Xứ Trầm Hương: Những nơi thờ phụng, Đền, Miếu

TVN

0 276

Coi như thắng cảnh cổ tích những nơi thờ phụng, như đền miếu, chùa chiền, xây cất đã trên trăm năm, hoặc dưới trăm năm mà có những dấu tích cũ, sự tích xưa đáng lưu truyền, hay có những phong cảnh đẹp, kiến trúc lạ đáng thưởng ngoạn.

Về phương diện tôn giáo không đề cập ở chương nầy. Nếu có nói qua, cũng chỉ để tô điểm cho cảnh vật mà thôi. Điều cốt yếu là đưa ra những cái xưa, cái lạ, cái đẹp, cái thú trong những cảnh vật hoặc đã mất hình nhưng còn bóng, hoặc đương còn hình tướng nhưng cái còn đó chỉ là hậu thân…

A) ĐỀN MIẾU
Tỉnh Khánh Hòa, cũng như các tỉnh khác ở Trung Việt, thời xưa đều có đắp những đàn để tế Trời Đất, tế Núi Sông, tế Quỉ Thần, như :

– Đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Tây thành Diên Khánh. Đó là đàn tế Trời Đất, dựng năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Đàn lộ thiên. Hai tầng đắp bằng đất. Tầng dưới vuông 10 trượng 4 thước 5 tấc, cao 1 thước 3 tấc. Tầng trên vuông 4 trượng 2 thước 3 tấc, cao 2 thước 5 tấc. Mặt xây về hướng Bắc. Đàn Xã Tắc ở các tỉnh là hình ảnh thâu nhỏ của đàn Xã Tắc ở Kinh Đô Huế. Quan đầu tỉnh thay mặt nhà vua đứng tế.

– Đàn Tiên Nông ở ngoài cửa Đông thành Diên Khánh. Đàn tế Thần Nông. Xây năm Minh Mạng thứ 13, sau khi xây xong đàn Xã Tắc. Đàn cũng bằng đất, một tầng. Vuông 3 trượng 6 thước, cao 2 thước 7 tấc.

– Đàn Sơn Xuyên ở ngoài cửa Tây thành Diên Khánh.

– Đàn tế Sông Núi. Xây năm Tự Đức thứ 5 (1852). Một tầng. Cũng bằng đất, cao rộng tương tự đàn Tiên Nông.

Những đàn nầy đã đổ nát từ ngày phong kiến nhường bước cho thực dân và hiện nay đã bị cào bằng thành bình địa không còn mảy may dấu tích !

Đó là những nơi tế tự dành riêng cho giai cấp cai trị địa phương. Chung cho mọi tầng lớp nhân dân là các đền các miếu. Những đền miếu quan trọng, tên được ghi vào sử sách, thân còn vững với nắng mưa, hiện nay không còn được mấy :

– Ở Diên Khánh có : Miếu Thái Tử, Đền Thiên Y A Na, Miếu Văn Thánh, Miếu Thành Hoàng, Miếu Hội Đồng.

– Ở Vĩnh Xương có : Miếu Sinh Trung, Đền Quá Quan.

– Ở Vạn Ninh có : Đền Mã Cảnh, Đền An Lương.

Còn một số ít nữa, tên tuy không thấy trong sách vở, nhưng danh được miệng thế truyền đi xa, như : Miếu cây Dầu Đôi, Cây Me ở Diên Khánh, Miếu Lỗ Lườn ở Ninh Hòa, v.v…

Những đền miếu nầy, qui mô không được rộng lớn, kiến trúc không có gì kỳ mỹ, cách trang trí cũng không lấy gì làm sang trọng xứng đáng với những vị thờ trong miếu trong đền. Lại thêm không được săn sóc thường xuyên, nên quang cảnh nhiều nơi hết sức tiêu điều ảm đạm. Người vãng cảnh nếu không nặng lòng cảm cựu thì không mấy ai có thể đứng lâu.

1) MIẾU THÁI TỬ
Ở tại Xuân Đài, thôn Phước Lương, xã Diên Phước. Miếu đứng dưới chân Hòn Ngang, cuối Đồng Lớn. Bên cạnh có một bụi tre sum sê và trước mặt một con mương gọi là Mương Hai chạy quanh co từ thôn Đảnh Thạnh vào Đồng Lớn. Miếu là một tiểu đình, mái ngói cột săn, tứ diện thông phong, đứng che một tảng đá vuông vức, mỗi chiều trên một sải, nằm giữa một đám đá lởm chởm. Trong miếu không có bàn thờ. Từ khí từ vật là một bàn cờ bằng đá có đủ bộ con cờ cũng bằng đá, một đôi giày đá và một bộ cối chày đá. Truyền rằng tảng đá vuông kia là tượng của Thái Tử. Hỏi Thái Tử là ai thì người địa phương đáp rằng là con vua Tần. Vua Tần tức là Vua Chàm. Tên nhà vua là gì không ai biết. Hỏi vì sao lại lấy tảng đá làm tượng, cũng không ai biết vì sao. Chỉ xưa thờ sao nay thờ vậy.

