Nhật Ngân và “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?”

Huỳnh Duy Lộc

0 890

Nhật Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân, sinh ngày 24 tháng 11 năm 1942 tại Thanh Hóa, là con út trong một gia đình có 6 người con đã theo cha mẹ di cư vào Nam năm 1954. Thân sinh ông là một công chức thường di chuyển nhiều nên Nhật Ngân đã sống ở nhiều nơi như Huế, Đà Nẵng. Về sau, ông cùng mẹ vào Sài gòn, theo chân các anh chị đã vào đây từ trước, khi cha ông qua đời đã lâu.

Vào Sài gòn, ông theo học tại trường Võ Trường Toản, đến khi có bằng tú tài, ông trở ra Đà Nẵng dạy Việt văn và âm nhạc tại trường Phan Thanh Giản. Thời gian ở Ðà Nẵng và Huế, ông đã đến với âm nhạc qua sự chỉ dẫn của các linh mục rồi sau đó, khi vào Sài gòn, ông được sự hướng dẫn của những người thân trong dòng họ như nhạc sĩ Ðỗ Thế Phiệt và nhạc sĩ Nhật Bằng. Theo lời ông, lẽ ra ông đã trở thành một nhạc công đàn violon như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình quá nghèo, không đủ khả năng mua cho ông nhạc cụ này nên ông đã quyết định thôi học đàn, đi vào con đường sáng tác.

Ca khúc đầu tay của ông là “Tôi đưa em sang sông” viết về một mối tình không thành như lời kể của ông: “Khi trở về dạy học ở Ðà Nẵng, tôi có một người yêu, mà thời đó với các gia đình ở miền Trung, phải có chức phận thì họ mới gả con gái cho mình. Thế nhưng thuở đó, tôi chỉ là người dạy học, nhất là còn trẻ lắm, nên gia đình cô ấy không chịu gả và cô ấy đi lấy chồng“. “Tôi đưa em sang sông” đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng yêu thích, chép tay chuyền cho nhau hát. Sau đó, ông gởi ca khúc này vào Sài gòn, nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến giùm. Y Vân đã sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc bấy giờ là không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị. Khi phát hành, “Tôi đưa em sang sông” đề tên hai tác giả là Trần Nhật Ngân và Y Vũ, em trai của Y Vân.

Năm 1965, ông nhập ngũ, về làm việc tại Cục Tâm lý chiến, rồi chuyển về làm trưởng ban văn nghệ tại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung cho đến năm 1975. Thời kỳ này, ông đã viết nhiều ca khúc về người lính như “Người tình và quê hương”, “Lính xa nhà”, “Mùa xuân của mẹ”, ”Xuân này con không về”…

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông chậm chân lên tàu để di tản nên có những trải nghiệm trong 7 năm về chế độ mới ở miền Nam. Thỉnh thoảng ông cùng với một số nghệ sĩ cùng hoàn cảnh đi trình diễn ở nhiều nơi. Năm 1982, ông rời Việt Nam một mình, ở trại tỵ nạn Sikiu của Thái Lan cho đến năm 1984 mới nhập cảnh vào Mỹ, được nữ ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ để về sống ở phía Bắc Hollywood. Một thời gian sau, ông dời xuống Orange County ở chung với nghệ sĩ Nguyễn Long trong khi chờ ngày đoàn tụ với vợ con.

Sinh hoạt âm nhạc của cộng đồng người Việt vào thời kỳ ông định cư tại Mỹ chưa thật sự phong phú nên ông xoay qua làm báo khi được nhà văn Hoài Điệp Tử mời về cộng tác với báo Mai. Đến khi phong trào phim bộ bùng phát và những trung tâm âm nhạc của người Việt ra đời, Nhật Ngân cũng như nhiều nhạc sĩ khác đã có cơ hội hoạt động theo sở trường của mình. Ông đặt lời cho những bản nhạc trong phim bộ hay đặt lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc như “Xin cho một nụ cười” do Ôn Triệu Luân (Wen Zhao Lun) trình bày trong bộ phim Hoa ngữ “Vòng lửa hoa hồng” (1992) của hãng phim TVB, “Cuộc đời phù du” trong bộ phim Hoa ngữ “Máu nhuộm bến Thượng Hải “, “So viele Lieder sind in mir” (Hạnh phúc nơi nào) của Đức và “Je ne pourrais jamais t’ oublier” của Pháp.

Đến khi sinh hoạt âm nhạc ở hải ngoại khởi sắc trở lại, ông có cảm hứng để tiếp tục sáng tác nhạc và số ca khúc ông viết được nhiều gấp 3 lần số ca khúc viết ở trong nước. Ông từ trần ngày 21 tháng 1 năm 2012 ở tuổi 70 tại California.

Nhật Ngân đã viết ca khúc “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh” vào tháng 8 năm 1975, được nữ ca sĩ Ngọc Minh phổ biến lần đầu tiên ở hải ngoại.

Ca khúc “Anh giải phóng tôi hay tôi giải phóng anh?” với giọng ca Ngọc Minh: https://youtu.be/yE4XFIEEwKs
Ảnh: Nhạc sĩ Nhật Ngân, với nhạc sĩ Trần Trịnh.

Leave A Reply

Your email address will not be published.