Ca sĩ Ngọc Minh và “Thành phố buồn”

Huỳnh Duy Lộc

0 287

Ngọc Minh sinh ngày 20 tháng 11 ở Quảng Ninh, sau khi cùng với gia đình di cư vào Nam vào năm 1954, đã vào ở Đà Lạt một thời gian, sau đó về sống ở Kontum vài năm trước khi trở lại Đà Lạt sống cho đến khi thân sinh cô về hưu.

Cô đã học nhạc một thời gian ngắn với nhạc sĩ Mạnh Đạt và khởi đầu sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp sau khi lên hát giúp vui ở phòng trà Bồng Lai với một nhạc phẩm về người lính là “Anh tiền tuyến, em hậu phương”. Cô đã nhận được lời mời cộng tác với phòng trà này rồi được nhạc sĩ Huỳnh Anh mời cộng tác với vũ trường Văn Cảnh và nhạc sĩ Võ Đức Tuyết mời hát tại Olympia và những hộp đêm khác. Năm 1964, cô gia nhập Ban Tuyên vận thuộc Bộ Thông tin và ra mắt thính giả lần đầu tiên tại Trường Quốc gia Âm nhạc với ca khúc “Tình ca” của Phạm Duy và ca khúc “Anh về một chiều mưa” của Duy Khánh và Anh Thy.

Từ khi Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu hoạt động, Ngọc Minh đã góp mặt trong nhiều chương trình ca nhạc và xuất hiện trong nhiều vở kịch của một số ban thoại kịch.

Tháng 11 năm 1978, Ngọc Minh cùng con trai vượt biển đến được đảo Tanganu, được đưa vào trị tỵ nạn Pulau Bidong và ở tại đây hơn một năm. Khi sang Mỹ định cư, cô đã cố gắng để hội nhập và tiếp tục hoạt động nghệ thuật. Ca khúc “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh” của Nhật Ngân do cô trình bày được phổ biến và được nhiều người yêu thích. Ca khúc này cũng được dùng làm chủ đề của băng nhạc đầu tay của cô ra mắt ở hải ngoại vào năm 1981. 6 tháng sau đó, cô cho ra mắt băng nhạc thứ hai với chủ đề “Người Yêu Của Lính 1”. Sau CD “Người yêu của Lính 2” phát hành vào năm 1998, Trung tâm Ngọc Minh Productions của cô đã thực hiện thêm 13 album nhạc nữa.

Nhà báo Trường Kỳ đã nhận định về giọng ca Ngọc Minh: “Khi nhắc tới một nữ ca sĩ được mệnh danh là “Người yêu của lính”, chắc không ai không biết danh hiệu đó được dành cho Ngọc Minh, nữ ca sĩ nổi bật với nghệ thuật trình bày những nhạc phẩm liên quan đến lính là những nhạc phẩm do cô hát trong những năm chiến trường Việt Nam ở trong thời kỳ sôi động nhất. Ngọc Minh cho biết sở dĩ cô thương lính, yêu lính và thích lính một phần lớn vì những người thân yêu nhất trong gia đình cô đã từng là những quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa như thân sinh cô, các em cô và chồng cô (cô lập gia đình vào năm 1965). Vì có nhiều liên hệ với lính nên Ngọc Minh đã thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của họ trong thời kỳ đất nước đang mịt mờ lửa khói. Từ đó, cô đã dồn tất cả những cảm xúc của mình để diễn đạt những nhạc phẩm về người lính”.

Ngọc Minh có giải thích vì sao cô được mệnh danh là “Người yêu của lính”: “Câu hỏi này rất nhiều người hỏi tôi, nhưng thật tình tôi không biết câu trả lời chính xác như thế nào? Có lẽ vì gia đình tôi là lính, người yêu của tôi, chồng tôi cũng là lính nên người ta gọi tôi là “Người yêu của lính”. Thú thật khi nghe những người trẻ hát nhạc lính, tôi phải cảm ơn họ vì tuy là tuổi đời của các em, các cháu không có những kỷ niệm với người lính, thế nhưng các bạn trẻ vẫn biểu diễn nhạc lính rất tốt; tuy nhiên, có lẽ vì họ không có người yêu là lính hay gia đình người thân là lính, không có những cảm giác hồi hộp, lo lắng khi theo dõi tình hình chiến sự ở những quân đoàn này, quân đoàn nọ, có người thân của mình đang hành quân nên không thể nào lột tả được hết tâm tình khi họ chuyển tải từng ca từ trong mỗi bài hát. Và như thế họ nặng phần trình diễn hơn…”