Miếu đã trùng tu nhiều lớp. Truyền rằng rất linh thiêng. Trong vùng, mỗi lần có người gặp chuyện oan ức nan giải, thường đem nhau đến miếu thề thốt. Thề xong cầm chày đá giã vào cối, vừa giã vừa lặp lại lời thề. Nhiều khi rất linh ứng. Vì vậy nhân dân địa phương rất kính sợ, không ai dám xâm phạm và ít người dám đến gần.

2) ĐỀN THIÊN Y A NA

Đền Thiên Y A Na, Am Chúa hiện nay

Thường gọi là Am Bà, ở trên hòn Qua Sơn tức Núi Chùa, Trong thôn Đại Điền Trung, quận Diên Khánh 20 . Truyền rằng bà Thiên Y Na giáng trần tại đây, và hiển thánh tại núi Cù Lao. Cho nên ở Cù Lao có tháp ở đây có đền. Đền lập đã lâu đời và đã trùng tu nhiều lớp. Trong đền có thần tượng bằng mít. Thời kháng chiến chống Pháp tượng bị hư, nhân dân địa phương tạc lại một tượng bằng thạch cao, thay thế. Ngôi đền không mấy đẹp. Nhưng phong cảnh chung quanh thật thanh kỳ. Phía sau, núi cao đá dựng, cây cối vướng víu cùng khói mây. Trước mặt, đồng lúa xanh bát ngát, và nhà cửa ẩn hiện trong vườn chuối bờ tre. Sau núi có hang cọp. Truyền rằng xưa kia có một con cọp mun ẩn náu. Cọp tu nên rất hiền, không bao giờ phạm sát. Trước đền có hai cây mã tiền, tức cây cổ chi sống lâu đời, cội cao tàn cả. Dưới gốc cây có mộ ông Tiều bà Tiều là cha mẹ nuôi của bà Thiên Y. 21

Thời thái bình, đền Thiên Y rất được du khách chú ý. Các tay phong nhã cũng thường đem nhau đến ngâm vịnh. Ai nấy đều khen là cảnh nên mộng nên thơ và đều say với cảnh :

Hương trầm thoảng vị gió đưa,

Mây trương cánh hạc nghìn xưa chập chờn.

3) VĂN MIẾU
Thờ đức Khổng Tử và tứ phối. Ở thôn Phú Lộc, quận Diên Khánh. Xây cất năm Gia Long thứ hai (1803). Trước kia ở phía trên nổng gò tục gọi Hòn Tháp 22 . Sau bị lụt xói sông Cái lở vào tận chân miếu, nên phải dời miếu xuống hướng Đông. Đó là vào năm Tự Đức thứ hai (1849).

Trước kia văn miếu cũng không rộng lớn lắm. Đến đời Pháp thuộc, nhất là sau khi chữ Hán cáo chung, việc tu bổ lơ là dần dần. Rồi đến thời kháng chiến chống Pháp thì bị sập đổ nhiều nơi. Hiện nay miếu chỉ còn là một ngôi nhà ngói ba gian hai chái, trung trung, và cũ kỹ.

Bên cạnh miếu, dưới gốc một cây cổ thọ, có một bàn thờ xây gạch. Đó là bàn thờ Chúa Sơn lâm, tức là Cọp. Mỗi lần tế miếu, đều đem một tợ thịt heo ba sườn ra đặt nơi bàn thờ. Truyền rằng : Lúc miếu còn ở phía Tây, cũng như khi miếu đã dời sang Đông, hễ tế xong thì cọp đến tha thịt đi. Lúc đến cũng như lúc đi, cọp tỏ vẻ hiền lành như một con gia súc. Lại có lắm đêm cọp về nằm ngủ nơi bàn thờ. Ngủ đã giấc rồi đi chớ không bao giờ làm hại đến người hoặc súc vật. Từ ngày bỏ cúng tế theo cổ tục, cọp không về nữa.

Khi xưa lựa thôn Phú Lộc để lập Văn Miếu, một là vì thôn ở bên nầy sông, đối diện cùng tỉnh thành ở bên kia sông, cách mà không xa, việc đi lại tiện lợi. Hai là vì thôn Phú Lộc là một thôn trù phú và có nhiều nhân vật có uy danh. Trong thôn, gần Văn Miếu, có Trường Văn và Trường Võ. Cạnh trường võ có lò đúc súng, gọi là lò Gang. Ở xóm Đông lại có lò làm giấy. Nhờ vậy mà thời phong kiến thịnh vượng, thôn Phú Lộc nổi danh nhất Diên Khánh. Và con sông Cái được mang tên Phú Lộc vào sử sách, mặc dù sông chảy qua nhiều thôn. Cũng nằm trong thôn Phú Lộc, miếu Hội Đồng và miếu Thành Hoàng.

