Mark Pendergrast và những câu chuyện thú vị về cà phê

Huỳnh Duy Lộc

0 702

Mark Pendergrast sinh năm 1948 tại thành phố Atlanta, bang Georgia của Mỹ, có bằng cử nhân Văn chương sau 4 năm theo học Đại học Harvard. Anh đi dạy ở các trường trung học công lập của Mỹ trong vài năm rồi theo học ở Simmons College tại Boston cho đến khi có bằng cao học Thư viện học. Anh bắt đầu khảo cứu sách vở và bắt đầu viết lách, đến năm 1991 dành hết thời gian cho công việc viết sách. Anh đã viết cả thảy 14 cuốn sách về những đề tài khác nhau, trong đó có 2 cuốn về các thức uống: “For God, Country and Coca-Cola” viết về Coca-Cola và “Uncommon Grounds: The history of coffee and how it transformed our world” viết về cà phê.

Các tác phẩm khảo cứu khác của anh là: “Memory Warp; The Repressed Memory Epidemic; Victims of Memory” viết về ký ức, “Mirror Mirror” viết về những chiếc gương, “Inside the Outbreaks” viết về các bệnh dịch và sức khỏe cộng đồng, “City on the Verge” viết về thành phố quê hương Atlanta, “Japan’s Tipping Point” viết về chính sách năng lượng của Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần ở Fukushima…

Mark Pendergrast

“Uncommon Grounds: The history of coffee and how it transformed our world” ấn hành năm 1999, kể lại câu chuyện của cà phê từ khi nó được khám phá trên một ngọn đồi ở Abyssinia cho tới khi thương hiệu cà phê Starbucks ra đời.

Mark Pendergrast đã viết về vùng đất Abyssinia, quê hương của cây cà phê: “Vùng đất Abyssinia, ngày nay được gọi là Ethiopia, rất có thể là quê hương của cây cà phê. Nằm ở một điểm hội ngộ giữa châu Phi và Ả Rập, vùng ta thường biết với cái tên Sừng châu Phi, đất nước có nhiều đồi núi này bị cắt ngang bởi Thung Lũng Lớn (Great Rift Valley) – vùng đứt gãy của vỏ trái đất, trông như mảnh đất trong Kinh thánh. Chính nơi đây Moses đã dẫn dân Do Thái băng qua Biển Đỏ gần đó, vượt lên phía Bắc để đi tìm tự do. Thời sau, có nữ hoàng của Vương quốc Sheba xuất thân từ những ngọn núi Ethiopia đã đến thăm vị vua Solomon ở Jerusalem, và theo như truyền thuyết, bà là người lập nên triều đại Axum, vốn thiết lập quyền thống trị của nó trong thế kỷ đầu tiên của Công nguyên…” (Uncommon grounds: The history of coffee and how it transformed our world, phần 1)

Một trong những truyền thuyết về cà phê kể rằng khoảng năm 850, chàng chăn dê Ả Rập tên Kaldi thấy đàn dê của mình có vẻ phấn khích và chạy nhảy mãi sau khi ăn những hạt của những bụi cây xanh mọc bên đường, đã thử hái những hạt này nếm thử và phát hiện ra chúng có tính năng kích thích trí não. Mark Pendergrast đã kể lại câu chuyện về chàng chăn dê Kaldi ở Abyssinia rất hấp dẫn: “Một cậu bé chăn dê tên là Kaldi, một thi sĩ đúng nghĩa, thích rong ruổi trên những con đường mòn do những móng guốc của đàn dê tạo nên khi chúng lùng sục những bụi rặm để tìm kiếm cỏ non. Công việc khá nhàn nhã, bởi vậy cậu tha hồ sáng tác nhạc và thổi sáo.

Cứ đến chiều muộn, khi cậu thổi đến một nốt chói khác thường, thì đàn dê lại vụt ra từ những chỗ chúng đang sục sạo trong rừng để theo cậu về nhà. Tuy vậy, một chiều nọ, cậu chẳng thấy tăm hơi con nào quay về. Kaldi thổi ống sáo một lần nữa, vẫn chẳng có con nào. Bối rối, cậu leo lên cao hơn để nghe ngóng. Cuối cùng, cậu cũng nghe thấy tiếng be be từ đằng xa. Dưới tán cây rừng nhiệt đới dày, ánh sáng khó lọt qua, những chú dê đang chạy tung tẩy, hục hặc với nhau, chân nhảy nhót và khoái chí kêu be be. Khi quan sát đàn dê, cậu bé thấy từng con dê nối đuôi nhau nhai nhai những chiếc lá xanh mượt và những quả màu đỏ của một thứ cây mà cậu chưa thấy bao giờ. Hẳn là những cây này đã làm cho lũ dê của cậu trở nên điên rồ như vậy. Nó có độc không? Liệu chúng có chết không? Cha cậu sẽ giết cậu mất! Lâu sau đàn dê mới chịu về nhà với cậu, nhưng chẳng con nào chết.

