Tin tặc Trung Quốc, với âm mưu “phong tỏa” Đài Loan

TVN

0 90

Hai ngày trước bầu cử tổng thống 13/01, không chỉ có các giới chức quân sự Đài Loan trong tư thế sẵn sàng « đối phó với mọi tình huống », mà các chuyên gia về tin học ở đây cũng đang được đặt trong tình trạng« báo động » trước nguy cơ 14 đường cáp quang dưới lòng biển kết nối Đài Loan với phần còn lại của thế giới bị « phá hoại », trước khả năng các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị tin tặc đột nhập.

Quan hệ giữa chính quyền Hoa Lục và Đài Bắc đã trở nên căng thẳng từ 2016, khi nữ tổng thống Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến lên cầm quyền. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, nhân vật số 2 trong chính quyền Thái Anh Văn, phó tổng thống Lại Thanh Đức, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu. Bắc Kinh luôn xem ứng viên này là một người có lập trường « ly khai ». Từ gần 2 năm trước bầu cử tổng thống Đài Loan, Trung Quốc đã liên tục huy động các phương tiện quân sự trên không và trên biển để uy hiếp hòn đảo này.

Trong các cuộc tập trận 2022 và 2023, Trung Quốc đã có hẳn những bài tập « phong tỏa Đài Loan » và giới quan sát quân sự e rằng Bắc Kinh có thể « dùng những phương tiện kỹ thuật số để phong tỏa hòn đảo ». Là một hòn đảo, Đài Loan cần có những phương tiện « kết nối » với đất liền. Trong thời đại kỹ thuật số, hệ thống cáp quang dưới lòng biển mang tính « sống còn».

Các giới chức ở Đài Bắc báo động từ một năm qua các vụ tấn công tin học nhắm vào Đài Loan đã đột ngột gia tăng. Fortinet, một công ty chuyên về an ninh mạng, ghi nhận trong nửa năm đầu 2023 số lượt « tấn công » ảo đã tăng lên 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đài Loan là « mục tiêu số một » của tin tặc.

Thủ phạm các cuộc « xung đột thời đại kỹ thuật số » luôn « nấp sẵn bên trong các hệ thống tin học của đối tượng muốn nhắm tới », đợi « thời cơ để gây nhiễu » trong các lĩnh vực mang tính sống còn đối với đời sống của người dân Đài Loan, « từ ngành tài chính ngân hàng, đến viễn thông hay năng lượng », như ghi nhận của bà Crystal Tu, đặc trách về an ninh mạng Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Phòng Đài Loan. Theo chuyên gia này, « việc các hoạt động tấn công Đài Loan không ngơi nghỉ phản ánh tầm mức quan trọng về mặt địa-chính trị của đảo quốc ». Đương nhiên, giới trong ngành đồng loạt xem Trung Quốc là yếu tố chủ chốt trong cuộc xung đột ảo nhắm vào Đài Loan.

Năm 2023, tập đoàn phần mềm Microsoft của Mỹ nêu đích danh nhóm Flax Typhoon từ Hoa Lục điều khiển các chiến dịch « do thám » khuynh đảo Đài Loan. Tin tặc Trung Quốc không chỉ nhắm vào các cơ quan nhà nước, hay các cơ sở hạ tầng quân sự của Đài Loan, mà còn nhắm cả vào các tập đoàn công nghiệp bán dẫn của hòn đảo. Đứng đầu trong số đó là TSMC, cung cấp hơn 50% chip điện tử cho thế giới. Năm 2023, TSMC đã từng báo động « một vụ thất thoát về thông tin và dữ liệu » liên quan đến một trong những nhà cung cấp cho tập đoàn này.

Đây là lĩnh vực nhạy cảm đến nỗi một quan chức của Hoa Kỳ được hãng tin Pháp AFP trích dẫn đã từng thốt lên rằng, trong kịch bản xấu nhất thà Mỹ « phá hủy toàn bộ các cơ sở sản xuất linh kiện bán dẫn của Đài Loan còn hơn là để chúng rơi vào tay Bắc Kinh ». Theo ông Jim Liu, đại diện của công ty đặc trách về an ninh mạng Fortinet, tin tặc Trung Quốc « quan tâm » đến Đài Loan như vậy là do « Đài Loan đang ở trên đỉnh cao của cả một chuỗi cung ứng về công nghệ mũi nhọn ».

Giới trong ngành cho rằng có ba kịch bản để « các sự cố về tin học và các vụ tấn công trên mạng càng xảy ra thường xuyên hơn » : Thứ nhất là đối thoại giữa hai bờ eo biển Đài Loan không được cải thiện với chính quyền mới ở Đài Bắc ; Thứ hai là quan hệ chặt chẽ giữa Washington với chính quyền ở Đài Loan (bất luận trong tay phe thân Bắc Kinh hay không) ; Cuối cùng là cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng cường độ, bởi đến nay Đài Loan dường như là « một trong những hồ sơ nhạy cảm nhất » giữa hai cường quốc kinh tế và quân sự này.

Cách nay hai hôm, hãng tin Mỹ Bloomberg thẩm định trong trường hợp xung đột vũ trang, Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan bằng sức mạnh quân sự, thiệt hại kinh tế đối với toàn cầu ước tính lên tới 10 ngàn tỷ đô la, ngang bằng với tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng tài chính thế giới hồi 2008 cộng lại. Do vậy, một số nhà quan sát cho rằng ít có khả năng Bắc Kinh huy động quân đội và các phương tiện quân sự để thâu tóm Đài Loan.

Dùng đội quân tin tặc để gây rối và hù dọa có thể là một chiến lược của Trung Quốc không quá tốn kém và vừa đủ để cảnh cáo Đài Bắc đồng thời gián tiếp nhắc nhở Washington về một « lằn ranh đỏ » mà Hoa Kỳ không nên vượt qua.

Theo RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.