4) MIẾU THÀNH HOÀNG
Miếu cất trên ngọn đồi Sơn Lâm, ở phía Đông Bắc văn miếu. Dựng năm Thiệu Trị thứ năm (1845). Sơn Lâm là một ngọn đồi bằng đá đứng giữa đồng bằng. Hình tròn đỉnh nhọn. Cây cối sầm uất. Bên đồi có một ao nước rộng chừng một sào. Bóng núi ngã vào ao trông như ngòi bút lông chấm vào nghiên mực. Do đó người địa phương gọi đồi là hòn bút, gọi ao là dĩa nghiên. Tức là Bút Sơn và Nghiên Trì. Khi quan Tỉnh chọn ngọn đồi để cất miếu Thành Hoàng, các nhân mỹ trong thôn không bằng lòng, song phép quan không dám cãi. Đỉnh núi bị phá bằng. Cây cối bị đốn trụi để lấy gỗ làm miếu. Hòn Sơn Lâm không còn giữ được quang cảnh thâm u của nghìn xưa. Truyền rằng : Trước khi Hòn Sơn Lâm chưa bị xâm phạm thì trong thôn có nhiều người học hành phát đạt. Nhưng từ khi « ngọn bút bị tà » thì việc học lần lần bị sút kém và văn phong văn khí không còn thịnh vượng như xưa.

5) MIẾU HỘI ĐỒNG
Nằm phía Nam miếu Thành Hoàng. Cất năm Gia Long thứ mười lăm (1816) bằng tranh. Trùng tu năm Tự Đức thứ hai (1849) lợp ngói. Ở Bình Định cũng có miếu Hội Đồng ở An Nhơn. Nhưng ở Bình Định thờ khác, Khánh Hòa thờ khác. Bình Định thờ Tam Giáo Đạo Sư :

– Ở giữa thờ Phật với tượng Tam Thế.

– Phía Tả thờ Tiên với tượng Tam Thanh.

– Phía Hữu thờ Thánh với tượng Tam Tòa. 23

Còn ở Khánh Hòa lại thờ Thần : Dương Thần và Âm thần. Có sáu bài vị :

– Hội Đồng Thượng đẳng Dương Thần.

– Hội Đồng Trung đẳng Dương Thần.

– Hội Đồng Hạ đẳng Dương Thần.

– Hội Đồng Thượng đẳng Âm Thần.

– Hội Đồng Trung đẳng Âm Thần.

– Hội Đồng Hạ đẳng Âm Thần.

Miếu ở Bình Định đã bị thời gian làm đổ nát rồi tay người hủy hoại từ lâu. Còn miếu ở Khánh Hòa gần đây đã biến thành trường. Trước miếu hiện còn cây cổ chi tức cây Mã tiền, sống lâu đời, thân cao tàn cả. Những gì của ngày xưa còn lại chỉ tìm thấy nơi gốc cổ thọ nầy.

6) TAM TÒA
Miếu ở phía Đông Miếu Hội Đồng. Không biết cất thời nào vì Đại Nam Nhất Thống Chí không thấy chép. Có lẽ do địa phương đứng cất nên không được sử sách ghi tên. Ở Bình Định cũng có đền Tam Tòa, gọi là Tam Tòa Sơn Thần Từ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì đền nầy do người Chiêm Thành lập ra để tỏ lòng nhớ ơn Oai Minh Vương con thứ tám vua Lý Thánh Tông, vì đã có công giúp vua Chiêm dẹp yên loạn trong nước. Sau vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành đến cửa Thi Nại, lên đền cầu đảo và phong làm « Tam Tòa Sơn chi thần ». Đền ở trên núi Phương Mai, tại biển Qui Nhơn. Nhưng theo lời các bậc phụ lão địa phương thì đền Tam Tòa Phương Mai do người Việt Nam lập để thờ chư vị thánh mẫu :

– Trên hết thờ : Đệ Nhất Thiên Thai, Đệ Nhị Thiên Đế, Đệ Tam Thiên Vị.

– Rồi đến : Tây Cung Vương Mẫu.

– Tiếp theo : Thập Nhị Tiên Nương, tục gọi 12 bà mụ, Lục thập Bổn Mạng Tiên Bà.

Đó là chỉ nghe truyền, chớ hiện thời đền không còn mảy may dấu tích, nên không biết sách chép đúng hay lời trong thế gian đúng. 24

Còn Tam Tòa ở Khánh Hòa thì gồm có ba ngôi :

– Ngôi chính thờ bà Thiên Y A Na với mười bản sắc của vua nhà Nguyễn phong tặng.

– Ngôi bên tả thờ thần Bạch Mã.

