Trí Thức Không Cần… Phản Biện?

0 605

Trí thức, nguyên gốc là một danh từ, xuất phát từ một sự phản kháng chính phủ của một nhà văn nổi tiếng người Pháp là Émile Zola (1840- 1902). Trong làn sóng bài người Do Thái thời đó, ông đã công khai viết kháng nghị, viết báo để bênh vực trong vụ minh oan cho một sĩ quan gốc Do Thái là Dreyfus. Vì bài báo này, Zola đã bị kết tội vu khống và phải sống lưu vong ở Luân Đôn một năm, nhưng khi quay về Pháp ông vẫn tiếp tục viết thêm một loạt bài báo thể hiện chính kiến của mình. Vào năm 1906, (khi đó Émile Zola đã mất), văn bản kháng nghị này của ông và bạn bè, được thủ tướng Pháp là Clemenceau (tiến sĩ, nhà báo) công khai và gọi là Tuyên ngôn của Trí thức (Manifeste Des Intellectuels). Từ đó từ “trí thức” ra đời, có mặt trong các Đại từ điển, với nghĩa: một cá nhân làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần và có thái độ phản biện xã hội!

Tại các nước độc tài chỉ có một “nhà nước toàn trị”, mọi phản biện đều bị xem như “phản động” còn phản kháng có thể bị qui tội “lật đổ chính quyền” vì vậy chữ “trí thức” đã được định nghĩa lại, theo đó ai có học hành, ngầm ý tốt nghiệp cỡ… cao đẳng đã là trí thức! Thậm chí sinh viên còn được gọi là “trí thức trẻ”, và do đó vị thế của trí thức tại các nước này bị xem nhẹ, và giới chính khách ngạo mạn gọi “trí thức là cục phân” (Mao Trạch Đông) hay “đồ cặn bã của dân tộc” (Lenin).

Tại Việt Nam, nơi mà phản biện xã hội về chính trị cũng dễ bị chụp mũ phản động, khi đi tìm từ khóa “trí thức” trên internet,  tôi đọc được câu trả lời của giáo sư Ngô Bảo Châu trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 20-1-2012: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”. Câu nói của giáo sư Châu rõ ràng ngầm ý biện hộ và kín đáo ca tụng cho chính mình. Nhưng đó là chuyện đã lâu, hy vọng ông đã thay đổi thái độ.

Cá nhân tôi đồng ý với định nghĩa “nguyên bản” của từ trí thức. Tôi tôn trọng tài năng nhưng tôi không coi anh ta là một trí thức nếu không có tư duy phản biện bởi trong một chế độ toàn trị, những “giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra” vẫn là để phục vụ cho một tầng lớp bóc lột, khi đó nghệ sĩ gọi là văn công và kẻ cầm bút cũng là hạng văn nô. Còn nếu cho rằng chỉ tốt nghiệp cao đẳng là trí thức thì với hơn 24.000 tiến sĩ cộng thêm, Việt Nam hiện nay có hàng chục triệu trí thức, và Lenin, Mao Trạch Đông sẽ đúng bởi trong cái mớ lùng nhùng kia, thiếu gì cặn bã và phân!

Tác giả gửi Trí Việt News

Leave A Reply

Your email address will not be published.