầm quan trọng của sông Mekong trong việc đảm bảo an ninh và sinh kế của hàng chục triệu người ở Đông Nam Á lục địa và lý giải vì sao một chiến lược tương tác thông minh hơn từ Hoa Kỳ có thể giúp cho khu vực này phát triển mạnh.

Mekong, con sông dài thứ 12 nhất thế giới, nhưng với một nửa chiều dài của nó là ở Trung Quốc trong khi nửa còn lại đi qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

“Trung Quốc, quốc gia thượng nguồn của con sông này, thông qua các hoạt động không minh bạch của 11 con đập lớn nhất thế giới, tận dụng quá mức các con đập gây ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước và lương thực ở hạ lưu. Cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa chịu chia sẻ dữ liệu với các quốc gia hạ nguồn về cách vận hành các đập đó. Trung Quốc cũng chẳng màng thông báo cho hạ lưu khi đập bắt đầu xây dựng hoặc bắt đầu hoạt động”.

Ông Eyler, tác giả của thiên phóng sự “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” được xuất bản bằng tiếng Việt năm 2020, phát biểu rằng việc nước xả đột ngột từ các đập của Trung Quốc đã gây ra lũ quét, còn khi họ trữ nước thì gây hạn hán trầm trọng ở hạ lưu.

Phân tích sự ảnh hưởng của dòng chảy đối với đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, phần hạ lưu của Mekong, nơi có gần 20 triệu người, chiếm 20% dân số Việt Nam, mà họ chủ yếu dựa vào nguồn nước của sông Mekong để sản xuất hầu hết nông sản của đất nước, phần lớn là lúa gạo, với hơn một nửa sản lượng được xuất khẩu sang Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới, ông Eyler cho biết:

“Đồng bằng sông Cửu Long và năng lực sản xuất cho nền kinh tế của khu vực này đang bị đe dọa bởi ba thách thức kép là nước biển dâng, các con đập ở thượng nguồn kìm hãm và các hoạt động kinh tế lạc hậu đã có từ nhiều thập kỷ trước rất khác so với hiện nay”.

“Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất khi hệ sinh thái sông Mekong bị phá hủy do hậu quả của sự tương tác sai lầm của con người và do tác động của biến đổi khí hậu, dù cả hai quốc gia đang cam kết đối đầu trực diện với thách thức kép này”, ông Eyler nói thêm.

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích các ảnh hưởng của Trung Quốc tại Campuchia và những khó khăn mà mối quan hệ Trung Quốc – Campuchia gây ra cho lợi ích của Hoa Kỳ, cho các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như cho bản thân đất nước nước Campuchia.

Ông Poling đề cập đến “dấu chân quân sự trong tương lai” của Trung Quốc ở Campuchia, trước mắt là tại Căn cứ Hải quân Ream, cũng như đường băng mà một công ty Trung Quốc đang xây dựng ở sân bay quốc tế Dara Sakor.

“Nhưng Căn cứ Ream là một triệu chứng của vấn đề sâu sắc hơn về ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước này, được kích hoạt bởi sức mạnh kinh tế và sự sẵn sàng thúc đẩy cấu trúc của giới tinh hoa tìm kiếm đặc lợi mà Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia của ông gầy dựng quyền lực”, ông Poling nhận định.

“Trong khi đó, chính sách của Hoa Kỳ đối với Campuchia, đã chuyển từ ngoại giao sang trừng phạt và quay trở lại với rất ít sự rõ ràng về chiến lược, kết quả là một khoảng trống mà Trung Quốc rất hoan hỉ lắp đầy”.

Ông nhận định rằng nếu như ở Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn hiện trạng quân sự trong khu vực, thì tại căn cứ Ream sẽ là một sự bổ sung hơn là một sự thay đổi đáng kể đối với chính sách mở rộng mạng lưới sức mạnh hiện có của Trung Quốc.

Chuyên gia CSIS nói:

“Điều quan trọng hơn đối với Trung Quốc là bất kỳ cơ sở và mạng lưới thông tin liên lạc nào họ đặt ở đó sẽ cho phép họ thu thập thông tin tình báo trên Vịnh Thái Lan, bao gồm cả sự hợp tác của Hoa Kỳ với đồng minh của chúng ta là Thái Lan, và các đối tác của chúng tôi ở Malaysia, Việt Nam và có khả năng là tất cả các con đường vào Biển Đông, phía đông Ấn Độ Dương xung quanh Ấn Độ…

“Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ đặt các cơ sở liên lạc và theo dõi vệ tinh ở căn cứ Ream vì vị trí gần đường xích đạo khiến nó trở nên cực kỳ hữu ích cho mục đích đó”.

