Nổi tiếng với những tòa nhà màu hồng lâu đời, Jaipur là “thành phố được quy hoạch” đầu tiên của vua Sawai Jai Singh, một nhà thiên văn học đã sử dụng vị trí của các hành tinh làm kim chỉ nam khi quyết định hướng và vị trí của các công trình. Ông dời thủ đô của vương quốc mình từ ngôi làng Amer gần đó đến Jaipur vào năm 1727.
Trong những năm tiếp theo, các vị vua của Rajasthan tiếp tục phát triển nghệ thuật và kiến trúc ở đây, trong đó có cả hậu duệ của vua Sawai Jai Singh là vua Sawai Pratap Singh.
Pratap Singh là một người có khiếu nghệ thuật. Những bức tường thành nguy nga cổ kính của Jaipur là minh chứng rõ ràng hơn cả về tình yêu nghệ thuật của ông. Nhưng không nơi nào thể hiện điều đó rõ như ở Hawa Mahal, nơi không chỉ có kiến trúc tuyệt đẹp mà còn mang đến những bài học về xây dựng bền vững.
Được hoàn thành vào năm 1799 và hiện là Di sản Thế giới của UNESCO, cung điện Hawa Mahal là một trong những biểu tượng và điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng bậc nhất Ấn Độ. Chính quyền nước này cho biết có khoảng 1 triệu người đến thăm Hawa Mahal mỗi năm.
Cung điện nổi tiếng nhờ mặt sau
Vượt qua những bức tường thành màu hồng và những khu chợ náo nhiệt của Jaipur, Hawa Mahal là một công trình kiến trúc hùng vĩ với những kim tự tháp vươn cao năm tầng.
Với chiều cao đáng kinh ngạc lên tới 26 m, cùng 953 cửa sổ có mái che được trang trí công phu, nhưng ít ai ngờ rằng những gì họ đang thấy là mặt sau của cung điện này.
Sanjay Sharma, hướng dẫn viên du lịch ở Hawa Mahal trong hơn hai thập kỷ, cho biết: “Thật là bất ngờ khi một cung điện không được biết đến nhờ mặt trước mà lại là mặt sau của nó. Mọi du khách đều ngạc nhiên trước những gì họ nhìn thấy từ con đường chính. Họ tạo dáng ngay trên con đường đó để chụp một bức ảnh check-in ở Jaipur và tiếp tục đi. Ít người tìm vào bên trong. Chỉ những bộ óc tò mò mới hiểu rằng đằng sau mặt tiền đỏ rực có nhiều thứ thú vị để khám phá hơn”.
Theo tiến sĩ Mahendra Khadgawat, giám đốc Cục Khảo cổ và Bảo tàng Bang Rajasthan, vua Sawai Pratap Singh là một tín đồ của thần Hindu Krishna và đã ủy quyền cho kiến trúc sư Lal Chand Usta xây dựng một công trình mang hình hài vương miện giống như vương miện của thần Krishna. Và Hawa Mahal là kết quả.
Một công trình ‘thông minh’ về mặt kỹ thuật
Kiến trúc sư Kavita Jain, một chuyên gia bảo tồn và di sản, cho biết Hawa Mahal còn đáng ngạc nhiên hơn thế.
“Đối với người dân thành phố, mặt sau của cung điện là một điều ấn tượng về mặt thị giác. Đối với bản thân nhà vua, đây là một công trình huyền thoại giúp các thế hệ sẽ nhớ đến ông. Nhưng đối với những người tinh tường, Hawa Mahal còn là một công trình có những yếu tố kỹ thuật đầy thông minh lại mang tính thẩm mỹ”, Kavita Jain nói.
Ngày nay, cung điện này là một ví dụ điển hình về vai trò của khí hậu trong các thiết kế lịch sử của Ấn Độ và cung cấp bằng chứng về sự hiểu biết rất cao về các định luật nhiệt động lực học của người xưa.
Trong tiếng Hindi, “hawa” có nghĩa là gió, và “mahal” có nghĩa là cung điện và đây là cái tên không thể phù hợp hơn với công trình này.
