Trong tác phẩm “Xứ trầm hương”, nhà thơ Quách Tấn cho biết: “Khánh Hòa có nhiều sông. Có hai con sông đáng kể, từ Bắc vào Nam, là con sông Dinh và con sông Cù. Sông Cù, tức là sông Nha Trang. “Ðại Nam Nhất Thống Chí” chép là sông Phú Lộc. Sông dài chừng 60 cây số, chảy qua hai quận Diên Khánh và Vĩnh Xương. Sông có nhiều nguồn. Nguồn thì chính Tây chảy xuống, như nguồn Gia Lai, nguồn từ sông Máu. Nguồn từ Tây Bắc chảy vô như nguồn Gia Toui. Nguồn thì Tây Nam chảy ra như nguồn Gia Lê… Các nguồn hầu hết đều gặp nhau tại Thạch Trại, quận Diên Khánh. Hình giống như một cây quạt xòe. Tại Thạch Trại, nước các nguồn nhập lại, chảy về Ðông, thành con sông Cái, từ sông Cù, tức sông Nha Trang…
Từ Ngọc Hội trở lên là trung lưu sông Nha Trang. Từ Ngọc Hội trở xuống là hạ lưu. Tên Nha Trang, trên thực tế, chỉ dùng để gọi khúc sông từ Ngọc Hội chảy xuống biển. Sông qua thôn nào thì mang tên thôn ấy. Nhưng trong sách xưa như “Ðại Nam Nhất Thống Chí”, thường gọi là sông Phú Lộc vì sông chảy qua làng Phú Lộc, mà làng Phú Lộc trước kia là một làng có nhiều nhân vật hữu danh và thịnh vượng nhất vùng Vĩnh Xương Diên Khánh. Sách địa lý ngày nay thường dùng tên Nha Trang mà gọi sông. Anh chị em bình dân thì gọi là sông Cái. Còn khách hàn mặc thì gọi là Cù Giang, tức sông Cù. Theo các vị cố lão ở Khánh Hòa thì Nha Trang là tên kỳ cựu của con sông. Nha Trang do tiếng thổ âm của người Chiêm Thành mà đọc trại ra. Tiếng đó là Ea Tran hay Yjatran. Ea hay Yja là nước, là sông. Tran là lau lách. Gọi như vậy là vì xưa kia, hai bên sông lau lách mọc đầy.
Câu thơ được truyền tụng ở Khánh Hòa:
“Lưỡng ngạn vi lô trường đảo hải
Tứ biên hoàng diệp dục vi thu”
(Trắng ngợp đôi bờ lau tới biển,
Vàng bay bốn phía lá gieo thu)
Có phải là câu thơ vịnh sông Nha Trang? Nha Trang vốn là tên con sông. Khi người Pháp đánh chiếm Khánh Hòa xong, mới lấy làm tên thành phố hiện tại. Nói tóm lại, dùng tên Nha Trang làm tên chính thức để gọi con sông Cù, tưởng đích đáng hơn tên nào hết…” (Xứ trầm hương, tr. 98-106)
Nha Trang vào năm 2020 đã là một “thành phố du lịch hiện đại được trang bị cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế và là điểm đến cho các sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng” như ghi nhận của “Cẩm nang văn hóa, du lịch Nha Trang – Khánh Hòa” của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, nhưng du khách đến thành phố ven biển này vẫn có thể thấy những nét đẹp của Nha Trang xưa từng được nhạc sĩ Minh Kỳ mô tả trong ca khúc “Nha Trang”. Vẫn còn đó “miền quê hương cát trắng” “có những đêm vọng lại tiếng sóng ầm ầm ngoài khơi xa” và có những cảnh đẹp làm say đắm lòng người như Tháp Bà, Hòn Chồng hay “bến Cầu Đá nên thơ”:
NHA TRANG
Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại
Ầm ầm tiếng sóng xa đưa
Nha Trang cảnh đồng bao la bát ngát
Hương quê dâng lên ngào ngạt
Hòa cùng sức sống yên vui.
Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ
Bao năm du khách hằng chờ
Một ngày ghé đến Nha Trang
Ai ơi người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền
Ngàn đời lòng tôi mến yêu.
Còn đâu những chiều vui xưa
Còn đâu những chiều say sưa
Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.
Còn đâu Tháp Bà êm mơ
Còn đâu Đá Chồng bơ vơ
Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ.
Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát
Ai qua không quên để lại
Một vài luyến tiếc xa xôi
Ai ơi người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền
Ngàn đời lòng tôi mến yêu.
HUỲNH DUY LỘC