Phạm Duy và ca khúc “Chiều Về Trên Sông”

Huỳnh Duy Lộc

0 867

(Kỷ niệm 11 năm ngày mất của nhạc sĩ Phạm Duy (27.1.2013 – 27.1.2024)

“Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ
Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo…”

Nhạc sĩ Phạm Duy đã tự viết tiểu sử của mình và giới thiệu những ca khúc thuộc nhiều thể loại ông đã sáng tác suốt mấy chục năm hoạt động âm nhạc: “Tên và họ là Phạm Duy Cẩn, nhưng khi thành nghệ sĩ thì xin được xưng tên là Phạm Duy (hai chữ mà thôi). Sinh ngày 5 tháng 10 năm 1921 tại Hà Nội, con út của nhà văn, nhà báo Phạm Duy Tốn. Lấy ca sĩ bộ đội (Trung đoàn 304) là Phạm Thị Thái, tự Thái Hằng, làm vợ vào năm 1949, có con đầu lòng là Duy Quang lúc còn ở Khu IV Thanh Hóa. Khi hai vợ chồng vào Sàigòn sinh sống bằng nghề âm nhạc thì có thêm 4 người con trai là Duy Minh, Duy Hùng, Duy Cường, Duy Đức và 3 người con gái là Thái Hiền, Thái Thảo, Thái Hạnh. Trong số này, 6 người con trở thành ca sĩ, nhạc sĩ nổi danh trong nhiều năm trời.

Học chữ tại các trường tiểu học Nguyễn Du, trung học Thăng Long, học nghề tại Trường Kỹ nghệ thưc hành, học vẽ tại Trường Cao đẳng mỹ thuật, học nhạc với giáo sư Robert Lopez và là bàng thính viên (dự thính) tại Viện Nhạc học (Institut de Musicologie) ở Pháp. Xuất thân là thợ sửa máy radio, công nhân nhà máy điện, làm ruộng, phó quản lý và ca sĩ trong một gánh hát cải lương lưu động. Trở thành văn công trong kháng chiến chống Pháp. Khi vào sinh sống tại miền Nam, cùng với anh chị em vợ thành lập Ban Hợp ca Thăng Long, làm nhân viên Trung tâm Điện ảnh, sản xuất ca khúc thương mại, đi hát tại các đài phát thanh, phòng trà, khiêu vũ trường, đại nhạc hội và có lúc dạy nhạc tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sàigòn… Khi sống tại nước ngoài thì mở nhà xuất bản Phạm Duy Productions và đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới để bán sách, dĩa nhạc.

Từ lúc còn nhỏ, nhờ gia đình yêu chuộng văn nghệ, tôi được làm quen với nhạc dân tộc. Tới khi người anh lớn đi du học 7 năm bên Pháp đã tốt nghiệp rồi trở về nhà thì tôi được nghe nhiều dĩa nhạc, dĩa hát Tây phương và được đọc nhiều sách tiếng Pháp và học hỏi ít nhiều về nhạc ngữ Âu Tây. Khi tân nhạc Việt Nam vừa ra đời (khoảng 1940-1942) thì tôi đã có sáng tác “Cô Hái Mơ” phổ thơ Nguyễn Bính, “Gươm Tráng Sĩ”, “Phương Trời Xa”… Khi tôi đi theo gánh hát lưu động (gánh Đức Huy) suốt dọc đường cái quan, từ miền Bắc qua miền Trung tới miền Nam, tôi trở thành ca sĩ chuyên nghiệp đầu tiên, phổ biến trong dân chúng những bài dân ca phục hồi như “Ngồi Tựa Sông Đào” và tân nhạc như “Buồn Tàn Thu” của Văn Cao, “Con Thuyền Không Bến” của Đặng Thế Phong, “Bản Đàn Xuân” của Lê Thương…