Lối hát chân phương của Ngọc Minh rất phù hợp với những nhạc phẩm trữ tình, khiến cho thính giả có cảm tưởng mình đang được nghe những lời tự sự của cô qua từng câu hát, nhất là khi cô thể hiện những ca khúc trước năm 1975 mà cô cho là “nghe đằm thắm, đậm đà hơn nhiều ca khúc sau năm 1975…”

Ngọc Minh đã có một thời gian ở Đà Lạt nên có nhiều kỷ niệm với thành phố cao nguyên này và trong những sản phẩm âm nhạc ra mắt ở hải ngoại, cô đã chọn thể hiện một số ca khúc về Đà Lạt của nhạc sĩ Hoàng Nguyên và nhạc sĩ Lam Phương. Trong album “Thành phố buồn” ra mắt năm 1989, cô đã hát ca khúc “Thành phố buồn” của nhạc sĩ Lam Phương, ca khúc sáng tác vào năm 1970, thể hiện cảm xúc của ông “trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co…” như lời kể của ông.

Trong tác phẩm khảo cứu “Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương” (Phanbook xuất bản, tháng 10.2019), nhà báo Nguyễn Thanh Nhã có cảm nhận về ca khúc “Thành phố buồn”: “Đà Lạt chiếm vị trí quan trọng trong giới hoạt động nghệ thuật miền Nam trước 1975… So với các nhạc sĩ cùng thời, Lam Phương có sáng tác về Đà Lạt hơi muộn… “Thành phố buồn” của Lam Phương ra đời năm 1970, khi nhạc sĩ theo đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương của quân đội trình diễn ở Đà Lạt. Bài hát không có từ nào nhắc đến Đà Lạt mà chỉ bằng hình ảnh lãng đãng khói sương, “đường quanh co quyện gốc thông già”, hay “con đường ngày xưa lá đổ”… mà khói sương Đà Lạt được gọi về thật nhiều trong tâm tưởng người nghe… Người ta bắt gặp sự đồng cảm khi nghe “Thành phố buồn” có lẽ vì khung cảnh Đà Lạt là thiên đường cho tình yêu, là tìm chốn êm đềm…” (Lam Phương – Trăm nhớ ngàn thương, tr. 118, 119)

Về sau, Lam Phương có kể rằng ông từng có “mối tình say đắm với ca sĩ Hạnh Dung. Bài hát được viết trong lần ông đi Đà Lạt nhưng không có Hạnh Dung bên cạnh. Đà Lạt với ông và Hạnh Dung có quá nhiều kỷ niệm. Vì nhớ người yêu trong một khung cảnh lãng mạn giữa phố núi sương mù trong ngôi nhà trọ be bé mà ông viết “Thành phố buồn” (Nhạc sĩ Lam Phương kể chuyện tình, Dạ Ly, báo Thanh Niên).

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cũng cho biết: “Đáng nói nhất là một lần Lam Phương đi công tác trên Đà Lạt. Anh đi một mình không có Hạnh Dung. Anh ray rứt nhớ người yêu bởi Hạnh Dung và anh đã từng hẹn hò nhiều lần tại thành phố sương mù này. Ngồi trong căn nhà trọ lưng chừng đồi nhìn xuống khu phố đìu hiu ngày chủ nhật, anh tha thiết nhớ Hạnh Dung và viết ngay bài ‘Thành phố buồn’…”

THÀNH PHỐ BUỒN
Thành phố nào nhớ không em? Nơi chúng mình tìm phút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa, nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn.
Một sáng nào nhớ không em ngày chủ nhật ngày của riêng mình
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa
Người lưa thưa chìm dưới sương mù
Qùy bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương
Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.
Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa, rồi từ đó chốn phong ba em làm dâu nhà người
Âm thầm anh tiếc thương đời đau buồn em khóc chia phôi
Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui.
Thành phố buồn lắm tơ vương cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa lá đổ, giờ không em sỏi đá u buồn
Giờ không em hoang vắng phố phường
Tiếng chuông chiều chầm chậm thê lương
Tiễn đưa người quên núi đồi, quên cả tình yêu.
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu

Leave A Reply

Your email address will not be published.