Ngày hôm sau, chúng chạy ngay ra sau cái hang ấy và lại ăn như ngày hôm qua. Lần này, Kaldi biết chắc rằng ăn chung với đàn dê cũng chẳng chết đâu. Lúc đầu, cậu nhai vài lá. Chúng có vị đắng. Tuy nhiên, khi nhai chúng, cậu thấy một cảm giác râm ran, rạo rực đi dần từ lưỡi xuống bụng và lan khắp cơ thể. Tiếp đến, cậu nhai mấy quả. Vị ngọt dịu. Một lớp nhầy dày ngon ngọt bao phủ ở lớp ngoài quả, rối đến hạt nhân bên trong. Truyền thuyết kể rằng tức thì Kaldi nhảy cỡn lên cùng với đàn dê. Cậu ta ca hát, nhảy múa quay cuồng. Thơ và nhạc tuôn ra lai láng. Kaldi nói với cha cậu về loài cây thần diệu này.

Không bao lâu sau khi người Ethiopia tìm ra cà phê, thức uống này đã được người Ả Rập bên bia Biển Đỏ buôn bán rất nhiều. Rất có thể chuyện đó xảy ra khi người Ethiopia xâm chiếm và thống trị Yemen khoảng những năm 50 của thế kỷ 6, họ đã tha hồ lập nên những khu canh tác cà phê. Người Ả Rập đã tập uống thứ nước kích thích này. Theo truyền thuyết, Nhà Tiên tri Muhammad đã tuyên bố rằng, với tác dụng tăng cường sinh lực của cà phê, ông có thể “làm cho 40 gã đàn ông ngã ngựa và quán xuyến được 40 người phụ nữ”. Người Ả Rập bắt đầu trồng cà phê, hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu những ngọn núi gần đó, gọi nó là ‘qahwa’, tiếng Ả Rập có nghĩa là ‘rượu’ – từ đó mới có từ ‘coffee’… (Uncommon grounds: The history of coffee and how it transformed our world, phần 1)

Tuy nhiên nhà nghiên cứu Antony Wild lại cho rằng câu chuyện Kaldi và đàn dê chỉ là câu chuyện hư cấu của những người mê uống cà phê: “Khi những lái buôn châu Âu đầu tiên đến Yemen đầu thế kỷ 17, họ cảm thấy rất hiếu kỳ về nguồn gốc của thứ cà phê mà họ đến mua.

Trong số những câu chuyện mà các thương nhân địa phương kể lại, có rất nhiều chuyện khá thú vị, bao gồm những chú chim cà phê nhiều màu sắc đầy tính thần thoại. Điều thú vị là Kaldi và câu chuyện những chú dê nhảy múa của anh không nằm trong số những câu chuyện được người châu Âu ghi lại. Câu chuyện về sự phát hiện ra cà phê này rất được ưa chuộng trong thời đại chúng ta đến nỗi nó được xem như một sự thật đã được xác minh. Chuyện kể về người chăn dê Kaldi, người nhìn thấy đàn dê của mình ăn trái cà phê và sau đó nhảy múa. Kaldi cũng ăn và cũng nhảy múa, sau đó anh ta nói với vị tu viện trưởng của một tu viện gần đó về phát hiện của mình. Nổi giận với thứ mà Kaldi cho là một chất gây nghiện, tu viện trưởng ném một vài quả cà phê vào lửa. Tuy nhiên hương thơm tỏa ra đã thuyết phục ông rằng loại quả này ắt phải có nguồn gốc thần thánh, và ông đã hãm cà phê rồi đem cho các tu sĩ khác uống để giúp họ tỉnh táo trong những buổi cầu nguyện ban đêm. Việc câu chuyện Kaldi không có mặt trong số những câu chuyện kể cho những người châu Âu đầu tiên là một minh chứng rõ ràng rằng nó có lẽ là sản phẩm được phát minh bởi những người kể chuyện ở các quán cà phê” (Coffee, a dark history, Antony Wild, tr. 42, 43).

Trích đoạn nguyên tác – Chương 1:
HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.