– Ngôi bên hữu thờ thần Ngũ Hành.

Và theo lời các vị phụ lão địa phương thì đền gọi là Tam Tòa bởi vì đền gồm có ba ngôi vậy. Đền không lấy gì làm đồ sộ nguy nga, song trang nghiêm thanh tịnh. Du khách bước chân vào đền tự nhiên cảm thấy bầu không khí linh thiêng huyền bí vây bọc chung quanh. Dù kẻ khinh bạc đến đâu cũng không dám hỗn xược phá phách. Nhờ vậy nên trải nhiều cơn dâu bể, đền vẫn không bị hư hại bởi tay người.

7) MIẾU CÂY DẦU ĐÔI
Miếu ở ấp Phật tỉnh, thôn Phú Ân Nam, cạnh Quốc Lộ số 1 về phía Nam. Miếu thờ thần « Quan Đại Thánh ». Vì nằm dưới bóng cây dầu đôi, nên người đời lấy tên cây mà gọi miếu.

Cây Dầu Đôi là một « cổ tích » của Khánh Hòa. Cây sống trên trăm năm. Một gốc hai thân. Mỗi thân lớn đến ba ôm và cao cũng đến mười lăm hai mươi thước, đứng song song như hai trụ kinh thiên, trông thật hiên ngang ngạo nghễ. Cây Dầu Đôi chẳng những làm tên cho miếu mà còn làm tên cho cả vùng. Người ở các nơi bảo đến Phật Tỉnh thì có lắm người không biết là nơi nào chớ nói đến cây Dầu Đôi thì không một ai không biết. Người địa phương rất quí trọng Cây Dầu Đôi. Quí trọng vì tuổi tác vì lợi ích. Chẳng những quí trọng mà còn kính sợ e dè. Đó là vì cây đứng cạnh miếu, mà miếu lại có tiếng rất linh.

Truyền rằng : Thời Pháp thuộc, có một lúc cả vùng Cây Dầu Đôi bị bệnh dịch hạch, người chết khá nhiều. Thần đạp đồng lên cho biết rằng có ba con quái thử to lớn đã đem tai nạn đến gieo rắc trong vùng. Chúng ẩn trong hang dưới bụi duối sau miếu. Thần ban cho ba đạo phù, bảo đem đốt ở nơi miệng hang, rồi đào miệng hang cho rộng, lấy vôi bột đổ vào. Chung quanh hang lại bao lưới. Nếu quái vật chết trong hang thì thôi, bằng chạy ra ngoài thì lấy vôi vãi lên mình và lấy gậy đứng xa mà đánh. Người trong thôn làm theo và giết chết được ba con chuột cống lớn tày bắp vế. Lại theo lời thần dạy, những nhà có người chết đều rải vôi, và người sống phải tránh xa trong một thời gian. Nhờ vậy mà nạn dịch dứt. Người trong thôn trước kia đã tin thần linh, từ ấy lại càng tin thêm. Sau rồi mới biết ba con chuột kia vốn của Viện Pasteur nuôi để làm thí nghiệm về thuốc trị dịch hạch. Ba con chuột bị sẩy. Nhân viên ở viện chỉ tìm quanh quẩn trong vùng Nha Trang, không ngờ chúng chạy lên đến Diên Khánh.

Ngoài chuyện trừ bệnh dịch hạch rất khoa học, người địa phương mỗi lần có việc đến cầu đảo, Thần đều ứng vào mộng hoặc vào đồng vào cơ. Nhưng lần lần lòng người tin khoa học hơn tin thần thánh, miếu Cây Dầu Đôi cũng lần lần bớt linh thiêng. Tuy vậy người địa phương đối với miến với thần vẫn còn kính sợ, và hương khói vẫn còn đượm nồng.

8) MIẾU CÂY ME
Miếu thuộc địa phận thôn Phú Ân Nam, cách miếu Cây Dầu Đôi chừng vài trăm thước, bên cạnh đường Quốc Lộ số 1. Thờ Phấn Nhĩ Quỉ Vương Thần Nữ, nhưng vì nằm dưới gốc cây me cổ thọ nên gọi là Miếu Cây Me.

Cây Me nầy sống đã lâu đời lắm, lâu đời hơn Cây Dầu Đôi rất nhiều. Gốc to đến mấy ôm và ruột bộng. Tán rộng, nhánh gân guốc khẳng khiu. Đây cũng là một món « đồ cổ » quí giá. Miếu tựa cây me, cây me tựa miếu. Cây me nhờ miếu mà thiên hạ sợ không dám xúc phạm. Miếu nhờ cây me mà tiếng hay khắp Bắc Nam. Nói miếu cây me thì ai cũng biết, chớ nói miếu thờ Bà Phấn Nhĩ Quỉ Vương thì không mấy người biết.