“Những khả năng này có lẽ quan trọng đối với Trung Quốc hơn là sự hiện diện của thành phần hải quân trong tương lai của Trung Quốc tại căn cứ Ream”, ông Poling nói.

Tương tự, ông Patrick Cronin, Giám đốc An ninh Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện Hudson, phát biểu:

“Tôi nghĩ chúng ta cần xem người Trung Quốc đang làm gì không minh bạch ở Căn cứ Ream, những điều mà họ đang che giấu và cố gắng che giấu như một phần của mô hình, một mô hình để tiếp cận lớn hơn tới cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”.

Phần điều trần của ông Cronin tập trung vào vào các chính sách bá quyền của Bắc Kinh được thiết kế để đảm bảo an ninh và thống trị kinh tế ở ngoại vi Trung Quốc, mở rộng kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của sông Mekong và dòng chảy qua các quốc gia hạ lưu sông Mekong, định hình môi trường thông tin thúc đẩy khai thác các trọng điểm và thiết lập một cây cầu chiến lược trên bộ tới Biển Đông, ra Vịnh Thái Lan, Biển Andaman và Vịnh Bengal—tóm lại là vượt qua cả eo biển Malacca và vươn ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Ông Cronin phát biểu rằng một trong những thách thức chính mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong việc duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực Mekong là sự ảnh hưởng quá mạnh mẽ của Trung Quốc đối với năm quốc gia khác mà con sông này đi qua, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, và Việt Nam.

Nhận định về quan hệ thân mật Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua, ông Cronin nói:

“Không quốc gia nào nhận thức rõ tình trạng khó khăn này hơn Việt Nam, quốc gia cân bằng chặt chẽ quan hệ chính trị và quan hệ kinh tế với Trung Quốc ngay cả khi nước này theo đuổi với các đối tác an ninh bên ngoài, đặc biệt là với Hoa Kỳ”.

Ông Eyler đưa ra một số đề xuất như chính phủ Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động khoa học và minh bạch, tăng cường hỗ trợ cho Ủy hội sông Mekong (MRC), chống lại thông tin sai lệch và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các hành động của Hoa Kỳ ở khu vực Mekong, tăng cường nỗ lực bảo tồn và bảo vệ Biển Hồ của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Ông Cronin nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần đẩy mạnh tập trung hợp tác kinh tế với Thái Lan và Việt Nam. Ông nói: “Thái Lan là đồng minh của chúng ta. Việt Nam trên thực tế là một đối tác lớn. Đây là hai quốc gia thực sự có thể tạo ra và phải đạt được những bước tiến quan trọng, với cả hai là sẽ thành viên của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) nơi mà các cuộc đàm phán của các bên liên quan cũng đang diễn ra.”

Ông Poling nói rằng cuối cùng rồi thì Trung Quốc cũng có khả năng sử dụng một hoặc cả hai cơ sở ở Campuchia, vậy thì hãy biến điều này thành lợi thế cho Hoa Kỳ. Ông viết trong bài điều trần: “Washington nên sử dụng lý do này để thúc đẩy hợp tác an ninh gần hơn với các nước láng giềng là Thái Lan và Việt Nam, vì cả hai nước này thậm chí còn quan tâm đến những diễn biến này còn hơn cả Hoa Kỳ”.

Đối với Campuchia, ông Poling nhận định rằng các giải pháp cô lập và trừng phạt của Washington sẽ không hiệu quả. Ông cho rằng sự cô lập sẽ chỉ buộc ông Hun Sen sẽ tiến nhanh hơn vào vòng tay của Trung Quốc. Ông viết trong tài phát biểu gửi đến Hạ viện: “Các biện pháp trừng phạt sẽ không thay đổi hành vi của ông ấy và nên tránh, đặc biệt nếu chúng nhắm thẳng vào các dự án liên quan đến Trung Quốc”.

Trong khi đó chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Stimson nhấn mạnh rằng các hoạt động của Hoa Kỳ ở sông Mekong cần phải được sắp xếp theo cách không bắt buộc các quốc gia tại khu vực này cảm thấy như họ cần phải đứng về phía nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì ông cho rằng Đông Nam Á vẫn chưa phản ứng tốt với việc trở thành “bãi cỏ nơi hai con voi vờn nhau và đã kinh qua việc cân bằng” khi cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn đang diễn ra trong khu vực.

Theo VOA

Leave A Reply

Your email address will not be published.