Khi xảy ra cuộc toàn quốc kháng chiến thì tôi trở thành cán bộ văn nghệ làm việc trong nhiều cơ quan, đơn vị tại Việt Bắc, tại miền trung du Bắc bộ và tại Liên Khu IV. Trong thời kỳ này, tôi đã sáng tác nhạc hùng, nhạc tâm tình theo phong cách dân ca kháng chiến: “Nhớ người thương binh”, “Dặn dò”, “Mùa đông chiến sĩ”, “Ru con”, “Nhớ người ra đi”, “Tiếng hát trên sông Lô”, “Bên ni bên tê “(Người lính bên kia), “Mười hai lời ru”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Bao giờ anh lấy được đồn Tây” (Quê Nghèo), “Về miền Trung”, “Gánh lúa” …

Đã đưa ra hình thức đoản khúc dân ca với những bài soạn ra trong và sau kháng chiến, bây giờ nếu tôi muốn phóng đại hình thức này lên thì tôi phải đi học cách phát triển âm giai và tiết điệu quốc tế. Tôi bỏ ra gần hai năm (1954-55) để qua Pháp, tham dự những buổi giảng về “Sự thành hình và biến hình của ngũ cung tại Viện Nhạc học Paris và học nhạc sử quốc tế với giáo sư Robert Lopez. Tôi khởi sự soạn trường ca “Con đường cái quan” ngay từ lúc này. Tiếp theo đó, “Mẹ Việt Nam” (ra đời sau loạt 10 bài tâm ca mang tính chất phê bình xã hội) cũng là bản truờng ca của tình tự dân tộc, tình ca quê hương, kêu gọi đàn con Việt yêu thương nhau dù đang phải sống một thời kỳ rất nhiều nhiễu nhương.

Biến cố tháng 11 năm 1963 (đánh đổ chế độ Ngô Đình Diệm) ở miền Nam kéo theo nhiều xáo trộn. Về mặt chính trị, thường xuyên có những vụ đảo chính, chỉnh lý, xuống đường. Về mặt quân sự, sự có mặt của quân đội ngoại quốc trên đất nước khiến cho chiến tranh khởi sự leo thang dữ dội. 10 bài Tâm Ca, với những tựa đề như “Tôi ước mơ”, “Tiếng hát to”, “Ngồi gần nhau”, “Giọt mưa trên lá” , “Ðể lại cho em”, “Một cành củi khô”, “Kẻ thù ta”, “Ru người hấp hối”, “Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe”, “Hát Với Tôi.”.. đã cất lên tiếng nói lương tâm của con người đối mặt cùng sự thật và nhận diện lại mọi thứ trong đời. Tâm ca đươc kéo dài với một số bài ca phê bình xã hội mà tôi gọi là Tâm phẫn ca: “Tôi không phải là gỗ đá”, “Người lính trẻ”, “Bà mẹ phù sa”…

Giữa bài tình khúc đầu tiên của tôi – “Cô hái mơ”, soạn năm 1942 tới bài tình khúc cuối cùng – “Chỉ chừng đó thôi” soạn năm 1974, có nhiều bài… Trong cuộc đời rất dài và rất sống động của một ca nhân, thỉnh thoảng những băn khoăn siêu hình cứ lảng vảng len vào nhạc tôi một cách vô hại. Thế rồi dù nhạc tôi rất chú trọng tới sự phản ánh cuộc đời trước mặt bằng những bài ca hiện thực, nhưng những bài hát siêu hình cứ thỉnh thoảng lại được thốt ra như “Lữ hành”, “Dạ lai hương”, “Xuân ca”, “Xuân hành”, “Dạ hành”, “Một bàn tay”, “Những bàn chân”, “Mộng du”, “Nhạc tuổi vàng”, “Chiều về trên sông”, “Đường chiều lá rụng”, “Nước mắt rơi”, “Tạ ơn đời”, “Những gì sẽ đem theo về cõi chết”…

“Chiều về trên sông” của Phạm Duy là một trong những ca khúc được nữ ca sĩ Thái Thanh, người em vợ của ông, thể hiện rất thành công, “hát mạch lạc từng câu, từng chữ với âm sắc hoàn toàn Việt Nam” như lời ca sĩ Quỳnh Giao.