Miếu Cây Me linh có tiếng. Đi ngang qua, kẻ ngồi xe ngựa, phải xuống xe ngựa, kẻ đi bộ phải lấy nón cúi đầu. Truyền rằng : « Tả Quân Lê Văn Duyệt đi ngang qua miếu, cờ biển võng lọng nghênh ngang ». Quân bẩm : « Miếu linh thiêng, cúi xin ngài xuống võng ». Tả Quân bảo cứ đi. Hai tên khiêng võng không dám cãi lệnh. Vừa tới ngang miếu thì bụng tự nhiên đau nhói ngã quỵ, tay phải thả võng để ôm bụng… Tả Quân bị té xuống đất. Đứng dậy phủi áo, cười : « Tôi đi có việc gấp. Chị làm rắc rối làm chi thế, chị Phấn ? » Hai người khiêng võng liền hết đau bụng. Tả Quân lên võng đi. Câu chuyện lan truyền, thiên hạ sợ càng thêm sợ.

Lại truyền rằng : Khi Khánh Hòa đã có xe kéo lên xuống Thành Diên Khánh và Nha Trang thì có nhiều chuyện kỳ quái xảy ra. Những anh phu xe đi gần đến miếu thì cắm đầu cắm cổ chạy chớ không dám ngó quanh. Một hôm một chiếc xe từ Thành về Nha Trang. Trên xe không người. Nhưng sau khi qua khỏi miếu, chậm bước ngoảnh lại thì thấy một mỹ nhân ngồi trên xe ! Một hôm trời vừa chạng vạng, một chiếc xe kéo một thanh niên từ Nha Trang lên Thành. Khi gần đến miếu thì có một thiếu nữ xinh xắn xin cho đèo. Anh phu xe ham tiền, chàng thanh niên ham sắc, đều bằng lòng. Đi dọc đường, chàng thanh niên không giữ lễ. Khi đến gần tới thành thì thiếu nữ biến mất, còn thanh niên thì bị hộc máu chết tươi. Anh phu xe hết hồn đau liệt giường hàng tháng, v.v… Do đó hễ trời sắp tối thì không mấy ai dám đi ngang qua miếu. Rủi lỡ đường, mà thấy bóng đàn bà con gái thì lo chạy tránh. Miếu hiện còn, nhưng bớt linh.

9) ĐỀN SINH TRUNG
Đền dựng trên núi Hà Ra, cạnh đầm Xương Huân về phía Tây Bắc, trong thành phố Nha Trang. Dựng năm Đinh Mão (1807) triều Gia Long. Trùng tu năm Tự Đức thứ năm (1852). Đền thờ 350 công thần của nhà Nguyễn đã bị tử trận hay bị mệnh vong vì bệnh trong lúc tranh hùng cùng nhà Tây Sơn. Phần đông là những người mất tại Khánh Hòa. Tên trước kia Tinh Trung sao đổi là Sinh Trung. Tuy là đền thờ công thần, nhưng qui mô không được rộng lớn. Cách thờ phượng ngó cũng sơ sài, đối với đền miếu của đồng bào bình dân thật không hơn không kém. Nhưng phong cảnh rất mỹ quan 25 . Cạnh đền có cây cao. Trước đền có sân rộng.

Dưới chân núi, đầm Xương Huân láng lai và ăn thông ra sông Hà Ra, một nhánh của sông Nha Trang chảy ra biển. Bên kia đầm, khu Xương Huân và Xóm Cồn, nhà tôn chen nhà ngói. Và ngoài xa, ngó thẳng ra Bắc, núi nối liền núi, ngó xiêng xiêng xuống Đông, biển nối liền trời. Màu ngói sắc cây, bóng mây hơi nước… lớp ẩn lớp hiện, nơi tỏ nơi mờ. Xa cũng như gần, một ngó đều thâu trọn vào mắt.

Ba mặt Đông, Nam, Tây, thành phố Nha Trang mở rộng tận chân non, mặt biển. Cửa nhà chen chúc, đường rộn rịp xe chạy người đi. Những bồn hoa xinh xinh, những hàng cây rậm rậm. Đứng trên nhìn xuống, khách giàu tưởng tượng không khỏi ngỡ rằng mình đương ngắm cảnh Hàng Chân tả trong vần thơ cổ : « Sơn ngoại thanh sơn lầu ngoại lầu », mà Trường Xuyên phỏng dịch :

Xanh dờn non tiếp liền non,

Ngoài lầu hoa lại những còn lầu hoa.

Cảnh đã đẹp lại ở gần thành phố, cho nên khách phong lưu thường đến thưởng ngoạn. Xúc cảnh sanh tình, người làng thơ thường lưu lại được nhiều giai tác. Được nhiều người thuộc, có hai bài chữ Hán của cụ cử Nguyễn Tạo và của nhà Nho Trần Khắc Thành :

« DU SANH TRUNG TỪ NGẪU TÁC »

I.