Kiến trúc sư Shyam Thakkar cho biết: “Hướng của tòa nhà nằm trên trục đông-tây, phù hợp với hướng gió tự nhiên trong khu vực này. Gió thổi vào cung điện từ phía tây (qua một loạt bãi đất trống). Nó hút hơi ẩm từ vùng nước được đặt trong sân bằng cách sử dụng nguyên lý dòng đối lưu; khí nóng bốc lên, khí mát hạ xuống”.
Không dừng lại ở đó, Thakkar cho biết gió mang hơi ẩm thổi về phía 953 cửa sổ (jharokha) và làm mát không khí nhờ hiệu ứng Venturi – không khí đi qua một lối đi bị hạn chế, làm tăng tốc độ gió trong khi giảm áp suất.
“Các lưới phức tạp (jaalis) trên cửa sổ được chia nhỏ và phân phối luồng không khí đồng đều để đảm bảo không có điểm nóng; nó cũng kiểm soát độ chói trực tiếp của ánh sáng mặt trời”, ông nói thêm.
Sử dụng vôi (chuna) làm vật liệu lưới là bước đột phá cuối cùng. Bởi vôi có thể điều chỉnh nhiệt độ vốn có. Các tầng cũng đã được tách biệt theo mùa.
Ông nói: “Số lượng và kích thước của các lỗ thay đổi tùy theo từng tầng. Một số tầng có cửa sổ được che bằng kính màu và một số chỉ mở cửa sổ. Tỷ lệ không gian mở còn lại trên mỗi tầng được điều chỉnh theo mùa sử dụng, khiến Hawa Mahal trở thành một tòa nhà rất thích ứng với khí hậu”.
Lấy cảm hứng từ quá khứ
Jaipur nóng và khô hầu như quanh năm. Trong những tháng mùa hè cao điểm, nhiệt độ ở đây có thể lên tới hơn 43 độ C.
Giờ đây, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới, với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, những tiện nghi từng là xa xỉ nay đã trở thành nhu cầu thiết yếu, trong đó có điều hòa không khí.
Theo dữ liệu của IEA cập nhật vào tháng 10/2022, ước tính thế giới sẽ sử dụng thêm khoảng 1 tỷ máy điều hòa không khí trước cuối thập kỷ này.
Điều này dẫn đến lượng khí thải carbon nhiều hơn. Với việc Ấn Độ chiếm 17,7% tổng dân số thế giới, tác động toàn cầu là không thể tránh khỏi.
Đối mặt với nhu cầu cấp thiết về các tòa nhà bền vững hơn, xanh hơn, nhiều kiến trúc sư đang hướng về quá khứ để được hướng dẫn.
Thakkar nói: “Chúng ta có thể rút ra một hoặc hai bài học từ kiến trúc truyền thống của Ấn Độđể cung cấp môi trường thoải mái bằng cách khai thác tối đa các yếu tố như ánh sáng mặt trời và gió”.
Để tận mắt trải nghiệm hiệu ứng làm mát của Hawa Mahal, hãy đi vào bên trong cung điện thành phố Jaipur và phải mất phí vào cửa.
Thời gian tốt nhất để chiêm ngưỡng ánh sáng vàng là lúc mặt trời mọc, nhưng cung điện chỉ mở cửa từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Một vài quán cà phê nhỏ trên con phố đối diện mở cửa cho những ai muốn chụp ảnh Hawa Mahal trong ánh nắng sớm mai.
Kiến trúc sư Jain kết luận, trong khi các cấu trúc mới ngày nay có thể tiên tiến hơn về mặt công nghệ, thì các tòa nhà di sản như Hawa Mahal là vô song về khả năng gây kinh ngạc.
“Chúng là vĩnh cửu. Tôi không thể tưởng tượng rằng 200 năm sau, mọi người vẫn nhớ đến một tòa nhà chọc trời bằng kính không có khuôn mặt trong một khu rừng bê tông như Hawa Mahal”, cô nhận xét.
Theo CNN