Nhạc ngoại lời Việt : dòng nhạc trữ tình của Demis Roussos

Tuấn Thảo

0 276

Có những giai điệu tưởng chừng đã quên, nhưng bỗng nhiên thịnh hành trở lại nhờ được dùng trong phim ảnh, trên mạng TikTok hay nhờ phim quảng cáo. Trường hợp gần đây là bài “Long long time” của Linda Ronstad hay “Running up that hill” của Kate Bush. Về phần Demis Roussos, dòng nhạc của ông bất ngờ ăn khách trở lại nhờ chương trình thi hát truyền hình The Voice Kids, phiên bản dành cho thiếu nhi.

Nhân cuộc thi hát mùa thứ 8 tại Pháp, cậu bé 11 tuổi Raynaud Sadon, đến từ đảo Réunion đã gây bất ngờ khi giành lấy ngôi vị quán quân. Ngay từ vòng giấu mặt, Raynaud đã chinh phục công chúng và ban giám khảo với một bài hát rất xưa so với lứa tuổi của mình. Thật vậy, “Goodbye My love, Goodbye” (Tạm biệt người yêu) từng lập kỷ lục số bán cách đây vừa đúng nửa thế kỷ nhờ bản ghi âm của giọng ca quá cố Demis Roussos (1946-2015). Năm nay là thời điểm phát hành album đầu tiên của ca sĩ “nhí” Raynaud và cũng đánh dấu 50 năm ngày ra đời của nhạc phẩm “Tạm biệt người yêu”. Cũng từ đó mà tên tuổi của nam danh ca Hy Lạp Demis Roussis mới trở nên vang dội, lẫy lừng trên khắp thế giới.

Tên thật là Artemios Roussos, Demis sinh trưởng tại Ai Cập trong một gia đình người gốc Hy Lạp. Năm 15 tuổi, ông theo song thân hồi hương, trở về Hy Lạp làm lại cuộc đời từ đầu. Demis Roussos thành lập ban nhạc đầu tiên (nhóm The Idols gồm 4 thành viên) năm ông 17 tuổi, thường xuyên đi hát ở phòng trà để kiếm tiền trong ba năm liền. Thành công bước đầu làm cho ông tự tin hơn nơi tài năng ca hát của mình.

Đến năm tròn 20 tuổi (mùa hè năm 1966), Demis tình cờ làm quen với nhạc sĩ Vangelis nhân buổi tiệc ăn mừng sinh nhật. Tuy có cùng một lứa tuổi, nhưng tánh tình của hai người rất khác nhau : Demis càng bộc trực nóng tính, Vangelis càng thâm trầm điềm tĩnh. Đổi lại cả hai nghệ sĩ trẻ tuổi này lại khá tâm đầu ý hợp, khi nói về chuyện âm nhạc sáng tác.

Đôi bạn Demis và Vangelis cùng quyết định rời Hy Lạp sang nước ngoài lập nghiệp. Ban đầu, họ dự tính sang Luân Đôn, nhưng rốt cuộc do tình huống đẩy đưa, họ bị kẹt lại tại Paris. Ban nhạc Aphrodite’s Child chính thức ra đời vào mùa hè năm 1968. Ngay từ ca khúc ghi âm đầu tay là ”Rain and Tears” (Mưa và Nước mắt), nhạc của Vangelis phóng tác từ giai điệu có từ thế kỷ XVII của nhà soạn nhạc cổ điển người Đức Johann Pachelbel, lời tiếng Anh của Boris Bergman (tác giả chuyên sáng tác sau này cho Alain Bashung), nhóm Aphrodite’s Child lập kỷ lục số bán, chiếm hạng đầu thị trường Pháp với hơn một triệu bản.

Trong tiếng Việt, nhạc phẩm ”Rain and Tears” có nhiều lời khác nhau. Lời thứ nhất là của tác giả Phạm Duy. Giai điệu ”Rain And Tears” trở thành nhạc phẩm ”Khóc Cùng Mưa” …..

Ôi cuộc sống ! Nước mắt đầy ….