Nhàn lai huề hữu thưởng xuân dương,

Lộ đáo Sinh Trung miễn lực cường.

Oanh chuyển hoa khai cung thẳng khái,

Sơn triều thủy nhiễu nhập bình chương.

Lâu đài ngoại vọng văn minh hóa,

Tướng sĩ trung lưu tánh tự hương.

Từ diện thanh quang đô khả ái,

Danh lam thiên tạo xuất tầm thường.

(Tr.K.Thành)

II.

Mích thắng xuân du khách tứ đồng,

Lưỡng tương huề thủ thượng Sanh Trung.

Hiến đồ nhập hoa giang san sắc,

Sùng tự trường minh tướng sĩ công.

Tiếp ngạn lâu đài ba diệm giã,

Cách thông gia liễu ấm thanh thông.

Danh đô huống thị phùng giai tiết,

Vô hạn di tình thưởng thức trung.

(Nguyễn Tạo)

Gần đây có mấy ông bạn yêu văn chương ở Bình Định và Quảng Ngãi vào Khánh Hòa, đến viếng đền Sinh Trung. Nhân cao hứng diễn hai bài thơ trên ra quốc ngữ :

DỊCH BÀI CỦA TRẦN TIÊN SINH

I.

Mình dạo tìm xuân với bạn mình,

Sinh Trung lần bước bước thinh thinh.

Oanh ca hoa nở câu nhàn hứng,

Nước điền non tô nét phẩm binh.

Hương khói ngạt ngào danh tướng sĩ,

Lâu đài thấp thoáng bóng văn minh.

Vời trông bốn bức phong quang trải,

Cao vút danh lam cảnh hữu tình.

(Nguyễn Hoài Văn)

II.

Tầm phương mình với bạn mình,

Sinh Trung thẳng bước thỏa tình đăng cao.

Oanh hoa giúp hứng thêm hào,

Non xanh nước biếc hiện vào bình chương.

Văn minh giợn bóng phố phường,

Danh thơm tướng sĩ mùi hương đượm đà.

Tranh treo bốn bức yên hà,

Xa vời thế tục một tòa danh lam.

(Trần Thúc Lâm)

DỊCH BÀI CỦA NGUYỄN TIÊN SINH

I.

Tìm xuân bước khách nhẹ thinh thinh,

Viếng cảnh Sinh Trung bạn với mình.

Màu sắc nước non in nét họa,

Công lao tướng sĩ tạc đền linh.

Lâu đài tiếp biển hoa lồng thắm,

Dừa liễu kề thôn bóng rợp xanh.

Trong chốn danh đô vầy thắng cảnh,

Cảnh thêm giai tiết xiết bao tình.

(Hồ Thăng)

II.

Vui xuân khách cũng đồng vui,

Sinh Trung dìu bạn lên chơi với mình.

Non sông vẽ bức tranh tình,

Hồn hương tướng sĩ đền linh ngạt ngào.

Biến lồng hoa thắm lầu cao,

Cách thôn dừa liễu dạt dào sóng xanh.

Danh lam ẩn bóng thị thành,

Gặp tuần giai tiết thỏa tình lãng du.

(Nguyễn Đình Mẫn)

10) ĐỀN QUÁ QUAN
Trong sách vở thì chép là Quá Quan từ. Nhưng người địa phương gọi là Miếu. Trong số từ miếu còn sót lại đến thời Pháp thuộc, đền Quá Quan là ngôi đền cổ nhất. Đền lập từ thời Hậu Lê, hoặc trong niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740), hoặc trong niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Đền ở thôn Xuân Phong, quận Vĩnh Xương. Cất dưới chân ngọn đồi tục gọi là Núi Đá Lố hay Hòn Lố. Kiểu thức cổ kính : Ba gian hai chái, mái ngói tường gạch, cây gỗ toàn danh mộc.

Phong cảnh kỳ tú. Hòn Đá Lố, tuy nhỏ thấp, nhưng hình thù cổ quái. Đá mọc ngổn ngang và chồng chất lên nhau, gồ ghề hốc hỉu. Nhiều cây cổ thọ, hoặc gầy guộc khúc khuỷu, hoặc bóng cả thân cao, chen chúc trong đá, xấp xới quanh đền. Sắc đá màu cây trộn lẫn cùng màu vôi sắc ngói, được thời gian « châm chước » thành một bức tranh màu sắc dịu dàng nhịp nhàng. Sau lưng núi Đá Lố là núi Mặt Quỉ. Gọi như thế là vì sườn núi đá mọc lởm chởm. Nhiều hòn kỳ hình dị dạng. Đứng xa trông vào thấy mắt miệng tai mũi, chỗ đen chỗ xám chỗ trắng chỗ xanh… chỗ lõm chỗ lồi, u nầng nham nhở, giống như mặt quỷ Dạ Xoa. Sau núi Mặt Quỉ, núi non trùng điệp. Đền ngó vào Nam. Trước mặt có bàu sen rộng lớn nằm trên cánh đồng ruộng mênh mông. Xa xa hàng tre xanh trên bờ sông Cái, chạy từ Tây xuống Đông đoanh lộn quanh co như một con thanh long uốn khúc. Phía Tây hòn núi Chúa ở Đại Điền Trung nhìn xuống. Phía Đông, biển Nha Trang và vùng núi Cù Lao với mấy ngọn cổ tháp nhìn lên. Nhìn khắp bốn bên, mắt rộng lòng cũng rộng.

