“Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ”

Huỳnh Duy Lộc

0 497

(Sea Map – Trade with the State of Jiaozhi)

“Vào đầu thế kỷ XVII, Mạc phủ Tokugawa của Nhật Bản phân biệt tàu thuyền của bọn hải tặc với tàu thuyền của các thương nhân bằng cách cấp phép thông hành châu ấn thuyền (red seal) cho tàu thuyền của các thương nhân sẽ được chính thức bảo vệ. Các châu ấn thuyền hoạt động hết sức sôi nổi dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, hơn 32% châu ấn thuyền đến các cảng ở Đông Nam Á đã cập bến ở Hội An: 60 chiếc trên tổng số 185 chiếc. Để so sánh, có thể nêu những con số: chỉ có 28 châu ấn thuyền đến Đàng Ngoài, 31 chiếc tới Xiêm (Thái Lan), 31 chiếc tới Philippines, 24 chiếc tới Cambodia và 1 chiếc tới Champa. Giao thương với Hội An chiếm ¼ giao thương của Nhật Bản vào thời kỳ này” (A History of the Vietnamese, K.W.Taylor, tr. 291, 292).

Vào đầu thế kỷ XVII, mọi việc giao lưu, buôn bán của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á đều xuất phát từ Trường Kỳ (Nagasaki).

Nagasaki (長崎県 – Trường Kỳ huyện) là một tỉnh của Nhật Bản nằm ở phía Tây đảo Kyushu. Trung tâm hành chính là thành phố Nagasaki.

Cảng Nagasaki là nơi buôn bán sầm uất và là một cảng trọng yếu của Nhật Bản.

“Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” là di sản của gia đình Araki Sotaro (Hoang Mộc Tông Thái Lang 荒木宗太郎). “Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” là bức họa miêu tả chuyến hải trình vượt biển của một thương thuyền Nhật Bản đi từ Trường Kỳ (Nagasaki) cập bến Hội An đến Dinh Chiêm (lỵ sở Dinh trấn Quảng Nam tại Thanh Chiêm) dâng lễ vật yết kiến chúa Nguyễn.

Tác giả Carol Howland viết về bức tranh “Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ”: “Trong những báu vật của chùa Jomyo ở thành phố Tsusui (Nagoya, Nhật Bản) có bức tượng bồ tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara), vị bồ tát cứu khổ cứu nạn, bằng đá và một bức tranh nổi tiếng thời Edo mô tả một chuyến du hành đến miền Trung Việt Nam của Chaya Shinrokuro Masachika vào thời Tướng quân Ieyasu. Bức tranh này được gọi là “Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” (Sea Map – Trade with the State of Jiaozhi). Phần lớn những gì chúng ta biết về người Nhật ở Hội An bắt nguồn từ những ghi chú của Shinrokuro Masachika trên bức tranh này. Chaya Shinrokuro từ trần năm 1698, là một người thuộc gia tộc Nakashima, một trong 3 gia tộc giàu có nhất ở Kyoto; gia đình Chaya ở Nagoya là một trong những nhánh của gia tộc Nakashima. Chaya Shinrokuro đã có nhiều chuyến hải hành từ Nhật Bản tới Giao Chỉ (tên gọi của Hội An đối với người Nhật) từ năm 1625 tới năm 1629. Người ta không biết rõ có phải chính Chaya Shinrokuro đã tự tay vẽ bức tranh về chuyến du hành của mình khi ở Hội An hay không.

“Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” không chỉ có bản đồ và những ghi chú của Chaya Shinrokuro về con đường giao thương, mà còn có hình vẽ những thương thuyền Nhật Bản rời Nagasaki và cập bến Đà Nẵng, đi theo 3 chiếc thuyền nhỏ dẫn đường trên sông Trà Cổ. Chaya Shinrokuro vẽ những túp lều bằng rơm ở khu Đường (khu của người Hoa) được mô tả như là “khu của những người láng giềng” sống bằng việc dẫn đường cho những chiếc thuyền của Chaya từ Đà Nẵng tới Giao Chỉ. Điều thú vị hơn hết là ở cuối bức tranh có những hình vẽ khu phố Nhật ở Giao Chỉ (Hội An) vào thế kỷ 17. Tôi (Carol Rowland) rất thích thú khi tìm được một bản sao của “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” ở Bảo tàng Hội An.

Ở phần trên của bức tranh là những phác thảo những ngôi nhà 2 tầng với 5 người – có lẽ là những thành viên của gia đình Chaya ở Nagoya đang từ biệt ông. Ở một khoảng sau đó là một ngôi nhà ở Nagasaki có một người đàn ông – có lẽ là Shinrokuro – và 4 người trẻ tuổi đứng nói chuyện với những người nước ngoài. Có một thời kỳ Nagasaki là cảng duy nhất của Nhật Bản cho phép các tàu thuyền của nước ngoài cập bến. Như được mô tả trên bức tranh “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ”, khu phố Nhật ở Giao Chỉ dài bằng 3 khu nhà, ở gần một con sông và, không giống như khu Đường của người Hoa, có những ngôi nhà 2 tầng trang trí đẹp đẽ, cất sát vào nhau và có mái nối liền nhau. Rõ ràng là người Nhật đã xây cất những ngôi nhà này giống như những ngôi nhà của họ ở Nhật Bản, vừa dùng làm nơi ở, vừa dùng làm trụ sở và nhà kho. 2 trong 3 ngôi nhà có 3 tầng được xây cất kiên cố theo phong cách Kyoto, có lẽ dùng làm nơi gặp gỡ của cộng đồng người Nhật ở Giao Chỉ…” (Secrets of Hoi An, Vietnam historic port, Carol Howland, tr. 126, 127)

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: “Giao Chỉ Quốc mậu dịch độ hải đồ” và châu ấn thuyền của Nhật Bản

Leave A Reply

Your email address will not be published.