Lệ tuôn rơi, cuộc sống tơi bời

Thấy rằng nỗi buồn như ….

Nước mưa xuống vơi đầy

Bao nhiêu tháng ngày buồn tênh

Lời Việt thứ nhì do tác giả Quốc Bảo chấp bút sáng tác. Phiên bản ghi âm đầu tiên của nhạc phẩm “Mưa và nước mắt” là của nam ca sĩ Bằng Kiều với những lời như sau :

Mưa buồn quá ! Cứ rơi hoài

Như lệ ai khóc tình

Ngày mai còn ai thương tiếc mình

Mưa buồn thế ! Đã lâu rồi

Mưa bạc tóc thề

Mà sao ta vẫn còn mê

Sau bốn năm thành công trên thị trường quốc tế, bất đồng lại nảy sinh giữa hai thành viên chính là Demis và Vangelis. Nhóm này chính thức chia tay nhau vào năm 1972 : Demis Roussos khởi nghiệp hát solo, còn Vangelis chuyển sang sáng tác nhạc phim, một lãnh vực mà ông rất thành công sau đó, vì tính đến nay ông đã soạn nhạc cho hàng chục bộ phim kể cả tài liệu lẫn phim truyện.

Mười năm sau khi ban nhạc Aphrodite’s Child rã đám, Vangelis và Demis mới bắt tay làm hoà trở lại. Họ hợp tác với nhau vào năm 1982 để ghi âm ca khúc chủ đề (Tales of the Future) của bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng “Blade Runner” của đạo diễn Ridley Scott, đạo diễn người Anh cũng vừa hoàn thành năm 2023 bộ phim lịch sử cổ trang về hoàng đế Napoleon Đệ Nhất với Joaquin Phoenix trong vai chính.

Trong vòng hai thập niên liền những năm 1970 và 1980, Demis Roussos cũng như Nana Mouskouri trở thành những giọng ca ăn khách trong làng nhạc nhẹ quốc tế. Cuối thập niên 1970, ông chiếm hạng đầu thị trường châu Âu nhờ nhiều ca khúc như “Forever and Ever” hay “No more Boleros” …. Do ông ghi âm trong 6 thứ tiếng, cho nên ca sĩ người Hy Lạp liên tục đi biểu diễn ở khắp nơi, từ Canada đến Nhật Bản, từ châu Âu đến Nam Mỹ. Trong vòng hơn 40 năm sự nghiệp, danh ca người Hy Lạp đã ghi âm trên dưới 30 album phòng thu và 12 tuyển tập, tính đến nay đã bán được 60 triệu bản trên toàn thế giới.

Một trong những phiên bản ghi âm lại gần đây là nhạc phẩm “Ainsi soit-il” của nhóm Alain Morisod. Được viết theo điệu bolero, bản nhạc này có nhiều lời khác nhau trong tiếng Việt. Lời đầu tiên mang tựa đề “Ánh trăng tan” do nam ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày, được nhiều nơi ghi chép là của tác giả Đặng Hiền.

Còn đâu nữa em những ngày âu yếm bên nhau

Còn đâu nữa em một thuở ban đầu

Về theo ánh sao trong chiều nhạt nắng phai mau

…. Tình như bão tố, cuốn mất đời nhau

Lời thứ nhì ”Tình Em Sóng Biển” là của nữ ca sĩ Ninh Cát Loan Châu với cách đặt lời rất thoát, khác xa hẳn với nguyên tác.

Tình em đắm say như từng ngọn sóng xôn xao

Tình em thiết tha tựa gió mây ngàn ….

Hòa muôn ánh sao bao chiều gọi nhớ mong nhau

Tình em say đắm chất ngất sóng tràn

Có những giai điệu cứ tưởng chừng đã quên, nhưng nhờ các phiên bản phóng tác, những bản hoà âm lại, mà bỗng nhiên giữ nguyên sắc tươi thắm, nét xanh mãi hồn nhiên.

Theo Tuấn Thảo- RFI

Leave A Reply

Your email address will not be published.