Phạm Duy đã kể về tâm tình của ông khi sáng tác bài hát “Chiều về trên sông” vào năm 1957: “Tôi nhớ đồng quê, tôi nhớ thiên nhiên vô cùng. Tôi tìm mọi cách để ra đi. Rồi tôi có những buổi chiều ngồi bên dòng sông Cửu Long. Chuyến đi về miền Cửu Long Giang này không kích thích sự tò mò của tôi vì ở trong Nam không có nhiều danh lam thắng cảnh như ở các miền ngoài. Nhưng tôi cũng được sống với cảnh vật của quê hương tôi, sống với những nhánh sông của chín con rồng để chiều chiều, giống như thi sĩ Huy Cận, nhìn ra mình là ‘củi một cành khô lạc mấy dòng’ trôi trên sông ‘mênh mông không một chuyến đò ngang’ để mấy chục năm sau có bài hát nhan đề ‘Chiều về trên sông’…”

Ngồi một mình bên dòng sông khi chiều về, ông cảm nhận nỗi cô quạnh của tâm hồn mình giữa đất trời bao la và thấy nỗi nhớ thương tình yêu cất lên thành tiếng hát u buồn trong không gian vắng lặng. Dòng sông trôi dưới nắng chiều giống như dòng đời lặng lẽ trôi, có lúc lững lờ như những niềm vui nhẹ nhàng chợt đến rồi đi, có lúc cuồn cuộn như những nỗi đau đớn tột cùng làm cho tâm hồn chơi vơi trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng đời không chỉ có những điều phũ phàng hay những oán thù không thể hóa giải mà có khi là những giấc mơ tươi đẹp có thể biến mọi thứ thành thơ. Tiếng hát cất lên giữa buổi chiều quạnh vắng có thể làm cho đời thêm buồn, nhưng tâm hồn của người cất tiếng hát đã nhẹ nhàng hơn vì nỗi lòng đã được giãi bày qua khúc hát. Khúc hát vang lên trong chiều bên dòng sông đang lững lờ trôi ấy là khúc hát của một người thấy thương đời và thương yêu mọi người trong bể sầu của cuộc đời:

Chiều buông trên dòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong, ơi chiều
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều
Buồn tôi không vì sao bỗng dưng
Theo đò ngang quá giang thương chiều
Bởi vì thương nhiều nên nhớ tình yêu
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ
Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ
Có khi vui lững lờ
Có khi tuôn sầu u
Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm buồn
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo
Chiều buông trên dòng sông cuốn mau
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều
Về đây bọt bèo muôn khắp nơi
Vui buồn cho có đôi không nhiều
Ngày mai sông về quê mến yêu
Cho trùng dương cũng theo hương chiều
Bể sầu không nhiều nhưng cũng đủ yêu.

HUỲNH DUY LỘC

Ca khúc “Chiều về trên sông” với giọng ca Thái Thanh trong CD “Thái Thanh hải ngoại 3 – Đêm màu hồng”: https://youtu.be/xON5XWnytk4?si=uFPys2hVJ2sCP1Rb
Ca khúc “Chiều về trên sông” với giọng ca Ý Lan: https://youtu.be/zS4QNWNzU8Q?si=hBNy4MxWxDFdcHq0
“Chiều về trên sông” với giọng ca Lệ Hồng: https://youtu.be/psum_1A2cBI?si=a446w1I38g-jFd9p
Ngày 27.1.2024, ca sĩ Lệ Hồng sẽ mở đầu chương trình “Trà chiều cùng Phạm Duy” tại rạp 5 Cinestar Hai Bà Trưng, 135 Hai Bà Trưng, quận 1 TP.HCM với 2 ca khúc “Chiều về trên sông” và “Kỷ niệm”.
Ca khúc “Chiều về trên sông” với giọng ca Diễm Liên: https://youtu.be/LXmq3oGBA7k?si=vHtXju1FOGM89jz9
Ảnh: Nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc phẩm “Chiều về trên sông”

Leave A Reply

Your email address will not be published.