Quan hệ Mỹ Việt: Nạn buôn người, xúc tiến thương mại

TVN

0 274

Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm 10/7 bày tỏ “mong muốn được hợp tác với chính phủ Việt Nam” để chống lại nạn mua bán người.

Dẫn báo cáo về nạn mua bán người năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ, cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Việt Nam “đã thể hiện nỗ lực đáng kể” trong việc chống lại nạn mua bán người.

Đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng “chính phủ Việt Nam đã tăng cường các nỗ lực truy tố và bảo vệ, xác định và hỗ trợ nhiều nạn nhân bị mua bán hơn, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ cho người Việt nam lao động tại nước ngoài trong năm 2022”.

“Vẫn còn nhiều việc quan trọng phải hoàn thành và Đại sứ quán Hoa Kỳ mong muốn được hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục đà phát triển tích cực này trong năm tới”, Đại sứ quán viết trên Facebook.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, trong bản báo cáo về tình trạng buôn người trên thế giới hôm 15/6, Việt Nam đã được đưa từ hạng ba (tức hạng cuối) lên hạng hai nhưng vẫn nằm trong danh sách cần phải theo dõi.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các nước thuộc hạng hai và trong danh sách cần theo dõi “có chính phủ không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Đạo luật Bảo vệ Nạn nhân Buôn người [của Mỹ] nhưng đang có những nỗ lực đáng kể để tuân thủ các tiêu chuẩn đó”.

Sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra báo cáo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng “Việt Nam ghi nhận phía Mỹ đã có đánh giá tích cực hơn” trong báo cáo năm 2023 về tình hình mua bán người trên thế giới.

Theo báo chí trong nước, bà Hằng nói tiếp rằng Việt Nam “mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới, để phía Mỹ có đánh giá khách quan, chính xác, toàn diện hơn nữa về tình hình, nỗ lực thực chất của Việt Nam”.

“Việt Nam cũng sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ cũng như các bên liên quan về những vấn đề hợp tác cụ thể để cùng triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người”, bà Hằng nói, theo báo Tuổi Trẻ.

Thống đốc bang Nebraska Jim Pillen của Mỹ lần đầu tiên dẫn đầu phái đoàn xúc tiến thương mại đến Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh đang gia tăng.

Đoàn có nhiều điểm dừng được lên lịch trên khắp đất nước trong chuyến thăm kéo dài một tuần, bắt đầu từ ngày 9/7.

Thống đốc Pillen cho biết trong một tuyên bố: “Việt Nam là thị trường xuất khẩu quan trọng và đang phát triển đối với thức ăn chế biến sẵn của Nebraska như gluten ngô, bột đậu nành và ngũ cốc chưng cất”.

Các thành viên khác của nhóm bao gồm Giám đốc Sở Nông nghiệp Nebraska Sherry Vinton, Hiệu trưởng Joanne Li của Đại học Nebraska – Omaha (UNO) và các chuyên gia liên quan đến nông nghiệp, đại diện doanh nghiệp, giới học thuật và quan chức chính phủ.

Các sự kiện trong chuyến công tác thương mại bao gồm thăm một trung tâm phân phối/tạp hóa lớn, trình diễn sản phẩm, gặp gỡ các quan chức thương mại Việt Nam và thăm Đại học Nông nghiệp Việt Nam.

“Nebraska đã có nhiều chuyến thăm và trao đổi tích cực với Việt Nam trong những năm qua. Chuyến thăm này là một bước nữa trong việc củng cố mối quan hệ đó”, Thống đốc Pillen cho biết.

“Tôi rất vinh dự được tháp tùng Thống đốc Pillen trong phái đoàn thương mại quan trọng này nhằm tăng cường kết nối quốc tế của bang chúng ta và cải thiện chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân Nebraska,” Hiệu trưởng Li nói.

Theo thông cáo báo chí của Thống đốc Pillen, hồi đầu năm nay, một phái đoàn bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nebraska và đại diện của Sở Phát triển Kinh tế Nebraska (DED) đã đến Việt Nam để thảo luận về các cơ hội kinh doanh và giáo dục.

Dữ liệu gần đây nhất của DED (2021) cho thấy tổng giá trị xuất khẩu sang Việt Nam từ Nebraska vượt quá 946 triệu đôla.

Với dân số hơn 104 triệu người, Việt Nam nhập khẩu một lượng đáng kể các sản phẩm từ sữa, trứng, đậu khô ăn được cũng như thịt bò từ bang Nebraska.

Theo VOA

Leave A Reply

Your email address will not be published.