“Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ
Một ngày ghé đến Nha Trang”.
Nhạc sĩ Minh Kỳ sinh năm 1930, tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, là cháu đời thứ năm của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Kiền và là người con duy nhất của một gia đình khá giả thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn ở Nha Trang. Ông trải qua thời thơ ấu và thời thanh niên tại Nha Trang nên có nhiều kỷ niệm với thành phố miền duyên hải này. Năm 1959, 7 năm sau khi lập gia đình, ông chuyển vào Sàigòn hoạt động văn nghệ, sáng tác những nhạc phẩm phù hợp với thị hiếu của đại chúng và kết hợp với nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Anh Bằng, cho ra mắt những nhạc phẩm để giới thiệu trên làn sóng Đài phát thanh hay những chương trình ca nhạc của các hãng dĩa.
Khi cuộc chiến leo thang, ông không vào quân đội mà gia nhập lực lượng cảnh sát, đến năm 1975 mang cấp bậc đại úy nên sau ngày 30 tháng 4 phải đi học tập cải tạo ở Trại An Dưỡng, Biên Hòa. Khuya ngày 31 tháng 8 năm 1975, một quả lựu đạn được ném vào vách tôn nhà số 3 của Trại tù An Dưỡng làm 3 người chết và 8 người bị thương nặng, hầu hết là những sĩ quan cảnh sát đang học tập cải tạo. Trong số những người chết có Minh Kỳ. Cũng có nguồn tin cho biết Minh Kỳ bị thương nặng và qua đời khi kho đạn gần trại cải tạo Long Khánh phát nổ. Ông được chôn cất sơ sài với một tấm bia viết bằng sơn đỏ dòng chữ “Vĩnh My”, tức Vĩnh Mỹ, tên thật của ông.
Các sáng tác đầu tay của Minh Kỳ là những nhạc phẩm về thành phố duyên hải này viết theo điệu slow, sử dụng những quãng âm rộng nghe giống như tiếng sóng rập rờn như “Dòng thời gian”, “Nha Trang”, “Nhớ Nha Trang”, “Tiễn bạn”.
Khi dòng nhạc về người lính được nhiều người yêu thích do sự chia cách giữa những lính ở tiền tuyến và những người ở hậu phương, ông đã viết những ca khúc thể hiện tâm tình của người lính như: “Anh tiền tuyến, em hậu phương”, “Biệt kinh kỳ” (viết chung với Hoài Linh), “Tình hậu phương”, “Biệt động quân”…
Nhưng những ca khúc đặc sắc nhất của ông là những ca khúc về những thành phố có phong cảnh đẹp nhất của miền Nam như thành phố Huế, quê nội của ông (các ca khúc nổi tiếng như “Mưa trên phố Huế”, “Người em Vỹ Dạ”, “Thương về xứ Huế”), thành phố Đà Lạt (3 ca khúc bất hủ là “Thương về miền đất lạnh”, “Đà Lạt hoàng hôn” viết chung với Dạ Cầm, tức nhạc sĩ Anh Bằng, và “Má hồng Đà Lạt”) và thành phố Nha Trang, nơi ông sinh ra và lớn lên.
“Nha Trang” là ca khúc thể hiện tình yêu thiết tha dành cho thành phố của thời niên thiếu và thời thanh niên ở “miền quê hương cát trắng”, “có những đêm vọng lại tiếng sóng ầm ầm ngoài khơi xa” và có những cảnh đẹp làm say đắm lòng người như Tháp Bà, Hòn Chồng hay “bến Cầu Đá nên thơ”. Dù có lưu lạc về những phương trời khác, người con của Nha Trang sẽ giữ mãi trong tâm tưởng hình ảnh “những chiều say sưa ngồi trông ra khơi mênh mông” và “những đêm trăng thanh gió mát” luôn để lại “một vài luyến tiếc xa xôi”.
NHA TRANG
Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại
Ầm ầm tiếng sóng xa đưa
Nha Trang cảnh đồng bao la bát ngát
Hương quê dâng lên ngào ngạt
Hòa cùng sức sống yên vui.
Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ
Bao năm du khách hằng chờ
Một ngày ghé đến Nha Trang
Ai ơi người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền
Ngàn đời lòng tôi mến yêu.
Còn đâu những chiều vui xưa
Còn đâu những chiều say sưa
Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.
Còn đâu Tháp Bà êm mơ
Còn đâu Đá Chồng bơ vơ
Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ.
Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát
Ai qua không quên để lại
Một vài luyến tiếc xa xôi
Ai ơi người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền
Ngàn đời lòng tôi mến yêu.
Ngoài ca khúc “Nha Trang” nổi tiếng được nhiều người yêu thích, Minh Kỳ còn viết 3 ca khúc nữa về Nha Trang: “Người em miền cát trắng”, “Nha Trang chiều mưa” và “Nhớ Nha Trang”.