Đền thờ Bà Thiên Y A Na. Trước kia xuân thu nhị kỳ, các quan Tỉnh phải sang dâng lễ. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép rằng khi xưa cống sứ nước Chân Lạp đi ngang qua đền, có vào bái yết. Đó là một sự kiện lịch sử đáng ghi. Nhưng tiếc rằng không biết việc xảy ra vào thời đại nào. Tuy vậy cũng có thể đoán rằng sau khi chúa Nguyễn đã làm chủ lãnh thổ của nước Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp. Thời bấy giờ con đường thiên lý chạy từ Nam chí Bắc, đến Khánh Hòa, phải đi ngang qua đền Quá Quan. Nếu từ trong đi ra thì đến thành Diên Khánh không xuống Nha Trang theo con đường Quốc Lộ số 1 hiện thời, mà qua sông Cái sang Phú Lộc, ra Đại Điền Đông, Phú Cấp, Xuân phong… Nếu ở ngoài đi vô thì đến Lương Sơn, không qua đèo Rù Rỳ để vào Nha Trang như hiện thời, mà lại quay lên hướng Tây Nam, qua đèo Tam Đảnh ở Đắc Lộc, đi xiêng xiêng vào Xuân Phong… Con đường Thiên Lý ngày xưa chạy ngang qua trước đền Quá Quan để vào thành Diên Khánh. Đó là con đường Liên Hương số 1 của tỉnh Khánh Hòa ngày nay. Biết rõ đường đi thì việc cống sứ vào bái yết đền Quá Quan không lấy gì làm lạ.

Nhưng sách Đại Nam nói rằng : « Nhân việc cống sứ vào bái yết mà gọi tên đền là Quá Quan » thì chưa lấy làm ổn. Theo lời các vị phụ lão địa phương thì bà Thiên Y A Na, từ Núi Chúa xuống tháp Cù Lao, hoặc từ tháp lên núi, đều đi ngang qua đền. Những lúc Bà đi thì một luồng hào quang sắc xanh, lớn như một cây lụa trải, bay giữa lừng trời. Đến đền thì hạ xuống giây lâu rồi mới bay tiếp. Đền coi như một cửa quan Bà qua lại, nên mệnh danh là Quá Quan. Có lẽ đúng như thế.

Đền đã bị súng đại bác của quân Pháp phá hủy năm Bính Tuất (1946) thời kháng chiến. Cây cối trước kia bị phá một phần, ngày nay phá một phần nữa. Nhưng đá vẫn còn lỳ gan với nắng mưa. Hiện nay tên « Quá Quan » trở thành một địa danh. Người phương xa qua lại, không ngờ trước kia có đền.

11) ĐỀN AN LƯƠNG
Ở thôn An Lương, quận Vạn Ninh. Lập thời nào không rõ. Đây là một đền cũ nhất trong tỉnh Khánh Hòa. Các bậc phụ lão đoán chừng đồng thời cùng đền Quá Quan, vào khoảng Lê Cảnh Hưng. Đền thờ Bà Thiên Y A Na, thần Bạch Mã, thần Thủy Hoàng và Thành Hoàng.

12) ĐỀN MÃ CẢNH
Ở tại đèo Cổ Mã cạnh đường Quốc Lộ số 1 26 . Thờ thần Chúa Vàng và Chúa Sắt 27 . Xây cất đời nào không rõ. Đã cũ và hư sập nhiều nơi. Nhưng hành khách ra vào đều tỏ lòng sợ sệt, mặc dù không biết rõ Chúa Sắt Chúa Vàng là vị thần nào, của ta hay của Chàm, và đã làm gì có lợi ích cho nhân dân mà được thờ phụng. Phong cảnh nơi đền, trên non dưới biển, trông rất hữu tình. Song phần thì sợ Chúa thờ trong miếu, phần thì sợ Chúa ngoài sơn lâm, cho nên không mấy ai dám dừng chân thưởng ngoạn. Tuy vậy vẫn có thơ đề :

Chúa Vàng Chúa Sắt là ai ?

Một tòa cổ miếu trong ngoài quạnh hiu !

Chim rừng chiu chít tiếng kêu,

Biển khơi hờ hững nước triều xuống lên.

Đường đời rộn bước đua chen,

Đèo cao vực thẳm ghe phen hãi hùng.

Gan vàng dạ sắt ai nung ?

Nước non gánh nợ ai cùng chung lo ?

Hương lòng dẫu tắt còn tro,

Mong sao vàng sắt giữ cho vững bền.

13) MIẾU LỖ LƯỜN
Miếu ở tại Hòn Đỏ ngoài vịnh Vân Phong, thuộc hải phận Ninh Hòa. Miếu đã lâu đời do các ngư phủ làm lưới đăng thiết lập để thờ một vị nữ thần trên đảo. Danh hiệu nữ thần là gì không ai biết. Bên miếu có một hang đá. Trong hang, vách có chỗ nổi lên hõm vào trông phảng phất như cơ quan sanh sản của phái nữ. Người địa phương gọi trại là Lỗ Lườn. Hang do đó mà mệnh danh.

Miếu vốn không tên riêng, nên cũng mượn tên hang mà gọi. Truyền rằng : Thần miếu Lỗ Lườn rất linh. Đến mùa làm cá, các ngư phủ phải sắm lễ vật ra đảo cúng tế. Nếu không thì chẳng những đánh không được cá mà còn gặp phải tai nạn gớm ghê. Thần ăn thịt sống. Xưa kia tế vật là một đồng nam hay một đồng nữ. Các chủ lưới đăng phải thay phiên nhau mà cung cấp. Người ta thường mua trẻ em của đồng bào Thượng về tế thần. Sau lệ tế người bị cấm và thay bằng lễ tam sinh. Bò heo dê làm thịt sạch sẽ nhưng để sống và nguyên con. Tế xong, người ra về hết. Phẩm vật để y tại chỗ. Sáng hôm sau đến xem thì chỉ còn thấy những xương.

Việc cúng tế hiện nay vẫn còn. Nhưng không còn tế người hoặc tam sinh như trước, mà dùng đồ nấu nướng như mọi nơi. Lễ vật tuy thay đổi, song có một nghi tiết từ xưa đến nay phải thi hành nghiêm chỉnh là : Cúng tế nơi miếu xong, vị chủ tế phải đến hang, trịnh trọng cầm khúc chày gỗ để sẵn thọc vào Lỗ Lườn ba lần, rồi mới lễ tất. Tục nầy của người Chiêm Thành truyền lại.

Người Chiêm Thành có một bộ lạc thờ thần Lingam (Dương vật) và thần Yoni (Âm vật). Tượng Thần hiện còn thấy đôi nơi. Tại Musée Chàm Đà Nẵng hiện còn hai tượng lớn. Lỗ Lườn tức là Yoni Việt Nam hóa vậy. Lỗ Lườn còn gọi là Lỗ Đĩ Dàng. Dàng là tên một vị thần của Chàm. Một số người Thượng cũng dùng tiếng Dàng để gọi thần linh. Nhưng không hiểu tại sao gọi là Đĩ. Ở Vạn Ninh, tại thôn Vinh Huề có một cái bàu gọi là Lỗ Đĩ. Bàu nằm trong một cánh rừng, hình bầu dục, rộng chừng năm sào ta, sâu lút một cây sào chân vịt. Cá, trạnh, ba ba, rùa… rất nhiều và rất lớn. Tiếng Đĩ ở bàu này và tiếng Đĩ ở miếu Lỗ Lườn có lẽ đồng nghĩa. Nhưng cổ nhân thủ nghĩa như sao, chưa một ai giải thích được thỏa đáng.

Cách đặt tên miếu và nghi thức hành lễ ở Lỗ Lườn là ngoại lệ. Toàn tỉnh Khánh Hòa, trong đất liền cũng như ngoài biển khơi, không còn nơi thứ hai vậy.

°

Đền Miếu ở Khánh Hòa cũng như ở các tỉnh khác ở Trung Việt, từ ngày Pháp đặt nền đô hộ trên lãnh thổ Việt Nam, đều lần lần bị triệt hạ hoặc bỏ hoang phế. Đến thời chiến tranh, những ngôi còn sót, lại bị tàn phá một lần nữa. Nên hay không còn được mấy. Và những di tích không được bảo tồn nầy, bị nắng mưa phũ phàng, e không thể tồn tại được lâu lắm.

Những đền miếu cổ, phần vật chất ngó không giá trị bao lăm, nhưng mặt tinh thần tưởng rất quan trọng. Bởi trước hết là của ông cha để lại, lẽ nào con cháu nỡ xem thường xem khinh. Sau nữa, những kiến trúc nầy không bị ảnh hưởng văn minh Âu Mỹ. Nhìn vào, các nhà khảo cổ có thể tìm được ít nhiều dân tộc tính Việt Nam Cho nên việc bảo tồn không phải không cần thiết vậy.

Theo Xứ Trầm Hương của Quách Tấn

Leave A Reply

Your email address will not be published.